Có một mặt trận truyền thông Nga-Ukraine

Thứ Bảy, 05/03/2022, 09:11

Giống như bất kỳ cuộc chiến tranh nào trước đây và tương lai cũng vậy, trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, mặt trận thông tin đang diễn ra gay gắt. Thông tin được các bên sử dụng như một vũ khí nhằm tung hỏa mù khiến khó ai phân biệt chỗ nào là thật và chỗ nào là giả.

Trong cuộc chiến hiện nay của Nga tại Ukraine, phe truyền thông ủng hộ Ukraine tỏ ra áp đảo bởi sự đông đảo của các báo đài phương Tây. Nhiều thông tin đưa ra không có kiểm chứng và đương nhiên theo hướng có lợi cho phe của mình. 

Liên quan đến phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin ngày 27-2, tuyên bố đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của quân đội Nga vào tình trạng báo động, sẵn sàng chiến đấu trước những tuyên bố gây hấn của NATO, ông Atamanenko, nhà khoa học chính trị, thành viên câu lạc bộ chuyên gia Nga Digoria cho rằng, các phương tiện truyền thông phương Tây đang coi đây là một loại vũ khí trong chiến tranh thông tin.

Có một mặt trận truyền thông Nga-Ukraine -0
Đại hội đồng Liên hợp quốc trong phiên bỏ phiếu lên án Nga đưa quân vào Ukraine.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 3-3 cáo buộc rằng ý tưởng về một cuộc chiến tranh hạt nhân đang ám ảnh các chính trị gia phương Tây, chứ không phải người Nga.

“Rõ ràng, Thế chiến thứ ba chỉ có thể là một cuộc chiến tranh hạt nhân”, ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với truyền thông trong nước và quốc tế ngày 3-3, theo AP. “Nhưng, tôi muốn chỉ ra rằng ý tưởng về một cuộc chiến tranh hạt nhân đang liên tục xoay vần trong đầu các chính trị gia phương Tây chứ không phải người Nga. Do đó, tôi đảm bảo rằng người Nga sẽ không cho phép bất kỳ hành động khiêu khích nào làm chúng tôi lúng túng”, ông Lavrov nói.

“Có một số từ ngữ và kỹ thuật được sử dụng để thu hút sự chú ý của công chúng.Điều này bao gồm việc nói về vũ khí hạt nhân trong bất kỳ hành động quân sự nào”, chuyên gia Atamanenko cho biết.Ông nhắc lại rằng không phải tất cả lời của người nói đều phản ánh thực tế.Chẳng hạn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng “một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba sẽ là chiến tranh hạt nhân và tàn khốc”.

Theo Artemi Atamanenko, mọi người đều hiểu điều này và không ai nghĩ đến việc ném bom hạt nhân thực sự. “Các vị tướng luôn chuẩn bị cho một cuộc chiến giống như trong quá khứ, giống như xã hội luôn nhìn về tương lai qua lăng kính của quá khứ. Chiến tranh thế giới thứ ba ám chỉ trong quá khứ đã có hai cuộc chiến không giống với tình hình quân sự đương đại, với thái độ chính trị đương thời”, Vladimir Olenchenko, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế, nhận định.

Ông Olenchenko cho rằng, các quyết định quân sự được đưa ra trên cơ sở thông tin rộng hơn mà chỉ quân đội mới có. Điều này không thể được diễn đạt hết qua thông tin Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân Nga vào tình trạng báo động trước những lời nhận xét hung hăng từ các nước thành viên NATO.

“Nếu các chỉ số về hoạt động quân sự cho thấy có sự gia tăng từ phía Mỹ thì Nga sẽ có phản ứng. Phản ứng có thể là không làm gì cả và chỉ quan sát. Nhưng, trong lĩnh vực quân sự, rất nhiều điều phụ thuộc vào đánh giá của đối thủ. Nếu Mỹ tăng cường hoạt động quân sự mà Nga không phản ứng gì thì điều đó có nghĩa là phía Mỹ sẽ nghĩ Nga yếu thế và tiếp tục lấn tới. Để ngăn chặn kịch bản đó, Nga phải lên tiếng cảnh báo.Đây mới thực sự là ẩn ý trong phát biểu của ông Putin”, chuyên gia Vladimir Olentchenko giải thích.

Nhưng, các lãnh đạo Ukraine lại đang coi phát biểu này là cái cớ để giúp Kiev phát triển vũ khí hạt nhân.Gần đây, Tổng thống Ukraine nói rằng ông đang xem xét lại sự tham gia của nước mình vào Bản ghi nhớ Budapest. Theo đó, nếu Ukraine thoát khỏi ràng buộc này, Ukraine sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân. Các nhà khoa học chính trị đã giải thích ẩn ý đằng sau những lời phát biểu này.

Vào tháng 5-1992, Nga, Mỹ, Belarus, Kazakhstan và Ukraine ký Nghị định thư Lisbon cho hiệp ước START I. Nghị định thư cam kết Belarus, Kazakhstan và Ukraine tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với tư cách là quốc gia không có vũ khí hạt nhân càng sớm càng tốt. Tới ngày 5-12-1994, tại hội nghị ở Budapest, thủ đô Hungary, các nước gồm Mỹ, Nga, Ukraine, Anh đã ký một bản ghi nhớ đảm bảo an ninh liên quan tới Kiev gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (hay còn gọi là Bản ghi nhớ Budapest).

Có một mặt trận truyền thông Nga-Ukraine -0
Phái đoàn Ukraine và Nga đàm phán vòng 2, ngày 3-3.

Theo Nghị định thư Lisbon, về nguyên tắc, Ukraine không thể đạt được quy chế là nước có thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Liệu đây có phải là điều mà Tổng thống Zelensky không biết khi đưa ra phát biểu như trên, nhà khoa học chính trị Artemi Atamanenko tự hỏi.

“Thực tế là, trước hết, bên hoàn toàn không quan tâm đến việc Ukraine có khả năng có được vũ khí hạt nhân, tất nhiên là NATO, trước hết là vì cộng với một quốc gia có vũ khí hạt nhân ở gần biên giới của NATO thì điều đó càng tồi tệ hơn. Do đó, liên minh quân sự này, ngay cả trong tình huống ủng hộ Ukraine, cũng sẽ có khả năng trở thành lực lượng ngăn cản Ukraine có được vũ khí hạt nhân”, ông Atamanenko cho biết.

Hơn nữa, khía cạnh kinh tế sẽ là một điểm quan trọng khác khiến việc chế tạo vũ khí hạt nhân của Ukraine hiện nay là không thể. “Ukraine là một đất nước mà cuộc nội chiến đã diễn ra trong hơn 5 năm qua, đó là một đất nước mà mức sống liên tục xuống cấp và do đó, hiện tại, Ukraine không có tiềm lực kinh tế tạo ra vũ khí hủy diệt hàng loạt như vậy. Nhưng, tại một thời điểm nào đó, nếu một chương trình như vậy được triển khai, tất nhiên, Ukraine sẽ ngay lập tức mất hết quan hệ với các nước NATO và EU”, chuyên gia này kết luận.

Liên quan tới tin tức thời sự của cuộc chiến Nga-Ukraine, ngày 2-3, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga nhìn nhận con số thương vong của quân đội trong cuộc chiến Ukraine. Theo đó, có 498 quân nhân tử trận và 1.587 bị thương trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra con số thiệt hại bên phía Ukraine, mà theo Moscow cao hơn nhiều.

Trong phiên họp khẩn đặc biệt kết thúc hôm 2-3, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu. Có đến 141 quốc gia bỏ phiếu thuận cho nghị quyết tố cáo việc Nga can thiệp quân sự tại Ukraine, 35 nước bỏ phiếu trắng và chỉ có 5 nước bỏ phiếu chống. Tối 3-3, vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine bắt đầu. Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết trên Twitter: “Chúng tôi bắt đầu nói chuyện với các đại diện Nga. Các vấn đề mấu chốt trong chương trình nghị sự bao gồm: Ngừng bắn ngay lập tức, thỏa thuận đình chiến, các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi những làng/thành phố bị phá hủy hoặc liên tục bị pháo kích”.

Mộc Thạch(Tổng hợp)
.
.