Cơn “địa chấn” dài kỳ của Dòng chảy Phương Bắc 2
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2015, khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga công bố kế hoạch xây dựng một đường ống thứ hai giúp tăng gấp đôi lượng khí đốt được vận chuyển từ Nga sang Đức.
6 năm sau, quan hệ Mỹ - Ukraine căng thẳng, các nhà lập pháp Mỹ tức giận với Tổng thống, các quốc gia Đông Âu không hài lòng với người Đức, thậm chí cả câu chuyện nội bộ nước Mỹ, chẳng hạn như các đề cử của Bộ Ngoại giao Mỹ cho vị trí đại sứ tại Mexico, Algeria hay Cameroon không được Thượng viện phê chuẩn, cũng đều vì dự án này.
Bất đồng
Sự phẫn nộ được cho là đã lên đến đỉnh điểm khi mới đây có tin chính quyền ông Joe Biden sắp công bố một thỏa thuận với Đức nhằm bảo vệ các đồng minh Đông Âu trước các nỗ lực của Nga trong tương lai nhằm sử dụng đường ống này như một thứ “vũ khí” địa chính trị, bao gồm cả việc đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine. Ukraine và Ba Lan đã bác bỏ thỏa thuận này gần như ngay sau khi nó được công bố, còn chính quyền của ông Biden đang hứng chịu sự chỉ trích từ các nhà lập pháp ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Có nhiều quan điểm khác nhau về thỏa thuận này. Một số người cho rằng đó là đòn giáng tàn khốc vào an ninh năng lượng của châu Âu. Một số khác cho rằng đó là biện pháp ngoại giao khôn ngoan để cứu vãn các mối quan hệ của Washington với Berlin. Cũng có người lại nói đó là hành động xoa dịu nguy hiểm đối với Điện Kremlin của Nhà Trắng. Và thêm nữa là quan điểm cho rằng đó là một thỏa thuận khó chấp nhận nhưng châu Âu vẫn có thể tìm cách để sống chung với nó lâu dài. Cho dù thế nào thì dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều người ở Washington, và thậm chí họ còn cho rằng nó là “dấu chấm hết” cho thời kỳ “trăng mật” hậu Donald Trump của nước Mỹ với một số đồng minh Đông Âu.
Câu chuyện về tầm quan trọng của một vài đường ống chạy dưới biển Baltic cũng được đề cập như những thách thức đối với chính sách đối ngoại của cả hai bên bờ Đại Tây Dương - từ an ninh năng lượng đến biến đổi khí hậu, chủ nghĩa phục hận ở Nga và ảnh hưởng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
“Sửa đổi Tillerson”
Dòng chảy phương Bắc 2 lần đầu tiên được công bố đúng vào thời điểm khi các nước phương Tây đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến sự kiện trên bán đảo Crimea và cuộc chiến ly khai ở Donbass. Mặc dù Chính phủ Đức đã nhiều lần mô tả đường ống này là một dự án thương mại nhưng các quan chức Ukraine vẫn coi đây là một mối đe dọa đối với sự tồn vong bởi nó giúp Nga bớt phụ thuộc vào Ukraine trong hoạt động vận chuyển khí đốt đến các thị trường béo bở ở châu Âu.
Dự án này có thể khiến Kiev thất thu hàng tỷ USD từ nguồn phí trung chuyển và loại bớt các tác động mà Nga sẽ phải chịu bởi mâu thuẫn với Ukraine. Yuriy Vitrenko, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dầu khí quốc gia Naftogaz của Ukraine thậm chí còn phải thốt lên: “Chúng tôi không hề thổi phồng khi coi đây thực sự là một vấn đề an ninh đối với Ukraine”.
Lo ngại dự án sẽ củng cố đòn bẩy của Moscow đối với châu Âu, các ông chủ Nhà Trắng kế tiếp nhau đã liên tục phản đối việc xây dựng đường ống. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ khi đó la Rex Tillerson, cựu Giám đốc Điều hành của Tập đoàn ExxonMobil, vẫn đưa ra hướng dẫn miễn trừ dự án khỏi các biện pháp trừng phạt mà Quốc hội Mỹ đã thông qua vào năm 2017.
Kevin Book, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn năng lượng ClearView Energy Partners cho biết hướng dẫn của Tillerson xuất phát từ sự thừa nhận rằng không gì có thể loại bỏ dự án này ngoài các biện pháp trừng phạt tàn khốc đối với các công ty châu Âu. Hướng dẫn của Tillerson, thường được gọi là “sửa đổi Tillerson” đã bị người kế nhiệm là Mike Pompeo dỡ bỏ vào mùa hè năm 2020.
Có một câu chuyện khác nữa, là trong thời gian tại nhiệm, Tổng thống Donald Trump luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho dù Mỹ vẫn tiến hành điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của nước này. Khi đó, chính sách đối với Dòng chảy phương Bắc 2 đã trở thành một giải pháp chính trị cho các nhà lập pháp thuộc đảng Công hòa. Bằng cách phản đối dự án, họ có thể chứng tỏ rằng đảng Cộng hòa có thái độ cứng rắn đối với Nga mà không tách khỏi đường lối của ông Trump và né tránh được vấn đề chính trị nhạy cảm là sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ.
Và, với mong muốn thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng trong tình hình nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, tháng 12-2019, các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với dự án này. Các biện pháp trừng phạt đó được áp dụng đối với các thực thể và tàu của Nga tiến hành lắp đặt đường ống và trên thực tế đã khiến dự án này phải ngừng lại dù chỉ còn chưa đầy 100 dặm, trên tổng số 760 dặm đường ống cần thi công.
Giữa “hai làn đạn”...
Dự án được khởi động lại vào tháng 12-2020, khi Nga tìm được cách né tránh các lệnh trừng phạt. Thời điểm nhậm chức vào tháng 1-2021, ông Biden phải đối mặt với một thực tế là đường ống sắp hoàn thành và các mối quan hệ rạn nứt với Đức cùng Ukraine từ người tiền nhiệm. Tháng 5-2021, chính quyền ông Biden đã quyết định không áp dụng biện pháp trừng phạt đối với công ty đứng sau dự án và giám đốc điều hành của nó - Matthias Warnig, một công dân Đức và là cựu điệp viên Đông Đức.
Quyết định này được đưa ra nhằm tạo không gian cho các cuộc đàm phán với Đức, vừa để cứu vãn mối quan hệ rạn nứt với Berlin, cũng như thúc đẩy Đức giải tỏa những lo ngại an ninh của các nước Đông Âu. Một yếu tố đáng chú ý đó là kết luận của chính quyền ông Biden rằng các biện pháp trừng phạt không đủ để ngăn cản dự án: “Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành 99%. Vì vậy, thật viển vông khi cho rằng bất cứ điều gì được nói hay làm vào lúc này sẽ ngăn chặn được dự án”.
Theo nhiều quan chức Bộ Ngoại giao và phụ tá Quốc hội, quan điểm của ông Biden không nhận được sự đồng tình của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và ít nhất một số quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Đỉnh điểm của tất cả mọi việc là thỏa thuận vừa được công bố. Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Mỹ sẽ ngừng đe dọa áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với dự án.
Đồng thời, Mỹ và Đức cam kết sẽ khiến Nga phải “trả giá” nếu nước này tìm cách gây tổn hại cho Ukraine hoặc các nước châu Âu khác bằng chính sách năng lượng. Đức sẽ thúc đẩy việc gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine trong 10 năm và đóng góp 175 triệu USD vào một quỹ đầu tư mới nhằm giúp Ukraine tăng cường khả năng độc lập về năng lượng bằng các nguồn năng lượng tái tạo.
Động thái này đã gây ra sự phản ứng tiêu cực ở ngay tại Washington và trên khắp Đông Âu. Thỏa thuận này thậm chí được cho là đã gây ra những rạn nứt sâu sắc trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Daniel Fried, cựu Trợ lý Ngoại trưởng dưới thời ông George W. Bush nói rằng có thể giải thích cho quyết định từ bỏ các biện pháp trừng phạt để mở đường cho hoạt động ngoại giao, tuy nhiên, nó cũng có vấn đề. “Tôi nghĩ rằng chính quyền ông Biden đã mắc một sai lầm chiến thuật khi từ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi có được sự đảm bảo chắc chắn từ phía Đức. Thứ hai là không sớm tham vấn Ukraine và Ba Lan trước khi ra quyết định”, ông nói.
Đã có những hành động phản đối cụ thể. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz đã tuyên bố sẽ không phê chuẩn các đề cử của ông Biden cho các vị trí cấp cao trong Bộ Ngoại giao cho đến khi tổng thống đảo ngược chính sách đối với Dòng chảy phương Bắc 2. Động thái này đã khiến hơn 20 đề cử rơi vào tình trạng không chắc chắn và Bộ Ngoại giao Mỹ vì thế có thể sẽ thiếu nhiều nhà quản lý cấp cao then chốt trong nhiều tháng liên tiếp.
Như đã nói, đó là các đề cử cho một số vị trí đại sứ Mỹ như tại Mexico, Algeria, Cameroon..., cũng như các vị trí hàng đầu ở Washington như Thứ trưởng phụ trách các vấn đề về năng lượng và môi trường, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Phi, Đông Á, Tây bán cầu, Nam Á và Trung Á... Sự trì hoãn này có thể khiến nhiều ứng viên phải chờ đợi lâu hơn để được phê chuẩn, tạo ra tình trạng “tắc nghẽn” chung của cả hệ thống. Đây cũng là một động thái chưa từng có tiền lệ, thậm chí còn bị coi là hành vi cản trở thực thi chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Lựa chọn
Trong một cuộc phỏng vấn của trang mạng Axios hồi tháng 6, Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng ông biết về quyết định này trước tiên là qua báo chí. Nhà lãnh đạo này cũng tiết lộ rằng ông vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng trước động thái này. Ông đã đề nghị được gặp Tổng thống Biden trước hội nghị thượng đỉnh với ông Putin tại Geneva, tuy nhiên, Nhà Trắng đã từ chối đề nghị trên và nói rằng họ đã thông báo cho Đại sứ Ukraine tại Washington và các quan chức cấp cao ở Kiev về quyết định này.
Theo một số nguồn tin nội bộ, chính quyền ông Biden đang có những bất đồng nhất định đối với chính quyền và một số quan chức Ukraine liên quan đến hoạt động phát ngôn và bày tỏ chính kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Về phía chính quyền ông Biden, họ cho biết đã có ít nhất 10 lần đối thoại với Ukraine trong vòng 2 tháng qua, khi thỏa thuận với Đức được đàm phán. Các quan chức chính phủ của ông Biden cho rằng thỏa thuận hiện tại là phương án ít tác động nhất hiện có. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 21-7 vừa qua, Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị, cho biết với thỏa thuận này, “chúng ta đã có một số bước tiến quan trọng theo hướng đó (hỗ trợ bảo vệ Ukraine)”.
Một số quốc gia Đông Âu cũng tỏ thái độ nghi ngờ việc Nga sẽ tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao kỳ cựu đang thúc giục phía Ukraine bớt công khai chỉ trích chính quyền ông Biden. Maria Shagina, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về năng lượng và biện pháp trừng phạt kinh tế tại Đại học Zurick cho rằng, Ukraine đã quá kỳ vọng khi cho rằng chính quyền ông Biden sẵn sàng sử dụng bất kỳ biện pháp nào để ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng các lợi ích của thỏa thuận sẽ không được thể hiện một cách đầy đủ cho đến lần thử thách tiếp theo, khi Nga sử dụng vai trò chi phối của mình trong lĩnh vực năng lượng để gây áp lực. Brian O’Toole, một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền ông Obama chịu trách nhiệm về các biện pháp trừng phạt, cho rằng cần có thời gian để chứng tỏ giá trị thực của thỏa thuận này, đồng thời cho biết thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng trong việc khôi phục mối quan hệ Mỹ - Đức ảm đạm bấy lâu nay.