COP26: Tìm lối thoát khỏi thảm họa khí hậu toàn cầu

Thứ Hai, 08/11/2021, 16:41

Hội nghị Thượng đỉnh COP26 diễn ra từ ngày 31-10 đến 12-11 được coi như cơ hội hiếm hoi, thậm chí nhiều người coi là cơ hội cuối cùng đề ra những biện pháp cấp thiết tránh thảm họa khí hậu cho nhân loại.

Tuy nhiên, sự mất niềm tin giữa các nước giàu - nghèo, thái độ thờ ơ của người dân ở các nước phát triển và đang phát triển, của giới siêu giàu...với cuộc chiến khí hậu không chỉ báo hiệu một kết quả thiếu khả quan của hội nghị thượng đỉnh lần này mà còn của cả cuộc chiến chống khí hậu của nhân loại. Tuy nhiên, ẩn trong đó là những lời nhắn nhủ: Đừng mất hy vọng!

Hơn 120 lãnh đạo thế giới họp tại Glasgow, Anh hôm 1-11 trong khuôn khổ Hội nghị COP26, kéo dài 2 tuần, để cố đề ra những biện pháp cấp thiết tránh thảm họa khí hậu cho nhân loại. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ và phải giữ vững niềm hy vọng. Chúng ta không được phép viện cớ để thoái thác nữa. Hội nghị này phải đề ra các biện pháp cụ thể”. Trong 2 tuần, Thủ tướng Johnson sẽ phải thuyết phục hơn 100 quốc gia đạt được một thỏa thuận nhưng ông thừa nhận là cơ may thành công của Hội nghị COP26 là không chắc chắn. “Thượng đỉnh này sẽ rất, rất khó khăn và tôi rất lo ngại bởi vì hội nghị có thể gặp thất bại”.

COP26: Tìm lối thoát khỏi thảm họa khí hậu toàn cầu -0
Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại Hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng tuyên bố thất vọng về kết quả của thượng đỉnh G20, chiếm đến gần 80% lượng khí phát thải toàn cầu, diễn ra trước thềm COP26 ở Roma về mặt chống biến đổi khí hậu dù ông cho rằng niềm hy vọng “chưa bị chôn vùi”. Về phần Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, trước khi đi Glasgow, bà đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới dự COP26 hãy chứng tỏ “những tham vọng lớn hơn” trong các chính sách chống biến đổi khí hậu, “một mối đe dọa đối với ổn định tài chính và kinh tế”.

Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh, không dự hội nghị. Theo chương trình chính thức do Liên Hiệp Quốc phổ biến, ngày 1-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia phát biểu dưới hình thức một thông cáo viết. Bài phát biểu của ông Tập được đăng lên mạng sau phát biểu của các lãnh đạo thế giới khác. Tổng thống Nga Putin cũng không tham dự COP26 mà chỉ có một bài phát biểu video. Phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh COP26, Tổng thống Mỹ Biden đã tố cáo Trung Quốc là vẫn tiếp tục làm ngơ trước các vấn đề “khổng lồ” liên quan đến biến đổi khí hậu khi vắng mặt tại COP26. Tổng thống Mỹ không ngần ngại nhận định rằng Trung Quốc đã quay lưng lại với một vấn đề cực kỳ hệ trọng.

Những chỉ trích thế này không phải mới, Trung Quốc và Nga cho rằng các nước phát triển phải chịu trách nhiệm về tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Mất niềm tin vào các nước giàu, các nền kinh tế đang trỗi dậy - chiếm đến 80% tổng lượng khí thải gia tăng trong những thập niên tới - ắt hẳn sẽ không nỗ lực đóng góp cho cuộc chiến cắt giảm khí thải. Trong bài viết với nhan đề “Sự rạn vỡ của quan hệ Bắc-Nam đe dọa cuộc chiến vì khí hậu” của nhật báo Le Monde (Pháp) ra ngày 23-10, nhấn mạnh trước hết đến phương diện niềm tin trong quan hệ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trước thềm Thượng đỉnh COP26. Hội nghị thượng đỉnh này được coi như cơ hội hiếm hoi, thậm chí nhiều người coi là cơ hội cuối cùng để cộng đồng quốc tế có thể đạt được đồng thuận về các cam kết cắt giảm khí thải, cho phép giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, bởi quá mức tăng này, môi trường trên Trái đất sẽ vô cùng khắc nghiệt vượt quá khả năng đối phó của nhân loại.

Cho đến nay, tổng số các cam kết cắt giảm khí thải chỉ cho phép thế giới hướng đến mức tăng 2,7°C. Theo Le Monde, những nước đang phát triển sẽ khó có thể tin tưởng vào các hứa hẹn mới, nếu những lời hứa trước đây không được thực hiện. Hứa hẹn mà Le Monde nhắc đến cụ thể là gì? Các nước phát triển đã chính thức cam kết huy động 100 tỉ USD hằng năm kể từ năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo các số liệu mới nhất của OCDE, công bố hồi tháng 9, tổng số các cam kết mới chỉ đạt gần 80 tỉ USD. Cam kết 100 tỉ USD nói trên được coi là một trong những điều kiện căn bản giúp Thượng đỉnh COP 26 thành công.

COP26: Tìm lối thoát khỏi thảm họa khí hậu toàn cầu -0
Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại COP26.

Cho đến nay, Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu tập trung khoảng 1/2 lượng khí thải toàn cầu, tuy nhiên một phần quan trọng của cuộc chiến vì khí hậu sẽ được quyết định tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các nền kinh tế đang phát triển chỉ nhận được 1/5 trong tổng số đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch, trong lúc các nước đang phát triển đại diện cho khoảng 80% lượng khí thải tăng lên trong những thập niên tới. Hay nói cách khác, nếu không có sự tham gia tích cực của các nước đang phát triển, cuộc chiến vì khí hậu sẽ thất bại.

Trước thềm khai mạc thượng đỉnh khí hậu, Chủ tịch COP26 Alok Sharma ra báo cáo dự kiến các nước phát triển sẽ thực hiện lời hứa 100 tỉ USD kể từ năm 2023 và số tiền tài trợ sẽ gia tăng sau đó, để đạt mức trung bình 100 tỉ USD/năm (từ 2021 đến 2025). Tuy nhiên, khoản trợ giúp 100 tỉ USD/năm mà các nước giàu cam kết cũng được đánh giá là hoàn toàn không đủ. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhận xét: khoản tiền 100 tỉ USD không bằng ngân sách dành cho quyền truyền lại các trận đấu của Liên đoàn Bóng đá chuyên nghiệp Mỹ (NFL).

Ngoài vấn đề 100 tỉ USD hằng năm tài trợ cho cuộc chiến khí hậu nói chung của các nước đang phát triển, có sự khác biệt rất lớn giữa các nước nghèo và các nước giàu về lĩnh vực cần ưu tiên. Trong các tài trợ, các nước giàu dành đến 2/3 tổng số tiền cho việc giảm khí thải và 1/3 cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong lúc nhu cầu chính của các nước đang phát triển lại là thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển muốn sử dụng một phần đáng kể tiền được tài trợ cho việc thích ứng, đơn cử như xây dựng đê điều, đầu tư cho nông nghiệp thích ứng được tốt hơn với thời tiết khô hạn...

Một vấn đề quan trọng khác là, 2/3 tài trợ của các nước giàu cho các nước nghèo là dưới hình thức cho vay, trong lúc các nước đang phát triển coi các nước phát triển mắc nợ họ, bởi trách nhiệm lịch sử trong việc gây ra biến đổi khí hậu. Giờ đây đang xuất hiện thêm một đòi hỏi tài chính hệ trọng thứ ba: đền bù cho các tổn hại do biến đổi khí hậu. Một ví dụ mới đây là các trận lụt lớn tại miền nam Ấn Độ năm 2018, gây thiệt hại 3,5 tỉ USD. Tổn thất gấp khoảng 30 lần ngân sách đền bù thiệt hại do thiên tai của Ấn Độ.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.