COP27: Nguy cơ thiếu hụt năng lượng và lương thực
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 27 (COP27) sẽ được khai mạc tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập), ngày 6-11. Trước thềm hội nghị, nhiều báo cáo tình hình khí hậu đã được công bố. Những thông tin này sẽ là nền tảng cho cuộc thảo luận của các nước và xem ra, nó đem lại những góc nhìn không mấy khả quan về những gì mà trái đất của chúng ta sắp phải trải qua.
Nồng độ khí Metal đạt mức cảnh báo
Hiện trạng gia tăng phát thải khí nhà kính (KNK) đã làm hành tinh ấm thêm. Do đó, việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon có tầm quan trọng lớn. Vào hôm 26-10, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố dữ liệu mới nhất về nồng độ của 3 loại khí nhà kính chính. Đối với CO2 và N2O, nồng độ đo được vào năm 2021 lần lượt tăng 149% và 124% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nguyên nhân là do tình trạng giảm phát thải CO2 tạm thời trong năm 2020 đã không giúp giảm thiểu mức tăng trưởng của nồng độ KNK ở mức đáng kể. Vào năm 2020 và 2021, mật độ CO2 trong bầu khí quyển trái đất đạt mức xấp xỉ 2,5 ppm/năm (ppm = phần triệu).
Mặt khác, một lần nữa, WMO cảnh báo về nguy cơ gia tăng mật độ khí mê-tan. Tuy có vẻ ổn định vào đầu những năm 2000, khí mê-tan đã bắt đầu tăng cao trở lại vào những năm 2010. Đặc biệt, 2 năm qua là giai đoạn đánh dấu một sự tăng tốc chưa từng có: “Mức tăng được ghi nhận vào năm 2020 là 15 ppb (ppb = một phần tỷ), vào năm 2021 là 18 ppb. Đây là hai mốc cao nhất kể từ khi WMO bắt đầu thống kê”.
Tình trạng tăng tốc này sẽ gây hiệu ứng bất lợi về mặt khí hậu: Nhiệt độ ấm hơn và độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật yếm khí phát triển trong đất ẩm và ruộng lúa. Trong tình trạng đó, hiện tượng sẽ tiếp tục, trừ khi thực hiện hành động để giảm được nhiều lượng khí thải hơn. Trên thực tế, đây chính là mục tiêu của cam kết Global Methane Pledge, được đề xuất trong sự kiện COP26. Một chủ đề đáng theo dõi tại COP27.
Thực trạng hạn chế của những cam kết
Quyết định cuối cùng được đưa ra tại COP26 chính là lời kêu gọi các quốc gia cùng nâng cao tham vọng khí hậu từ nay cho đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, lời kêu gọi đã thu về kết quả rất hạn chế, nếu xét theo danh sách những cam kết được ký kết trong Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, kể từ khi bế mạc COP26, chỉ có một vài quốc gia điều chỉnh lại những mục tiêu khí hậu của họ (Australia, Brazil, Indonesia và Hàn Quốc), tăng tham vọng giảm thêm khoảng 0,5 giga tấn khí CO2 tương đương (0,5 Gt CO2eq) từ nay cho đến năm 2030. Ông Simon Stiell - thư ký điều hành mới của UNFCCC nhận xét: “Các quốc gia đã đạt được một số tiến bộ trong năm nay”.
Cụ thể hơn, nếu các quốc gia thực hiện được tất cả những đóng góp vô điều kiện (hay còn gọi là “cam kết chắc chắn”, thì lượng phát thải khí nhà kính vẫn sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2025. Sau đó, sản lượng sẽ ổn định trở lại, đạt mức thấp hơn một chút so với con số 55 Gt hằng năm. Rồi vào năm 2030, con số sẽ giảm xuống còn 51 Gt, tức thấp hơn 3% so với năm 2019. Cách phổ biến để bổ sung cam kết là đáp ứng yêu cầu hỗ trợ từ các quốc gia phía nam.
Rõ ràng, những lộ trình này đi lệch khỏi quỹ đạo mà thế giới đã đề ra từ lúc đặt bút ký những cam kết “có chủ đích” trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Thế nhưng, quỹ đạo cũ là lý do mà chúng ta đã bị đẩy quá xa khỏi mục tiêu giảm 43% lượng khí phát thải trong giai đoạn từ năm 2019 cho đến năm 2030 - một mục tiêu cần thiết để giới hạn mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C. Nếu như vậy, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ toàn cầu có thể phải tăng 2,4 - 2,6°C. Do đó, ông Simon Stiell kêu gọi “tăng cường những kế hoạch hành động vì khí hậu và hoàn thành chúng trong vòng 8 năm tới”.
Việc cắt giảm khí thải còn nhiều vấn đề
Mặt khác, cách thức thực hiện cam kết thật sự là vấn đề tối quan trọng. Thật vậy, trong báo cáo mới đây, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra một kịch bản khác biệt: “Nguy cơ gia tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 2,8°C nếu thế giới tiếp tục những chính sách hiện hành”. Trong kịch bản, ta có thể thấy nhiệt độ sẽ tăng cao hơn nhiều so với trong kịch bản giả định rằng mọi cam kết đề ra với Liên hợp quốc đều được tuân thủ. Nói thẳng ra, báo cáo đưa giả định về nguy cơ không tuân thủ tất cả những cam kết đã được đề ra.
Không như báo cáo của UNFCCC, báo cáo của UNEP đề cập rất chi tiết những quỹ đạo theo từng khu vực và quốc gia. Qua đấy, ta thấy được: Trong số những nước phát thải cao, đối tượng duy nhất có được lộ trình cam kết cắt giảm rõ rệt từ nay cho đến năm 2030 là những nước phát triển. Còn những nước có nền kinh tế mới nổi thì không có điều kiện phù hợp và dài hạn để tuân thủ những mục tiêu khí hậu cho năm 2030.
Tính thiếu đồng nhất với quỹ đạo lý tưởng thể hiện rõ nhất qua số liệu lượng khí thải trên đầu người. Theo báo cáo, trung bình khí thải trên đầu người đạt 6,3 tấn CO2eq/người (bao gồm cả lượng phát thải ròng do thay đổi sử dụng đất). Tất cả những nước phát triển và một số nước mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Indonesia, đều ở trên mức trung bình. Mặt khác, ở Ấn Độ, lượng phát thải bình quân ước tính chỉ đạt 2,4 tấn CO2eq/người. Còn ở những nước kém phát triển hơn, con số này chỉ nhỉnh hơn 2 tấn CO2eq/người.
Những con số này là một lời nhắc nhở về mức độ quan trọng của vấn đề công bằng trong ứng phó biến đổi khí hậu, là lời xác nhận rằng những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ hiện tượng nóng lên toàn cầu chính là những quốc gia góp phần ít nhất vào việc tích tụ KNK trong bầu khí quyển. Đây chắc chắn sẽ là chủ đề trọng tâm của các cuộc tranh luận ở Sharm el-Sheikh.
Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng
Trong báo cáo “Triển vọng năng lượng” mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã đi sâu vào khía cạnh năng lượng của quá trình chuyển dịch. Theo kịch bản cơ sở (baseline), nếu các quốc gia tiếp tục những chính sách hiện tại, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đạt mức đỉnh vào năm 2025. Sau đó, nhu cầu sẽ giảm chậm qua các năm. Đến năm 2050, nhiên liệu hóa thạch sẽ chỉ chiếm 60% cơ cấu năng lượng của thế giới (vốn đã đạt 80% vào năm 2021). Đây sẽ là lộ trình khả thi nếu thế giới có động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo. Mục tiêu giảm chi phí sản xuất và chi phí lưu trữ điện sẽ thúc đẩy thêm tiến trình này. Với kịch bản này, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,5°C vào cuối thế kỷ này.
Trong khi đó, kịch bản “đạt được mọi cam kết về khí hậu” đòi hỏi các quốc gia tuân thủ tất cả các cam kết cho năm 2030 và các cam kết trung hòa vào khoảng năm 2050 (năm 2060 cho Trung Quốc và năm 2070 cho Ấn Độ). Đây sẽ là lộ trình khả thi nếu thế giới gia tăng đầu tư vào năng lượng phát thải carbon thấp và lối sử dụng năng lượng hiệu quả. Với kịch bản này, nhiệt độ toàn cầu sẽ chỉ tăng lên khoảng 1,7°C vào cuối thế kỷ này. Kịch bản này cũng giả định rằng cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Nga - Ukraine gây ra sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch, nhất là ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn.
Để đạt 1,5°C, chúng ta phải đi vào lộ trình “net zero” (phát thải ròng đạt mức 0) từ năm 2023. Lộ trình này sẽ là một hành động mạnh mẽ hơn và nhanh hơn nhiều để hạn chế tổng nhu cầu năng lượng và rút ngắn thời gian triển khai năng lượng tái tạo, nhất là ở những nước đang phát triển.
Tình trạng thiếu năng lượng và lương thực gia tăng
Cuối cùng, theo báo cáo của IEA, ta cần xét thêm một vấn đề: Giá năng lượng leo thang và rủi ro thiếu sản phẩm nông nghiệp do hoàn cảnh chiến tranh Nga - Ukraine đang gây ảnh hưởng đến người dân. Về khả năng tiếp cận năng lượng, báo cáo ước tính có 75 triệu người đứng trước nguy cơ mất khả năng tiếp cận điện năng do thiếu phương tiện tài chính và 100 triệu người bị tước mất khả năng nấu ăn bằng bếp hiện đại.
Về mặt an ninh lương thực, cuộc chiến Nga - Ukraine kết hợp với sự tái diễn của những cú sốc khí hậu làm tăng giá những loại thực phẩm thiết yếu, khiến người nghèo gặp thêm khó khăn trong việc tiếp cận. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), số người thiếu dinh dưỡng đã tăng từ khoảng 600 triệu người vào giữa những năm 2010 lên 768 triệu người vào năm 2021. FAO dự báo con số này có thể lên tới 828 triệu người vào năm 2022.
Tình trạng leo thang kép này thể hiện rõ nhất ở châu Phi - lục địa đăng cai COP27. Bối cảnh trên sẽ thúc đẩy tranh luận về sự bất cập trong việc vận chuyển tài nguyên cho những nước kém phát triển hơn. Nếu chúng ta không đưa cách cải thiện vấn đề tại COP27, những kịch bản tăng tốc chuyển dịch năng lượng, nhằm giữ vững mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2°C, sẽ chỉ còn là điều viển vông.