COP29 và kỳ vọng mở ra kỷ nguyên hành động mới

Thứ Tư, 06/11/2024, 11:48

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng dữ dội

Diễn ra tại Baku, Azerbaijan từ ngày 11 đến ngày 22/11/2024, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới gửi tín hiệu về cách họ sẽ tăng cường các cam kết khí hậu quốc gia và thực hiện các cam kết trong quá khứ.

COP29 diễn ra vào thời điểm mà nhân loại đang đối diện cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất. Một báo cáo được công bố cuối tháng 10 cho thấy 10 hiện tượng thời tiết cực đoan gây chết người nhiều nhất trong 2 thập kỷ qua đã trở nên tồi tệ hơn do việc đốt nhiên liệu hóa thạch. 

COP29 và kỳ vọng mở rakỷ nguyên hành động mới -0
Các đại biểu dự COP28 tại UAE, năm 2023. Ảnh: EC.

Những cơn bão, đợt nắng nóng và lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến tất cả các châu lục, giết chết hơn 570.000 người kể từ năm 2004 đến nay. Sự kiện bi thảm nhất là hạn hán ở Somalia năm 2011 giết chết hơn 250.000 người trong khi thảm họa mới nhất có thể kể đến trận lũ quét lịch sử vừa xảy ra ở Tây Ban Nha cuối tháng 10, khiến hơn 200 người thiệt mạng. 

Tiến sĩ Friederike Otto - giảng viên cao cấp tại Đại học Hoàng gia London và là đồng sáng lập của World Weather Attribution, nhóm công bố báo cáo, cho biết: “Nhân loại hiểu rằng biến đổi khí hậu đang khiến cuộc sống trở nên nguy hiểm hơn, nhưng chưa biến nhận thức đó thành hành động ở quy mô đủ lớn”.

Trong khi đó, 2 báo cáo khác được công bố trong tuần qua cũng đem đến thêm những thông tin đáng báo động đối với các nhà đàm phán về khí hậu, những người sẽ họp tại Baku trong vòng 10 ngày để bàn về cách cứu vãn hành tinh. 

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chỉ ra rằng năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận. Lượng khí thải nhà kính đã tăng lên mức kỷ lục mới vào năm 2023, “khiến hành tinh phải chịu nhiệt độ tăng cao trong nhiều năm tới”. Carbon dioxide đang tích tụ trong khí quyển nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá trình tồn tại của con người, tăng hơn 10% chỉ trong 2 thập kỷ. 

COP29 và kỳ vọng mở rakỷ nguyên hành động mới -0
Sân vận động Olympic Baku (Azerbaijan), nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc từ ngày 11 đến 22/11/2024. Ảnh: CFR.

Báo cáo của tổ chức theo dõi dữ liệu toàn cầu về sức khỏe, Lancet Countdown, thì nhấn mạnh “tác động tức thời đến sức khỏe” của nhiệt độ tăng cao. Báo cáo chỉ ra rằng “năm ngoái, mọi người trên khắp thế giới phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có đối với sức khỏe của họ từ khí hậu thay đổi nhanh chóng”. Và, số người trên 65 tuổi tử vong do các bệnh liên quan đến nhiệt độ đã tăng tới 167% trong 3 thập kỷ qua.

Chờ các cam kết quốc gia tham vọng hơn

COP29 diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là tới hạn chót cho các quốc gia cung cấp kế hoạch cập nhật để giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris. Cho đến nay, những cam kết tự nguyện này vẫn chưa đưa thế giới đi đúng hướng để hạn chế tình trạng nóng lên ở mức 1,5oC. 
Theo ước tính của Liên hợp quốc, các chính sách hiện tại đang đưa hành tinh này vào lộ trình tăng nhiệt độ thêm khoảng 2,6-3,1oC vào năm 2100. Trong khi đó, sự tích tụ carbon dioxide và methane trong khí quyển đang ở mức cao nhất từng được ghi nhận. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 90% lượng khí thải này. Do đó, theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu - nhóm khoa học tư vấn của Liên hợp quốc - những cam kết không đủ của các quốc gia sẽ vẽ nên một “bức tranh ảm đạm” cho tương lai. 

Phân tích mới nhất của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) cũng cho thấy các kế hoạch hiện tại sẽ dẫn đến lượng khí thải lên tới 51,5 tỷ tấn tương đương carbon dioxide vào năm 2030, tức là chỉ thấp hơn 2,6% so với mức năm 2019. Còn một tính toán của IPCC - cơ quan liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - cho thấy lượng khí nhà kính cần phải giảm 43% so với mức năm 2019 để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Được biết, nhiều nước dự kiến sẽ công bố các cam kết khí hậu quốc gia mới - được gọi là “Đóng góp do quốc gia quyết định” (NDC) - vào hạn chót là tháng 2/2025. Nhưng, một số quốc gia phát thải lớn cho biết họ sẽ công bố hoặc đưa ra các cam kết khí hậu mới của mình ngay tại COP năm nay, bao gồm Brazil (nước chủ nhà của COP30 vào năm tới), Anh, Azerbaijan và UAE. Bằng cách đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn, tham vọng hơn, các nước này có thể đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn cho NDC và khuyến khích các quốc gia khác tăng cường các cam kết của riêng họ.

COP29 và kỳ vọng mở rakỷ nguyên hành động mới -0
Các loại khí độc hại vẫn tiếp tục thải ra bầu khí quyển. Ảnh: Breeze.

Theo các nhà phân tích, NDC thế hệ tiếp theo nên bao gồm các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mới trên toàn nền kinh tế cho năm 2035 và các mục tiêu mạnh mẽ hơn cho năm 2030, cùng nhau đưa thế giới đi đúng hướng để hạn chế nhiệt độ tăng quá 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Các chuẩn mực ngắn hạn này rất quan trọng. Trừ khi thế giới có thể giảm đáng kể lượng khí thải vào năm 2030, nếu không sẽ không thể giữ mức nhiệt độ toàn cầu nóng lên ở mức 1,5oC và ngăn chặn những tác động ngày càng tàn khốc của khí hậu. Các mục tiêu ngắn hạn cũng sẽ đưa các quốc gia vào con đường đáng tin cậy để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của riêng họ vào khoảng giữa thế kỷ này.

Trong một báo cáo về NDC năm 2024 công bố hôm 28/10, Tổng thư ký Simon Stiell của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), cảnh báo rằng “các kế hoạch khí hậu quốc gia hiện tại còn kém xa so với những gì cần thiết để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu làm suy yếu mọi nền kinh tế và hủy hoại hàng tỷ sinh mạng cũng như sinh kế của mọi quốc gia”. 

Vì thế, theo các chuyên gia của World Resources Institute (WRI) - một viện nghiên cứu môi trường ở Washington - để đạt được các mục tiêu phát thải hàng đầu, cũng như xây dựng khả năng phục hồi trước các rủi ro về khí hậu và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng, sẽ đòi hỏi những thay đổi mang tính chuyển đổi trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Và, để thúc đẩy những thay đổi sâu rộng như vậy, NDC nên thiết lập các mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, như năng lượng, giao thông vận tải và nông nghiệp...

“Điều này có thể giúp thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách trên khắp chính phủ tích hợp các tham vọng về khí hậu vào tất cả các kế hoạch và chính sách. Các mục tiêu rõ ràng cũng có thể báo hiệu hướng đi cho các nhà đầu tư, bao gồm cả trong khu vực tư nhân, để giúp điều hướng nhiều tài chính hơn vào hành động vì khí hậu”, ông David Waskow, Giám đốc Sáng kiến khí hậu quốc tế của WRI nhận định.

Đưa ra mục tiêu tài chính khí hậu mới

COP29 cũng được mệnh danh là “Finance COP”, với trọng tâm của các cuộc đàm phán tập trung vào việc thông qua một mục tiêu tài chính khí hậu mới. 

Lần đầu tiên sau 15 năm, các quốc gia sẽ đánh giá lại số tiền và loại tài chính mà các nước đang phát triển nhận được để chi trả cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này sẽ dẫn đến một “Mục tiêu định lượng tập thể mới” (NCQG) về tài chính khí hậu để thay thế mục tiêu trước đó là 100 tỷ USD mỗi năm, được đặt ra vào năm 2009. 

Việc đặt ra một mục tiêu tham vọng hơn là rất cần thiết để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương chuyển đổi sang năng lượng sạch và các giải pháp carbon thấp khác cũng như xây dựng khả năng phục hồi trước những tác động ngày càng trầm trọng của khí hậu. Nhiều quốc gia đang phát triển không thể thực hiện hoặc củng cố các cam kết về khí hậu của mình nếu không có mục tiêu này.
Trong 3 năm qua, các quốc gia đã tham gia vào một loạt các cuộc đối thoại kỹ thuật nhằm định hình NCQG. Tuy nhiên, các câu hỏi cơ bản về quy mô và cấu trúc của mục tiêu vẫn còn bỏ ngỏ. Tại Baku, các nhà đàm phán và các nhà lãnh đạo chính trị được giao nhiệm vụ cuối cùng là đạt được thỏa thuận.

COP29 và kỳ vọng mở rakỷ nguyên hành động mới -0
Cảnh tượng kinh hoàng sau trận lũ quét gần Valencia (Tây Ban Nha) hôm 31/10, thảm họa khiến hơn 200 người thiệt mạng. Ảnh: CBS.

Một quyết định quan trọng là số tiền mà NCQG sẽ hướng tới. Các quốc gia và tổ chức khác nhau đã đề xuất các mục tiêu tài chính khí hậu hằng năm từ hàng tỷ USD đến hàng nghìn tỷ USD. Hiện tại, có vẻ như mục tiêu sẽ bao gồm nhiều mục tiêu phản ánh các loại dòng tài chính khác nhau, chẳng hạn như công so với tư nhân. Những cân nhắc quan trọng khác bao gồm quốc gia nào sẽ cung cấp tài chính, liệu một số công cụ tài chính nhất định (như trợ cấp hoặc cho vay ưu đãi) có được ưu tiên hay không và báo cáo nào sẽ được yêu cầu để thúc đẩy tính minh bạch?

Tất nhiên, NCQG không nhằm mục đích giải quyết mọi vấn đề tài chính khí hậu, nhưng nó là một phần quan trọng của câu đố. COP29 sẽ là cơ hội để thông qua một mục tiêu tài chính mới mạnh mẽ cho phép các quốc gia đạt được và tăng tham vọng về khí hậu của họ trong những năm tới. 
Kết quả của COP29 cũng có thể kêu gọi cải cách từ tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực tài chính khí hậu - bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương và những bên khác - để tăng tài chính khí hậu nói chung, mở khóa nhiều tài chính tư nhân hơn, mang lại các nguồn tài trợ mới, sáng tạo và đảm bảo tất cả các nguồn tài trợ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang carbon thấp sẽ công bằng và bình đẳng.

COP29 mang đến một cơ hội lịch sử để thúc đẩy tham vọng khí hậu toàn cầu. Một kết quả tài chính mạnh mẽ ở Baku sẽ giúp đảm bảo tất cả các quốc gia - bao gồm cả những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất - có các nguồn lực cần thiết để theo đuổi phát triển ít carbon, hỗ trợ cộng đồng và người lao động cũng như bảo vệ nền kinh tế khỏi các mối đe dọa khí hậu đang leo thang.

Quang Anh
.
.