Cuộc chạy đua siêu thanh ở Đông Bắc Á

Thứ Hai, 25/04/2022, 14:49

Các vụ thử tên lửa siêu thanh - gần đây nhất là của CHDCND Triều Tiên - đang gây nhiều sự chú ý. Điều đáng lo ngại, theo lời bình các nhà quan sát, đó là không phải bản thân loại tên lửa mà là cái gì đã thúc đẩy cho ra đời những loại vũ khí như vậy?

Cả The New York Times, The National Interest và Asia Times và Thượng nghị sĩ Mỹ như Lindsey Graham và Angus Kinh đã gọi tên lửa siêu thanh là “kẻ thay đổi cuộc chơi”. Tướng Mỹ Mark Milley thậm chí còn đánh giá vụ thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc hồi năm ngoái là “rất gần” với “khoảnh khắc Sputnik”, đề cập đến một giai đoạn Chiến tranh Lạnh, khi đó người Mỹ đột nhiên lo sợ rằng họ đã tụt hậu sau Liên Xô (cũ) một cách nguy hiểm trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ.

Như thường được sử dụng, thuật ngữ “tên lửa siêu thanh” mô tả một loại vũ khí khác với tên lửa đạn đạo nhưng cách sử dụng này lại gây hiểu sai. “Hypersonic” theo nghĩa đen có nghĩa là tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh hoặc nhanh hơn thế. Tuy nhiên, tên lửa hiện đại tầm trung và tầm xa hiện nay cũng có khả năng siêu thanh, có thể đạt tốc độ lên tới Mach 20. Còn các vụ thử nghiệm tên lửa gần đây như kiểu Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên thực hiện có liên quan đến công nghệ gọi là phương tiện lượn siêu thanh (HGV).

Và, sự khác biệt quan trọng giữa HGV và tên lửa đạn đạo thì lại không phải ở tốc độ của chúng. Tên lửa đạn đạo có thể dự đoán được dựa trên việc quan sát phần đầu của hành trình bay, cho phép hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương tính toán vị trí đánh chặn đầu đạn trong phần sau của hành trình. Trong khi đó, HGV sử dụng hình dáng chiếc nêm hoặc đôi cánh dày để lướt về phía mục tiêu theo hướng giảm dần.

Cuộc chạy đua siêu thanh ở Đông Bắc Á -0
Bức ảnh chính thức được cho là một vụ bắn thử tên lửa Hwasong-17 của CHDCND Triều Tiên.

Quan trọng nhất, nó có thể quay đầu trong hành trình của mình. Chính khả năng cơ động thay vì tốc độ của nó, đã làm cho HGV khác biệt với tên lửa đạn đạo thông thường. Một số đầu đạn tên lửa đạn đạo có vây di động cho phép cơ động ở mức độ hạn chế trong phần cuối của hành trình nhưng HGV có khả năng thay đổi hướng đi lớn hơn và sớm hơn nhiều.

Thực ra, HGV không phải là một công nghệ quá mới mẻ. Đức Quốc xã từng thiết kế chiếc HGV đầu tiên vào cuối những năm 1930 nhưng sau từ bỏ vì tốn kém. Mỹ cũng đã phát triển một HGV có tên là Dyna Soar vào đầu những năm 1960 nhưng cũng đã bỏ năm 1963. Ít nhất có 9 quốc gia đang hoặc đã nghiên cứu và phát triển HGV.

Trở lại vụ thử nghiệm vào tháng 9-2021 của CHDCND Triều Tiên, theo các nhà quan sát, có thể liên quan đến một HGV. Còn Bình Nhưỡng thì tuyên bố các quả đạn của họ được phóng vào ngày 5 và 11 của tháng 1 năm nay là HGV nhưng nhiều khả năng chúng lại là phiên bản tên lửa đạn đạo có vây di động.

Tuy nhiên, không như những lời nhận định đa số, thì HGV chưa hẳn đã là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi”. Các nhà khoa học đặt câu hỏi liệu các HGV có hoạt động trong chiến đấu thực tế như dự kiến hay không? Việc di chuyển ở tốc độ cực cao khiến tên lửa giảm tốc độ, hạ độ cao và tầm hoạt động. Di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ cao như vậy có thể làm tăng nhiệt độ bên ngoài xung quanh tên lửa lên tới 1.650 độ C và có thể làm hỏng cơ chế nổ của nó.

Thêm nữa, HGV không vô hình. Ngay cả khi radar trên mặt đất gặp khó khăn khi nhìn thấy HGV thì các cảm biến hồng ngoại trong hệ thống cảnh báo vệ tinh vẫn sẽ có khả năng phát hiện sớm một phương tiện lượn siêu âm đang bay vì đặc tính nhiệt độ cao của nó.

Tuy nhiên, không có biện pháp phòng thủ nào được cho là hiệu quả để chống lại HGV hay thậm chí ngay cả trước một “cơn mưa” tên lửa đạn đạo thông thường. Tất cả các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ - hệ thống phòng thủ trên mặt đất có trụ sở tại Alaska và California, hệ thống trên tàu sử dụng radar Aegis và tên lửa tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ hay hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống tên lửa phòng không Patriot - đều đã được chứng minh là không đáng tin cậy trong cả thử nghiệm và chiến đấu. Mọi hệ thống phòng thủ tên lửa đều chỉ thực sự phù hợp với một cuộc tấn công với số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo đơn giản. Nếu bên tấn công áp đảo số lượng các tên lửa đánh chặn bằng số lượng lớn tên lửa đồng thời hoặc bằng cách bổ sung các biện pháp đối phó khác như mồi nhử thì chẳng hệ thống phòng thủ nào có thể chặn được cả.

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là, tuy các HGV không hẳn đã làm thay đổi cục diện chiến lược thì chúng vẫn là biểu hiện của một kỷ nguyên mới của các quốc gia đang cố gắng giành lợi thế bằng cách nâng cấp khả năng chiến đấu hạt nhân của mình. Các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, bao gồm cả hoạt động thử nghiệm HGV như đã được nhắc đến, đã khiến vấn đề Triều Tiên nổi lên như là một mâu thuẫn mới giữa Washington với những bên ủng hộ CHDCND Triều Tiên. HGV, vì thế, đang được coi là một biểu hiện hoặc là một nguyên nhân gây căng thẳng. Chúng đại diện cho một trường hợp khác trong đó các nước nhỏ đang cố gắng cải thiện an ninh của chính mình bằng cách khiến các nước nhỏ khác cảm thấy kém an toàn hơn.

Sự xuất hiện của HGV cũng tái khẳng định rằng các khái niệm cũ về chiến lược chiến tranh hạt nhân - đảm bảo sự hủy diệt lẫn nhau với việc bất kỳ cường quốc lớn nào có thể loại bỏ khả năng trả đũa hạt nhân của nước khác và “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ đối với các đồng minh phi hạt nhân - vẫn còn phù hợp.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.