Cuộc chiến cấm vận dầu và khí đốt, ai chịu thiệt?

Thứ Hai, 14/03/2022, 09:15

Hàng loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế được Mỹ và đồng minh ở phương Tây đưa ra nhằm bao vây, bóp nghẹt nền kinh tế Nga.Tuy nhiên, phía Nga cũng đã có những hành động đáp trả. Dự báo tác động của những đòn trừng phạt qua lại này sẽ gây ra tổn thất kinh tế nặng nề không chỉ cho nền kinh tế Nga mà cho cả phương Tây.

Hành động leo thang mới nhất trong cuộc chiến kinh tế mà phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang nhắm vào nước Nga chính là quyết định của Chính phủ Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và năng lượng từ Nga. Quyết định này được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo vào ngày 8-3 sau khi đã cân nhắc kỹ các kịch bản về giá dầu thô và nhiên liệu xăng dầu trong nước và thế giới. Quyết định cấm nhập khẩu dầu, khí đốt từ Nga là một đòn trừng phạt mới nhằm gia tăng áp lực lên Tổng thống Nga Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Washington và London tin rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng từ Nga là “cú đấm” mạnh giáng vào nền kinh tế Nga vốn đã bắt đầu ngấm đòn sau một loạt biện pháp cấm vận kinh tế được áp dụng từ khi Nga khai chiến tại Ukraine.

Theo sau lệnh cấm của Chính phủ Mỹ, Chính phủ Anh cũng thông báo lệnh cấm nhập khầu dầu mỏ, khí đốt Nga nhưng Anh không triển khai lệnh cấm ngay lập tức mà áp dụng từng bước, hạn chế dần từ nay cho đến đầu năm 2023. EU cũng thông báo kế hoạch hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga.

Cuộc chiến cấm vận dầu và khí đốt, ai chịu thiệt? -0
Giàn khoan dầu ở Irkutsk, Nga.

Các công ty, tập đoàn dầu khí lớn của Anh, Mỹ do áp lực từ chính phủ cũng bắt đầu triển khai các biện pháp hạn chế hoặc chấm dứt làm ăn với các đối tác Nga. Tập đoàn dầu khí Shell đã thông báo lộ trình dừng tham gia thị trường dầu khí Nga, đóng cửa các trạm cung cấp xăng dầu, dừng cung cấp nhiên liệu máy bay, dầu nhờn và bắt đầu rút dần hoạt động kinh doanh xăng dầu, đường ống và khí hóa lỏng.

Các nhà phân tích đưa ra 3 nguy cơ lớn từ việc cấm nhập khẩu dầu thô Nga của Mỹ và Anh. Thứ nhất, lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga của Tổng thống Biden là con dao hai lưỡi, có thể gây thiệt hại cho kinh tế nước Nga nhưng cũng khiến cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Mỹ và đồng minh - những nước áp dụng lệnh cấm vận Nga - chịu thiệt hại. Lệnh cấm sẽ gây áp lực tăng giá dầu lên cao hơn nữa trong bối cảnh giá dầu thế giới đã ở mức cao do khủng hoảng Ukraine. Cú sốc trên thị trường dầu thô thế giới dường như đã được thể hiện rõ sau lệnh cấm của Mỹ. Giá dầu thô đã lập đỉnh mới, vượt 130 USD/thùng và đang tiến sát đỉnh lịch sử 147 USD/thùng được lập vào năm 2008. Các chuyên gia thị trường dự báo giá dầu còn có thể vượt mốc 200 USD/thùng trong nay mai nếu các biện pháp cấm dầu thô Nga được triển khai đồng loạt và triệt để.

Nguy cơ thứ hai, lệnh cấm của Mỹ, Anh đang làm cho nội bộ phương Tây chia rẽ, không thống nhất với nhau. Cụ thể là EU không ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga như Anh và Mỹ, mà chỉ hạn chế mua dầu mỏ và khí đốt Nga từ đầu năm 2023 cho đến năm 2030 chứ không cấm hoàn toàn. Do sức ép về những tác động kinh tế lớn, như giá nhiên liệu tăng cao kéo theo lạm phát, EU đã chọn phương án lâu dài hơn, từng bước hạn chế nhập khẩu và áp dụng trong thời gian dài chứ không áp dụng ngay.

Giới chuyên gia cho rằng phương án hạn chế nhập khẩu dần dần của châu Âu có nguyên do từ thực tế trước mắt EU không thể thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Nga hiện đang cung cấp đến 40% lượng khí đốt và gần 30% lượng dầu mỏ nhập khẩu cho EU (trong khi Mỹ chỉ 8% và Anh khoảng 7%). Do đó, việc cấm hoàn toàn ngay lập tức sẽ tạo nên cú sốc nặng cho kinh tế EU.

Người ta không tin rằng sau khi chiến sự ở Ukraine chấm dứt, bất chấp kết quả theo chiều hướng nào, phương Tây cũng sẽ còn động lực để tiếp tục triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế kéo dài chống Nga. Đó chính là lúc EU phải xem xét lại các quyết định trừng phạt và những vấn đề liên quan, trong đó có việc dừng hay tiếp tục nhập khẩu dầu, khí đốt của Nga. Khả năng cao, theo đánh giá của các chuyên gia, là EU cũng tìm cách hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Nga về mặt hàng dầu thô, khí đốt, duy trì ở một tỉ lệ thấp chấp nhận được, chứ không dừng nhập khẩu hoàn toàn. Giới chuyên gia châu Âu cho rằng chính phủ các nước EU nên chọn phương án sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng mạnh mẽ sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo

Bài toán được đặt ra là sau khi dừng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga thì tìm nguồn nào để thay thế? Điều này hoàn toàn không dễ.Dầu thô, khí đốt là loại hàng hóa đặc biệt, không giống như các loại hàng hóa thông thường; việc vận chuyển rất khó khăn, tốn kém, cộng với nguồn cung có giới hạn, không phải muốn khai thác và bán bao nhiêu tùy thích. Do đó, sẽ rất khó cho châu Âu để tìm 1 hoặc 2 nguồn cung nào khác thay thế nước Nga cung ứng sản lượng dầu thô, khí đốt lớn như thế.

Ngay sau khi ban lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga, Washington đã nghĩ ngay đến những nhà cung cấp thay thế có trữ lượng cũng như sản lượng tương xứng. Đó là các quốc gia thành viên OPEC ở Trung Đông. Nhà Trắng đã nhanh chóng đưa ra đề nghị với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sắp xếp tổ chức một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Biden với Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Quốc vương Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan của UAE. Mục đích của Mỹ rõ ràng là muốn thuyết phục hai quốc gia giàu dầu mỏ này chịu liên minh, phối hợp với Mỹ trong cuộc chiến kinh tế chống Nga - bằng cách tăng sản lượng khai thác để một mặt giảm áp lực giá dầu thô trên thị trường thế giới, mặt khác giúp Mỹ bù đắp số dầu thô thiếu hụt do mất nguồn cung từ Nga.

Mỹ còn tìm cách mua chuộc ngay cả đối thủ ở châu Mỹ Latinh - Venezuela.Lần đầu tiên người ta thấy Washington mở ra kênh ngoại giao mới với Caracas sau nhiều năm “9 chống 9”.Có những dấu hiệu cho thấy Caracas đang đáp lại thiện chí của Washington, với việc lập tức thả 2 tù nhân người Mỹ.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.