Cuộc chiến chống lạm dụng công nghệ để buôn bán người ở Đông Nam Á

Thứ Tư, 27/03/2024, 11:50

Buôn bán người là một vấn nạn ở Đông Nam Á, tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi công nghệ được giới tội phạm sử dụng cho hoạt động của mình.

1. Buôn bán người là mối đe dọa an ninh phi truyền thống, toàn cầu, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người mỗi năm. Theo một số ước tính, buôn người hiện là một trong những loại tội phạm có tổ chức sinh lợi nhiều nhất trên thế giới, tạo ra hơn 150 tỷ USD mỗi năm. Hai phần ba số nạn nhân của nó sống ở Đông Á và Thái Bình Dương, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước Đông Nam Á, khu vực có dân cư đông và đói nghèo thúc đẩy người dân tìm đến những giải pháp khác để thay đổi tình thế. Tình trạng di cư cưỡng bức ngày càng trở nên trầm trọng hơn do xung đột và các vấn đề về khí hậu. Ở một số vùng, các băng đảng tội phạm hoạt động mạnh gắn liền với mạng lưới trồng và buôn bán ma túy. Thêm vào đó, địa hình phức tạp, sự phối hợp kém giữa các nước gây nên các vấn đề quản trị phức tạp. Những vùng biên giới xốp (chỉ những khu vực biên giới không được nhà nước kiểm soát tốt) đã thúc đẩy các hoạt động của băng đảng có tính tự trị.

Cuộc chiến chống lạm dụng công nghệ để buôn bán người ở Đông Nam Á -0
Thượng đỉnh ASEAN họp về nạn buôn bán người.

Các nước Đông Nam Á là nơi diễn ra hoạt động buôn bán người và là mục tiêu của các hoạt động buôn bán toàn cầu. Dữ liệu do IOM thu thập từ năm 2002 xác định 10.045 người bị buôn bán trên khắp khu vực ASEAN, bao gồm cả Timor-Leste. Trong khi đó, 24.707 công dân ASEAN là nạn nhân buôn người trên toàn thế giới, khiến đây trở thành khu vực nghiêm trọng nhất châu Á về tình trạng này. Con số thực tế có thể cao hơn vì có những lỗ hổng trong báo cáo. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế “người lao động Đông Nam Á dễ bị buôn bán và bóc lột do cơ chế phòng ngừa chưa đầy đủ của từng chính phủ”.

Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) công bố, hơn 85% nạn nhân bị buôn bán xảy ra ngay trong khu vực. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là điểm đến hàng đầu của nạn buôn người, tiếp theo là Campuchia, Malaysia. Báo cáo của UNODC ước tính, 51% nạn nhân ở Đông Nam Á là phụ nữ và gần 1/3 là trẻ em. Đáng lo là, buôn bán người sẽ gây bất ổn xã hội hai chiều ở cả nơi người dân bị bắt đi và đến.

2. Tình hình kinh tế - xã hội phức tạp khiến các chính phủ trước đây khó dành nguồn lực thích đáng cho vấn nạn này. Nhưng, trong những năm qua, ASEAN cũng nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người, trừng phạt kẻ phạm tội và bảo vệ nạn nhân thông qua các cam kết như “Tuyên bố ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” và “Tuyên bố ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia”. Tất cả các nước ASEAN ngoại trừ Brunei đã phê chuẩn “Nghị định thư của Liên hợp quốc về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.

Cuộc chiến chống lạm dụng công nghệ để buôn bán người ở Đông Nam Á -0
Mô hình lừa đảo online do Interpol cảnh báo.

ASEAN cũng đã làm việc với các đối tác bên ngoài để tăng cường đòi lại công lý nhằm bảo vệ quyền của nạn nhân, dẫn đầu hợp tác khu vực để chống lại các hoạt động buôn người. Chương trình chống buôn người ASEAN - Australia được triển khai từ 2018 đã tăng cường các hoạt động thu thập dữ liệu và thúc đẩy tính minh bạch trong việc xuất bản các báo cáo thường niên quốc gia. Để cải thiện các tiêu chuẩn di cư lao động, ASEAN cũng đã hợp tác với Liên hợp quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua các chương trình như “TRIANGLE in ASEAN” với sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia và Canada, hay dự án “An toàn và Công bằng” với Liên minh châu Âu.

Bất chấp những nỗ lực chống lại nạn buôn người trên toàn khu vực, sự gia tăng các hoạt động trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đã dẫn đến sự gia tăng các trường hợp lừa đảo kỹ thuật số, từ lừa đảo đầu tư, lừa đảo tiền điện tử cho đến lừa tình. Với khoảng nửa tỷ người dùng Internet  tính đến năm 2023, ASEAN là nơi có một trong những thị trường kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, trình độ nhận thức chưa cao và tiêu chuẩn an toàn dữ liệu thấp đã khiến người dùng Internet ở ASEAN dễ bị lừa đảo trực tuyến.

3. Điểm đáng chú ý là các hoạt động lừa đảo trực tuyến đang làm thay đổi hồ sơ của nạn buôn người. Các vụ việc trong quá khứ thường liên quan đến những cá nhân có cơ hội tiếp cận giáo dục hạn chế và làm công việc lương thấp để dễ dàng lừa đảo thì hiện nay các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến thường có trình độ học vấn cao hơn và biết sử dụng các thiết bị điện tử. Hoạt động lừa đảo được chia nhỏ khi kẻ buôn người có thể tìm tới tận từng “con mồi”. Bối cảnh ngày càng phát triển của tuyển dụng lao động kỹ thuật số đã tạo thêm một thách thức nữa cho việc quản lý di cư. Ngày nay, các hoạt động xuyên biên giới được hỗ trợ bởi mạng internet đã khiến cuộc chiến chống buôn người trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Tháng 6/2023, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phát cảnh báo về tình trạng hàng nghìn người bị lừa tới các hang ổ phạm tội qua hình thức mời chào "việc nhẹ lương cao" ở Đông Nam Á.

Các phương pháp tiếp cận truyền thống đối với nạn buôn người thường liên quan đến sự hợp tác giữa quốc gia, tập trung vào việc xác định những người bị buôn bán và các tập đoàn buôn người. Những nỗ lực này phải được tiến hành song phương và đa phương bằng cách hài hòa luật pháp, hồi hương nạn nhân và phát triển đường dây báo cáo chặt chẽ giữa các cơ quan khác nhau liên quan đến việc phát hiện và phòng ngừa. Nhưng, khi các hoạt động buôn người gia tăng trên không gian trực tuyến, các nước ASEAN lại cần khuôn khổ hợp tác mới. Phần lớn hạ tầng mạng lại do các tập đoàn, công ty tư nhân quản lý, nên việc theo dõi điều tra các hoạt động này càng trở nên khó khăn, đặc biệt là khi vướng mắc các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trực tuyến xuyên quốc gia. Mặc dù có các quy định tồn tại ở từng quốc gia, nhưng các biện pháp này là không đủ nếu không có năng lực phối hợp khu vực để phát hiện và ngăn chặn tội phạm mạng.

Cuộc chiến chống lạm dụng công nghệ để buôn bán người ở Đông Nam Á -0
Cảnh sát truy tìm nạn nhân buôn người.

4. Năm 2023, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã nỗ lực để công nhận việc lạm dụng công nghệ trong buôn bán người là một thách thức an ninh khu vực và đã đi đầu trong việc thông qua “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về chống buôn bán người do lạm dụng công nghệ” tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 9/2023. Để thúc đẩy hợp tác khu vực về an ninh mạng, Trung tâm Thông tin và An ninh mạng của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng đã chính thức được khai trương vào tháng 7/2023.

Vào năm 2022, Chính phủ Campuchia đã khởi động một chương trình trấn áp các tập đoàn tội phạm nước ngoài. Trong vài năm gần đây, người lao động từ các nước ASEAN bị dụ dỗ đến Sihanoukville (thủ phủ cờ bạc của Campuchia với hàng trăm sòng bài lớn nhỏ) thông qua các nền tảng mạng xã hội để hoạt động trong các sòng bạc hoặc nhà chứa ở khu vực này với số lượng không hề nhỏ. Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, quốc gia này đã hồi hương thành công hơn 240 công dân của mình trong 2 năm 2022-2023 và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền Campuchia trong các nỗ lực tương tự tương lai. Campuchia và Trung Quốc cũng hợp tác chặt chẽ để điều tra những kẻ cầm đầu các băng đảng người Hoa liên quan đến hoạt động này.

Cuộc chiến chống lạm dụng công nghệ để buôn bán người ở Đông Nam Á -0
Vấn nạn buôn người gây ra nhiều hệ lụy.

Mặc dù công nghệ làm trầm trọng thêm vấn đề nhưng nó cũng đưa ra giải pháp. Sự hợp tác dễ dàng được mở rộng hơn khi khoảng cách địa lý không còn là vấn đề. Quan hệ đối tác với khu vực tư nhân mang lại hiệu quả trên một số lĩnh vực. Các nền tảng mạng xã hội cung cấp kiến thức cho người dùng mạng xã hội cũng như kiểm tra tính xác thực và gắn cảnh báo các quảng cáo tuyển dụng dễ gây hiểu lầm. Chính các nhà cung cấp tư nhân đã và đang được khuyến khích tham gia hoạt động tuyên truyền chống buôn bán người mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay.

Hợp tác quốc tế cũng đang được đẩy mạnh. Chiến dịch Storm Makers II khởi động từ tháng 7/2023 của Interpol nhằm vào nạn buôn người và đưa lậu người di cư đã đem đến những kết quả ban đầu. Chỉ trong giai đoạn tiền hoạt động, Interpol đã hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý vụ án trong đó 40 nạn nhân người Malaysia bị dụ đến Peru với lời hứa hẹn một công việc lương cao, nhưng sau đó bị buộc phải làm nô lệ. Những khuôn khổ hợp tác cả trên quy mô khu vực và quốc tế này chính là tín hiệu tích cực để ngăn chặn nạn buôn người trong tương lai gần.

Tiểu Phong
.
.