Cuộc chiến thông tin quanh “câu chuyện” Ukraine
Những cảnh báo khủng khiếp từ Mỹ về một cuộc “xâm lược Ukraine của Nga” liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông suốt thời gian qua khiến dư luận có cảm giác như chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang đến rất gần và Nga sẽ “xâm lược Ukraine”.
Hôm 5-2, các báo cáo tình báo của Mỹ cho biết Nga có khả năng tiếp quản thủ đô Kiev của Ukraine trong vòng 72 giờ và khiến 50.000 dân thường thiệt mạng. Hôm sau, 6-2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng 130.000 quân Nga đang tập trung ở biên giới Ukraine và có thể tấn công “bất cứ ngày nào”. Ngày 7-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi 30.000 người Mỹ sống ở Ukraine “rời khỏi đất nước này là một sự khôn ngoan”.
Xét về cường độ thông tin thì phương Tây quả thực đang áp đảo Nga về mọi mặt. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, 3 ngày, người Mỹ đã khiến cả thế giới nghẹt thở bởi nguy cơ “nước Nga đánh chiếm Ukraine”. Hầu như ngày nào cũng thế, các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, đặc biệt là Mỹ đều phát không ngớt và tô đậm việc Nga điều chuyển quân đội đến gần biên giới Ukraine, việc Nga ủng hộ các lực lượng ly khai thuộc miền Đông Ukraine chống Chính phủ Ukraine,... Gần đây nhất là cuộc tập trận chung Nga-Belarus cũng đang được truyền thông phương Tây tuyên truyền như là một hành động mang tính khiêu khích giữa lúc căng thẳng Nga-phương Tây đang rất cao quanh vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, câu chuyện được kể từ phía Nga về tình hình Ukraine lại khác biệt rõ rệt. Dmitry Polyanskiy, Phó Đại sứ của Nga tại Liên Hợp quốc gọi các đánh giá của Mỹ là “điên rồ và hù dọa”, bác bỏ chúng và rằng đó chỉ là tuyên truyền. Maria Zakharova, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga hôm 7-2 khẳng định rằng Mỹ và Anh đang chĩa mũi tấn công vào Nga “để chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi các cuộc khủng hoảng chính trị trong nước”.
Cuộc chiến thông tin còn có sự vào cuộc của cả các hãng thăm dò dư luận. Cơ quan thăm dò dư luận ECFR của châu Âu vừa công bố 60% người phương Tây tin là “có khả năng Nga xâm lược Ukraine” và ủng hộ chính phủ nước mình hậu thuẫn Ukraine chống lại Nga. Trong khi đó, các thăm dò khác do các cơ quan truyền thông tiến hành tại khu vực Đông Âu, kể cả Ukraine, thì cho kết quả đa số không tin nước Nga sẽ tiến công đánh chiếm Ukraine. Một nửa người Nga và gần một nửa người Slovakia và người miền Đông nước Đức tin rằng căng thẳng hiện nay chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và NATO và Mỹ là thủ phạm của cuộc khủng hoảng.
Oleksandr Danylyuk, cựu Giám đốc an ninh của Ukraine cho biết người dân Ukraine hiện đang “rất bối rối và chia rẽ” vì cuộc chiến thông tin của cả hai bên. Ông Danylyuk nói, một số gia đình đã thu dọn hành lý chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống Nga tấn công, trong khi những người khác tin rằng “mối đe dọa” đang bị truyền thông phương Tây thổi quá đà.
Trong cuộc chiến thông tin hai chiều, mỗi bên đều cố gắng tung ra thông tin tối đa để đổ cho đối phương là “kẻ gây chiến”, còn mình là “nạn nhân”. Trong cuộc chiến này, Điện Kremlin đã có lý khi liên tục khẳng định rằng không khí chiến tranh và một “cuộc xâm lược Ukraine của Nga” là luận điệu giả dối, được Mỹ và đồng minh thổi phồng nhằm lôi kéo Nga vào cuộc chiến do phương Tây dựng nên.
Mỹ liên tục đưa ra cáo buộc việc nước Nga bố trí một lực lượng quân sự khổng lồ dọc theo biên giới của Ukraine là một “chiến dịch tạo mục tiêu giả” nhằm mớm thông tin cho tình báo Mỹ những căn cứ giả, từ đó làm giảm uy tín các cơ quan thông tin, tình báo của Mỹ và phương Tây. Mỹ cũng cáo buộc rằng thông tin giả, thiếu xác thực mà truyền thông tung ra dựa trên những “căn cứ giả” do phía Nga cung cấp cũng nhằm mục tiêu tạo cớ để đưa quân vào Ukraine. Một chuyên gia quốc phòng châu Âu về thông tin không gian mạng cho rằng bài “thông tin giả” của Nga trong cuộc chiến thông tin còn được sử dụng để thổi bùng ngọn lửa chống Mỹ ngay trong lòng châu Âu, như tại Đức, Ba Lan,... Ngoài cảnh báo về các kịch bản “mục tiêu giả”, Nhà Trắng cũng “đã cố tình mô tả kịch bản gây hấn nhất có thể”.
Ở phía ngược lại, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov bác bỏ mọi cáo buộc từ Mỹ, cho rằng đây là “sự dối trá trắng trợn”, là một phần trong cuộc chiến thông tin chống Nga.
Tuy nhiên, cho dù Mỹ và phương Tây cố tình thổi phồng nguy cơ “Nga xâm lược Ukraine”, dường như điều đó không làm cho Kiev hoảng sợ. Cựu Giám đốc an ninh của Ukraine nói với Yahoo News rằng vấn đề là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “không tin tưởng Biden và ông ấy cũng không tin tưởng người Mỹ. Chính phủ của Tổng thống Zelensky có vẻ tin rằng phương Tây đã phóng đại tình hình. Và Kiev có vẻ đã nói với phương Tây rằng, “bạn biết đấy, chúng tôi hiểu rõ về những gì đang xảy ra”.Vì vậy, không cần đến sự phản pháo của Nga, vì ngay Chính phủ Ukraine cũng đang không tin vào những điều dối trá đó.
Trong guồng quay tít mù của cuộc chiến thông tin giữa hai bên, câu chuyện được kể từ phía Nga có vẻ đã phản ánh đúng thực tế hơn. Chuyến du thuyết vừa rồi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm tìm kiếm giải pháp tháo ngòi nổ khủng hoảng đã cho thấy thực chất cuộc đối đầu xung quanh Ukraine là giữa Nga và NATO, trong đó Mỹ và NATO âm mưu tạo dựng nên câu chuyện “Nga xâm lược Ukraine” để làm cái cớ đưa quân đến sát biên giới Nga, đồng thời cho thế giới thấy sự cấp bách của việc NATO phải kết nạp Ukraine.
Các hoạt động ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình giữa Nga với Mỹ và các đồng minh NATO cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.Ông Macron được cho là đã hé mở một cơ hội tháo ngòi nổ, giảm căng thẳng giữa hai bên. Nhưng, thực tế tình hình vẫn không lay chuyển. Washington tiếp tục đưa ra luận điệu cảnh báo rằng Moscow có thể tiến hành một hành động khiêu khích trong thời gian này nhưng lại không đưa ra bằng chứng để chứng minh những điều họ tuyên bố là có cơ sở thực tế, với lý do “thông tin tình báo cần được bảo mật nguồn thông tin”.