Một năm sau khi Liên bang Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine:

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Thứ Tư, 22/02/2023, 16:06

Nước Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2/2022. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay từ đầu đã tuyên bố rằng mục đích của hoạt động đó là “bảo vệ những người dân trong suốt 8 năm qua đã phải chịu những trò hành hạ, nạn diệt chủng từ phía chế độ Kiev”. Và theo ông, để đạt được điều đó thì cần phải “tiến hành phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”, đưa ra tòa tất cả những tội phạm quân sự chịu trách nhiệm về “những tội ác chống lại dân lành” của vùng Donbass.

Thực tế đẫm máu

Trong suốt một năm qua, những gì diễn ra trên chiến trường Ukraine tạo ra cảm giác như thể mọi sự đều có thể xảy đến. Ở một số thời điểm nhất định, rất khó đoan chắc rằng mèo nào sẽ cắn mỉu nào. Tuy nhiên, hiện nay, có vẻ như thế trận dù còn rất phức tạp, nhưng đã có thể nói như nhà báo Đức Christof Schlitz trong bài viết đăng trên tờ Die Welt ngày 20/2/2023, những chiến sự giành giật lãnh thổ căng thẳng và đẫm máu hiện nay giữa quân đội Nga và Ukraine không thể kết thúc bằng chiến thắng của Kiev. Ukraine khó có thể giành lại cho mình Krym và Donbass. Không ai là không thấy rõ những ưu thế của quân đội Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn -0
Xung đột ở Ukraine tác động lớn đến cục diện địa chính trị trên thế giới. Ảnh: Reuters

Cả hai bên đang tiến hành một cuộc chiến đẫm máu giành giật lãnh thổ rất tổn hại với vô số những người hy sinh nhưng vẫn khó có ai vượt lên được nhiều.  Tuy nhiên, Nga hiện đã chiếm được gần 18% diện tích lãnh thổ nước Cộng hòa Ukraine cũ của Liên bang Xôviết. Moscow đang cố gắng tấn công, trước hết ở tỉnh Lugansk tại thành phố Kreminna và ở tỉnh Donetsk ở vùng Bakhmut. Markus Reisner, một trong những chuyên viên quân sự hàng đầu của châu Âu từ Bộ Quốc phòng Áo, cho rằng: “Có lẽ thành phố này sẽ bị quân Nga chiếm trong thời gian tới”. Kết quả là phòng tuyến thứ hai của Ukraine sẽ bị phá vỡ và con đường dẫn tới thành phố quan trọng về mặt chiến lược Kramatorsk sẽ được mở ra. Nếu Ukraine không giữ được cứ điểm hội tụ này thì khu vực Donetsk sẽ bị mất hoàn toàn đối với họ...”. Cũng phải nói thêm rằng, chính Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky trong bài trả lời phỏng vấn báo Italy Corriere dellla Sera ngày 20/2 cũng đã nói rằng, quân đội Ukraine sẽ không cố thủ Bakhmut bằng mọi giá...

Theo cái nhìn của phương Tây, có vẻ như thời gian không ủng hộ Moscow, vì nước Nga hiện đang chưa đủ đáp ứng các nhu cầu về vũ khí hiện đại cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thế nhưng, người Nga có thể khắc phục khó khăn này bằng cách gia tăng thêm những số lượng khổng lồ các “vũ khí thông thường” và nhân lực. Nhà báo Đức Schlitz cho rằng, hiện Moscow đang có tới 4.000 xe tăng và rất nhiều trang thiết bị quân sự. Thêm vào đó, theo chuyên viên quân sự Áo Raisner, hiện trên lãnh thổ Ukraine có tới 400.000 quân nhân Nga...

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm bất ngờ đến Kiev vào ngày 20/2 và gặp Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Reuters

Về phần Ukraine, họ khó có thể tiếp tục chiến đấu nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Những vũ khí đã tích lũy được thì đều đã bị sử dụng cạn kiệt. Trong khi đó, có vẻ như phương Tây đang không vội vàng lắm trong việc gia tăng thêm viện trợ quân sự thực tế cho Kiev. Lý do thứ nhất là, “quân tử phải phòng thân”, họ không thể không giữ phần vũ khí cần thiết cho chính họ. Ukraine không thể là cuộc chơi dốc cạn túi của phương Tây! Lý do thứ hai, theo chuyên viên quân sự Raisner, mục tiêu thực sự của Mỹ là phải o ép nước Nga bằng mọi cách nhưng không thể để cho Moscow rơi vào “cùng tắc biến”: Vũ khí hạt nhân mà Nga đang sở hữu luôn là thanh gươm Damocles đối với tất cả! Chính vì thế, phương Tây sẽ không bao giờ cung cấp cho Ukraine đủ số lượng vũ khí mà Kiev yêu cầu để có thể giành chiến thắng. Về mặt nguyên tắc mà nói, NATO sợ hơn tất cả là việc chiến tranh có thể lan sang lãnh thổ của họ, chứ không phải những hậu quả của việc Ukraine có thể chiến bại trước Nga.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn -0
Lính Ukraine ở mặt trận Bakhmut. Ảnh: BBC

Thế trận giằng co

Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bay sang thủ đô Warsaw (Ba Lan) và từ đó đã bất ngờ đi tàu hỏa sang Ukraine. Tại Kiev, ông Biden đã hứa một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 500 triệu USD. Và, ông cũng thông báo trước về việc sẽ đưa ra những biện pháp cấm vận mới đối với Nga ngay trong tuần này. Xét theo tất cả những gì đang diễn ra, Nhà Trắng, dưới sự lãnh đạo của ông Biden, vẫn tiếp tục đi theo con đường đã chọn trong sự đối đấu với Moscow. Washington nói riêng và phương Tây nói chung rất muốn cô lập hóa Moscow trong vấn đề Ukraine nhưng xem ra, không phải tất cả thế giới đều muốn hùa theo định hướng này.

Theo tờ Financial Times, trong Hội nghị An ninh Munich vừa qua, những tuyên bố của các đại diện phương Tây về tình hình ở Ukraine đã không mấy tác động được mấy tới những quốc gia thuộc cái gọi là “phương Nam toàn cầu”. Thuật ngữ “phương Nam toàn cầu” được dùng để chỉ các quốc gia châu Á, Phi và Mỹ latinh. Finacial Times cho rằng, các nhà lãnh đạo phương Tây đã muốn lợi dụng cuộc gặp của giới tinh hoa thế giới tại Munich để chứng minh rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là mối đe dọa đối với cả thế giới. Tuy nhiên, không có mấy điều chứng tỏ là thông điệp này đã được nghe thấu ở Munich. Theo các quan chức phương Tây tham gia hội nghị Munich, trong các cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo các quốc gia thuộc “phương Nam toàn cầu” mới lộ rõ ra rằng, họ quan tâm tới những vấn đề lạm phát, nợ nần, giá năng lượng gia tăng và an ninh lương thực hơn là tới cuộc xung đột ở Ukraine. Cũng thấy rõ rằng, đại diện các nước “phương Nam toàn cầu” đang rất không hài lòng về những biện pháp mà các nước phương Tây áp dụng trong phân phối vaccine chống COVID-19 và trong bồi thường thiệt hại vì những biến đối khí hậu...

Tại Mỹ cũng đang ngày một mạnh hơn phong trào phản đối sự dính líu tới cuộc chiến ở Ukraine. Ngày 19/2/2023, những người tham gia phong trào phản đối ủng hộ Ukraine đã tổ chức biểu tình ở trung tâm thủ đô Washington. Hoạt dộng này do đảng Tự do Mỹ và cựu thượng nghị sĩ Ron Paul đứng ra tổ chức. Ông Paul cho biết, có tới hàng trăm người theo các xu hướng chính trị khác nhau đã tập hợp tại đài tưởng niệm Lincoln để bày tỏ “sự phản đối chuyển động mộng du của Washington tới Thế chiến thứ ba”. Rất nhiều ý kiến đã được vang lên nhưng tựu trung đều nêu rõ một ý: “Không nên đọ sức cùng Moscow!”. Tham gia biểu tình, nữ diễn viên Tara Reid, cựu trợ lý trong Thượng nghị viện Mỹ, nói rằng bà đã từng làm việc ở thủ đô và cho bộ máy của Tổng thống Joe Biden, nhưng bà cũng không ngờ rằng sau khi ông Biden vào Nhà Trắng thì quan hệ giữa Washington với Moscow lại trở nên xung đột đến thế. Theo bà, ngành công nghiệp quân sự Mỹ đang kiếm ăn bẫm trong cuộc chiến ở Ukraine, nên vừa thoát ra khỏi Afghanistan, nước Mỹ đã lao đầu vào Ukraine và việc này cần phải bị ngăn chặn...

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn -0
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có bài phát biểu trực tuyến trước Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: Reuters

Phải nhìn tận gốc

Mới đây nhất, trên tạp chí Newsweek đã đăng bài của cựu cố vấn Bộ chỉ huy trung tâm Hoa Kỳ từng phục vụ 15 năm ở Liên Xô, Đại sứ Michael Gfoeller và cựu lãnh đạo Phái bộ tại Đại sứ quán Mỹ ở Arab Saudi, David Rundell. Theo họ, phương Tây đã phạm sai lầm khi nghĩ rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là một việc bất thình lình xảy ra, chứ không phải do những hành động mang tính khiêu khích của chính họ mà hình thành.

Hai tác giả trên đã nhắc lại, ngay từ tháng 2/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã tiến hành một cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đề bàn về việc thống nhất nước Đức. Khi đó, ông Gorbachev đã tuyên bố về việc không chấp nhận mở rộng NATO. Và, ông Baker đã đồng tình với ý kiến này. Thế nhưng, lời hứa đó đã không được tuân thủ. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nga thời hậu Xôviết là Boris Yeltsin và Vladimir Putin đều từng nói về sự quan tâm của họ tới việc gia nhập NATO, nhưng lời của họ đã bị bỏ ngoài tai. Rốt cuộc là phương Tây đã quyết định đơn phương lôi kéo Ukraine về phía NATO. Điều này khiến Moscow cảm thấy lo ngại, đến mức ông Putin phải tuyên bố, trong hoàn cảnh như vậy, ông cũng không biết phải là sống tiếp ra sao và làm việc gì khác, ngoài con đường “nổi lửa lên em” và bắt đầu điều mà Moscow gọi là một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo Michael Gfoeller và David Rundell, từ lâu Moscow đã lo ngại về câu chuyện liên quan tới Ukraine và ở Washington cũng đã biết về điều này. Thế nhưng, phương Tây đã luôn “mũ ni che tai” trước những lời kêu gọi từ điện Kremlin để yên cho Ukraine là một quốc gia trung lập. Hơn thế nữa, phương Tây còn cố tình tuyên bố nhiều lần rằng Ukraine có quyền gia nhập NATO. Và thế là mọi sự đã “quá mù ra mưa” như chúng ta đang thấy. Các tác giả của bài báo trên Newsweek cho rằng, một khi phương Tây không hiểu rõ (hoặc cố tình làm ra vẻ không hiểu rõ) những nguyên nhân đích thực đã khiến chiến sự bùng nổ ở Ukraine thì không thể hy vọng gì vào việc giải quyết cuộc xung đột quân sự này.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn -0
Kho vũ khí của NATO cạn nhanh do nhiều nước tăng cường hỗ trợ Ukraine.  Ảnh: Reuters

Michael Gfoeller và David Rundell cũng nhắc lại lời của đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ: “Ukraine đã làm tất cả những gì mà họ có thể”. Theo họ, “thực sự là một hành động mang tính đạo đức nếu kết thúc được cuộc chiến tranh này bằng thương lượng, chứ không phải kéo dài sự đau khổ của nhân dân Ukraine trong cuộc xung đột mà họ khó có thể thắng được mà không mạo hiểm hy sinh cuộc sống của những người Mỹ”.

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài diễn văn mang tính thông điệp trước cơ quan lập pháp Nga. Phần quan trọng trong thông điệp này đã dành cho chủ đề chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ở thế cực chẳng đã phải khởi chiến, Moscow ở thời điểm hiện tại vẫn giữ vững quyết tâm đạt bằng được những mục tiêu mà họ đã đặt ra trong điều kiện đã mất niềm tin vào thiện chí của phương Tây. Điện Kremlin vẫn chủ trương có thể đàm phán với Ukraine nhưng không phải với những điều kiện tiên quyết mà Kiev đặt ra.

Theo các nhà quan sát, chiến sự tại Ukraine sẽ còn kéo dài dai dẳng. Phương Tây sẽ chỉ cung cấp cho Ukraine một số lượng vũ khí đủ để cầm cự trong hoàn cảnh ngày càng thiếu thốn nhân lực. Một kịch bản mà nhiều người mong chờ là: Có thể tới một thời điểm nào đó, những nhà tài trợ từ bên ngoài sẽ buộc Kiev phải tiến hành đàm phán với Nga trong những điều kiện có lẽ là Moscow sẽ giữ thế mạnh hơn...

Hồng Thanh Quang
.
.