Cuộc chuyển tiếp khó khăn ở Sudan
Một cuộc đảo chính quân sự “chớp nhoáng” vừa diễn ra trong vài ngày qua ở Sudan, quốc gia nhiều biến động ở vùng Sừng châu Phi, gây lo ngại cho dư luận cũng như giới chính trị quốc tế quan tâm đến an ninh khu vực này.
Đến ngày 28-10, tình hình chính trị tại Sudan vẫn chưa trở lại bình thường, mặc dù Thủ tướng Abdalla Hamdok đã được phép trở về tư dinh sau 1 ngày bị quân đội giam giữ ở một nơi bí mật. Việc đi lại hay hoạt động chính trị của ông Hamdok dường như được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của quân đội. Trong thông báo ra ngày 27-10, Văn phòng Thủ tướng Hamdok cho biết nhiều bộ trưởng của Chính phủ Sudan hiện vẫn đang bị giam giữ. Điều này cho thấy quân đội do tướng Abdel-Fattah Burhan chỉ huy vẫn đang nắm quyền bất chấp sự phản đối của người dân Sudan và sự lên án của dư luận quốc tế.
Cuộc đảo chính quân sự ở Sudan diễn ra từ ngày 25-10, với việc quân đội do tướng Abdel-Fattah Burhan chỉ huy nắm quyền điều hành đất nước và bắt giữ các lãnh đạo dân sự, trong đó có Thủ tướng Abdalla Hamdok và một số bộ trưởng, thị trưởng, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, ban lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Hàng nghìn người dân Sudan đã đổ ra đường phố Khartoum bất chấp lệnh cấm của quân đội và tập trung phía trước dinh của tướng Burhan để phản đối cuộc đảo chính.
Cộng đồng quốc tế cũng đã có phản ứng ngay tức thì. Ngoài việc lên án hành động đảo chính, kêu gọi trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và các lãnh đạo dân sự, khôi phục thể chế chính trị dân chủ, cộng đồng quốc tế đã có những động thái ban đầu để phản ứng với vụ đảo chính. Mỹ, Anh và Na Uy mô tả cuộc đảo chính là một “sự phản bội cuộc cách mạng, quá trình chuyển tiếp và những đòi hỏi chính đáng của người dân Sudan đối với hòa bình, công lý và phát triển kinh tế”. Hôm 26-10, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố thể chế mới do quân đội nắm quyền sẽ phải đối mặt “những hậu quả nghiêm trọng”, trong khi Mỹ quyết định tạm “treo” khoản viện trợ 700 triệu USD, còn IMF thì thông báo đang “theo dõi sát” tình hình. Cũng trong ngày 26-10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn để thảo luận về tình hình tại Sudan. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres hối thúc lãnh đạo các cường quốc hành động khẩn trương để ngăn chặn, đẩy lùi “nạn dịch” đảo chính đang ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay ngay cả Hội đồng Bảo an cũng chưa có động thái gì khác ngoài phiên họp nêu trên.
Trong tuyên bố giải trình hôm 26-10, tướng Burhan đã “giải thích” cho hành động đảo chính là nhằm “giải tỏa ách tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua” tại Sudan, đổ lỗi cho Thủ tướng Hamdok vì đã từ chối thỏa hiệp với các tướng lĩnh quân đội trong các cuộc đàm phán vào cuối tuần trước do đặc phái viên Mỹ Jeffrey Feltman làm trung gian liên quan đến các bên của Sudan. Burhan cho biết quân đội đã hành động vì lo ngại nguy cơ nội chiến, cáo buộc các lực lượng chính trị kích động chống lại lực lượng vũ trang.
Cuộc đảo chính hôm 25-10 là diễn biến mới nhất trong một giai đoạn căng thẳng ở Sudan, có mầm mống từ sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ năm 2019. Thời điểm đó, quân đội và các đảng phái chính trị ở Sudan đã thống nhất cơ chế chuyển tiếp dân chủ được giám sát bởi một thực thể gọi là “Hội đồng chủ quyền” (Sovereign Council) với thành viên bao gồm các tướng lĩnh quân đội và chính khách các đảng phái.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiến trình chuyển tiếp dân chủ đã diễn ra không hề êm ả, dần dần lộ ra nhiều cuộc tranh giành quyền lực gay gắt nhất đã diễn ra giữa các đảng phái chính trị, giữa quân đội, dân quân, các nhóm nổi dậy địa phương và giữa những người ủng hộ “Hồi giáo hóa” nhà nước Sudan. Các cuộc tranh giành quyền lực đó đã dẫn đến đối đầu căng thẳng trong những tháng gần đây. Đặc biệt, Sudan bắt đầu bất ổn kể từ sau vụ âm mưu đảo chính bất thành cách đây một tháng, bộc lộ mối bất hòa sâu sắc giữa quân đội và các lãnh đạo chính trị dân sự. Nhiều cuộc biểu tình, tuần hành của cả hai phía đã diễn ra liên tục trong nhiều tuần. Ở phía quân đội, tướng Burhan ngày càng bị áp lực đòi hỏi phải thể hiện sức mạnh thực tế để kiểm soát đất nước. Ở phía chính khách dân sự, Thủ tướng Hamdok đã nhìn thấy mối đe dọa từ quân đội và lên tiếng yêu cầu phải “cải tổ bộ máy an ninh, quân sự”.
Liên tục các tuần lễ sau đó là cuộc giằng co quyền lực căng thẳng giữa quân đội và chính quyền dân sự Sudan. Các nhóm ủng hộ quân đội đã tổ chức biểu tình ngồi và kêu gọi “quay trở lại chế độ quân đội nắm quyền”.
Vấn đề phức tạp là các đảng phái khác nhau đã lợi dụng tình hình căng thẳng chính trị này để mở rộng cơ sở quyền lực của mình. Đầu năm nay, lãnh đạo dân quân kỳ cựu, tướng Mohamed Hamdan Dagalo, biệt danh “Hemedti”, đã phản đối đề xuất sáp nhập nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (Rapid Support Forces) vào quân đội. RSF vốn bị các tổ chức quốc tế cáo buộc đã từng tham gia các hành động tàn bạo ở Darfur trước đây. Tình hình lộn xộn này khiến Thủ tướng Hamdok một lần nữa bày tỏ quan ngại sự chia rẽ không được giải quyết giữa các phe phái chủ chốt của tiến trình chuyển tiếp dân chủ có thể dẫn đến hỗn loạn và nội chiến.
Nhiều tiếng nói của các chuyên gia quốc tế ủng hộ Sudan cũng bày tỏ lo ngại và kêu gọi các phe phái Sudan kiềm chế, tránh xung đột nhằm tránh tình trạng các nguồn vốn viện trợ rất cần thiết cho Sudan bị “treo”.
Mặc dù tướng Burhan ra tuyên bố cam kết rằng quân đội sẽ tiếp tục tiến trình chuyển tiếp ở Sudan nhưng dư luận chung vẫn không thể yên tâm tin tưởng vào tuyên bố của ông do người ta chưa thể quên nỗi ám ảnh của hơn 30 năm đặt dưới sự cai trị của chế độ quân phiệt ở Sudan.