Cuộc “đại phản công” của Ukraine
Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, các lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện một chiến dịch tấn công. Họ gọi hành động này là "đại phản công". Tuy nhiên, sau vài tuần, các nhà quan sát nhận thấy rằng "chiến công" của lực lượng vũ trang Ukraine không ấn tượng như họ mong muốn. Trong khi phương Tây đang bắn tiếng rằng nếu phản công thất bại, Kiev sẽ không còn nhận được hỗ trợ như trước.
8 ngày sau khi bắt đầu, trong cuộc họp báo, một trong các chỉ huy Ukraine tuyên bố lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát khu vực rộng hơn 100 km2 do quân đội Nga kiểm soát. Tuy nhiên, đại diện của các lực lượng vũ trang Nga chỉ ra rằng họ đã gây thiệt hại đáng kể cho Ukraine trong cuộc giao tranh.
Những luồng thông tin trái chiều
Nghịch lý của cuộc xung đột Ukraine nằm ở chỗ, để dựng lại một bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra, thông tin không chỉ được rút ra từ các tuyên bố của phía Nga và Ukraine, mà còn từ các phương tiện truyền thông phương Tây. Chính xác hơn, không chỉ trên các phương tiện truyền thông, mà còn trong các tuyên bố của đại diện bộ chỉ huy NATO và các chính trị gia phương Tây. Chẳng hạn, tướng Mark Milley, người đứng đầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuần trước cho biết tại trụ sở NATO ở Brussels rằng "Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công và đã đạt được tiến bộ", nhưng ông cũng nói về "những khó khăn lớn" gặp phải trong cuộc phản công mới được phát động này. Do đó, ông cho mọi người hiểu rằng bước tiến của các lực lượng Ukraine mà ông vừa thông báo vẫn chưa đáng kể lắm. Cuộc giao tranh đang diễn ra với "cường độ lớn" và hoạt động tấn công của lực lượng Ukraine "có thể sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi chi phí đáng kể", ông Mark Milley nói thêm. Có vẻ như những tín hiệu tương tự cũng đang đến từ phía Ukraine.
Trong một cuộc họp báo vào tuần trước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tác chiến của lực lượng liên quân Ukraine Oleksiy Khromov nói rằng các lực lượng Ukraine đã sẵn sàng chiến đấu để giải phóng lãnh thổ của họ, ngay cả với "tay không". Ông cũng thông báo rằng quyền kiểm soát đã được khôi phục trên một phần lãnh thổ trước đây bị lực lượng Nga chiếm đóng. Ông Khromov cho biết, lực lượng Nga đã bị đánh đuổi khỏi 7 địa phương ở khu vực phía Đông Donetsk và khu vực phía Nam Zaporizhia. Bộ chỉ huy quân đội Ukraine cũng tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã tiến vào khu vực Donetsk, phía Đông thành phố Bakhmout và khu vực Ougledar, phía Nam, nhưng điều này đã được xác nhận, như đại diện của bộ chỉ huy Mỹ và NATO nhấn mạnh là không dễ dàng mà phải sau "những cuộc chiến đấu khó khăn và không ngừng nghỉ".
Nếu các lực lượng Ukraine đã đạt được thành công đáng kể, điều này chắc chắn sẽ được phản ánh trong các tuyên bố của bộ chỉ huy Nga. Nhưng, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng quân đội Ukraine đã mất hơn 400 binh sĩ chỉ trong một ngày, vào sáng 16/6, trên các trục phía Nam của khu vực Donetsk. Ngoài ra, Ukraine còn mất hàng chục xe tăng, xe bọc thép và các thiết bị quân sự khác.
Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc phản công của Ukraine không có cơ hội thành công, theo trích dẫn của The New York Times. Ngày 12/6, kênh truyền hình CNN xác nhận Ukraine đã mất 16 xe bọc thép do Mỹ sản xuất, trong khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo tiêu hủy 8 xe tăng Leopard do Đức sản xuất. Mặc dù, theo tờ Politico của Mỹ, Kiev vẫn chưa cung cấp thông tin chính thức về thương vong trên chiến trường, nhưng thông tin có được trên trang phân tích hoạt động quân sự và quốc phòng Oryx, nơi thu thập thông tin từ các nguồn mở, cho thấy quân đội Ukraine đã mất ít nhất 16 xe bọc thép Bradley và 4 xe tăng Leopard dưới hỏa lực của pháo binh Nga và trong quá trình băng qua bãi mìn. Rõ ràng, đây chính là lý do tại sao trong những ngày gần đây, các chính trị gia cấp cao của châu Âu nêu ra khả năng cung cấp thêm xe tăng cho Ukraine, trong khi gần đây họ tuyên bố rằng lực lượng vũ trang Ukraine có "mọi thứ cần thiết" để tiến hành một cuộc phản công.
Con số tiêu hao
Tờ Politico cũng viết rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã đưa ra quyết định gửi thêm xe bọc thép tới Ukraine, vì các lực lượng của nước này đã chịu tổn thất đáng kể trong nỗ lực phản công đầu tiên chống lại lực lượng Nga. Tờ Handelsblatt của Đức cũng đưa tin Đan Mạch và Hà Lan đã mua 14 xe tăng Leopard 2 từ nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall để gửi cho Ukraine. Rõ ràng là Nga đã có đủ thời gian trong kỳ nghỉ đông xuân để chuẩn bị các vị trí kiên cố vững chắc và rộng lớn. Có vẻ như những khu vực này sẽ trở thành một "nghĩa địa" thực sự cho hàng chục loại xe bọc thép khác nhau mà các nước châu Âu và NATO đang cố gắng cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Thượng nghị sĩ Mỹ và là đại tá về hưu Dick Black, một cựu chiến binh từ chiến tranh Việt Nam, đã viết trên tài khoản Twitter của mình rằng "bức tường thép", như ông gọi là các tuyến phòng thủ do Nga dựng lên, đang ngăn chặn bước tiến cuộc phản công của Ukraine. Ông viết rằng cuộc tấn công được báo trước rộng rãi của Ukraine đã gặp phải một "bức tường thép" thực sự ngay từ đầu. Theo ông, khoảng 7.000 người đã thiệt mạng trong toàn bộ thời gian phản công và không đạt được điều gì "thuyết phục" khi biết rằng 160 xe tăng và 360 xe bọc thép (của lực lượng Ukraine) đã bị phá hủy hoặc mất tích không thể cứu vãn chỉ trong một tuần. Dick Black viết: "Chúng tôi chỉ thấy những chiếc Bradleys và Leopards bốc cháy ở nhiều nơi".
Michael Waltz, một quân nhân Mỹ khác từng tham chiến ở Afghanistan và là đại diện của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ từ bang Florida, cũng tin rằng tiến bộ của lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc phản công sẽ rất hạn chế (nếu không muốn nói là không tồn tại), nhưng họ sẽ chắc chắn gây tổn thất không nhỏ cho lực lượng Nga. "Là một cựu sĩ quan lực lượng thiết giáp, tôi có thể nói với các bạn rằng việc phá vỡ các tuyến phòng thủ này của Nga sẽ rất tốn kém và khó khăn", ông nói với các phóng viên. Ông cũng nói thêm: "Sẽ tốt hơn nếu người Ukraine làm đúng và bảo toàn những chiếc xe tăng do phương Tây cung cấp để đạt được những thành công trên một trục khác".
Phương Tây mệt mỏi?
Trong khi đó, từ Lầu Năm Góc, các quan chức Mỹ đưa ra yêu cầu một cách không chính thức rằng Kiev phải đạt được tiến bộ lớn trong cuộc phản công và cho rằng nếu Ukraine thất bại, họ có thể bị tước đi sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây, Tạp chí Politico đưa tin. Phương Tây mệt mỏi với cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, dẫn đến cạn kiệt kho vũ khí và phá vỡ quan điểm thống nhất với Trung Quốc, Brazil và Nam Phi. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine không muốn bị áp lực phải thực hiện các biện pháp vội vàng trong cuộc phản công có thể dẫn đến thất bại nghiêm trọng và tốn kém, làm tổn hại đến tinh thần của quân đội Ukraine, hy vọng của phương Tây và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về địa chính trị.
“Bất chấp những lời hứa công khai sẽ hỗ trợ Ukraine khi cần thiết, các quan chức Washington đã cảnh báo Kiev rằng cần phải đạt được tiến bộ lớn trên chiến trường [trong cuộc phản công]”, để tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ Mỹ và các nước châu Âu, Politico viết.
Như tạp chí lưu ý, do "giai đoạn cao trào của cuộc bầu cử tổng thống" đang đến gần, Quốc hội Mỹ sẽ khó tiếp tục gây sức ép viện trợ kinh tế cho Kiev. Theo các nhà lập pháp Ukraine, trong các cuộc đàm phán gần đây giữa đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine, phản ứng liên quan đến khoản viện trợ sắp tới là: "Hãy xem cuộc phản công diễn ra như thế nào”.
Châu Âu cũng đang có dấu hiệu mệt mỏi và thận trọng khi đối mặt với xung đột. Ngay cả ở Ba Lan, một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine, thái độ đối với người tị nạn Ukraine đang xấu đi, theo một cuộc thăm dò gần đây do tờ báo Ba Lan Rzeczpospolita công bố. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Đại học Warsaw và Đại học Kinh tế và Nhân văn Warsaw. "Cuộc thăm dò cho thấy số người tin chắc rằng Ba Lan nên giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến với Nga đã giảm từ 62 đến 42%", Rzeczpospolita lưu ý. "Ít người Ba Lan hơn cũng tích cực về viện trợ của Ba Lan cho Ukraine - 35% so với 47% của năm trước. Số người đánh giá viện trợ tiêu cực đã tăng gấp đôi (từ 5 lên 10%)”.
Politico viết: “Trong vài tuần qua, Tổng thống Zelensky đã phải điều động để cố gắng củng cố sự lạc quan của phương Tây nhằm duy trì việc giao vũ khí trong khi ám chỉ rằng cuộc phản công sẽ không hiệu quả như mùa thu năm ngoái”. Ukraine không muốn bị đẩy vào hành động vội vàng có thể dẫn đến thất bại nghiêm trọng, làm suy yếu tinh thần quân đội và phá hủy hy vọng ở phương Tây, một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine giấu tên cho biết. "Và trong khi các hoạt động chiến đấu lớn vẫn chưa diễn ra, ông Zelensky đã lưu ý rằng mọi thứ rõ ràng đang có vẻ tồi tệ", Politico cho biết. Trong khi đó, cựu cố vấn Lầu Năm Góc, đại tá Douglas Mac-Gregor cho rằng lực lượng vũ trang Ukraine vẫn chưa đạt được thành tích gì trong cuộc phản công.