Cuộc đảo chính tại Niger làm đảo lộn kế hoạch an ninh của Mỹ ở Tây Phi

Thứ Tư, 02/08/2023, 08:30

Cuộc đảo chính quân sự ở Niger cuối tuần qua có nguy cơ phá vỡ toàn bộ chiến lược của Mỹ trong việc chống lại các chiến binh Hồi giáo cực đoan đang bành trướng khắp Tây Phi.     

Cuộc đảo chính bị thế giới phản đối

Ngày 26/7, Tổng thống Niger, ông Mohamed Bazoum đã bị chính các binh sĩ thuộc lực lượng cận vệ bắt giữ và giam lỏng tại dinh tổng thống ở thủ đô Niamey.

Cuộc đảo chính tại Niger làm đảo lộn kế hoạch an ninh của Mỹ ở Tây Phi -0
Đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên của nhóm đảo chính tại Niger, tuyên bố về việc lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Ảnh: Reuters

Cuối ngày hôm đó, Đại tá Amadou Abdramane, một trong số những lãnh đạo của cuộc binh biến, xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia và tuyên bố quân đội Niger quyết định “chấm dứt chế độ mà các bạn biết do tình hình an ninh xấu đi và khả năng quản lý đất nước tồi tệ”.

Ngày 28/7, đến lượt tướng Abdourahamane Tiani, chỉ huy lực lượng bảo vệ Tổng thống Mohamed Bazoum và cũng là người cầm đầu cuộc đảo chính, xuất hiện trên truyền hình quốc gia. Tướng Tiani tuyên bố quân đội Niger sẽ đóng cửa biên giới, ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, đình chỉ các cơ quan nhà nước, bãi bỏ hiến pháp và thành lập chính quyền quân sự với người đứng đầu chính là ông ta.

Cuộc đảo chính quân sự tại Niger đã bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 28/7 ra thông cáo lên án các nỗ lực thay đổi chính phủ một cách bất hợp pháp ở Niger và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Mohamed Bazoum. Liên minh châu Phi (AU) thậm chí còn “gắt” hơn khi đưa ra tối hậu thư 15 ngày để quân đội Niger khôi phục “quyền lực theo hiến pháp”.

Cuộc đảo chính tại Niger làm đảo lộn kế hoạch an ninh của Mỹ ở Tây Phi -0
Tướng Abdourahamane Tiani tự nhận là người đứng đầu chính phủ quân sự tại Niger. Ảnh: France 24

Pháp và Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/7 cũng quyết định dừng mọi hỗ trợ tài chính và an ninh cho Niger. “Ngoài việc ngừng hỗ trợ ngân sách ngay lập tức, tất cả các hành động hợp tác trong lĩnh vực an ninh đều bị đình chỉ vô thời hạn và có hiệu lực ngay lập tức”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết.

Mỹ cũng đưa ra phản ứng tương tự, nhưng nội dung tuyên bố có phần ít gay gắt hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một phát biểu hôm 29/7 khẳng định sự ủng hộ kiên định của Washington với nhà lãnh đạo bị lật đổ Mohamed Bazoum, đồng thời cảnh báo những người đang giam giữ vị tổng thống này rằng "sự hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho người dân Niger" có nguy cơ gặp rủi ro.

Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đã nói chuyện với vị tổng thống đang bị giam giữ và khẳng định “quan hệ đối tác kinh tế và an ninh mạnh mẽ của Mỹ với Niger phụ thuộc vào sự tiếp tục của nền dân chủ”.

“Chúng tôi đang tích cực tham gia với Chính phủ Niger, cũng như với các đối tác trong khu vực và trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi tình hình được giải quyết một cách thích hợp và hòa bình”, ông Blinken phát biểu.

Sự bối rối của Mỹ

Có thể thấy, qua các diễn ngôn của ông Blinken, rằng Mỹ đang khá bối rối trước diễn biến vừa xảy ra tại Niger. Bởi lẽ, cuộc đảo chính ở quốc gia này đã làm đảo lộn và có nguy cơ phá vỡ toàn bộ chiến lược của Mỹ trong việc chống lại các chiến binh Hồi giáo cực đoan trong bối cảnh chúng đang bành trướng khắp Tây Phi.

Cuộc đảo chính tại Niger làm đảo lộn kế hoạch an ninh của Mỹ ở Tây Phi -0
Tổng thống bị lật đổ của Niger, Mohamed Bazoum trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, Joe Biden vào năm ngoái. Ảnh: Jeune Afrique

Trọng tâm trong cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực Tây Phi là cử lực lượng biệt kích huấn luyện các đặc nhiệm địa phương để đối phó với Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, những tổ chức khủng bố Hồi giáo đang xoay trục từ Trung Đông và Nam Á vào Sahel, dải đất nửa khô hạn ở phía Nam của sa mạc Sahara trong 6 năm qua.

Mohamed Bazoum, người được bầu làm Tổng thống Niger năm 2021, từng là đồng minh vững chắc của Mỹ, được xem như chỗ dựa cho Washington trong chiến lược an ninh tại Tây Phi. Theo báo New York Times, Mỹ đã chi hơn 500 triệu USD kể từ năm 2012 đến nay để xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang của Niger.

Quốc gia Tây Phi rộng lớn này hiện có máy bay không người lái của Mỹ và lính biệt kích Mỹ, những người đã huấn luyện các lực lượng đặc biệt của Niger và cố vấn cho họ trong các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố Boko Haram cũng như các chi nhánh địa phương của Al Qaeda và IS. Năm 2017, 4 binh sĩ Mỹ đã chết trong một cuộc phục kích của các chiến binh thuộc chi nhánh IS ở Niger.

Hiện tại, có khoảng 2.000 binh sĩ nước ngoài, trong số đó bao gồm gần 1.000 lính Mỹ, đang đồn trú ở khu vực quân sự của sân bay quốc tế Niamey, thủ đô Niger, nơi còn được gọi là căn cứ không quân 101.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng dành cho Tổng thống Mohamed Bazoum một ghế danh dự bên cạnh ông tại hội nghị thượng đỉnh do Mỹ tổ chức với các nhà lãnh đạo châu Phi ở Washington năm ngoái. Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm Niger vào tháng 3 vừa qua để công bố khoản viện trợ nhân đạo trị giá 150 triệu USD trong một động thái mà các nhà ngoại giao mô tả là nhằm cụ thể hóa những lợi ích của việc Niger chọn Mỹ làm đồng minh.

Nhưng, bây giờ, cuộc chính biến ở Niger có thể làm đảo ngược tất cả những nỗ lực ấy. Dù một số quan chức tình báo cấp cao của Mỹ nói với Báo Wall Street Journal rằng quân đội Niger có thể vẫn muốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ và phương Tây, song với những hạn chế do luật pháp Mỹ áp đặt, những gì vừa xảy ra khó tránh khỏi việc gây chia rẽ giữa Washington và Niamey.

Quân domino cuối cùng ở Sahel đã đổ

Cuộc đảo chính tại Niger là cuộc chính biến thứ 8 trong vòng 36 tháng qua tại Sahel, một trong những khu vực bất ổn chính trị nhất thế giới hiện nay. 3 cuộc đảo chính gần nhất trong số đó, tại Mali tháng 5/2021, tại Guinea tháng 5/2022 và tại Burkina Faso tháng 10/2022, đã dẫn đến nhiều thay đổi về an ninh tại Sahel.

Cuộc đảo chính tại Niger làm đảo lộn kế hoạch an ninh của Mỹ ở Tây Phi -0
Những người biểu tình ủng hộ cuộc đảo chính tập trung bên ngoài đại sứ quán Pháp ở Niamey, thủ đô Niger và phóng hỏa cánh cổng. Ảnh: Reuters

Sau khi giành chính quyền, quân đội ở cả Mali và Burkina Faso đã gây áp lực buộc các nước phương Tây phải rút hết lực lượng quân sự khỏi hai quốc gia này. Năm 2022, Pháp đã chuyển các binh sĩ từ Mali sang Niger, nâng tổng số quân triển khai tại quốc gia Tây Phi này lên 1.500. Cho đến trước vụ đảo chính, binh sĩ Pháp vẫn hoạt động chung với quân đội Niger.

Trong khi đó, Đức cũng lên kế hoạch rút quân khỏi Mali vào cuối năm nay và sẽ tổ chức một lực lượng đồn trú tại Niger để huấn luyện binh sĩ nước này. Nhưng, nay, kế hoạch của Đức, cũng như ở mức độ lớn hơn là chính sách an ninh của phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhằm chống khủng bố tại Tây Phi sẽ phải xem xét lại.

Các cuộc đảo chính ở Burkina Faso, Mali và bây giờ là Niger sẽ cản trở Mỹ viện trợ quân sự cho khu vực Sahel bởi luật phân bổ ngân sách của nước này hạn chế mạnh mẽ viện trợ cho các quân đội đã lật đổ các chính phủ dân sự. “Niger là quân domino cuối cùng ở Sajel mà chúng tôi hy vọng không bị đổ”, một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ nói với Báo Wall Street Journal. “Quân cờ này đổ xuống, chúng tôi không biết chính xác sẽ phải làm gì”.

Nhiều chỉ huy quân đội Mỹ lo ngại cuộc đảo chính tại Niger sẽ khuyến khích các chiến binh Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là từ Al-Qaeda, những kẻ đã tiến hành hàng nghìn cuộc tấn công ở Mali, Niger và Burkina Faso kể từ năm 2017 và hiện đang tiến về phía Nam để xâm nhập khu vực phía Bắc của Bờ Biển Ngà, Togo và Benin.

“Sự bất ổn chính trị ở Niger là một mối lo ngại lớn”, một sĩ quan quân đội cấp cao từ Benin, một quốc gia ven biển có biên giới phía Bắc với cả Burkina Faso và Niger. “Từ giờ trở đi, chúng ta có thể phải đối mặt với hoạt động gia tăng của các nhóm khủng bố dọc biên giới chung của 3 nước”.

Phát biểu với Báo Wall Street Journal, ông Cameron Hudson, cựu chánh văn phòng của đặc phái viên Mỹ tại Sudan, nhận định cuộc đảo chính ở Niger là “một đòn giáng mạnh vào Mỹ”. Thất vọng nhất là việc tướng Moussa Salaou Barmou, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Niger và là đồng minh đáng tin cậy của quân đội Mỹ, cũng nằm trong số các sĩ quan cấp cao xuất hiện trước công chúng ở thủ đô Niamey để bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc lật đổ.

Đồng quan điểm như vậy, giáo sư Emmanuel Kwesi Aning - người đứng đầu Trung tâm Huấn luyện gìn giữ hòa bình Kofi Annan ở Accra (Ghana) - cho biết việc quân đội do Mỹ huấn luyện ở Guinea, Mali và Burkina Faso lật đổ các chính phủ dân sự ở những quốc gia đó cho thấy, chiến lược an ninh mà Washington đang theo đuổi đã “không giúp ích gì cho khu vực Sahel cũng như cho bản thân Mỹ”.

Lời nhắn nhủ cứng rắn

Các tướng lĩnh ở Niger đã cảnh báo sẽ chống lại mạnh mẽ bất kỳ sự can thiệp vũ trang nào vào nước này, trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế gồm 15 nước Tây Phi (ECOWAS) tổ chức họp hôm Chủ nhật vừa qua đã đưa ra nhiều phản ứng mạnh mẽ với Niger.

Theo Reuters, ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Niger, áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và đe dọa sử dụng vũ lực nếu các lãnh đạo cuộc đảo chính không phục hồi chức vụ cho Tổng thống Mohammed Bazoum trong vòng một tuần. Ngay lập tức, các tướng lĩnh tại Niger cũng đáp lại bằng tuyên bố rất cứng rắn. “Chúng tôi mạnh mẽ nhắc nhở ECOWAS hoặc bất kỳ thế lực mạo hiểm nào khác, về quyết tâm bảo vệ quê hương của chúng tôi”, phát ngôn viên của chính quyền quân sự tại Niger, Đại tá Amadou Abdramane, tuyên bố.

Đại sứ quán Pháp ở Niamey bị tấn công

Hàng ngàn người ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger hôm 31/7 đã tuần hành qua các đường phố ở thủ đô Niamey với những biểu ngữ lên án Pháp - cường quốc từng đô hộ Niger và đốt cửa Đại sứ quán Pháp. Lực lượng an ninh Niger phải dùng hơi cay để giải tán đám đông quá khích. Trước những diễn biến kể trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố các cuộc tấn công vào Pháp và lợi ích của nước này sẽ không được dung thứ và bất kỳ sự xâm hại nào tới công dân Pháp sẽ bị đáp trả ngay lập tức.

Quang Anh
.
.