Cuộc khủng hoảng năng lượng tác động châu Âu

Thứ Hai, 15/05/2023, 11:08

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh như Mỹ, Anh và Nhật Bản vẫn kiên trì thực hiện 9 vòng trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng.

Các bên liên tục vướng vào vòng xoáy rắc rối, cộng thêm nhân tố khí hậu như mùa hè năm 2022 đặc biệt nóng… đã hình thành cục diện chênh lệch cung - cầu năng lượng ngày càng rõ rệt, tác động toàn diện tới nền kinh tế của Lục địa già.

Các nước EU xưa nay vẫn phụ thuộc nghiêm trọng vào nguồn năng lượng bên ngoài, đặc biệt là Nga. Theo số liệu năm 2020, mức độ phụ thuộc năng lượng vào bên ngoài của EU là 58%, trong đó khí đốt tự nhiên lên đến 83,6%; khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch rắn (chủ yếu là than đá) nhập khẩu từ Nga lần lượt chiếm 43%, 29% và 54%. Dựa vào điều này, một mặt Nga và EU lần lượt áp dụng các biện pháp trừng phạt và chống trừng phạt xoay quanh vấn đề giao dịch năng lượng như cấm vận than đá, áp giá trần dầu mỏ, cũng như buộc sử dụng đồng ruble để thanh toán, cắt giảm nguồn cung…

Cuộc khủng hoảng năng lượng tác động châu Âu -0
Các nước EU xưa nay vẫn phụ thuộc nghiêm trọng vào nguồn năng lượng bên ngoài, đặc biệt là từ Nga.

Mặt khác, EU từ lâu đã theo đuổi kế hoạch sử dụng năng lượng sạch, hạn chế năng lượng hóa thạch, cá biệt có nước thậm chí còn hạn chế năng lượng hạt nhân, điều này đã trực tiếp hoặc gián tiếp khiến nguồn cung năng lượng bị hạn chế và không đủ, khiến giá khí đốt tự nhiên và giá điện leo thang, khủng hoảng năng lượng nổi bật, gây nên một loạt tác động và ảnh hưởng đối với kinh tế châu Âu.

Tác động toàn diện

Năng lượng là hàng hóa thiết yếu trong đời sống của người dân và là tư liệu sản xuất quan trọng của các ngành như công nghiệp hóa chất… Hậu quả trực tiếp nhất của khủng hoảng năng lượng chính là làm gia tăng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, một phần cũng do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh gây nên, lạm phát tăng cao do cung cầu mất cân đối, dẫn đến tỷ lệ lạm phát của EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng vọt.

Tháng 1/2022, tỷ lệ lạm phát tính theo năm của EU  và Eurozone lần lượt là 5,6% và 5,1%, tuy nhiên, đến tháng 10/2022 đã tăng mạnh lên 11,5% và 10,6%. Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát tháng 10/2022 của Eurozone cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận giá trị cao nhất kể từ khi có số liệu lưu trữ vào năm 1997. Tại Đức, lạm phát thậm chí còn tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 70 năm qua. Trong đó, giá năng lượng leo thang chắc chắn là động lực thúc đẩy chính. Tháng 10/2022, trong số các nhân tố thúc đẩy lạm phát của Eurozone, năng lượng đóng góp 4,44 điểm phần trăm, thực phẩm đóng góp 2,74 điểm phần trăm, tỷ lệ lạm phát theo năm của năng lượng lên đến 41,5%, vượt xa mức 13,1% của thực phẩm, hạng mục đứng thứ 2.

Giá khí đốt, giá điện tăng mạnh làm suy yếu năng lực tiêu dùng tư nhân, hộ gia đình và giảm thiểu thu nhập khả dụng. Mặc dù chính phủ các nước thành viên EU liên quan đã áp dụng các biện pháp như thu thuế lợi nhuận bất thường, trần giá và tiếp quản đối với các doanh nghiệp năng lượng để kiềm chế giá năng lượng và điện, tái phân phối đồng đều, nhưng giá năng lượng tăng vẫn gây nên tác động lớn đối với các gia đình, nhất là những gia đình có thu nhập thấp. Trong quý II/2022, tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình của EU và Eurozone suy yếu, tăng trưởng tiêu dùng thực tế bình quân hộ gia đình đều là 0,6%. Trong cùng kỳ, thu nhập thực tế bình quân hộ gia đình lần lượt giảm 0,9% và 1,2% so với quý trước. Giá trị cổ phiếu và trái phiếu cũng lao dốc.

Chi phí tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp trong khối EU phải cắt giảm quy mô hoặc ngừng sản xuất, thậm chí phá sản. Vừa mới chịu tác động của đại dịch COVID-19, nay lại chịu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến cho chi phí doanh nghiệp tăng vọt, môi trường kinh doanh xấu đi nghiêm trọng, tình trạng doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, ngừng sản xuất gia tăng phổ biến, làn sóng phá sản tăng mạnh. Điển hình là Đức, dựa vào ngành sản xuất chế tạo để xây dựng đất nước, chiếm vị trí trung tâm trong chuỗi sản xuất châu Âu, chi phí năng lượng lần lượt chiếm 26%, 19%, 18%, 17% và 15% chi phí các ngành thâm dụng năng lượng của nước này như luyện kim, công nghiệp hóa chất cơ bản, sản xuất kính, sản xuất giấy, vật liệu xây dựng… Khủng hoảng năng lượng khiến cho ngành công nghiệp gang thép, hóa chất của Đức lần lượt phá sản 5% và 8%, trong khi ngành công nghiệp phân bón hóa học thậm chí đã đóng cửa 70% năng lực sản xuất.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu ôtô trực thuộc Standard & Poors, đến cuối năm 2023, khủng hoảng năng lượng có thể khiến sản lượng ôtô của Đức trung bình giảm gần 40% theo từng quý. Còn theo dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu, so với quý 1/2022, số lượng doanh nghiệp đăng ký của EU và Eurozone trong quý II đã lần lượt giảm 1,2% và 2%, trong khi hồ sơ xin phá sản cũng lần lượt tăng 2,2% và 2,5%.

Sụt giảm niềm tin

Khủng hoảng năng lượng và tác động của nó đã làm dấy lên nỗi lo lắng của thị trường đối với triển vọng phục hồi kinh tế châu Âu. Người tiêu dùng và nhà đầu tư đối diện với các hiện trạng như giá năng lượng leo thang, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn… Sự bất ổn của nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng đã trực tiếp khiến niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư sụt giảm, chỉ số niềm tin giảm mạnh so với đầu năm 2022.

2.jpg -0
Năng lượng là hàng hóa thiết yếu trong đời sống của người dân và là nguyên liệu sản xuất quan trọng của nhiều ngành công nghiệp.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Eurozone liên tục sụt giảm, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 10/2022 là -27,7 điểm, giảm 17,9 điểm so với tháng 1/2022. Đồng thời, theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu thị trường Sentix (Đức), chỉ số niềm tin của nhà đầu tư Sentix vào tháng 10/2022 là -38,3 điểm, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Kết quả ở các nước thành viên EU cũng không khá hơn. Cùng thời điểm, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đức là -42,8 điểm, chỉ số của Pháp giảm 16 điểm so với tháng 1/2022 còn 82 điểm; chỉ số của Italy là 90,1 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 2022. Chỉ số của Tây Ban Nha giảm 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Tâm lý né tránh rủi ro gia tăng, tình hình tài chính, ngoại thương xấu đi trông thấy. Cuộc khủng hoảng đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, khiến tâm lý né tránh rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường châu Âu gia tăng, nhà đầu tư giữ thái độ giảm giá và bán khống đối với đồng euro và các tài sản tài chính được định giá bằng đồng euro. Ngày 12/7/2022, tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đồng USD giảm xuống dưới mức ngang giá, ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Từ đầu năm 2022 đến ngày 12/7, tỷ giá hối đoái đồng euro tổng cộng đã giảm hơn 11%.

Các hàng hóa chiến lược như năng lượng đa phần được định giá bằng đồng USD, dưới tác động của đồng euro suy yếu, giá năng lượng nhập khẩu bị đẩy lên cao, cộng thêm giá năng lượng leo thang đã làm gia tăng mạnh hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ lao động, thâm hụt ngoại thương của châu Âu trở nên nghiêm trọng hơn. Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra đến nay, thâm hụt thương mại năng lượng của châu Âu tăng mạnh, 9 tháng đầu năm 2022 đạt 491,4 tỷ euro, trong đó thâm hụt thương mại với Nga lên đến 125,7 tỷ euro, thâm hụt thương mại với một quốc gia sản xuất năng lượng khác là Na Uy tăng gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Thâm hụt thương mại hàng tháng của EU và Eurozone cũng tăng mạnh. Tháng 9/2022, thâm hụt thương mại của EU là 45,8 tỷ euro, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ là 300 triệu euro. Thâm hụt thương mại của Eurozone tăng đến 413% so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 5/2022, ngoại thương Đức đã xuất hiện tình trạng thâm hụt lần đầu tiên trong 14 năm qua. Tháng 9/2022, thâm hụt thương mại của Pháp ghi nhận mức lớn nhất kể từ khi có số liệu lưu trữ vào tháng 1/1970, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng mất cân bằng xuất nhập khẩu năng lượng xấu đi nghiêm trọng.

Tiềm ẩn nỗi lo dịch chuyển nguồn lực

Xung đột kéo dài và tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng năng lượng khiến cho các doanh nghiệp thuộc những ngành thế mạnh của châu Âu như chế tạo máy móc, công nghiệp hóa chất, luyện kim… không chịu nổi gánh nặng chi phí do giá cả nguyên vật liệu leo thang, nên bắt đầu điều chỉnh chuỗi cung ứng, không ngừng mở rộng đầu tư và kinh doanh ra bên ngoài. Giá năng lượng của Mỹ tương đối rẻ, cộng thêm chính quyền Biden ban hành Đạo luật giảm lạm phát, Đạo luật khoa học và CHIP, cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho những công ty đầu tư vào Mỹ, nên đã thu hút doanh nghiệp châu Âu đến nước này đầu tư.

3.jpg -0
Tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đồng USD đã có lúc giảm xuống dưới mức ngang giá.

Gần đây, các doanh nghiệp tên tuổi của Đức như hãng hàng không Lufthansa, ALDI, Siemens AG, Volkswagen, Mercedes, BMW, cũng như “ông lớn” gang thép ArcelorMittal… lần lượt đến Mỹ đầu tư và mở rộng thị trường. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội chế tạo máy và thiết bị Đức, có 2/3 công ty muốn tăng cường năng lực sản xuất ở Mỹ. Các doanh nghiệp châu Âu như Công ty phân bón hóa học OCI của Hà Lan, Công ty Pandora A/S của Đan Mạch… cũng lần lượt tuyên bố mở rộng đầu tư ở Mỹ, gây nên mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Âu. Đồng thời, không ít doanh nghiệp châu Âu tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, chẳng hạn như BASF đầu tư quy mô lớn vào thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, Volkswagen mở rộng đầu tư ở Trung Quốc…

Những điều này đã làm gia tăng nỗi lo của nội bộ châu Âu đối với vấn đề “phi công nghiệp hóa” trên Lục địa già. Nếu khủng hoảng năng lượng kéo dài có thể sẽ gây nên những tổn thất không thể đảo ngược đối với cơ cấu sản xuất công nghiệp của châu Âu. Việc doanh nghiệp châu Âu chuyển đến Mỹ thay vì ở lại châu Âu để tăng tốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng có ý nghĩa mỉa mai đối với EU, vốn khởi xướng phát triển xanh.

Khủng hoảng năng lượng cũng buộc các chính phủ ở các nước châu Âu mở rộng chi tiêu tài khóa để trợ cấp, hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp, cũng như phục hồi nền kinh tế, do đó phần lớn các nước thành viên EU vẫn tiếp tục thực thi chính sách thâm hụt tài khóa. Do mở rộng tài chính để ứng phó với đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng năng lượng, nợ tiếp tục tích tụ, tỷ lệ nợ công bình quân/GDP của các nước EU và Eurozone đến nay vẫn lần lượt ở mức cao, 86,4% và 94,2%, vượt xa trần giới hạn 60% mà Hiệp ước tăng trưởng và ổn định đặt ra.

Trong đó, tỷ lệ của Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha lần lượt là 182,1%, 150,2% và 123,4%, vượt qua trị số của thời gian xảy ra khủng hoảng nợ châu Âu, những quốc gia này có thể xảy ra vỡ nợ, khiến thị trường lo ngại khủng hoảng nợ công châu Âu có thể bùng phát một lần nữa. Do EU áp dụng một loạt biện pháp “chữa cháy” – chẳng hạn như cơ chế ổn định châu Âu – sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ lần trước, nên hiện nay xem ra khả năng này không cao.

Ngân hàng trung ương châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ, rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Lạm phát tăng cao, thị trường vội vàng né tránh rủi ro, hành vi bán khống đồng euro liên tục xuất hiện, cộng thêm việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ trước đó liên tục tăng lãi suất khiến đồng tiền trên thị trường vốn châu Âu không ngừng đổ vào Mỹ, tỷ giá hối đoái của đồng euro liên tục suy giảm. Ngân hàng trung ương châu Âu từ bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng, liên tục tăng lãi suất.

Tuy nhiên, động thái kiềm chế lạm phát này lại khiến cho sức ép trả nợ gốc và lãi suất của các nước mắc nợ nhiều như Italy, Hy Lạp… gia tăng, sự phân hóa về lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước thành viên Eurozone gia tăng. Điều này khiến Ngân hàng trung ương châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chính sách điều hành chung.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.