Cuộc “mặc cả” mới giữa Nga và NATO-Mỹ
3 ngày sau khi từ chối nhu cầu đàm phán của Nga về một thỏa thuận an ninh mới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ buộc phải thừa nhận việc đóng cửa đối với lời đề nghị ngoại giao ban đầu của Moscow có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và rằng những đề xuất này là cơ hội để đối thoại bên cạnh những lời đe dọa trừng phạt nếu Moscow thực hiện các bước có thể gây nguy hiểm cho Ukraine.
Châu Âu loay hoay tìm lối
Thực tế, các “lằn ranh đỏ” mà Nga đưa ra tuy bị NATO cùng Mỹ coi là không đáng tin cậy nhưng lại làm gia tăng áp lực cho khối trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao. “Chúng ta cần giải quyết những căng thẳng hiện tại ở cấp độ ngoại giao. Chúng ta sẽ thảo luận về các đề xuất của Nga. Nhưng, không thể là Nga ra lệnh cho các đối tác NATO”, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết hôm 19-12 trong chuyến thăm quân đội Đức đóng tại Lithuania. Ngay sau đó, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định của NATO cũng tuyên bố rằng họ “sẵn sàng cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Nga... trên cơ sở có đi có lại”.
Thuyết phục Nga đảo ngược hoạt động xây dựng quân sự ở biên giới với Ukraine (điều mà tình báo Mỹ cảnh báo có thể được sử dụng để xâm lược nước này), là mục tiêu chính của NATO. Nhưng, với việc liên minh loại trừ bất kỳ nhượng bộ nào có thể ảnh hưởng đến an ninh của các thành viên hoặc chủ quyền của Ukraine, sẽ rất khó để tìm ra các khía cạnh có thể đàm phán chi tiết. “Vấn đề ở đây là nếu bạn chỉ nói không với yêu cầu của Moscow thì bạn sẽ không có không gian để nói chuyện”, một nhà ngoại giao cấp cao của NATO nhận định và cho biết thêm rằng NATO với các quốc gia thành viên EU đang thảo luận về cách thức phản ứng với Nga.
Nhưng, như tờ Financial Times thông tin, đến nay vẫn chưa có sự nhất trí nào về việc các cuộc đàm phán sẽ diễn ra như thế nào hoặc ai sẽ tham gia. Các nhà ngoại giao phương Tây không muốn cho phép Nga đặt ra các điều khoản của bất kỳ sự can dự nào, vì vậy các cuộc đàm phán sẽ chỉ bắt đầu sau khi NATO và Mỹ đồng ý các đề xuất của riêng họ đối với Moscow.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước Bắc Âu và Baltic đã đồng loạt bác bỏ các yêu cầu của Nga. “Chúng tôi thấy lập trường hiếu chiến của Nga chỉ ngày càng làm tình hình leo thang hơn và không chỉ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ukraine, mà còn đối với toàn bộ châu Âu. Điều quan trọng là khu vực của chúng ta và tất cả các đồng minh phải có nhận thức tình huống thống nhất và hợp tác mạnh mẽ”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kalle Laanet nói.
Sự chần chừ của Mỹ
Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, người đã nêu ra các yêu cầu của Nga với NATO cho biết, đến chiều 20-12, vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Mỹ. “Tôi nghĩ rằng họ đang cố gắng kéo dài thời gian nhưng chúng tôi cần nó khẩn cấp, bởi vì tình hình rất khó khăn, nó cấp tính và có xu hướng trở nên phức tạp hơn”, ông Sergei Ryabkov trả lời Hãng RIA.
Cuối ngày 20-12, Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ mới có cuộc trò chuyện với Yuri Ushakov, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Jake Sullivan tuyên bố Washington sẵn sàng tham gia ngoại giao thông qua nhiều kênh, bao gồm cả can dự song phương, Hội đồng NATO-Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khẳng định, bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng phải dựa trên cơ sở có đi có lại và giải quyết mối quan ngại của Mỹ về các hành động của Nga, đồng thời diễn ra với sự phối hợp đầy đủ với các đồng minh và đối tác châu Âu của Mỹ.
Konstantin Gavrilov, một nhà ngoại giao Nga tại Vienna (Áo) bình luận, quan hệ giữa Moscow và NATO đã đạt đến một “thời điểm của sự thật”. “Cuộc trò chuyện cần phải nghiêm túc và mọi người trong NATO hoàn toàn hiểu rõ, bất chấp sức mạnh và quyền lực của họ, hành động chính trị cụ thể cần phải được thực hiện, nếu không, giải pháp thay thế là một phản ứng quân sự từ Nga”, ông Konstantin Gavrilov nói và khẳng định phản ứng của Mỹ có thể sẽ định hình tính toán của Moscow đối với Ukraine, vốn đã trở thành tâm điểm xung đột trong quan hệ Đông-Tây.
Bình luận thêm về động thái mới nhất của NATO, Điện Kremlin cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá phản ứng của phương Tây nhưng thông tin từ “nhiều nguồn khác nhau” về sự sẵn sàng thảo luận về các ý tưởng là tích cực. Về đề xuất của Belarus xung quanh lo ngại về sở hữu vũ khí hạt nhân của Nga có thể khiến phương Tây triển khai các hoạt động tương tự ở vùng lân cận, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow có nhiều lựa chọn.
Ván bài lật ngửa của Nga
Ngày 17-12, trong một đề xuất sâu rộng về việc thiết lập một thỏa thuận an ninh giống như thời Chiến tranh Lạnh, Nga đã yêu cầu Mỹ và các đồng minh phải ngừng tất cả hoạt động quân sự ở Đông Âu và Trung Á. Đề xuất này dưới dạng 2 dự thảo hiệp ước, một với NATO và một với Mỹ. Các đề xuất đại diện cho các mục tiêu rõ ràng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm kiếm từ lâu, người mà các nhà phân tích cho rằng đang ngày càng lo ngại việc Ukraine “trôi” vào quỹ đạo phương Tây một cách khó cưỡng, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Nga. Các yêu cầu cũng củng cố quan điểm rằng, ông Vladimir Putin dường như sẵn sàng chấp nhận những rủi ro ngày càng lớn hơn để buộc phương Tây phải coi trọng các mối quan ngại về an ninh của Nga và giải quyết những bất bình mà phần lớn bị bỏ qua trong nhiều thập kỷ.
Cụ thể, Nga yêu cầu NATO rút cơ sở hạ tầng quân sự đặt tại các quốc gia Đông Âu sau năm 1997, ngày ký hiệp định giữa Nga và NATO. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga từng yêu cầu NATO chính thức hủy bỏ lời hứa năm 2008, được gọi là Tuyên bố Bucharest, rằng Ukraine và Gruzia sẽ được chào đón gia nhập liên minh. Nhưng, người đứng đầu NATO sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 16-12 đã tuyên bố, lời đề nghị vẫn có hiệu lực. Nga cũng nhấn mạnh rằng các nước NATO không triển khai vũ khí tấn công ở các quốc gia láng giềng với Nga, bao gồm cả các nước không thuộc liên minh và đề xuất một lệnh cấm các cuộc tập trận quân sự với sức mạnh của hơn một lữ đoàn trong khu vực dọc theo cả hai bên biên giới phía Tây của Nga. Đây là cách để giải quyết tình trạng xây dựng quân đội hiện nay gần Ukraine. Bên cạnh đó, Moscow và NATO phải hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn, lập đường dây nóng, ngăn sự cố ở Biển Đen và Baltic...
Hãng CNN phân tích: “Những đề xuất của Nga vượt xa cuộc xung đột hiện tại giữa quân Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine. Và hầu hết đều không nhắm vào Ukraine mà nhằm vào Mỹ và các đồng minh phương Tây khác của Ukraine. Đó bao gồm một cam kết của NATO rằng sẽ không cung cấp tư cách thành viên cụ thể cho Ukraine. Nhưng, giới chức NATO trả lời rằng các nước NATO sẽ không loại trừ tư cách thành viên trong tương lai cho bất kỳ nước Đông Âu nào, bao gồm cả Ukraine. Rõ ràng, có quan điểm hoàn khác nhau của Mỹ và Nga về căng thẳng quân sự đối với Ukraine. Nga khẳng định phương Tây đang kích động cuộc khủng hoảng bằng cách khơi dậy tình cảm chống Nga ở Ukraine và cung cấp vũ khí. Ngược lại, Mỹ và các đồng minh châu Âu cho rằng Nga đã kích động cuộc khủng hoảng an ninh bằng cách triển khai hàng chục nghìn quân gần biên giới Ukraine. Giới chức NATO còn gợi ý rằng nếu Nga thực hiện một cuộc tấn công quân sự lớn vào Ukraine, NATO sẽ xem xét chuyển thêm quân vào các nước đồng minh giáp biên giới với Ukraine như Ba Lan và các nước Baltic.
Giới quan sát phân tích, những điều kiện mới của Nga có thể đại diện cho một quan điểm mở của nước này với việc Moscow sẵn sàng thỏa hiệp sau đó trong các cuộc đàm phán. Nhiều nhà phân tích khác lại cho rằng, việc đàm phán các biện pháp an ninh mới trên phạm vi rộng như vậy rất có thể sẽ mất nhiều tháng, nếu chúng có thể hoàn thành được. Ông Vladimir Putin có thể sẽ phải quyết định sớm hơn có nên tiến hành một cuộc tấn công hay không vì quân đội hiện đang đồn trú tại các địa điểm tạm thời gần biên giới Ukraine không thể ở đó vô thời hạn. Giới chức Ukraine thì tin rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan hồi tháng 8 đã giúp thúc đẩy cuộc khủng hoảng bằng cách báo hiệu sự suy giảm quyết tâm của Mỹ đối với các cam kết ở nước ngoài và điều này khích lệ Điện Kremlin hành động. Tờ The New York Times viết, ông Vladimir Putin đã gần như công khai thừa nhận rằng đang sử dụng vũ lực quân sự để ép phương Tây đàm phán, mặc dù người phát ngôn của ông phủ nhận điều này. Tổng thống Nga từng nói rằng Moscow rất nghiêm túc trong việc bảo vệ “lằn ranh đỏ” liên quan đến các lực lượng NATO gần biên giới của mình.
“Những cảnh báo gần đây của chúng tôi thực sự đã được lắng nghe và đang có tác dụng nhất định. Căng thẳng đã gia tăng”, Tổng thống Vladimir Putin nói với một cuộc họp các nhà ngoại giao Nga hồi tháng 11.