Đàm phán ngừng bắn ở dải Gaza đến đâu?
2 ngày đàm phán tại Doha về kế hoạch do Mỹ dẫn đầu nhằm chấm dứt cuộc chiến ở dải Gaza đã kết thúc hôm 16/8 mà không đạt được thỏa thuận nào, bất chấp việc các nhà lãnh đạo Mỹ và khu vực bày tỏ sự lạc quan rằng đã đạt được tiến bộ đáng kể.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết tới một thỏa thuận”. Tuy nhiên, các tuyên bố của cả lãnh đạo Israel lẫn Hamas khi cuộc đàm phán kết thúc cho thấy hai bên đối đầu có những đánh giá hoàn toàn trái ngược về kết cục của cuộc chiến. Chiến lược của Iran “thống nhất các mặt trận” trong khu vực chống lại Israel và Mỹ cũng là vấn đề ở bất kỳ khu định cư nào ở dải Gaza, khiến Tehran có động lực cố gắng xác định các điều kiện kết thúc xung đột.
Các cuộc đàm phán ở Qatar quy tụ các quan chức từ Israel cũng như 3 nước trung gian chính dành cho thỏa thuận ngừng bắn là Mỹ, Qatar và Ai Cập. Tham dự hội đàm có Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns; Giám đốc Cơ quan tình báo Israel (Mossad) David Barnea; Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và Giám đốc Tổng cục tình báo Ai Cập Abbas Kamel. Ngoài ra còn có Giám đốc Cơ quan an ninh nội địa Israel (Shin Bet) Ronen Bar và người phụ trách vấn đề con tin của quân đội Israel Nitzan Alon.
Có lẽ, vì nhân vật Yahya Sinwar theo đường lối cứng rắn được bổ nhiệm thay thế Ismail Haniyeh bị sát hại làm thủ lĩnh tối cao của Hamas, nên nhóm đã từ chối tham gia. Có tin các thành viên chính trị có trụ sở tại Doha của Hamas đã được quan chức Qatar và Ai Cập cập nhật tin tức trong suốt 2 ngày đàm phán.
Các cuộc đàm phán ở Doha cũng là một phản ứng trước bối cảnh xung đột khu vực ngày càng leo thang sau chiến dịch ngày 31/7 của Israel tại Tehran khiến thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng. Vụ sát hại, trùng hợp với cuộc không kích có chủ đích của Israel vào Beirut khiến Fuad Shukr - Tham mưu trưởng cánh quân sự của Hezbollah ở Lebanon - thiệt mạng, khiến Iran và Hezbollah đe dọa tiến hành một cuộc tấn công trả đũa lớn vào Israel. Cả Iran và Hezbollah đều nói rằng chỉ có sự trả đũa mới khôi phục được khả năng răn đe đối với Israel.
Các quan chức Mỹ cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza - cũng như việc Mỹ tăng cường quân sự đáng kể trong khu vực - sẽ thuyết phục các quan chức Iran gác lại một cuộc tấn công trả đũa. Đặc phái viên Nhà Trắng Amos Hochstein đã được phái tới Lebanon để kêu gọi Hezbollah kiềm chế bằng việc nhấn mạnh rằng việc nhóm này có hành động leo thang sẽ phá hỏng các cuộc đàm phán về Dải Gaza.
Ông cũng cảnh báo về những hậu quả tàn khốc có thể xảy ra đối với Lebanon nếu Hezbollah bắt đầu một cuộc leo thang lớn. Mặt khác, một số nhà phê bình khẳng định rằng việc ép các nhà lãnh đạo Israel phải có những nhượng bộ mới ở Dải Gaza trong cuộc đàm phán Doha nhằm ngăn chặn Iran tấn công trả đũa chẳng khác nào trao cho Iran một chỗ ngồi trên bàn đàm phán về lệnh ngừng bắn đang diễn ra.
Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán thất bại khi các bên trở lại bàn đàm phán thì khả năng leo thang căng thẳng giữa Iran và Hezbollah sẽ tăng lên. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã chỉ ra rằng Iran có nghĩa vụ tôn giáo phải trả thù. Điều này tiết lộ tính toán của Tehran rằng việc không trả thù chẳng khác gì “mời” Israel thực hiện thêm các cuộc tấn công và hoạt động trên đất Iran.
Nhiều chuyên gia Mỹ và toàn cầu đều nhận định rằng lịch trình chính trị của Mỹ đang khiến giới lãnh đạo nước này phải gây sức ép để đàm phán ngừng bắn có hiệu quả. Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, ông Biden cùng ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris tính toán rằng việc chấm dứt cuộc chiến ở Gaza sẽ giúp bà Harris truyền bá thông tin về chính sách đối ngoại của mình.
Lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng sẽ khiến các thủ lĩnh Houthi ngừng tấn công tàu thương mại ở Biển Đỏ, sẽ giúp xoa dịu nỗi lo ngại chiến tranh ở Trung Đông đang cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc mở rộng cuộc xung đột ở Gaza thành một cuộc xung đột khu vực sát thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Mỹ dường như sẽ làm tăng cơ hội cho ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
Bất chấp các ý kiến trái ngược, các quan chức hòa giải vẫn tỏ ra lạc quan như một bước để bắt đầu thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Trước khi nối lại các cuộc đàm phán, các nhóm tiếp tục nghiên cứu cách thức thực hiện các biện pháp cụ thể. Các nhà đàm phán tại Doha đã đồng ý thành lập một đơn vị thực hiện ở Cairo, tập trung vào khía cạnh logistic của thỏa thuận - bao gồm việc thả con tin, cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza và giám sát việc thực hiện các điều khoản của thỏa thuận.
Để hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực thông qua những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheik Mohammed đã điện đàm với Ngoại trưởng Iran sắp mãn nhiệm Ali Bagheri Kani trong cả 2 ngày hội đàm. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Iran trì hoãn cuộc tấn công vào Israel để tránh làm chệch hướng các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Hamas cho biết các đề xuất mới nhất có sự khác biệt đáng kể so với các đề xuất trước đó mà họ đã nhất trí về nguyên tắc, ám chỉ rằng họ sẽ không chấp nhận chúng. Còn đánh giá của phía Israel về các cuộc đàm phán dường như không lạc quan hơn đánh giá của Hamas.
Có vẻ như các tuyên bố của Israel và Hamas khi kết thúc cuộc đàm phán dường như phản ánh sự khác biệt sâu sắc trong đánh giá của họ về lập trường của nhau trong cuộc chiến và những gì vẫn có thể đạt được từ cuộc chiến. Mặc dù mất phần lớn lực lượng cũng như những phụ tá và cộng sự hàng đầu vì các cuộc không kích và chiến dịch của Israel nhưng Sinwar vẫn tin rằng sức ép trong và ngoài nước sẽ buộc Israel sớm phải rút khỏi Dải Gaza, giúp lực lượng còn lại và các đặc vụ chính trị của ông có thể tái thiết lập quyền kiểm soát và cơ sở hạ tầng quân sự.