Đằng sau chuyến đi của Thủ tướng Đức tới Canada

Thứ Bảy, 27/08/2022, 10:05

Đức đang chạy đua tìm nguồn cung thay thế để đảm bảo đủ năng lượng cho mùa đông sắp tới, trong bối cảnh lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất. Hãng khí đốt Nga Gazprom ngày 19-8 còn thông báo dừng đường ống trong 3 ngày từ cuối tháng này để bảo dưỡng. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng tăng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Canada để thảo luận về việc tăng xuất khẩu khí hydro và các khoáng sản thiết yếu.

Ngoại giao khí đốt

Thủ tướng Scholz trước đó mô tả Đức đang trải qua “giai đoạn khó khăn” nhưng tuyên bố Berlin sẽ “làm hết sức để đảm bảo người dân vượt qua thời gian này”. Ông tự tin Đức có thể bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Nga, với các cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng được xây dựng ở Biển Bắc, dự kiến hoạt động đầu năm 2023.

Đức đặt mục tiêu dừng phụ thuộc năng lượng Nga vào hè năm 2024 và đang tìm kiếm các đơn hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên khắp thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo việc tìm đủ nguồn cung LNG cũng là một thách thức trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Đằng sau chuyến đi của Thủ tướng Đức tới Canada -0
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ngày 22-8.

Trong bối cảnh trên, Đức tìm đến Canada. Cần nhắc lại rằng một trong những lý do khiến Nga giảm nguồn cung khí đốt sang Đức là Canada đã giữ lại tuabin nén khí được Công ty Siemens của Đức mang sang Canada bảo trì, theo lệnh trừng phạt. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng với Phó Thủ tướng Robert Habeck và một phái đoàn kinh doanh bao gồm các Giám đốc điều hành của Volkswagen AG và Mercedes-Benz vừa có chuyến thăm 3 ngày (21 đến 23-8) tới Canada.

Ngày 23-8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ký một thỏa thuận để Đức nhập khẩu hydro xanh từ Canada tại thị trấn cảng Stephenville,  Newfoundland.

Hợp tác năng lượng

Cũng vào hôm 23-8, Canada đã ký các biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp Volkswagen và  ercredes[1]Benz Group AG. Mục tiêu của thỏa thuận là phát triển chuỗi cung ứng cho các khoáng sản thiết yếu. Do đó, các thỏa thuận này chính thức xác nhận mối quan hệ hợp tác giữa Canada và Đức. Mục tiêu của Canada là phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản thiết yếu. Đồng thời, Canada muốn thu hút các nhà sản xuất ô tô và pin điện. Những khoáng sản quan trọng như niken, liti hoặc thậm chí coban, đều sử dụng trong ô tô điện.

Các công ty Canada đang xem xét cách xuất khẩu LNG sang châu Âu. Hiện tại, Canada không có bất kỳ cơ sở sản xuất LNG nào bên bờ Đại Tây Dương. Canada cũng cần mở rộng đường ống dẫn để vận chuyển khí. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Canada, nước này có nhiều cơ hội sản xuất khí hydro hơn là LNG. Thủ tướng Canada cho rằng dự án xây cảng xuất khí đốt hóa lỏng do Đức đề xuất khó khả thi do khoảng cách vận chuyển quá xa. Đức sẽ cần nhiều LNG trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng Trudeau mô tả Canada là “một nhà cung ứng đáng tin cậy về năng lượng sạch cần cho một thế giới không phát thải”. Tuy nhiên, ông hoài nghi việc vận chuyển trực tiếp LNG sang Đức, bởi khoảng cách từ các mỏ khí đốt ở miền Tây Canada đến cảng ở Đại Tây Dương để xuất khẩu quá xa. Ông Trudeau cho rằng một trong những thách thức chính liên quan đến LNG là phải đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng để xuất khẩu. Việc bỏ ra số tiền lớn để xây cảng xuất LNG có thể không khôn ngoan, bởi châu Âu có ý định chuyển đổi nhanh sang một nền kinh tế sạch hơn, Thủ tướng Canada nói thêm.

Các mục tiêu chung khác

Các mục tiêu chung khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Canada. Thủ tướng Đức đặt mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon từ nay cho đến năm 2045. Còn trong ngắn hạn, Đức đặt mục tiêu loại bỏ nhu cầu sử dụng khí đốt của Nga từ nay cho đến giữa năm 2024.

Về phía Canada, Thủ tướng Trudeau kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ khử carbon hoàn toàn từ nay cho đến năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu này, Canada sẽ cấm bán ô tô và xe tải nhẹ chạy bằng diesel từ năm 2035, trong khuôn khổ mục tiêu khí hậu của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, Thủ tướng Canada nhấn mạnh tính cần thiết của việc khử carbon khỏi nguồn cung năng lượng toàn cầu. Thực vậy, hoạt động này sẽ giúp khắc phục những khó khăn kinh tế từ các dự án xuất khẩu LNG trong tương lai. Vào năm 2020, Canada là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ năm. Nhìn chung, Canada và Đức đang nhích lại gần nhau để đối mặt với Nga.

Đằng sau chuyến đi của Thủ tướng Đức tới Canada -0
Chính phủ Canada ký thỏa thuận với Volkswagen AG và Mercedes-Benz.

Một trong những vấn đề được nhắc tới đúng vào thời điểm Thủ tướng Đức thăm Canada là việc Ngoại trưởng Canada Melanie Joly ngày 24-8, khẳng định Ottawa vẫn có kế hoạch chuyển cho Đức 5 tuabin khí còn lại của dự án Nord Stream 1 hiện đang được sửa chữa ở nhà máy Siemens tại thành phố Montreal của nước này. Trong trả lời phỏng vấn kênh tin tức CBC News Network, Bộ trưởng Joly nhấn mạnh đây là quyết định của Canada và cũng là điều mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz yêu cầu phía Ottawa thực hiện.

Tháng 7 vừa qua, Chính phủ Canada đã cấp quyền miễn trừ cho việc chuyển 6 tuabin khí trong dự án Nord Stream 1 được bảo trì tại thành phố Montreal trở lại Đức để sau đó bàn giao cho Gazprom - đơn vị vận hành đường ống dẫn khí đốt trên. Một tuabin trong số này đã được chuyển đến Đức vào giữa tháng 7 sau khi hoàn thành bảo dưỡng, song phía Gazprom từ chối tiếp nhận với lý do hãng cần có thêm tài liệu pháp lý và kỹ thuật nhằm đảm bảo thiết bị này không chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Phía Đức đã khẳng định nước này có tất cả những giấy tờ theo yêu cầu của phía Nga và có thể bàn giao tuabin cho Moscow bất kỳ lúc nào. Ukraine đã chỉ trích Chính phủ Canada vì đồng ý với yêu cầu của Đức về miễn trừng phạt Siemens để trả lại các tuabin. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Điện Kremlin sẽ coi động thái này là dấu hiệu “nhu nhược”.

Còn Đại sứ Ukraine tại Canada Yulia Kovaliv tiếp tục kêu gọi Canada hủy lệnh miễn trừ trừng phạt. Về phía Canada nói rằng động thái của họ là cần thiết để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho Đức. Ottawa cũng lập luận Điện Kremlin sẽ lợi dụng việc Canada từ chối trả lại tuabin để chuyển hướng đổ lỗi tình trạng thiếu năng lượng ở châu Âu do các lệnh trừng phạt Nga, điều có thể làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng ở phương Tây với Kiev.

Tuy nhiên, ngày 25-8, Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết không có tuabin nào được sử dụng trên đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đang được bảo trì ở Canada, điều này mâu thuẫn hoàn toàn với tuyên bố của Ngoại trưởng Canada Melanie Joly.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.