Đằng sau Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Saudi Arabia

Thứ Bảy, 29/06/2024, 07:02

Giới chức hai nước cho biết, Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đi đến hoàn tất một hiệp ước với Saudi Arabia, theo đó Mỹ cam kết hỗ trợ bảo vệ quốc gia vùng Vịnh này như một phần trong thỏa thuận được kỳ vọng lâu nay nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Riyadh và Israel.

Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao này có thành công hay không lại phụ thuộc vào cam kết của Israel về một nhà nước Palestine độc lập và yêu cầu cấp bách hơn là chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Phía Mỹ muốn trao cho giới lãnh đạo Israel cơ hội để đạt mục tiêu tìm kiếm lâu nay là thiết lập quan hệ bình thường với Saudi Arabia, mở ra cánh cửa cho sự chấp nhận rộng rãi hơn trong thế giới Arab và Hồi giáo.

Thúc đẩy ngoại giao hướng đến một thỏa thuận quốc phòng với Riyadh đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý đối với Tổng thống Biden - người từng có quan hệ với Saudi Arabia không mấy tốt đẹp và từng cáo buộc nước này phải trả giá cho vụ ám sát nhà báo, công dân Mỹ Jamal Khashoggi.

Đằng sau Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Saudi Arabia -0
Mỹ - Saudi Arabia tăng cường Hợp tác quân sự thêm một bước.

“Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ hoàn tất một hiệp ước phòng thủ chung có ảnh hưởng pháp lý kể từ lần sửa đổi hiệp ước Mỹ - Nhật năm 1960 và cũng là lần đầu tiên Mỹ đạt thỏa thuận với một quốc gia chuyên chế”, Aeron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán hòa bình của Mỹ và hiện làm việc cho Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết.

Một liên minh an ninh có thể giúp nâng cao vị thế ở khu vực của Saudi Arabia và củng cố vai trò quân sự của Mỹ ở Trung Đông khi khu vực này đang bị chấn động bởi vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas và cuộc chiến sau đó ở Gaza. Thỏa thuận tăng cường an ninh cho Saudi Arabia cũng tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Iran - nước cạnh tranh vị trí bá quyền khu vực với Saudi Arabia và đang tăng cường quan hệ với Nga.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi tháng trước nói rằng an ninh dài hạn của Israel phụ thuộc vào việc nước này hội nhập với khu vực và bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab, bao gồm cả Saudi Arabia. Phát biểu trước báo giới, ông Sullivan nói: “Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội lịch sử để đạt được tầm nhìn về một nhà nước Israel an toàn, được bao bọc bởi những đối tác khu vực mạnh mẽ, đại diện cho một mặt trận hùng mạnh để duy trì sự ổn định khu vực”.

Theo Hiến pháp Mỹ, hiệp ước có tên gọi “Thỏa thuận liên minh chiến lược” này phải nhận được 2/3 số phiếu tại Thượng viện. Sẽ rất khó để đạt được đủ sự ủng hộ từ các nghị sĩ nếu hiệp ước này không gắn với cam kết của Saudi Arabia về bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên, Saudi Arabia lại muốn nhìn thấy cuộc chiến ở Gaza kết thúc cũng như những gì mà họ cho là những bước đi không thể đảo ngược và không thể hủy bỏ hướng đến việc thành lập Nhà nước Palestine. Việc Israel phản đối giải pháp hai nhà nước khiến việc vượt qua trở ngại này gặp khó khăn hơn nhiều.

Theo giới chức hai nước, bản dự thảo hiệp ước được xây dựng một cách lỏng lẻo theo mô hình hiệp ước an ninh tương hỗ Washington - Tokyo. Để đổi lấy việc Mỹ cam kết bảo vệ Saudi Arabia trong trường hợp bị tấn công, Riyadh phải cho phép Mỹ tiếp cận lãnh thổ và không phận để bảo vệ lợi ích Mỹ và các đối tác khu vực. Các quan chức cho biết, hiệp ước cũng nhằm mục đích trói buộc Riyadh với Washington chặt hơn với điều khoản không cho Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Saudi Arabia hoặc theo đuổi hợp tác an ninh với Riyadh.

Thỏa thuận này sẽ khiến Saudi Arabia thành quốc gia Arab duy nhất có hiệp ước phòng thủ chính thức với Mỹ. Mặc dù Israel không phải là đồng minh hiệp ước, nhưng chính sách của Mỹ trong nhiều thập kỷ tập trung giúp Israel duy trì “ưu thế quân sự chất lượng” ở khu vực, điều được ghi vào luật năm 2008. Cam kết an ninh của Mỹ đối với Israel được thể hiện rõ hồi tháng 4 vừa qua khi Mỹ dẫn đầu phản ứng đa quốc gia nhằm bảo vệ Israel trước cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái của Iran.

Đằng sau Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Saudi Arabia -0
Hiệp ước với Saudi Arabia củng cố vai trò quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Theo Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ và hiện làm việc tại Tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, một siêu thỏa thuận bao gồm liên minh Mỹ - Saudi Arabia và bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia - Israel có thể là chiến thắng địa chính trị đối với Washington, với tiềm năng làm thay đổi các liên minh lịch sử ở Trung Đông. Thỏa thuận tổng thể, không phải là hiệp ước, dự kiến cũng bao gồm việc Mỹ hỗ trợ Saudi Arabia phát triển chương trình hạt nhân dân sự với công đoạn làm giàu uranium - một vấn đề đặc biệt nhạy cảm khác cần hoàn tất đàm phán.

Giới quan chức hai bên cho biết việc soạn thảo hiệp ước đã gần như hoàn tất vào tháng trước, khi ông Sullivan và một số quan chức cấp cao khác của Mỹ đã gặp Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và đạt được thỏa thuận về nguyên tắc đối với hầu hết các điều khoản. Một thỏa thuận đi cùng mang tên Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng, vốn có thể được kích hoạt thông qua sắc lệnh hành pháp, cũng đang được soạn thảo để thúc đẩy việc mua bán vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và lập kế hoạch chiến lược về những mối đe dọa chung, như chủ nghĩa khủng bố. Và, mặc dù lệnh ngừng bắn không phải là yêu cầu chính thức cho việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ, nhưng giới chức Mỹ và Saudi Arabia cho rằng vấn đề thực tế là nếu không có ngừng bắn thì không thể đạt được thỏa thuận rộng lớn hơn.

Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ đối tác Mỹ - Saudi Arabia tập trung vào dầu mỏ và an ninh, trong đó có nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố nhằm vào al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như việc triển khai nửa triệu binh sĩ Mỹ đến vương quốc này năm 1990 nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược Kuwait của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein và bảo vệ các giếng dầu của Saudi Arabia. Mối quan hệ này cũng trải qua một số lần đổ vỡ, như vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trong đó có 15 trên 19 tên không tặc là người Saudi Arabia, hay vụ sát hại nhà báo Khashoggi năm 2018.

Một liên minh chính thức có thể giúp dập tắt những tranh cãi dai dẳng ở Washington cũng như những nghi ngờ ở Riyadh về cam kết của Mỹ đối với an ninh của Saudi Arabia, ủng hộ Saudi Arabia khi đối mặt với đối thủ Iran và xoa diu quan ngại tại Mỹ rằng Riyadh có thể nghiêng sang Trung Quốc hay Nga. Thỏa thuận cũng có thể mở đường cho một liên minh Israel - Saudi Arabia và củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông ngay cả khi nhiều chính quyền liên tiếp tập trung hơn vào châu Á.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.