Đằng sau thỏa thuận dầu mỏ Trung Quốc – Taliban

Thứ Hai, 30/01/2023, 15:58

Chính quyền Taliban hôm 5/1/2023 công bố một thỏa thuận trị giá hàng triệu USD mà họ đã ký kết với Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Trung Á Tân Cương (CAPEIC) của Trung Quốc để khai thác dầu mỏ trong vòng 25 năm ở lưu vực sông Amu Darya, con sông được xem là biên giới tự nhiên giữa Afghanistan, Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan.

Thỏa thuận này hiện đang được chính quyền Taliban ở thủ đô Kabul “quảng cáo” là thắng lợi kinh tế lớn đầu tiên mà họ mong đợi từ lâu kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021. Afghanistan có nhiều mỏ khoáng sản quy mô vừa và nhỏ, trong đó phần lớn vẫn chưa được thăm dò. Trên thực tế, lưu vực sông Amu Darya đã được ban lãnh đạo trước kia của nước cộng hòa này dành riêng cho Trung Quốc để phát triển từ hơn một thập kỷ trước. Chính phủ lâm thời do Taliban lãnh đạo đã tìm kiếm một chiến thắng kinh tế quan trọng, dùng các mỏ khoáng sản lớn của Afghanistan để “ve vãn” Trung Quốc, đồng thời cố gắng gây ấn tượng với các nước khác.

Mục đích thực sự

Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu khẳng định trong lễ ký kết hợp đồng rằng đây là “một dự án quan trọng giữa Trung Quốc và Afghanistan”. Theo thỏa thuận chưa từng có này, CAPEIC - một thực thể do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) thành lập vào đầu những năm 2000 - sẽ đầu tư 150 triệu USD trong năm đầu tiên, sau đó tổng số tiền đầu tư cho 3 năm tiếp theo sẽ lên tới 540 triệu USD.

Đằng sau thỏa thuận  dầu mỏ Trung Quốc – Taliban -0
Quan chức Taliban và Đại sứ Trung Quốc tham dự cuộc họp báo công bố thỏa thuận khai thác dầu mỏ ở Kabul, ngày 5/1/2023.

Điều đáng nói là lưu vực sông Amou Darya không phải là nơi có nhiều trữ lượng dầu. Một nghiên cứu địa chất của Mỹ về tiềm năng của vùng này đã kết luận rằng lợi ích với riêng dầu mỏ chỉ là tương đối. Thế nhưng, đây lại là khu vực chứa nhiều khí đốt. Theo một nghiên cứu năm 2019 của PetroChina, lưu vực sông Amou Darya của Afghanistan dường như là bể chứa khí đốt có trữ lượng lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Siberia và vịnh Ba Tư.

Raffaello Pantucci, chuyên gia về quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Á tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, lưu ý Trung Quốc cũng đã bắt đầu khai thác khí đốt ở Turkmenistan và rất có thể là các kỹ sư làm việc tại đó đã nói với cấp trên của họ rằng mỏ khí đốt không chỉ dừng lại ở biên giới giữa Turkmenistan với Afghanistan. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận khai thác dầu mỏ với Afghanistan dường như là một kiểu “ngựa thành Trojan” về năng lượng, bởi theo chuyên gia Pantucci, nếu khí đốt được tìm thấy ở lưu vực sông Amou Darya, do đã hiện diện tại chỗ, Trung Quốc hy vọng sẽ đi đầu trong việc khai thác khí đốt.

Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề kinh tế đối với Bắc Kinh. Jean-Francois Dufour - chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, nhà đồng sáng lập Sinopole, trung tâm nghiên cứu về các nguồn lực của Trung Quốc - lưu ý chế độ Bắc Kinh cũng hy vọng “mua được sự bảo đảm cho vùng Tân Cương”. Một trong những mối lo ngại chính của Trung Quốc khi Taliban lên nắm quyền ở Kabul là Afghanistan có thể trở thành hậu cứ cho các hoạt động của các chiến binh thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Dẫu cho Taliban đã lặp đi lặp lại rằng họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ cuộc tấn công nào từ lãnh thổ của Afghanistan nhắm vào Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn cho rằng tốt hơn hết là phải kiểm soát được hậu phương. Dufour tóm tắt: “Trung Quốc hy vọng, bằng cách khiến Taliban lệ thuộc vào họ để khai thác tài nguyên, họ sẽ có thể được yên ổn hành động ở Tân Cương”.

Vì lẽ đó, thỏa thuận này giống như một hoạt động đôi bên cùng có lợi. Chế độ Taliban hy vọng đây là bước khởi đầu cho một sự hợp tác mang lại nhiều mối lợi hơn. Vẫn theo chuyên gia này, Taliban còn muốn nhắm tới việc khai thác mỏ đồng Mes Aynak, vốn được cho là có trữ lượng tương đương với “gần 1/3 trữ lượng đồng hiện tại của cả Trung Quốc”.

Liệu Bắc Kinh có quan tâm đến việc khai khoáng? Đây có lẽ là lý do cuối cùng của hợp đồng dầu mỏ lần này, vốn dĩ ít quan trọng hơn so với một thỏa thuận về khai thác mỏ. Đây có thể là một cách để thử phản ứng của cộng đồng quốc tế. Nếu việc nối lại quan hệ Trung Quốc-Afghanistan gây chấn động, chính quyền Trung Quốc luôn có thể sử dụng CAPEIC làm “vật tế thần”. Còn nếu không ai phản ứng, đó sẽ là lúc Trung Quốc khai thác mỏ đồng Mes Aynak tại Afghanistan.

Năm 2008, Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) và Công ty Đồng Giang Tây đã ký hợp đồng trị giá 3 tỷ USD, khai thác mỏ đồng khổng lồ Mes Aynak trong vòng 30 năm. Theo dự kiến ban đầu, hoạt động khai thác sẽ bắt đầu vào năm 2013 và tạo ra hàng triệu việc làm. Rốt cuộc, do hoàn cảnh thời đó, dự án đã phải ngưng lại.

Quan điểm của Taliban

Lực lương này đang hướng tới việc thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo thành công khác với phiên bản trước đây. Để đạt được điều đó, họ cần một nền kinh tế phần nào đó mang tính thực dụng để tài trợ không chỉ cho nhà nước, mà còn cho các phe phái riêng lẻ trong “chiếc ô” của phong trào Taliban.

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế kéo dài sẽ thách thức quyền lực của chế độ hiện tại. Thách thức có thể không đến từ công chúng, mà từ bên trong chính phong trào này. Tầm nhìn kinh tế của một số người trong Taliban, bao gồm cả những người đã đàm phán với phương Tây cũng như mạng lưới khủng bố Haqqani, khác với trung tâm ý thức hệ của Taliban do Akhundzada cùng nhóm cố vấn và những người thân tín của ông duy trì. Không có khả năng Taliban sẽ nhượng bộ về ý thức hệ chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho một số lợi ích kinh tế nhất định sau khi xây dựng câu chuyện về việc họ đã đánh bại một siêu cường.

Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có sẵn sàng tự mình hỗ trợ chế độ Taliban về mặt kinh tế để đổi lấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay không? Và, Bắc Kinh có cho rằng chi phí để thực hiện một chiến lược như vậy là hợp lý không? Thành công hay thất bại của thỏa thuận dầu mỏ trên có thể quyết định tương lai hợp tác giữa Afghanistan và Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ cảnh giác để không trở thành một chú thích khác ở cuối trang trong câu chuyện về “nghĩa địa của các đế chế”.

Vân Khánh (Tổng hợp)
.
.