Đằng sau việc áp trần giá dầu Nga

Thứ Hai, 19/12/2022, 08:45

Được Liên minh châu Âu (EU), các nước G7 và Australia thông qua, việc áp trần giá dầu của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12/2022, theo đó, EU cấm các dịch vụ vận tải hàng hải vận chuyển dầu thô của Nga đến các nước thứ ba nếu dầu được mua trên mức giá 60 USD/thùng và áp đặt lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu dầu của Nga vào EU bằng đường biển.

Có nhiều ý kiến trái chiều về chính sách này của các nước phương Tây, nhưng chủ yếu là nhằm hạn chế doanh thu của Nga từ dầu mỏ, từ đó làm giảm hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine.

Phản ứng trước việc này, Tổng thống Nga Putin nói rằng Moscow sẽ không thiệt hại vì chính sách áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Lãnh đạo Nga nói rằng biện pháp do phương Tây áp đặt là “ngu ngốc” và giá năng lượng sẽ “tăng vọt” đối với những nước áp đặt các giới hạn này.

Ngày 14/12, Nhật báo Vedomosti của Nga đưa tin các nhà chức trách nước này đã soạn thảo một nghị định cấm bán dầu thô của Nga cho bất kỳ ai tham gia cơ chế trần giá dầu của G7. Dự thảo sắc lệnh của Tổng thống Nga, với các điều khoản chi tiết sẽ do chính phủ nước xây dựng, nhằm cấm các công ty Nga bán dầu thô nếu hợp đồng chỉ định một thành viên của liên minh giới hạn giá là khách hàng hoặc nếu hợp đồng chỉ định giới hạn giá là một điều kiện để bán, theo Vedomosti.

Đằng sau việc áp trần giá dầu Nga -0
EU, G7 và Australia thông qua việc áp dụng giá trần đối với dầu của Nga, hiệu lực từ ngày 5/12.

Moscow tuyên bố mức trần giá sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác dầu mỏ và nền kinh tế của nước này. Hoạt động xuất khẩu dầu thô, khí đốt và các sản phẩm dầu mỏ chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu của nhà nước Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây và sự gián đoạn trong khâu sản xuất, Nga vẫn thu về lợi nhuận cao nhờ sự bùng nổ giá dầu trên thị trường quốc tế. Chỉ trong 10 tháng của năm 2022, thu ngân sách qua dầu khí của Nga đã tăng hơn 1/3. Trước khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, Nga từng xuất khẩu khoảng 8 triệu thùng/ngày đối với dầu và các sản phẩm dầu mỏ. EU từng là khách hàng lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, lục địa già đã giảm nhập khẩu dầu để trừng phạt Nga. Nga đã xoay xở bằng cách chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á và giảm nhẹ sản lượng xuống còn 7,6 triệu thùng/ngày. Ngân hàng JPMorgan (Mỹ) cho rằng, chính sách áp trần giá dầu Nga sẽ có tác động rất ít vì Nga có thể sử dụng tàu chở dầu của họ và huy động thêm tàu từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Song, những chuyên gia khác lại nhìn thấy tác động sâu sắc hơn. Bà Kirill Melnikov – nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển năng lượng (Nga) - dự đoán, sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm 1 đến 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2023, so với mức của tháng 11/2022. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự kiến sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm 2 triệu thùng/ngày vào cuối quý đầu tiên của năm 2023. Tuy nhiên, dữ liệu này đã tính luôn cả tác động từ lệnh cấm vận các sản phẩm dầu mỏ của EU. Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Abdelaziz bin Salman cho biết: “Những biện pháp này được tạo ra vì mục đích chính trị và vẫn chưa rõ liệu chúng có thể đạt được những mục tiêu chính trị này hay không”.

Theo Reuters, thị trường thế giới càng mất nhiều dầu Nga thì giá dầu càng chịu tác động lớn, có thể mang lại lợi thế cho Nga và những nước xuất khẩu dầu lớn khác, đồng thời gây thiệt hại cho người tiêu dùng phương Tây - những người đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên, ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng. Ông Igor Galaktionov (Công ty môi giới BCS Mir Investitsiy) nói: “Ngay cả khi xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm nhiều hơn dự kiến, ngân sách Nga vẫn được bù đắp bằng giải pháp tăng giá. Do đó, nguồn thu ngân sách Nga sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể”.

Nhật báo Global Times cho rằng, châu Âu sẽ phải trả giá đắt. Khoảng cách giữa các thành viên quốc gia EU sẽ càng tăng do sự chia rẽ nội bộ và tình trạng tê liệt của các nguyên tắc thị trường mà phương Tây đang dựa vào.

Tiếp đến, để làm rõ hơn nữa những nguy cơ mà EU có thể sẽ vấp phải, nhà phân tích Mikhail Gamandiy-Egorov đã nhắc lại lập trường chính thức của Trung Quốc về vấn đề này thông qua phát biểu của bà Mao Ninh - Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Theo đó, bà cho biết rằng mối quan hệ hợp tác năng lượng Trung-Nga luôn được tiến hành trên tinh thần tôn trọng và cùng có lợi cho đôi bên, nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng của thế giới - một vấn đề mang tầm quan trọng sống còn.

Đằng sau việc áp trần giá dầu Nga -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow sẽ không thiệt hại vì chính sách áp giá trần của phương Tây.

Đối với ông Cui Heng - trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Moscow sẽ cảm thấy khó chịu về chính sách áp trần, vì quyết định giới hạn giá dầu của phương Tây sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu dầu của Nga sang phương Tây.

Tuy nhiên, cũng theo ông, vấn đề đó sẽ không có tác động lớn. Chuyên gia Trung Quốc cho biết: “Họ có thể đi tìm những người mua khác để bù đắp khoảng trống do châu Âu để lại, như Trung Quốc, Ấn Độ. Họ cũng có thể tiến xa hơn bằng cách ưu tiên xuất khẩu dầu sang các nước Trung Đông, rồi mới đem sang châu Âu. Đừng quên rằng điều này sẽ thúc đẩy nhiều quốc gia châu Âu yêu cầu được miễn trừ khỏi các hạn chế mới về việc mua dầu Nga (ví dụ như Hungary)”.

Ông Cui Heng cho biết thêm, EU sẽ phải trả giá cho hành động của mình, vì họ sẽ phải tìm nguồn thay thế cho dầu thô của Nga và trả mức thuế cao hơn để mua từ Anh và Mỹ. Còn ông Wang Yiwei - giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Hoa thì khẳng định: Áp đặt giá trần là hành động vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc thị trường trong một ngành công nghiệp trưởng thành. Trên thực tế, sự can thiệp đó sẽ chỉ làm giảm uy tín của các chính phủ có liên quan, đồng thời tạo thêm sức nặng lên nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn của họ. Chưa kể, từ lâu, chính sách này đã vấp phải sự phản đối của các cường quốc quốc tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Cuối cùng, các chuyên gia Trung Quốc cũng nhắc lại rằng, OPEC+, tổ chức các nhà xuất khẩu dầu mỏ chính của thế giới, đã đồng ý duy trì lộ trình cắt giảm hạn ngạch sản xuất dầu, với 2 triệu thùng dầu bị cắt khỏi hạn ngạch hằng ngày. Họ cũng đề cập thêm một tình trạng khác: OPEC+ đang có thêm tiếng nói trên trường quốc tế, khi tổ chức này đã dần trở nên độc lập hơn trong việc phát triển các chính sách kinh tế và tự giải phóng mình khỏi áp lực của Mỹ. Vì vậy, theo lời của các chuyên gia Trung Quốc và ông Mikhail Gamandiy-Egorov, trong tương lai, EU có khả năng sẽ tiếp tục “làm con gà tây trên bàn ăn” trong cuộc chiến giữa Washington và Nga (cùng những người ủng hộ chế độ đa cực). Ông Mikhail Gamandiy Egorov viết: “Mối xung đột Nga - Mỹ sẽ tiếp diễn cho đến khi nào? Tình trạng này không chỉ nằm trong lĩnh vực dầu khí, mà còn lan rộng ra những vấn đề chiến lược khác như uranium và vô số chuyện khác”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.