Đằng sau việc Sudan ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao UAE

Thứ Tư, 20/12/2023, 14:38

Theo SUNA - hãng thông tấn chính thức của Sudan, Bộ Ngoại giao Sudan đã tuyên bố 15 nhân viên của đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là những người không được chào đón và ra lệnh cho họ rời khỏi đất nước này.

Các nhà ngoại giao UAE có 48 giờ để rời khỏi Sudan, tuyên bố này được phát ra vài tuần sau khi tướng cấp cao của Sudan cáo buộc UAE hỗ trợ đối thủ RSF. Tháng trước, Yasser al-Atta, tướng cấp cao và cấp chỉ huy thứ hai của tổng tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan, đã cáo buộc UAE gửi hàng tiếp tế cho lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Atta tuyên bố UAE đã gửi hàng tiếp tế qua các sân bay ở Uganda, Chad và Cộng hòa Trung Phi.

UAE đáp lại Sudan bằng cách tuyên bố rằng họ đã “liên tục kêu gọi giảm leo thang, ngừng bắn và bắt đầu đối thoại ngoại giao”. Trong khi đó, vào tháng 8, UAE đã bác bỏ một báo cáo của Wall Street Journal cho rằng vũ khí được tìm thấy trong các chuyến hàng viện trợ của họ tới Sudan và nói rằng nước này “không đứng về bên nào trong cuộc xung đột hiện tại”.

Đằng sau việc Sudan ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao UAE -0
Xe bọc thép bị tiêu diệt bên những thi thể được che phủ trên đường phố el-Geneina, Tây Darfur, tháng 6/2023. Ảnh: AFP

Theo Liên hợp quốc, quân đội Sudan và RSF đã xảy ra chiến tranh kể từ ngày 15/4/2023, trong một cuộc xung đột khiến 12.000 người thiệt mạng và 7 triệu người phải di dời. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết chỉ riêng ở Darfur, ít nhất 5 triệu trẻ em đang phải đối mặt với sự tước đoạt nghiêm trọng các quyền lợi và mất đi khả năng được bảo vệ do xung đột đang diễn ra.

Tổng tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan được cho là được Ai Cập sủng ái, trong khi lãnh đạo RSF Mohamed Hamdan Dagalo lại có những người ủng hộ ở UAE. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nhập khẩu hàng tỷ USD vàng từ Sudan mỗi năm và đã ký hiệp ước ban đầu trị giá 6 tỷ USD để xây dựng, vận hành cảng và khu kinh tế Abu Amama ở cảng Sudan.

Các luật sư, nhà hoạt động và những người dân Sudan nói rằng lực lượng bán quân sự Sudan RSF và các đồng minh của họ đã bị cáo buộc thực hiện một loạt vụ giết người nhằm vào các nhân chứng về tội ác của họ ở vùng Darfur. Các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư, lãnh đạo địa phương và gia đình các nạn nhân của một loạt vụ tấn công vào trại dành cho những người di tản trong nước nằm trong số những người được cho là đã bị lực lượng bán quân sự RSF sát hại.

Theo các nhà giám sát nhân quyền, các nhà hoạt động địa phương và nhân chứng kể lại, nhiều vụ giết người xảy ra trước, sau và trong vụ thảm sát do RSF gây ra tại trại quân sự Ardamata của quân đội, nằm ở ngoại ô phía Đông Bắc của thủ phủ bang Tây Darfur, el-Geneina. Khoảng 1.300 người, chủ yếu là dân thường thuộc bộ tộc Masalit người châu Phi da đen, đã bị RSF và lực lượng dân quân Arab đồng minh tàn sát trong 3 ngày đầu tháng 11.

Vụ thảm sát là một phần trong làn sóng tấn công chứng kiến RSF nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ Darfur, khu vực phía Tây rộng lớn đóng vai trò là trung tâm và căn cứ quyền lực của lực lượng bán quân sự. Các nhân chứng và người giám sát nhân quyền tin rằng, việc nhắm mục tiêu vào các nhân chứng về hành động tàn bạo đã được dân quân ở Sudan sử dụng như một chiến thuật kể từ năm 2019 nhằm che giấu bằng chứng, trốn tránh trách nhiệm và củng cố quyền kiểm soát.

Cụ thể hơn, các nhân chứng tin rằng RSF đã khai thác bạo lực gần đây ở el-Geneina, nơi lực lượng này đã hoàn toàn kiểm soát vào đầu tháng 11, để che giấu bằng chứng về hành động tàn bạo đã xảy ra vào năm 2019 và 2021 tại các trại Krinding IDP gần đó. Tuy nhiên, lực lượng RSF đã không trả lời bất cứ điều gì về các tuyên bố trên.

Vào năm 2019 và năm 2021, dân quân Arab - một số mặc đồng phục RSF - đã tấn công Krinding, nơi có dân cư chủ yếu là người Masalit. Các cuộc tấn công khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền chia sẻ rằng họ đã trở thành mục tiêu khi điều tra tội ác tàn bạo của RSF, với 4 người trong số họ bị giết và những người khác bị truy đuổi.

Ahmed Hajar, một luật sư và nhà hoạt động nhân quyền chia sẻ: “Mỗi người trong số 16 luật sư và người bảo vệ nhân quyền đang điều tra các vụ án tại Krinding đều là mục tiêu của RSF và lực lượng dân quân đồng minh của nó”. “4 người trong số họ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công gần đây”. Hajar cho biết anh đã bị một dân quân vô danh tấn công ngay trước văn phòng của anh sau khi cuộc chiến ở Sudan bắt đầu vào tháng 4 năm nay. Anh nói: “Tôi biết rằng đây là hành động cố ý vì vai trò của tôi trong cuộc điều tra và xét xử vụ thảm sát năm 2019”.

Đằng sau việc Sudan ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao UAE -0
Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al-Nahyan gặp người đứng đầu quân đội Sudan và nhà lãnh đạo trên thực tế Abdel Fattah al-Burhan tại Abu Dhabi, ngày 14/2/2023. Ảnh: AFP

Hai luật sư khác xác nhận rằng các cuộc tấn công và giết người trả thù đã diễn ra nhằm vào bất kỳ ai có bằng chứng về những gì đã xảy ra trong vụ thảm sát ở trại. “Khoảng 40 luật sư đã bị tấn công tại el-Geneina và phải chạy trốn đến Adre ở Chad, bị theo dõi cho đến khi họ vượt qua biên giới”, một trong những luật sư, người không được nêu tên vì lý do an ninh chia sẻ với báo chí trên đường từ thị trấn đến biên giới Chad-Sudan.

“Văn phòng của một số luật sư ở el-Geneina đã bị đốt cháy, trong khi nhà cửa, ô tô và các tài sản khác của họ bị cướp phá”. Ông nói: “Các luật sư là thành viên của ủy ban trong vụ Krinding đã bị nhắm mục tiêu một cách có chủ ý. Những người bảo vệ nhân quyền khác được yêu cầu giấu tên, cũng nhấn mạnh rằng họ và các đồng nghiệp đã trở thành mục tiêu. Họ cho biết, Mohammed Ahmed Kodi, một nhà hoạt động, đã bị thiêu chết trong văn phòng của mình, trong khi một luật sư khác, Khamis Algalla, bị bắt cóc tại nhà. Alsadig Mohammed Ahmed, cũng là một luật sư, đã bị giết.

“Các luật sư và nhân chứng của vụ tấn công Krindiag hiện đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm, ngay cả trong trại tị nạn ở Adre ở Chad, vì một số bị cáo trong vụ Krinding đã trốn thoát khỏi nhà tù với sự giúp đỡ của RSF sau cuộc xâm lược bang Tây Darfur”, một trong những nhà hoạt động cho biết.

Adam Rigal, người phát ngôn của những người di tản và người tị nạn ở Darfur, nói rằng việc theo dõi và ám sát các nhân chứng của lực lượng dân quân chịu trách nhiệm về tội ác trong khu vực đã trở nên có hệ thống. “Có những vụ giết người có chủ đích trên diện rộng và có hệ thống bởi lực lượng dân quân, bao gồm các nhân chứng, lãnh đạo địa phương trong các trại IDP và những người bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi đã thấy điều này không chỉ ở Tây Darfur mà còn ở Nyala và các khu vực khác ở Bắc và Nam Darfur”, Rigal chia sẻ.

“Một trong những trường hợp rõ ràng và gần đây về việc nhắm mục tiêu vào các nhân chứng là việc theo dõi và giết chết những người chứng kiến vụ thảm sát diễn ra tại làng Masteri ở bang Tây Darfur, những người đã bị giết có chọn lọc trong các vụ tấn công vào tháng 11”. Ít nhất 60 người, hầu hết là người Masalit, đã thiệt mạng khi Masteri, một ngôi làng gần el-Geneina, bị dân quân Arab tấn công vào mùa hè năm 2020.

Rigal nói: “Việc dân quân phá bỏ các nhà tù gần đây đã trở thành một trong những chiến thuật bạo lực lặp đi lặp lại của họ, nhằm trốn tránh trách nhiệm về những tội ác trong quá khứ và gần đây”. “Bọn tội phạm thậm chí còn nhắm mục tiêu vào IDP nói chung bởi vì những người ở đó - hiện có hơn 5 triệu người - là nhân chứng tiềm năng cho tòa án quốc tế trong các cuộc điều tra tương lai”.

Đằng sau việc Sudan ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao UAE -0
Chiến binh của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh RSF giữa một cuộc biểu tình ở quận Mayo, phía nam Khartoum, ngày 29/6/2023. Ảnh: AP

Trong một cuộc phỏng vấn, Rigal cáo buộc RSF lặp lại tội ác diệt chủng và chiến tranh đã gây ra ở Darfur vào năm 2003 và 2004. Ông nói rằng tình hình đã chuyển từ tồi tệ sang thảm khốc và cảnh báo về sự sụp đổ hoàn toàn và nạn đói sắp xảy ra ở vùng đất Darfur. “Tình hình nhân đạo ở một số khu vực thậm chí còn tồi tệ hơn năm 2003 - 2004 vì không thể tiếp cận viện trợ. Các tổ chức quốc tế buộc phải ngừng cung cấp viện trợ và hệ thống y tế hoàn toàn sụp đổ”, Rigal nói. “Trẻ em đang chết vì đói và bệnh tật. Chính quyền không có mặt, khiến hàng triệu người trong các trại IDP rơi vào tay dân quân”.

Theo UNICEF, “ít nhất 5 triệu” trẻ em hiện đang “đứng bên bờ vực” ở Darfur, nơi các em đang “sống trong địa ngục”.

Khi mọi con mắt của thế giới hướng về cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra và các vụ ném bom ở Dải Gaza, thì những hành động tàn bạo vẫn tiếp tục diễn ra ở Sudan ít nhiều mà không được kiểm soát, ngoại trừ việc RSF hiện nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Darfur.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã báo cáo hàng trăm hành vi vi phạm của RSF và lực lượng dân quân đồng minh vào đầu tháng 11 ở Ardamata và el-Geneina, bao gồm giết người, hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá và thanh lọc sắc tộc nhằm vào người Masalit và các cộng đồng người châu Phi da đen khác. HRW cho biết trong một báo cáo ngày 26/11: “Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 6/11 cho thấy những gì có thể là những ngôi mộ mới ở phía Đông Bắc nghĩa trang Ardamata”.

“Hình ảnh vệ tinh chụp vào tuần đầu tiên của tháng 11 cho thấy tác động của vụ pháo kích đối với cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự cũng như nạn cướp bóc và đốt phá trong và xung quanh trại của người dân di tản Ardamata. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy có thể có những ngôi mộ và thi thể mới trên đường phố”, tổ chức này cho biết. Nhóm nhân quyền đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “hành động để bảo vệ dân thường”.

RSF và lực lượng dân quân Arab đồng minh đã nhắm mục tiêu vào dân thường Masalit ở vùng ngoại ô Ardamata của el-Geneina trong các vụ giết người dựa trên sắc tộc. Các vụ thảm sát ở Ardamata, một khu vực ở ngoại ô phía Đông Bắc thủ phủ bang El-Geneina của Tây Darfur, xảy ra sau khi RSF trục xuất binh lính Sudan khỏi một căn cứ quân sự ở ngoại ô trong các trận chiến từ ngày 2 đến ngày 6/11.

Lần thứ hai trong vòng vài tháng, đường phố el-Geneina và khu vực xung quanh tràn ngập xác chết. Các nhân chứng cho biết cảnh tượng này gợi nhớ đến tháng 6, khi dân quân Arab và các chiến binh RSF giết hại hơn 500 người trong hành động mà các tổ chức nhân quyền mô tả là thanh lọc sắc tộc chống lại bộ tộc người châu Phi da đen Masalit.

Vào tháng 7, công tố viên ICC, Karim Khan, nói với Hội đồng Bảo an rằng các tội ác hiện xảy ra ở Darfur nằm trong cuộc điều tra đang diễn ra của văn phòng ông về tình hình ở Darfur, bắt đầu vào năm 2005. Hiện tại, khi chiến tranh vẫn tiếp diễn - với hơn 6 triệu người phải di tản - và RSF đang nắm chắc quyền kiểm soát Darfur, thì viễn cảnh công lý dường như còn rất xa vời.

Huyền Thanh (Tổng hợp)
.
.