Tổng thống Dilma Rousseff bị luận tội:

“Đảo chính tư pháp” hay màn kịch của những kẻ đạo đức giả?

Thứ Sáu, 22/04/2016, 16:35
Điều tồi tệ nhất mà dư luận dự báo đã xảy ra: Tổng thống Dilma Rousseff có nguy cơ mất chức sau khi Hạ viện Brazil biểu quyết đồng ý luận tội bà tại Quốc hội. Brazil tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng chính trị trong khi Thế vận hội mùa hè Brazil 2016 chỉ còn 4 tháng nữa sẽ diễn ra. Đất nước của vũ điệu samba sẽ ra sao một khi bà Rousseff bị phế truất.

Náo loạn từ nghị trường lan ra đường phố

Thông tin được lan nhanh trên báo chí từ chiều ngày 17-4: 2/3 trong tổng số 513 thành viên Hạ viện Brazil đã bỏ phiếu đồng ý luận tội Tổng thống Dilma Rousseff. Một phiên luận tội sẽ được Thượng viện tiến hành trong vòng 180 ngày kể từ ngày Hạ viện bỏ phiếu phê chuẩn, và một phiên bỏ phiếu cuối cùng sẽ được tiến hành để quyết định số phận bà Rousseff. Tỉ lệ bỏ phiếu tại Thượng viện sẽ chỉ là quá bán chứ không cần đến 2/3 như Hạ viện.

Nếu Thượng viện bỏ phiếu đồng ý luận tội Tổng thống, bà Rousseff sẽ tạm thời rời khỏi ghế Tổng thống và Phó Tổng thống Michel Temer sẽ tạm nắm quyền điều hành đất nước. Chính phủ do đảng Công nhân lãnh đạo cũng sẽ tạm dừng hoạt động, nhường lại cho đảng đối lập điều hành.

Kết quả cuối cùng của tiến trình luận tội là bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ chính thức trở thành Tổng thống Brazil. Đây là kịch bản mà giới quan sát cho là nằm trong ý đồ của hai ông Temer và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha.

Tổng thống Dilma Rousseff (ảnh: Politicoscope).

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu luận tội bà Rousseff được thông báo, những nghị sĩ ủng hộ việc luận tội bà vỡ òa trong niềm phấn khích cao độ. Họ nói chuyện mà như la hét. Soraya Santos, một đại biểu từ bang Rio de Janeiro gào thét: “Lula và Dilma phải đi tù! Tôi bỏ phiếu đồng ý luận tội”. Trước đó, họ gần như biểu tình ngay trong hội trường Quốc hội với biểu ngữ và băng-rôn đòi phế truất bà Rousseff, đưa ông Temer lên thay.

Cuộc chiến xung quanh việc luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã diễn ra từ nhiều tuần qua, đặc biệt căng thẳng trong những ngày gần đây khi bà Rousseff phản công những người dẫn đầu chiến dịch kêu gọi luận tội bà. Rousseff gọi tiến trình luận tội bà là một cuộc “đảo chính tư pháp” do Phó Tổng thống Temer và Chủ tịch Hạ viện Cunha chủ xướng tiến hành. Bà cáo buộc chính ông Temer đang cố tình phá rối cuộc điều tra chống tham nhũng mang tên Lava jato (Rửa xe) vì chuyển biến mới của cuộc điều tra cho đến nay cho thấy chính những người chủ trương luận tội bà – Temer và Cunha - đang có tên trong danh sách bị điều tra.

Các nghị sĩ ủng hộ bà Rousseff cũng quyết liệt bảo vệ bà trước Hạ viện. Và một cuộc biểu tình của các nghị sĩ đòi luận tội bà Rousseff đã diễn ra ngay bên trong hội trường Hạ viện, làm cho không khí nghị trường náo loạn chưa từng thấy.

Cuộc chiến luận tội Tổng thống Rousseff đã lan từ nghị trường ra đường phố, khi hàng ngàn người liên tục xuống đường biểu tình chống và cả ủng hộ Tổng thống Rousseff. Ngay trong khi Hạ viện họp để bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống, thì ngoài đường phố, hai phe ủng hộ và chống bà Rousseff tổ chức biểu tình với hàng chục ngàn người tham gia.

Biểu tình trong Hạ viện đòi luận tội bà Dilma Rousseff (ảnh: EPA).

Công chúng nghe theo lời buộc tội của những người chống bà Rousseff cho rằng bà có tội trong vụ án tham nhũng tại tập đoàn Petrobras; đồng thời họ cũng buộc tội bà đã để cho kinh tế đất nước trì trệ, khiến cho cuộc sống của họ khó khăn. Bà Rousseff không làm gì sai, như bà vẫn khẳng định, nhưng điều mà các nghị sĩ ủng hộ luận tội bà lập luận: chính vì chính phủ của bà đã cố tình che đậy những khoảng trống tài chính trong bản cân đối ngân sách chính phủ và những mối liên hệ mờ ám với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Cho đến nay, một số người thân cận với bà Rousseff đã bị bắt giam, trong đó có cựu cố vấn thân cận nhất của bà, Joao Santana do liên quan đến vụ án. Trong công chúng, tỉ lệ ủng hộ bà Rousseff cũng đang cực kỳ thấp, trên dưới 10%, trong khi có đến 2/3 dân chúng cho rằng bà nên từ chức hoặc bị phế truất. Đây là con số tồi tệ nhất của một Tổng thống Brazil kể từ thời chính quyền dân sự lên nắm quyền thay chế độ quân phiệt cách đây hơn 20 năm. Một khi uy tín đã xuống rất thấp, việc lãnh đạo đất nước sẽ vô cùng khó khăn đối với bà Rousseff.

Màn kịch khôi hài

Những người khách quan nhìn vào cuộc chiến xung quanh việc luận tội bà Rousseff xem cuộc bỏ phiếu hôm 17-4 giống như một màn kịch khôi hài, một màn diễn vụng của một gánh xiếc rong hơn là diễn đàn chính trị của một quốc gia. Brian Winter, Phó Chủ tịch Tổ chức Xã hội châu Mỹ (Americas Society) và Hội đồng châu Mỹ (Council of the Americas) nhận xét một cách bi quan rằng, cuộc luận tội bà Rousseff sẽ không có mấy người thắng cuộc.

“Tôi lo rằng lịch sử sẽ có cái nhìn không tốt đối với cuộc luận tội này” – ông Flexa nói. Còn Marcivania Flexa, một nghị sĩ thuộc Đảng Cộng sản Brazil là người bỏ phiếu chống luận tội, nhận xét: “Tôi chưa bao giờ thấy tình trạng đạo đức giả nhiều như thế này”.

“Tình trạng đạo đức giả” mà ông Flexa nói đến chính là thực tế khôi hài đang diễn ra trong nghị trường Brazil: những kẻ bị phanh phui tham nhũng, hối lộ “hăng hái” đi luận tội tham nhũng đối với một người không phạm tội gì, bởi vì mục tiêu của màn diễn kịch chính trị này chính là lật đổ bà Dilma để đưa một người khác lên.

Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha cũng đang bị điều tra tham nhũng (ảnh: AP).

Báo chí trong mấy tuần qua đã đưa tin, trong cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras hồi tháng 2-2016, cảnh sát đã tịch thu tại nhà riêng ở bang Rio de Janeiro của Benedicto Barbosa da Silva, Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Hạ tầng Odebrecht – đơn vị có liên quan trong vụ án - những tài liệu quan trọng trong đó có danh sách 200 chính khách nhận hối lộ.

Hơn một nửa số nghị sĩ đang luận tội bà Dilma, kể cả ông Cunha, Chủ tịch Hạ viện, người chủ trì tiến trình luận tội Tổng thống Rousseff nằm trong danh sách bê bối đó, và cảnh sát liên bang Brazil đang tiến hành cuộc điều tra để xác định mức độ sai phạm của từng người. Có thể ông Cunha và nhiều nghị sĩ cùng phe luận tội sẽ phải đối mặt một phiên tòa khác mà chính họ là can phạm, và cũng chưa biết được họ có còn cơ hội để tiếp tục luận tội bà Rousseff hay không.

Không một nhà phân tích nào có cái nhìn lạc quan về tương lai của đất nước Brazil một khi bà Dilma Rousseff bị Thượng viện buộc tội và bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hiện tại, theo đánh giá của các tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới, nền kinh tế Brazil đang trì trệ nghiêm trọng, đang trong tình trạng tồi tệ nhất trong gần 100 năm qua, có nghĩa là còn tồi tệ hơn cả giai đoạn trước khi ông Lula da Silva lên nắm quyền. Khả năng phục hồi nền kinh tế sẽ càng mong manh hơn khi khủng hoảng chính trị kéo dài không dứt, kèm theo đó là những khó khăn khác như dịch bệnh do virút Zika gây ra làm cho đời sống người dân càng khó khăn thêm.

Khủng hoảng chính trị còn đe dọa cả Thế vận hội mùa hè 2016 diễn ra tại bang Rio de Janeiro vào tháng 8 tới. Trong giai đoạn “nhá nhem tối” này, người ta cũng chẳng thấy xuất hiện gương mặt tươi sáng nào khả dĩ có thể cứu vãn được tình hình.

Người dân ủng hộ bà Dilma Rousseff buồn bã sau khi nghe kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện (ảnh: AP).

Đất nước Brazil đang trong tình trạng mất phương hướng cao độ vì khủng hoảng chính trị. Họ mất tín nhiệm đối với bà Dilma Rousseff, cáo buộc bà đồng lõa với tham nhũng, điều hành kinh tế đất nước kém cỏi; nhưng họ cũng đang phải đối mặt với những chính khách còn đáng sợ hơn bà, những người trực tiếp dính vào tham nhũng và đang muốn phế truất bà để lên nắm quyền.

Thành phần cực hữu thì quay sang ủng hộ những người từng tham gia chế độ quân phiệt cũ, như Carlos Brilhante Ustra, cựu đại tá từng chỉ huy biệt đội Doi-Codi chuyên tra tấn tù nhân thời quân phiệt. Bà Rousseff từng là một du kích cánh tả và từng bị biệt đội của ông này tra tấn. Họ lên diễn đàn Hạ viện để vinh danh ông Brilhante Ustra, đồng thời lên án bà Rousseff.

Trong số những người bỏ phiếu luận tội và lên diễn đàn đả kích bà Rousseff có những kẻ thực sự đang là tội phạm, như Paulo Maluf, nằm trong danh sách truy nã đỏ của Interpol, hay như Nilton Caixiba cũng bị Interpol truy nã vì tội rửa tiền, còn Silas Camara thì đang bị điều tra với cáo buộc giả mạo giấy tờ và lạm dụng công quỹ.

Fabio Moura, một luật sư ở bang Sao Paulo bày tỏ sự kinh tởm đối với những người đòi luận tội bà Rousseff. Moura cho rằng, những người đó làm thế vì chỉ khi hạ bệ được bà Rousseff thì cuộc điều tra “Lava jato” mới bị dừng lại, và họ mới có thể thoát nạn.

Người dân biểu tình chống bà Rousseff ở Sao Paulo (ảnh: AP).

Lindberg Farias, một nghị sĩ ủng hộ bà Rousseff cho rằng, vẫn chưa chắc Thượng viện sẽ luận tội và phế truất bà Rousseff, vì tình hình hiện nay cho thấy việc đó chẳng có ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa là một hành động tiếp tay cho phe “đảo chính”. Vấn đề hiện tại của Brazil là làm sao để ổn định chính trị để giúp đất nước khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Sự thay đổi chính sách trong giai đoạn hiện nay sẽ khó tạo ra được chuyển biến nào, thậm chí còn có nguy cơ gây ra những hiệu ứng tiêu cực làm cho nền kinh tế lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Jaques Wagner, Chánh văn phòng Tổng thống Brazil tự tin cho rằng Thượng viện sẽ bác bỏ yêu cầu luận tội bà Rousseff vì bản thân những người yêu cầu luận tội bà cũng đang bị điều tra tham nhũng, và động cơ của họ lại xuất phát từ việc bị bà đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2014, vì thế họ muốn giành lại quyền lực bằng con đường “đảo chính tư pháp”.

Tuy nhiên, dù chưa bị luận tội hay phế truất thì khả năng trụ lại trên ghế quyền lực của bà Rousseff cũng rất mong manh do tỉ lệ công chúng ủng hộ bà hiện quá thấp.

An Châu (tổng hợp)
.
.