Dầu khí Nga – Yếu tố thay đổi kịch bản địa chiến lược
Trong bối cảnh có thông tin về hành vi giết hại hàng trăm dân thường ở các vùng ngoại ô Kiev, các ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 7-4 đã bắt đầu họp tại Brussels (Bỉ) để tìm giải pháp mới đối phó với Nga trong lúc EU cũng đang tính toán cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin tiết lộ: giới ngoại giao EU đã không thể phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì cần giải quyết những vấn đề kỹ thuật.
Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt mới sau cáo buộc “thảm sát” ở Bucha
Những hình ảnh về vụ thảm sát tại thị trấn Bucha nằm ở ngoại ô Kiev mới đây khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu tiếp tục tăng sức ép trừng phạt Nga. Bất chấp việc Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc của Ukraine rằng quân đội Nga sát hại dân thường ở Bucha, đồng thời tuyên bố những bằng chứng giả về vụ việc chỉ được đưa ra khi lực lượng an ninh Ukraine đến Bucha 4 ngày sau khi binh sĩ Nga rời địa phương này hôm 30-3, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn gia tăng áp lực tài chính đối với Điện Kremlin.
Phối hợp cùng Nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU), Nhà Trắng hôm 6-4 đã công bố loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 2 ngân hàng lớn nhất của Nga và các cá nhân Nga (gồm các con gái của Tổng thống Vladimir Putin, vợ và con gái Ngoại trưởng Sergei Lavrov cùng nhiều thành viên cấp cao của Hội đồng An ninh Nga).
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU cũng đang chịu sức ép lớn phải có biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Moscow, đó là cấm vận hoàn toàn dầu khí Nga. Đây được xem là một bài toán nan giải, có thể khiến châu Âu phải trả cái giá không hề nhỏ.
EU trước sức ép cấm vận dầu khí Nga
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 6-4 tuyên bố tại phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu ở Strasbourg rằng “sớm hay muộn” EU sẽ phải có các biện pháp trừng phạt dầu mỏ và khí đốt Nga sau khi có bằng chứng về “tội ác chiến tranh của các lực lượng vũ trang Nga tại một số thị trấn bị chiếm đóng của Ukraine nhưng hiện đã được giải phóng”.
Một ngày trước đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow, trong đó có việc ngừng nhập khẩu than từ Nga (trị giá 4 tỷ USD/năm, chiếm 45% nhập khẩu của EU), cấm giao dịch hoàn toàn đối với 4 ngân hàng chủ chốt của Nga và đóng cửa các cảng biển đối với tàu của Nga (trừ các tàu chở nông sản và thực phẩm, viện trợ nhân đạo và năng lượng).
Ngoài ra, EU cũng sẽ ngừng nhập khẩu gỗ, xi măng, thủy sản và rượu của Nga; cấm bán cho Nga máy tính lượng tử, chất bán dẫn, máy móc nhạy cảm và thiết bị vận tải. Nga cũng sẽ bị loại khỏi danh sách đấu thầu mua sắm công ở các nước EU, đồng thời sẽ có thêm nhiều công dân Nga bị liệt vào danh sách đóng băng tài sản và không được nhập cảnh vào EU.
Tuy nhiên, đề xuất trên sẽ cần được toàn bộ 27 nước thành viên EU thông qua trước khi có hiệu lực. Trong giai đoạn hiện nay, EU cũng sẽ chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga (lần lượt chiếm 25% và 45% tỷ trọng nhập khẩu của EU). Từ đầu tháng 4, ba nước Baltic đã tuyên bố ngừng mua khí đốt của Nga và hối thúc các nước khác theo gương họ. Tuy nhiên, với cả EU, vấn đề không đơn giản. Đặc biệt, Berlin vẫn luôn tỏ rõ thái độ dè dặt. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Linder tuyên bố Đức không thể ngừng nhập khí đốt Nga “trong ngắn hạn” và việc trừng phạt Moscow trong lĩnh vực này sẽ khiến EU thiệt hại hơn là Nga.
Chuyên gia về năng lượng Nicolas Mazzucchi thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược tại Paris (Pháp) nhận định: “Vấn đề với châu Âu luôn là làm sao khiến Nga phải khốn đốn mà không gây tổn thương cho EU. Nếu ra đòn trừng phạt dầu khí của Nga - trung tâm chiến lược của quan hệ đối tác kinh tế EU-Nga, sẽ không thể nào tránh được hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông”. Về việc các nước Baltic ngừng nhập dầu khí từ Nga, chuyên gia Mazzucchi giải thích đây là những nước nhỏ, dân số ít, cơ cấu tiêu thụ năng lượng rất khác biệt với phần còn lại của EU và họ đã có sự chuẩn bị thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng Nga từ nhiều năm nay.
Tháng trước, EU đã đề ra chiến lược giảm 2-3 lượng dầu khí nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm. Mục tiêu này, theo giới phân tích đánh giá, hầu như bất khả thi, ít nhất là trong ngắn hạn. Các chuyên gia năng lượng châu Âu ước tính nếu các nước Baltic chỉ cần tìm nguồn cung từ 10-12 triệu m3 khí đốt/năm để đạt mục tiêu trên, thì EU phải tìm được nguồn cung 100 tỷ m3 khí đốt/năm ngoài Nga. Ngoài ra, chuyên gia Mazzucchi cảnh báo châu Âu phải coi chừng việc lại rơi vào tình trạng lệ thuộc vào các nhà cung cấp khác.
Trong ngắn hạn, các nguồn cung như vậy sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu cực lớn của EU. Mỹ đã đồng ý cung cấp bổ sung cho châu Âu 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nay đến cuối năm và hứa cung ứng 50 tỷ m3/năm cho đến năm 2030. Con số này chỉ chiếm 1/3 lượng khí đốt châu Âu nhập từ Nga. Như vậy, EU sẽ phải tìm thêm nguồn cung ứng từ những nơi khác.
Khí đốt trên thế giới hiện không hiếm, nhưng vấn đề là vận chuyển thế nào đến châu Âu và nếu có sẽ phải thay đổi nhiều hệ thống hạ tầng cơ sở để tiếp nhận nguồn khí đốt mới. Một nghiên cứu của Hội đồng Phân tích Kinh tế (CEA), cơ quan trực thuộc Thủ tướng Pháp, cho thấy nếu ngừng toàn bộ nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga, nền kinh tế châu Âu sẽ phải đối mặt với một cú sốc mạnh.
Các chuyên gia tính toán thu nhập bình quân đầu người (GDP) theo kịch bản trên sẽ giảm khoảng 100 euro. Đó là cái giá phải trả cho tình đoàn kết của EU với Ukraina mà theo các tác giả của nghiên cứu trên, EU có thể chịu được. Tuy nhiên, còn một cú sốc khác về mặt xã hội mà các nước châu Âu phải đối mặt khi cấm vận dầu khí của Nga hoặc ngược lại Nga ngừng xuất khẩu dầu khí. Khi đó giá năng lượng sẽ tăng chóng mặt, đánh trực tiếp vào đời sống người dân từ đó làm bùng lên các phong trào phản kháng chống chính phủ, gây mất ổn định xã hội không thể lường trước.
Mặc dù chính quyền Mỹ đã áp biện pháp trừng phạt bổ sung, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi về mức độ hiệu quả của làn sóng trừng phạt chưa từng thấy của phương Tây nhắm vào Nga. Loạt lệnh trừng phạt đầu tiên với Nga được Mỹ và các đồng minh châu Âu đưa ra vài tuần trước khiến đồng ruble Nga lao dốc xuống mức thấp kỷ lục hôm 7-3. Tuy nhiên, đồng ruble đã phục hồi gần đây khi Nga tung ra loạt biện pháp để cứu đồng nội tệ, còn châu Âu vẫn tiếp tục mua dầu và khí đốt từ Nga.
Cán cân địa chính trị
Xung đột ở Ukraine không chỉ làm thay đổi địa chính trị-kinh tế châu Âu mà còn có thể làm thay đổi kịch bản mối quan hệ của Nga bên ngoài châu Âu. Và một trong những “sợi dây” ràng buộc mối quan hệ đó cũng là dầu mỏ và khí đốt của Nga. Trong nhiều năm, khối BRICS gồm Nga và các quốc gia được xem là thân thiện và “cùng phe” với Nga - Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã vấp phải sự hoài nghi. Ấn Độ bắt đầu coi trọng diễn đàn Bộ tứ (gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia) hơn. Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan và Taliban lên nắm chính quyền với sự hỗ trợ của Pakistan trong khi Trung Quốc thực hiện các động thái thân thiện ủng hộ chế độ Taliban, tương lai của BRICS dường như đang bị đe dọa.
Lý do là sự thiếu logic rõ ràng đằng sau việc tập hợp các quốc gia thuộc các lục địa khác nhau. Họ bị phân tán về mặt địa lý, tư tưởng và nền kinh tế của họ đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Dường như không có điểm chung giữa các nước thuộc khối BRICS. Nhưng bất chấp những khác biệt, dầu và khí đốt của Nga có thể khiến các thành viên BRICS xích lại gần nhau, trở thành một khối đoàn kết và thách thức hệ thống “petrodollar” – trong đó các nước nhập khẩu xăng dầu dùng đồng USD để thanh toán cho các nước xuất khẩu.
Năm quốc gia BRICS chiếm 40% dân số và hơn 25% diện tích thế giới. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai và đang trên đà vượt Mỹ. Ấn Độ là một trong những nước xuất khẩu công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Cuộc chiến Nga - Ukraine đã dẫn đến cuộc đụng độ lớn nhất trong nhiều thập kỷ giữa Moscow và phương Tây. Phương Tây đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ có lập trường ủng hộ rõ ràng bên nào trong cuộc xung đột.
Các ngoại trưởng và cố vấn của các nước BRICS, bao gồm cả Trung Quốc, đều vội vã công du Ấn Độ nhằm cải thiện quan hệ và củng cố lập trường của Ấn Độ trong cuộc chiến Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại và “bán nhiều dầu hơn cho Ấn Độ” trong bối cảnh Nga đang phải đối mặt với một cuộc tẩy chay lớn từ châu Âu và Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng. Các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
Về phần mình, Nga đang tìm cách lách các lệnh trừng phạt dựa vào lòng trung thành mà Moscow đã xây dựng với các quốc gia láng giềng châu Á và BRICS, đặc biệt là thông qua việc bán dầu và khí đốt cho Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia châu Á này tiếp tục duy trì lập trường trung lập bằng cách bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, cả hai đều sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để giải quyết xung đột Nga-Ukraine và sớm kết thúc chiến tranh.
Theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), “2/3 dân số thế giới sống tại các nước trung lập hoặc có thiện cảm với Nga liên quan cuộc chiến ở Ukraine”. Điều đáng lo ngại với phương Tây là Nga có thể tìm cách tăng cường quan hệ với các nước trung lập khác, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia không liên kết chính khác gồm Brazil, Saudi Arabia, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
BRICS - Đối tác hạn chế việc sử dụng đồng USD?
Để đáp trả các lệnh trừng phạt chống Nga, Tổng thống Putin hôm 23-3 vừa qua đã tuyên bố “các quốc gia không thân thiện sẽ phải thanh toán dầu mỏ và khí đốt của Nga bằng đồng ruble”. Việc “phi USD hóa” đã trở thành một ưu tiên của Nga từ năm 2014 để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trung Quốc cũng bắt đầu nhận thấy giá trị của sáng kiến này sau khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018 và việc Mỹ sử dụng các biện pháp tài chính để trừng phạt. Cho đến nay, Bắc Kinh đã ủng hộ tích cực những nỗ lực này.
Trung Quốc cũng muốn đồng nhân dân tệ (RMB) của họ thay thế đồng USD làm đơn vị tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, RMB chưa thể thay thế USD trừ khi nó có được sự ổn định, các ngân hàng trung ương trên thế giới chọn giữ số lượng đồng RMB trị giá ít nhất 700 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối và các chính sách tiền tệ của Trung Quốc phải được coi là ổn định. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bắt đầu tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch bằng RMB trên các thị trường ngoại hối.
Với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), Bắc Kinh đặt mục tiêu quốc tế hóa đồng nội tệ của họ. Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với hơn 20 quốc gia tham gia BRI và đã ký các thỏa thuận hợp tác với các cơ quan giám sát tài chính của 35 quốc gia trong BRI, qua đó củng cố chức năng tiền tệ của RMB trong thanh toán quốc tế, thương mại và dự trữ.
Cho đến nay, Bắc Kinh đã ủng hộ rộng rãi những nỗ lực này, nhưng liệu đề xuất giao dịch bằng đồng rúp trong BRICS có được Trung Quốc ủng hộ hay không vì như vậy sẽ đi ngược lại với tham vọng quốc tế hóa đồng nội tệ của chính họ. Ấn Độ, Nam Phi và Brazil có thể hỗ trợ thương mại bằng đồng ruble.
Trung Quốc đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc giao dịch bằng RMB ở các nước tham gia BRI thông qua các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và họ có thể đạt được mục tiêu mơ ước là quốc tế hóa đồng RMB trong tương lai. Giao dịch thương mại bằng đồng ruble chỉ có thể thực hiện được nếu Nga có thể đưa Trung Quốc vào tầm ngắm của các quốc gia BRICS”, vì nếu không nó sẽ đi ngược lại lợi ích kinh tế và tham vọng quốc tế hóa RMB nhằm thay thế đồng USD trong tương lai gần.