Đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng: Nghiêm minh và nhân văn

Thứ Sáu, 02/02/2024, 10:21

Quán triệt quan điểm của Đảng, xác định nhiệm vụ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng quan trọng ngang bằng với nhiệm vụ phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội, từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác liên quan đến các vụ tham nhũng, tiêu cực.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thu hồi được trên 53.800 tỷ đồng (cao gấp 2 lần số tài sản thu hồi được của cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

8-1.jpg -0
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khám xét nơi làm việc của đối tượng trong vụ án AIC.

Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an với vai trò đứng đầu của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, các lực lượng chuyên trách đã thể hiện và chứng minh quyết tâm, hành động quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm. Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá là một "điểm sáng", có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Công tác điều tra đã có những bước tiến đột phá, làm rõ được bản chất của các vụ án, phân hóa trách nhiệm của từng đối tượng, bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn.

Đặc biệt, thực hiện phương châm chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, Bộ Công an đã chọn từng lĩnh vực cụ thể, điển hình để xử lý. Như vụ xảy ra tại Công ty Việt Á, là điển hình trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu. Đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 33 vụ án, 133 bị can, trong đó, có 3 Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng và Bí thư Tỉnh ủy; 1 Thứ trưởng, 1 Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều cán bộ cấp vụ, cục, lãnh đạo các tổ chức, cơ sở y tế địa phương.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC là điển hình trong lĩnh vực thao túng thị trường chứng khoán, chuyên môn sâu, hoạt động khép kín. Cơ quan điều tra đã khởi tố 1 vụ án, 21 bị can, đã kết luận điều tra giai đoạn 1, đề nghị truy tố các bị can để xử lý trước pháp luật. Trong vụ án này, bị can Trịnh Văn Quyết, sinh năm 1975, cựu Chủ tịch FLC và 20 bị can khác bị đề nghị truy tố về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Số tiền thu lợi bất chính, Trịnh Văn Quyết dùng để mua cổ phần tại hãng hàng không Bamboo Airways, trả nợ, gửi vào tài khoản chứng khoán và chi tiêu cá nhân.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh là điển hình trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. Đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra, VKSND ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra, Cơ quan công an xác định Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của hơn 6.000 bị hại; đã thu hồi đủ số tiền hơn 8.600 tỷ đồng Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã lừa đảo. Điều này có nghĩa là khi tòa tuyên Tân Hoàng Minh lừa đảo, tang vật, tài sản sẽ được trả lại cho người dân, cho nhà đầu tư. Đây là một thành công đặc biệt lớn của Cơ quan điều tra Bộ Công an bởi không chỉ xử lý nghiêm tội phạm, răn đe những đối tượng khác mà còn thu hồi toàn bộ tài sản để trả lại cho những người dân bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt.

Vụ án điển hình cho sai phạm trong đấu thầu, đấu giá được Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, xử lý, đó là vụ án liên quan Công ty AIC. Đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án, 71 bị can, trong đó đã xử lý hình sự nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai là ông Trần Đình Thành đã bị tòa tuyên 11 năm tù; ông Đinh Quốc Thái, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lĩnh 9 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”. Ngoài ra, trong vụ án này, nhiều cán bộ thuộc diện tỉnh ủy của nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bắc Ninh, Quảng Ninh đã bị khởi tố, điều tra.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp. Trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã khởi tố 3 vụ án, 108 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương. Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương đã khởi tố 114 vụ án/808 bị can tại 49 địa phương...

Đặc biệt, qua điều tra các vụ án, Bộ Công an đã có hàng nghìn báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Không bỏ lọt tội phạm, kể cả có yếu tố nước ngoài

Một điểm rất mới, nổi bật trong đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đó là việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong các vụ án; cũng là lần đầu tiên Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố, điều tra, truy tố tội “Tham ô tài sản” đối với đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước và tập trung vận động, truy bắt một số đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài về đầu thú.

Điều này đã được đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh, tất cả những trường hợp có hành vi phạm tội, chứng cứ rõ, bỏ trốn thì vẫn đủ điều kiện để xét xử, tuyên án chứng tỏ sự nghiêm minh của pháp luật; phải kiên quyết dẫn độ những đối tượng bỏ trốn trong các vụ án về nước để xử nghiêm minh.

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đây cũng là điểm mới, nổi bật, tạo bước đột phá trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Pháp luật Việt Nam cho phép xét xử cả những đối tượng đang bỏ trốn. Khi bản án có hiệu lực thì là “tiền đề để phục vụ cho việc truy bắt”. Theo đó, khi là đối tượng truy nã, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật thì là tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế. Chính vì vậy, sau khi tuyên án, sẽ thực hiện dẫn độ tội phạm theo hợp tác quốc tế của Việt Nam với quốc gia mà đối tượng đang lẩn trốn.

8-2.jpg -0
8-3.jpg -1
Cơ quan điều tra thi hành khám xét đối tượng trong vụ Việt Á.

Không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm

Nói về công tác này, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế cũng đạt được kết quả tích cực, nhất là trao đổi thông tin, bắt giữ, dẫn giải tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Qua công tác điều tra, lực lượng CAND đã chứng minh làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, không phải mang tính chất hệ thống, phần lớn người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước (nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt).

“Những kết quả trên đã góp phần đập tan những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước cho rằng chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực vì phe nhóm, nhất là thời điểm Đảng ta tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021); đồng thời, khẳng định rõ chống tham nhũng, tiêu cực không làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định và cho biết, kết quả chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần từng bước làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ và giá cả một số mặt hàng quay về giá trị thực..., đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của đất nước trong những năm qua.

Phương Thủy
.
.