Đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Cần Thơ thành lập vào tháng 4/2021. Bằng sự nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đơn vị đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm sử dụng công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Từ khi thành lập đến nay, Phòng đã có những thành tích xuất sắc, bảo vệ an ninh an toàn trên không gian mạng, góp phần vào những chiến công chung của Công an TP Cần Thơ.
Thượng tá Nguyễn Quốc Anh, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Đơn vị thành lập vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tình hình an ninh trên không gian mạng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều bài viết có nội dung vi phạm liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng để viết bài sai sự thật, xúc phạm lực lượng phòng, chống dịch và chính sách của thành phố, gây lo lắng trong nhân dân. Đơn vị chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, triển khai hiệu quả biện pháp đấu tranh, bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ chính trị nội bộ.
Qua công tác rà soát, phát hiện 268 trường hợp lợi dụng không gian mạng đăng tải thông tin liên quan đến tình hình, công tác phòng, chống dịch, đã xử phạt hành chính 19 trường hợp với số tiền 117,5 triệu đồng và mời làm việc, giáo dục răn đe 249 trường hợp.
Đầu năm 2022, qua công tác tuần tra trên mạng, trinh sát phát hiện nhiều tài khoản Facebook đăng tải thông tin đối tượng lừa bán kit test với giá rẻ để chiếm đoạt tài sản. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chỉ đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Ninh Kiều xác minh, đấu tranh. Quá trình điều tra, Cơ quan công an mời Nguyễn Uyên Vĩnh Cầm (sinh năm 1986, ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh) đến làm việc. Cầm thừa nhận lợi dụng dịch bệnh, tạo tài khoản Facebook tham gia vào các hội, nhóm chuyên mua bán vật tư y tế, kit test. Cầm đăng thông tin lừa bán kit test, chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng. Riêng tại TP Cần Thơ, Cầm chiếm đoạt của ông L.V.M. (sinh năm 1979, ngụ quận Ninh Kiều) số tiền 51 triệu đồng.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự điều tra, làm rõ người thành lập và sở hữu website “Bạn toàn thắng Security”, rao bán công vụ hỗ trợ trái quy định và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. La Hữu Trí (sinh năm 1982, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), người sở hữu website khai nhận không có nghề nghiệp ổn định, nảy sinh ý định lừa đảo những người có nhu cầu mua công cụ hỗ trợ. Trí tạo website và cung cấp số điện thoại để người mua liên hệ. Trí giới thiệu công ty có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, còn bản thân là nhân viên tư vấn và lấy tên giả là Lê Thanh Hoàng, rao bán súng bắn đạn cao su, còng số 8... Trí biết rõ những người tìm mua trên mạng đều chưa được cấp phép sử dụng nên buộc họ chuyển tiền trước rồi chiếm đoạt. Với thủ đoạn trên, Trí gây ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 triệu của nhiều nạn nhân ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hiện nay tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, gây hậu quả nghiêm trọng. Các đối tượng lợi dụng thủ đoạn giả làm nhân viên các cơ quan nhà nước để lừa đảo hoặc tạo lập, giả mạo website, trang thông tin điện tử đánh cắp dữ liệu cá nhân, rút tiền trong tài khoản của nạn nhân. Trong đó nổi lên tình trạng cho vay qua các ứng dụng, các đối tượng điện thoại quấy rối, đòi nợ, đăng thông tin xúc phạm uy tín, danh dự trên các nền tảng xã hội.
Đặc biệt, trong quá trình nắm bắt tình hình và rà soát trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện nhóm đối tượng có hành vi sử dụng mạng xã hội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, môi giới mại dâm để thu lợi bất chính. Đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt quả tang Trần Cao Minh (sinh năm 1998, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Sau khi Minh bị bắt, Trần Văn Phúc (sinh năm 1998, ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đã ra đầu thú. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Minh và Phúc về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Minh khai nhận dùng ứng dụng Telegram tạo lập nhiều nhóm, kênh với gần 100.000 thành viên tham gia. Tại các nhóm, kênh đã lập, Minh tàng trữ, đăng tải hơn 7.000 video, hơn 1.000 hình ảnh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy. Các thành viên tham gia phải đóng khoản phí do Minh quy định. Tổng số tiền Minh thu lợi bất chính từ năm 2020 đến khi bị bắt là hơn 400 triệu đồng. Phúc thừa nhận tham gia điều hành các nhóm với Minh, phụ giúp đăng tải các video có nội dung đồi trụy.
Ngoài vụ việc trên, trinh sát còn phát hiện trên không gian mạng có nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Zalo lập ra nhiều nhóm kín hoạt động môi giới mại dâm. Các đối tượng gồm: Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1991, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) sử dụng tài khoản “Lão Trư” là trưởng nhóm “Hội tắm heo”, “Hội danh nhân thành đạt”, Võ Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1999, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) sử dụng tài khoản Zalo “Anh Tú”, là trưởng nhóm “Hội xe ôm Cần Thơ” và Nguyễn Thị Bích Trâm (sinh năm 1998, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) sử dụng tài khoản Zalo “Sub Cần Thơ”, là trưởng nhóm “Sub 111 và Sub 222”.
Các đối tượng lập ra nhiều nhóm, mỗi nhóm phân công nhiệm vụ trưởng nhóm và các phó nhóm, đăng tải, cập nhật hình ảnh các cô gái trẻ đẹp, với mức giá từ 700.000 đồng đến 4 triệu đồng để những người có nhu cầu mua dâm thì đăng ký làm thành viên và liên hệ thỏa thuận. Các nhóm Zalo này hoạt động mại dâm còn biến tướng trá hình bằng hình thức sugar baby - sugar daddy với mức giá 12 triệu đồng/tháng và thỏa thuận gặp nhau ở khách sạn 5-6 lần/tháng. Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn phát hiện, đấu tranh triệt xóa đường dây lừa đảo thông qua sàn môi giới mua bán chứng khoán, vàng, ngoại tệ trên ứng dụng “MetaTrader 5”.
“Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Công an thành phố, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tham mưu xây dựng, hoàn thiện các quy định về đảm bảo an ninh, trật tự trên không gian mạng, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về an ninh mạng và đấu tranh, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”, Thượng tá Nguyễn Quốc Anh nói.
Năm 2022, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các trường Đại học, cao đẳng và THPT tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho giáo viên, cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên. Thông qua buổi tuyên truyền, giáo viên, cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức khi sử dụng mạng xã hội, chấp hành các quy tắc ứng xử và cảnh giác tội phạm trên không gian mạng.
Ghi nhận thành tích xuất sắc của Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen; Bộ Công an tặng 4 Bằng khen và UBND TP Cần Thơ tặng 2 Bằng khen và nhiều hình thức khen thưởng khác.