Davos 2024: Lấy con người làm trung tâm
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2024 được tổ chức từ ngày 15 đến 19/1 tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế - xã hội tại nhiều nơi trên thế giới có những diễn biến phức tạp và bất ổn, khiến danh sách các ưu tiên toàn cầu trong năm nay của WEF tăng lên đáng kể.
Hội nghị quy mô lớn
WEF là một tổ chức quốc tế độc lập, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) và được thành lập năm 1971 theo sáng kiến của Giáo sư Klaus Martin Schwab. WEF cam kết thực hiện sứ mệnh phát triển năng lực của thế giới bằng cách kết nối các nhà lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để kiến tạo quan hệ hợp tác, để từ đó thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề then chốt trên phạm vi toàn cầu và khu vực.
Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hằng năm tại Davos. Hội nghị thường niên năm nay của WEF được đánh giá là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19, với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 250 bộ trưởng, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cùng nhiều chuyên gia, học giả uy tín toàn cầu.
Hội nghị WEF lần thứ 54 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, sự phát triển nhanh của trí tuệ nhân tạo (AI) và các ngành công nghệ tiên tiến tác động sâu sắc đến việc hoạch định chính sách kinh tế của các nước và doanh nghiệp. Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Borge Brende hồi đầu tháng 1 đã đánh giá rằng hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF sẽ diễn ra trong bối cảnh địa chính trị phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều phức tạp cả về địa chính trị và kinh tế, WEF Davos 2024 tập trung vào 4 chủ đề chính: Thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; Chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; AI - động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.
Bóng đen của các cuộc xung đột
Là một diễn đàn quy tụ nhiều lãnh đạo các nước lớn, WEF Davos 2024 không thể lảng tránh các vấn đề hóc búa từ hai cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Đông Âu và Trung Đông. Nói cách khác, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới gắn liền với an ninh của tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất qua Biển Đỏ, cũng như an ninh lương thực, năng lượng không thể tách rời khả năng cung ứng các mặt hàng này từ Nga và Ukraine.
Cuộc xung đột bùng phát đầu tháng 10/2023 giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel không chỉ khiến điểm nóng Trung Đông càng thêm “nóng” mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế khu vực và thế giới. Cuộc xung đột này có nguy cơ lan rộng hơn với sự tham gia của lực lượng Hezbollah ở Lebanon và mới đây nhất là lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn và đang kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở Yemen nằm sát Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu quốc tế đi qua Biển Đỏ - tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới - kéo theo đó là các cuộc không kích đáp trả của Mỹ, Anh có nguy cơ làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng nhiên liệu và những linh kiện thiết yếu với kinh tế toàn cầu.
Các sự kiện ở Trung Đông trong những tháng gần đây cũng không làm giảm sự chú ý của thế giới đến xung đột giữa Nga và Ukraine, vốn đã sắp bước sang năm thứ 3 nhưng vẫn chưa thể sớm kết thúc. Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine cùng những đòn trừng phạt hà khắc của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Nga và Ukraine, mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, gây thiệt hại hàng tỷ USD do lạm phát leo thang, giá nhiên liệu và lương thực tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành du lịch tê liệt và nhiều hệ lụy khác.
Số phận các tài sản của Nga ở phương Tây đã được đưa ra thảo luận tại WEF ở Davos. Theo Reuters, ngày 17/1, các quan chức phương Tây tham dự WEF Davos 2024 cho biết, hầu hết các nước này đều sẵn sàng ủng hộ ý tưởng tịch thu 300 tỷ USD tài sản của Nga để tái hỗ trợ cho Ukraine.
Phần lớn số tài sản này về cơ bản là chứng khoán mà Ngân hàng Trung ương Nga đã đầu tư đang bị đóng băng tại Euroclear, một trung tâm lưu ký có trụ sở tại Brussels (Bỉ). Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói với Reutes rằng ông không phản đối việc tịch thu tài sản bị phong tỏa nhưng cần có cơ chế rõ ràng: “Chúng tôi không nói không với việc tịch thu tài sản. Nhưng, chúng tôi cần phải làm việc theo một cơ chế. Ví dụ, chúng có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine”.
Ông De Croo cho biết, một số chứng khoán được Nga đầu tư đang đáo hạn và chúng sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt. Mức thuế mà giao dịch này phải chịu lên đến 25%. Ông nói với Reuters ở Davos: “Nếu có bất kỳ khoản doanh thu chịu thuế nào của Nga, chúng tôi sẽ phong tỏa để nó có thể đến Ukraine”. Ông cho biết tổng thuế đánh vào tài sản bị đóng băng của Nga là khoảng 1,3 tỷ euro trong năm 2023 và vào năm 2024 sẽ là khoảng 1,7 tỷ euro.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm nay, Nga không cử đại diện tham gia nhưng Moscow từng nhiều lần cảnh báo rằng việc tịch thu những tài sản đó sẽ đi ngược lại các nguyên tắc của thị trường tự do. Điện Kremlin cảnh báo sẽ tịch thu tài sản của Mỹ, châu Âu và các tài sản khác để đáp trả.
Xây dựng chính sách kinh tế
WEF diễn ra trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới đang nợ kỷ lục: 88,1 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu hằng năm. Việc đưa các ý tưởng giải quyết số nợ này trở thành hiện thực sẽ là một việc không dễ dàng. Nợ công đã bùng nổ trong đại dịch và theo dự báo, lượng vay nợ mới trong năm nay của chính phủ tại một số nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục phá kỷ lục. Điều này sẽ khiến các chính phủ suy giảm khả năng ứng phó với những cú sốc như khủng hoảng tài chính, bệnh dịch hay chiến tranh... có thể xảy ra. Vấn đề ngân sách của các chính phủ thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư trong năm nay, khi bầu cử diễn ra tại một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ khiến các chính trị gia không ngần ngại đưa ra lời hứa về tăng cường chi tiêu để lấy lòng cử tri.
Phần lớn thế giới hiện đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19 khiến một số doanh nghiệp phải cắt giảm công suất và các chính phủ phải chuyển nguồn vốn sang các biện pháp kích thích và hỗ trợ. Trong lĩnh vực việc làm, mặc dù hiện tại một số quốc gia như Mỹ, Anh có tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, nhưng một số quốc gia khác gồm Hy Lạp, Colombia, Tây Ban Nha, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trong bối cảnh trên, Davos 2024 tập trung vào cách các chính phủ và doanh nghiệp có thể cùng nhau tạo ra một chiến lược lấy con người làm trung tâm hơn khi tạo không gian cho việc làm mới và tăng trưởng trong vài năm tới.
AI - Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Sự xuất hiện “gây choáng” của ChatGPT của OpenAI hơn một năm trước và cuộc chạy đua của các đối thủ kể từ đó đã khiến sức mạnh, những hứa hẹn và điềm báo của AI được công chúng quan tâm hơn bao giờ hết. Một minh chứng cho thấy công nghệ đã thu hút được sự chú ý lớn và ngày càng tăng ở Davos đó là chủ đề về AI có tới khoảng 30 phiên thảo luận riêng biệt. Hội nghị WEF 2024 tập trung vào cách các công ty và chính phủ có thể sử dụng công nghệ và công cụ dựa trên AI để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, cải thiện chuỗi cung ứng, dự đoán tốt hơn về thiên tai cũng như tăng tính minh bạch và hợp tác giữa các quốc gia.
Mặc dù AI được ca ngợi là một trong những xu hướng công nghệ có thể tạo ra những biến đổi vô cùng lớn trong vài năm qua, một số nhà lãnh đạo công nghệ, bao gồm Elon Musk và Bill Gates, cũng cảnh báo về những rủi ro của AI. Do đó, hội nghị WEF năm nay không chỉ tập trung vào các chủ đề như bối cảnh pháp lý cho AI và cách nó có thể cộng tác với các công nghệ mới nổi khác, mà còn xem xét cách làm cho AI an toàn và hiệu quả cho các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng.
Một sáng kiến đáng chú ý của Hội nghị WEF 2024 là Liên minh Quản trị AI. Liên minh này - bao gồm những công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM, Meta Platforms - nhằm mục đích định hình việc phát triển và sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Cam kết của họ đối với các hệ thống AI minh bạch, toàn diện nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ và sự cần thiết của một cách tiếp cận cân bằng đối với sự đổi mới và tác động xã hội.
Chiến lược dài hạn về khí hậu
Trong tất cả những hy vọng cao cả ở Davos, hy vọng đã kéo dài nhiều năm nay là về việc tìm kiếm những cách thức sáng tạo và đầy hứa hẹn để chống lại biến đổi khí hậu. Năm nay cũng không khác: Các nhà khoa học khí hậu hàng đầu trên khắp thế giới đã báo cáo trong tháng này rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu năm ngoái đã vượt qua mức cao kỷ lục - khiến mức độ cấp bách tăng lên. Bronwen Maddox, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Chatham House cho biết kế hoạch chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch đã được thống nhất trong Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc tại Dubai vào tháng trước, đồng nghĩa với việc 2024 sẽ là một năm quan trọng đối với tài chính khí hậu.
Trong bối cảnh đó, hội nghị WEF 2024 xem xét việc tạo ra và cải thiện các phương pháp lâu dài, bền vững để tiến gần hơn một bước tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, trong khi vẫn có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên an toàn, toàn diện và giá cả phải chăng như nước, năng lượng và thực phẩm. Hội nghị này cũng thảo luận về việc giảm bớt sự rạn nứt và những bất bình liên quan tới vấn đề khí hậu giữa Bắc bán cầu (gồm hầu hết là các nước phát triển) và Nam bán cầu (gồm các nước đang phát triển).
WEF thường xuyên bị các nhà phê bình coi là biểu tượng của khoảng cách ngày càng lớn giữa giàu và nghèo. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, việc tập hợp các nhà lãnh đạo quan trọng của thế giới lại với nhau và thảo luận về các vấn đề toàn cầu chung là việc làm rất có ý nghĩa. Đúng như phát biểu của Chủ tịch WEF Borge Brende, với quy mô những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, WEF Davos 2024 là cơ hội để xây dựng lại “những cây cầu đã gãy”, thúc đẩy liên lạc và trao đổi giữa những người ra quyết định hàng đầu của thế giới.
Nhận lời mời của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos từ ngày 16 đến 18/1. Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược Quốc gia với WEF và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF. Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế, quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam.