Đối thoại Mỹ - Trung tại Shangri-La 2024

Thứ Hai, 10/06/2024, 12:25

Đối thoại Shangri-La có tên đầy đủ là Hội nghị An ninh châu Á, là cơ chế đối thoại an ninh đa phương thường niên do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh (IISS) khởi xướng vào năm 2002 và được Chính phủ Singapore hỗ trợ, có đặc điểm cấp bậc cao, quy mô rộng, tầm ảnh hưởng lớn và đến lần này là lần thứ 20 được tổ chức.

Chung mục đích vì hòa bình và ổn định

Đối thoại Shangri-La năm nay thu hút hơn 550 đại diện đến từ hơn 40 quốc gia và khu vực trên thế giới. Chương trình nghị sự của Hội nghị tương tự như những năm trước, kéo dài 3 ngày, bao gồm một loạt hoạt động như bữa tối khai mạc, 7 phiên họp toàn thể, 6 diễn đàn đặc biệt và 2 hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng. Tại bữa tiệc khai mạc, Tổng thống Philippines Marcos Jr. được mời phát biểu.

1000022643.jpg -0
Trong những năm gần đây, hội nghị tại Singapore này đã trở thành “nhiệt kế” của cạnh tranh Mỹ - Trung.

Tại phiên họp toàn thể, Tổng thống Indonesia Prabowo và Bộ trưởng Quốc phòng của nhiều nước lần lượt tham gia phát biểu. Các chủ đề chính bao gồm quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng cường quản lý khủng hoảng trong cạnh tranh, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu… 6 diễn đàn đặc biệt sẽ tập trung vào hợp tác quốc phòng và an ninh của các nước nhỏ, trí tuệ nhân tạo, hành động nhân đạo toàn cầu…

Chuyên gia quân sự từng 10 lần tham gia Đối thoại Shangri-La, Triệu Tiểu Trác  cho rằng, theo đuổi hòa bình, ổn định và phát triển vẫn là mong muốn chủ đạo và sự đồng thuận cơ bản ở châu Á - Thái Bình Dương. Hầu như tất cả các nước trong khu vực đều không muốn can dự hay chứng kiến sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc gần đây đã tổ chức hội đàm và 3 nước cùng bày tỏ mong muốn duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á. Ngay cả Mỹ cũng hy vọng duy trì đối thoại với Trung Quốc và giải quyết những bất đồng để đối thoại tối đa hóa lợi ích của chính mình.

Đường dây nóng quân sự Mỹ - Trung?

Theo bình luận của tờ Foreign Policy, Trung Quốc và Mỹ hiện đang bước vào thời khắc ngoại giao mới, có phần tích cực tuy không phải là hòa hoãn hoàn toàn. Các kênh liên lạc mới dường như đang làm chững lại vòng xoáy đi xuống giữa hai siêu cường, vốn đe đọa đẩy đến chỗ xung đột. Kênh liên lạc đề xuất được mở ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân lần đầu tiên tại Đối thoại Shangri-La 2024 vừa qua. Các cuộc thảo luận chuẩn bị cho cuộc gặp đã diễn ra trước đó.

Đề xuất kênh liên lạc mở ra giữa người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ và Bộ Tư lệnh chiến khu miền Đông của Trung Quốc đã có từ lâu. Một cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo quân sự khó có thể tạo ra những đột phá ngoại giao, nhưng chỉ riêng việc hai bên có thể gặp mặt đã là một bước tiến đáng hoan nghênh và có phần đáng ngạc nhiên sau nhiều năm lạnh nhạt.

Trong những năm gần đây, hội nghị tại Singapore này đã trở thành “nhiệt kế” cho cạnh tranh Mỹ-Trung, giống như Hội nghị An ninh Munich đối với quan hệ giữa phương Tây và Nga. Hai cuộc Đối thoại Shangri-La gần đây nhất diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng do nhiều sự cố như vụ bê bối khinh khí cầu hồi đầu năm 2022. Bộ trưởng Quốc phòng của hai bên thậm chí còn không đối thoại trực tiếp trong suốt năm 2023. Năm nay, bầu không khí đã khác: Quan hệ hai bên đã cải thiện trong 12 tháng qua, do đó hai Bộ trưởng có đã tránh dùng bài phát biểu của mình như là biện pháp dọa nạt công khai để leo thang căng thẳng.

Ý tưởng về việc liên kết trực tiếp giữa INDOPACOM và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được nhen nhóm từ cuộc họp tháng 11/2023 tại Woodside, California. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về việc thiết lập kênh liên kết này. Đô đốc Hải quân Mỹ John Aquilin, người vừa thôi chức Tư lệnh INDOPACOM sau đó đã nhiều lần cố gắng thiết lập liên kết này. 

Trong tháng 5, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ely Ratner đã trao đổi với người đồng cấp, Thiếu tướng Lý Bân thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Theo bản ghi của Mỹ về cuộc trò chuyện, Ratner đề nghị cả Tư lệnh Chiến khu miền Nam và miền Đông của Trung Quốc tham gia các cuộc gọi thường xuyên. Nhưng nếu chỉ có một kênh duy nhất, Mỹ hy vọng đó sẽ là Tư lệnh Chiến khu miền Đông. Người kế nhiệm ông Aquilino là Đô đốc Hải quân Mỹ Samuel Paparo, vừa nhận chức hồi tháng 4.

Tất nhiên, theo các nhà phân tích, có nhiều lý do để hoài  nghi những gì một kênh liên lạc quân sự mới có thể đạt được. Cái gọi là “đường dây nóng” giữa hai quân đội nghe có vẻ hấp dẫn về mặt giấy tờ nhưng thường không mang lại nhiều hiệu quả trên thực tế. Một ví dụ gần đây: Năm 2023, Tổng thống Philippines Marcos Jr. và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí thiết lập một đường dây nóng tương tự để giải quyết căng thẳng ở Biển Đông. Nếu vẫn còn tồn tại thì cho đến nay, chưa có bên nào sử dụng kênh liên lạc này. Hồi tháng 3, ngay sau khi Trung Quốc leo thang căng thẳng trên biển, trong một cuộc phỏng vấn, ông Marcos Jr. đã được hỏi liệu có đường dây liên lạc cá nhân nào với ông Tập Cận Bình đã được thiết lập hay không, ông nói: “Tôi e là vẫn chưa!”.

Còn cả những thách thức sâu sắc hơn về cơ cấu, tổ chức cũng khiến cho đường dây nóng này chưa chắc đã hiệu quả. Với quân đội Mỹ, sự phân cấp cụ thể, trao cho những chỉ huy như Paparo quyền đưa ra quyết định. Còn với quân đội Trung Quốc, sự tập trung thể hiện rõ hơn nhiều và các quyết định quan trọng được đưa ra ở Bắc Kinh. Do đó, thông tin liên lạc giữa hai bên lại mang những mục đích khác nhau. Nói một cách đơn giản, Mỹ muốn sử dụng các diễn đàn song phương để thảo luận và giải quyết các vấn đề thực chất, trong khi Trung Quốc thường coi chúng như một cơ chế để phàn nàn về hành vi của Mỹ.

Huy Thông
.
.