Đối thoại Nga - NATO thất bại

Thứ Hai, 27/12/2021, 17:59

Đề xuất thỏa thuận do Nga đưa ra về an ninh với NATO và châu Âu dường như đã thất bại. NATO bóng gió rằng “có nhiều điểm không thể thảo luận được”, đồng thời đe dọa ban hành các biện pháp trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine. Châu Âu đang hiện hữu nguy cơ của cuộc đối đầu căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraine.

Trong những tuần qua, các nước phương Tây vẫn cáo buộc Moscow có ý đồ can thiệp quân sự khi tập trung hàng chục ngàn quân ở vùng biên giới giáp với Ukraine. Nhưng, chính quyền Tổng thống Putin khẳng định việc huy động số quân đông đảo như vậy chỉ nhằm mục đích phòng thủ.

Đối với Điện Kremlin, chính Mỹ và khối NATO đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới Nga khi trang bị vũ khí cho Ukraine, yểm trợ Kiev về chính trị, tiến hành các cuộc tập trận và triển khai lực lượng ở vùng Biển Đen. Ngày 21-12, phát biểu tại Bộ Quốc Phòng Nga, Tổng thống Putin đã một lần nữa yêu cầu Mỹ đưa ra những bảo đảm với Nga bằng việc ký kết những hiệp ước cấm mở rộng khối NATO ra bất cứ nước nào trong tương lai. Ông Putin vẫn khẳng định không hề muốn có một “cuộc xung đột vũ trang, một cuộc đổ máu”, mà thiên về “một giải pháp chính trị - ngoại giao”.

Đối thoại Nga - NATO thất bại -0
Quân đội Nga tập trận gần biên giới với Ukraine.

Theo chiều hướng này, vào tuần trước, Nga đã đề nghị hai hiệp ước, một cho Mỹ và một cho khối NATO. Hai đề xuất này cấm Liên minh Bắc Đại Tây Dương kết nạp các nước thành viên mới, đặc biệt là Ukraine, đồng thời hạn chế hợp tác quân sự giữa phương Tây với các nước Đông Âu và các nước Liên Xô cũ. Cho tới nay, Điện Kremlin vẫn cho rằng các nước phương Tây đã phá vỡ sự tin cậy giữa hai bên khi khối NATO mở rộng sang các nước Đông Âu kể từ thập niên 1990, trái với cam kết mà họ đã đưa ra sau khi Liên Xô sụp đổ.

Cũng tại Bộ Quốc phòng Nga, Tổng thống Putin đã tuyên bố rất cứng rắn, đe dọa sẵn sàng đáp trả tương xứng về quân sự và kỹ thuật nếu các đối thủ phương Tây không chấm dứt chính sách mà ông đánh giá là đe dọa an ninh Nga, xung quanh vấn đề Ukraine. Ông Putin nhắc đến sự hiện diện của lính đánh thuê Mỹ tại vùng Donbass, mà theo ông là để chuẩn bị những khiêu khích bằng vũ khí hóa học.

Tiếp sau đó, Tổng thống Nga đã đẩy thêm áp lực với tuyên bố “trong trường hợp các đồng nghiệp phương Tây vẫn duy trì đường lối rõ ràng là rất hung hăng, chúng ta sẽ đáp trả bằng những biện pháp tương xứng, về quân sự và kỹ thuật. Chúng ta sẽ phản ứng dữ dội với những hành động thù địch. Và tôi xin nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có quyền”.

Trước cử tọa, ông Putin chế giễu các cam kết của Mỹ: “Khi Hoa Kỳ bị luật pháp quốc tế hay Hiến chương Liên Hiệp Quốc cản trở, họ tuyên bố tất cả những thứ đó là cũ rích, vô ích... Còn khi có gì đó hợp với lợi ích của họ, ngay lập tức họ dẫn ra luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Chúng ta đã chán ngán những kiểu thao túng như vậy rồi”.

Cùng ngày, trong một cuộc điện đàm với tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Putin đã kêu gọi có những thảo luận nghiêm túc về những đề nghị của Nga đối với NATO. Trong một thông cáo, lãnh đạo Đức đã bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng tại biên giới Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các bên phải khẩn cấp xuống thang.

Về mặt chính thức, Mỹ muốn chờ thêm trước khi trả lời những đề xuất của Nga. Vì thế, những lời bình luận được đưa ra đều là ẩn danh. Và đây là dấu hiệu cho thấy các nhà ngoại giao ở Washington muốn thận trọng và tránh một cuộc leo thang căng thẳng. Nếu như các quan chức của chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẵn sàng thảo luận thì họ đánh giá rất nhiều yêu cầu của Nga là không chấp nhận được.

Một quan chức cấp cao nói rõ: “Mỹ sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của các nước châu Âu”. Một quan chức khác thì cho biết “có nhiều điểm khác có thể thảo luận được” nhưng lại không nêu chi tiết. Washington cho biết cũng chuẩn bị một danh sách riêng các đề xuất đang trong quá trình tham vấn với các đồng minh châu Âu. Danh sách sẽ được gửi đến Nga trong tuần này để mở đường đàm phán.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Karen Donfried, ngày 22-12 cho biết hy vọng cuộc đối thoại về hồ sơ Ukraine và an ninh châu Âu được bắt đầu vào tháng 1-2022 nhưng cũng báo trước có một số đòi hỏi của Moscow là không thể chấp nhận được. Thậm chí, Mỹ và các nước châu Âu đã đe dọa ban hành các biện pháp trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine nhưng các nước này lại không dự trù gửi quân đến để ứng cứu Ukraine. Dẫu sao thì Ukraine không phải là một thành viên của khối NATO nên sẽ không có chuyện Liên minh Bắc Đại Tây Dương can thiệp để bảo vệ Ukraine.

Đối thoại Nga - NATO thất bại -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Bộ Quốc Phòng ngày 21-12.

Tại họp báo hằng năm diễn ra ngày 23-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá việc Washington sẵn sàng thảo luận, vào tháng 1-2022 tại Genève (Thụy Sĩ), là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, chủ nhân Điện Kremlin nhắc lại lập trường của Nga: “Không có bất kỳ sự mở rộng nào của NATO về phía Đông”. Ông Putin cũng ngầm đe dọa “trái bóng đang trong chân NATO. Họ cần cung cấp cho chúng tôi một số câu trả lời” về việc Nga yêu cầu NATO không kết nạp các thành viên mới, không lập căn cứ quân sự ở các nước thuộc Liên Xô cũ.

Việc Tổng thống Putin lên giọng, tuyên bố sẵn sàng “trả đũa” phải chăng chỉ là nhằm gây áp lực với các nước phương Tây, buộc họ phải chấp nhận các yêu sách của Moscow? Điện Kremlin thừa biết phương Tây sẽ không thể làm gì khác ngoài các trừng phạt, cho nên chắc chắn là Tổng thống Putin sẽ không lùi bước trước những lời đe dọa nói trên. Trước mắt, Tổng thống Putin đã thành công được một bước, đó là các nước phương Tây vẫn chưa thể đưa ra một lịch trình cụ thể cho việc thâu nhận Ukraine vào khối NATO và Liên minh châu Âu.

Quả thật, ngày 22-12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ thất vọng trước việc phương Tây vẫn dè dặt trong việc ấn định lịch trình để Ukraine gia nhập NATO và Liên minh châu Âu. Với Kiev, các liên minh này là cốt yếu để Ukraine chống cự lại các tham vọng của Nga. Nhưng, với Moscow thì đó là điều không thể chấp nhận và đó cũng là nguồn cơn những căng thẳng hiện nay ở biên giới hai nước.

Cuộc đối thoại dự trù vào tháng 1-2022 giữa Mỹ - Nga và có thể là giữa NATO với Nga sẽ là dịp để phương Tây và Nga tìm cách làm giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine nhưng chắc là hai bên sẽ khó mà đạt được ngay một thỏa thuận nào. Theo giới quan sát, trong thời gian từ đây đến đó, Nga tiếp tục gia tăng áp lực quân sự với Ukraine. Hãng tin Interfax ngày 23-12 trích dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hàng trăm lính dù của Nga trong tuần này sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở vùng Crimea và vùng biên giới chung với Ukraine. Kịch bản của các cuộc thao dượt quân sự này là đánh chiếm một vùng trong khuôn khổ một cuộc tấn công.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.