Đông Bắc Á - Bao giờ hạ nhiệt?

Thứ Tư, 12/10/2022, 16:18

Những vụ thử tên lửa mới nhất trên bán đảo Triều Tiên đang khiến cho bầu không khí an ninh, chính trị tại đây “nóng” hẳn lên, bất chấp những quan ngại từ cộng đồng quốc tế.

Trong một báo cáo công bố hôm 10/10, hãng thông tấn nhà nước KCNA của CHDCND Triều Tiên dẫn lời phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng các vụ thử tên lửa liên tục gần đây của CHDCND Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này. Ông Kim Jong-un nói các cuộc diễn tập quân sự và bắn thử tên lửa là lời cảnh báo và minh chứng rõ ràng cho “kẻ thù” của đất nước.

Đông Bắc Á - bao giờ hạ nhiệt? -0
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un quan sát bắn thử tên lửa.

Các tên lửa hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Triều Tiên sẽ không thể tiếp cận “kẻ thù” lớn nhất của Bình Nhưỡng nhưng về mặt lý thuyết, chúng có thể được sử dụng để chống lại hai nước láng giềng là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hồi tháng 9/2022, ông Kim Jong-un từng gây hoang mang cho các quốc gia láng giềng và các đối tác trong đàm phán hạt nhân khi tuyên bố rằng việc Triều Tiên chuyển đổi thành cường quốc hạt nhân là “không thể đảo ngược”.

KCNA cho biết ông Kim Jong-un đã ra lệnh phóng thử để đáp trả các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn của lực lượng Hàn Quốc và Mỹ. Đồng thời, Tokyo và Washington gần đây đã nối lại các cuộc tập trận, bao gồm việc triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan đến vùng biển ngoài khơi bờ phía Đông Hàn Quốc - động thái khiến Bình Nhưỡng coi là diễn tập cho một cuộc xâm lược.

Ngay sau khi các lực lượng Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tổ chức tập trận, CHDCND Triều Tiên đã “quyết định tổ chức các cuộc diễn tập quân sự theo mô phỏng một cuộc chiến tranh thực tế”. Theo KCNA, các đơn vị quân đội tham gia vào hoạt động của máy bay ném bom chiến thuật, đã tổ chức các tập trận từ ngày 25/9 đến ngày 9/10 nhằm kiểm tra và đánh giá “khả năng răn đe chiến tranh” và “phản công hạt nhân” của đất nước, đồng thời xác nhận rằng ông Kim Jong-un đã đích thân chỉ đạo các cuộc tập trận.

Ngày 4/10, CHDCND Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo xa hơn tất cả những lần phóng trước đây và lần đầu tiên một quả tên lửa bắn thử bay qua Nhật Bản kể từ năm 2017 là một tên lửa đạn đạo tầm trung mới. Hàng triệu cư dân ở miền Bắc Nhật Bản khiếp sợ khi họ được cảnh báo về một tên lửa của CHDCND Triều Tiên bay trên đầu họ. Trước đó 5 năm, người dân Nhật bản cũng đã 2 lần rung động trước những lời cảnh báo của chính phủ về việc tìm nơi trú ẩn vì các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Đông Bắc Á - bao giờ hạ nhiệt? -0
Người dân theo dõi vụ bắn thử tên lửa qua truyền hình.

Tên lửa tầm trung liên quan đến vụ thử tuần này bay ở độ cao 1.000 km khi bay đến Thái Bình Dương, rơi xuống biển phía Đông Nhật Bản, cách xa nơi phóng hơn 3.000 km mà không xảy ra sự cố nào. Tuy được phóng ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, nhưng thông điệp của quả tên lửa lại được gửi đến cho Nhà Trắng và Tổng thống Biden.

Có những lý do thuyết phục khiến Bình Nhưỡng chọn thời điểm này để phóng tên lửa. Tên lửa phóng đi ngày 4/10 được cho là Hwasong-12, về lý thuyết có khả năng tấn công lãnh thổ Guam ở Thái Bình Dương của Mỹ.  Đó là một lời nhắc nhở rằng công nghệ vũ khí của CHDCND Triều Tiên đang tiến bộ - đã bay xa hơn bất kỳ loại tên lửa nào khác cho đến nay - như một phần của sự thể hiện rộng rãi hơn về khả năng tên lửa đạn đạo của nước này. Bình Nhưỡng đã thực hiện 8 vụ phóng tên lửa chỉ trong 10 ngày và con số chưa từng có trong năm nay là 40, theo số liệu của Liên hợp quốc. Như Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế đã lưu ý trong tuần này, các vụ thử tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên trước đó đã được tiếp nối bằng vụ thử hạt nhân.

Đông Bắc Á - bao giờ hạ nhiệt? -0
Tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc tập trận.

Giới quan sát cho rằng sẽ là sai lầm nếu Washington và các đồng minh đánh giá không đúng mức những hành động trong thời điểm hiện tại của CHDCND Triều Tiên.

Vào năm 2017, cộng đồng thế giới từng thể hiện sự thống nhất quan điểm khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề đối với CHDCND Triều Tiên. Nay thì sự thống nhất đó không còn nữa. Điều đó đã được thể hiện rõ vào tháng 5 năm nay, khi Trung Quốc và Nga phủ quyết nghị quyết áp đặt các hình phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên.

Sự chia rẽ sâu sắc giữa các cường quốc hàng đầu thế giới đồng nghĩa với việc sẽ không còn động lực kiềm chế các hành động thử tên lửa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Cùng lúc phải ứng phó nhiều vấn đề lớn, phức tạp, như Ukraine, Trung Quốc, Đài Loan,... khiến cho Mỹ cạn kiệt giải pháp để đối phó với các hoạt động của CHDCND Triều Tiên.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.