Đông Nam Á có làn sóng mua sắm vũ khí?

Thứ Ba, 15/02/2022, 16:04

Theo nhận định của các nhà quan sát, khu vực Đông Nam Á đang xuất hiện làn sóng mua sắm vũ khí. Đâu là động cơ thúc đẩy các nước tham gia cuộc đua này?

Ngày 28-12-2021, Philippines ký hợp đồng đặt mua 2 tàu chiến mới từ Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai của Hàn Quốc (HHI). Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết dự án này sẽ cung cấp cho hải quân Philippines 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại có khả năng chống hạm, chống tàu ngầm và tác chiến phòng không. Thỏa thuận sẽ giúp tăng cường tính tương thích và khả năng tương tác với các phương tiện vũ khí hiện có trong biên chế của Philippines, dễ bảo trì và sửa chữa.

Trước thỏa thuận trị giá 28 tỷ peso (556 triệu USD) này, Philippines cũng đã ký hợp đồng đóng 2 tàu khu trục nhỏ với hãng đóng tàu Hàn Quốc cách đây 5 năm. Như vậy, chỉ trong vòng vài năm, Philippines đã ký hợp đồng mua 4 tàu chiến từ Tập đoàn HHI của Hàn Quốc với giá gần 1 tỷ USD. Ngoài ra, nước này gần đây đã gây chú ý khi thông báo đã ký hợp đồng mua tên lửa BrahMos trị giá 375 triệu USD của Ấn Độ.

Đông Nam Á có làn sóng mua sắm vũ khí? -0
Tàu chiến BRP Jose Rizal do Tập đoàn HHI của Hàn Quốc đóng cho Hải quân Philippines hạ thủy tại cảng Ulsan (Hàn Quốc) ngày 23-5-2019. Nguồn: Hải quân Philippines

Indonesia - một quốc gia đang theo dõi các hành động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc - cũng đã và đang nâng cấp lực lượng hải quân của mình trong những năm gần đây. Năm 2011, Indonesia đã ký hợp đồng với Công ty Đóng tàu và kỹ thuật hàng hải Daewoo (DSME) của Hàn Quốc để mua 3 tàu ngầm với giá khoảng 1,1 tỷ USD. Hai chiếc đầu tiên được đóng tại Hàn Quốc và chiếc thứ ba được đóng bởi PT PAL - một công ty đóng tàu thuộc sở hữu nhà nước ở Surabaya, nhà thầu hải quân chính của Chính phủ Indonesia.

Nhìn qua lăng kính địa chiến lược, tất cả những điều này có thể được coi là bằng chứng về việc các nước Đông Nam Á đang tăng cường trang bị vũ khí. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ các số liệu về ngân sách, có thể thấy mọi chuyện không đơn giản và dễ hiểu như vậy.

Trong ngân sách năm 2022 gần đây nhất của Philippines, chi tiêu cho quốc phòng thực sự đã bị giảm đi đôi chút, với mức 222 tỷ peso (4,3 tỷ USD), tương đương khoảng 4,4% tổng chi tiêu của chính phủ. Điều này đi ngược lại với xu hướng gần đây khi từ năm 2015, tỷ lệ ngân sách phân bổ cho quốc phòng tăng lên hằng năm, đạt mức cao nhất là 7,4% vào năm 2019. Một phần, đây là một kỹ xảo chi tiêu trong bối cảnh đại dịch: chính phủ tăng chi tiêu tổng thể và sau đó phân bổ lại ngân sách, rút bớt ngân sách dành cho quân đội để dùng cho các gói cứu trợ kinh tế và hệ thống y tế, khiến những con số gần đây nhất dường như nhỏ hơn.

Nhưng, ngay cả như vậy, ngân sách quốc phòng năm 2022 vẫn ít hơn con số 239 tỷ peso được chi vào năm 2018 - thời điểm trước đại dịch. Dù vậy, phân bổ chi tiêu cho các tài sản cố định đã tăng lên, với 39 tỷ peso cho năm 2022 (so với 24,3 tỷ peso năm 2018). Điều này vẽ nên một bức tranh nhiều sắc thái hơn, với chi tiêu tổng thể không nhất thiết phải tăng lên nhưng dành nhiều ngân sách hơn để mua sắm các thiết bị quân sự được nhắm tới - bao gồm tên lửa BrahMos và các tàu chiến.

Ngân sách quốc phòng của Indonesia cho thấy một quỹ đạo mạnh hơn. Các khoản chi tiêu cho quốc phòng đã tăng đều đặn từ 5,8% trong tổng chi tiêu của chính phủ trung ương năm 2011 lên 9,3% vào năm 2017. Như ở Philippines, đại dịch đã khiến chính phủ rút bớt ngân sách dành cho quân đội để chuyển sang cho các gói cứu trợ kinh tế và y tế nhưng chỉ là tạm thời.

Chi tiêu cho quân sự đã tăng trở lại vào năm 2021 và 2022, trong đó quốc phòng chiếm khoảng 7% tổng chi tiêu của chính phủ trung ương mỗi năm. Bộ Quốc phòng Indonesia đã được phân bổ tổng cộng 271.000 tỷ rupiah (18,8 tỷ USD) trong cả 2 năm cộng lại. Bộ Tài chính dự kiến thâm hụt tài khóa sẽ thấp hơn dự đoán, một phần nhờ vào xuất khẩu hàng hóa tăng vọt. Vì vậy, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, tăng chi tiêu cho quốc phòng dường như sẽ không khiến ngân hàng sụp đổ.

Quân đội của các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan và Singapore, đã không tăng chi tiêu quốc phòng theo cách tương tự. Ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong ngân sách chi tiêu của chính phủ năm 2020, Singapore đã chi 3% GDP cho quốc phòng, trong đó tỷ lệ phần trăm chi tiêu cho quân sự trong tổng ngân sách thực sự đã giảm dần từ năm này sang năm khác.

Thái Lan - quốc gia hiện đang bị ràng buộc trong một thỏa thuận mua sắm tàu ngầm khá lộn xộn với Trung Quốc - cũng không thấy chi tiêu tăng vọt cho quân sự. Phân bổ ngân sách cho quốc phòng trong tổng chi thực tế đã giảm từ 7,2% năm 2016 xuống 5,9% năm 2021. Vốn đầu tư cho việc mua sắm các khí tài quân sự mới vẫn không có nhiều thay đổi trong cùng kỳ.

Liệu có phải điều này có nghĩa là có một cuộc chạy đua vũ trang đang dần hình thành ở Đông Nam Á, chủ yếu do các nước cảm thấy bị đe dọa bởi Trung Quốc? Không hẳn là như vậy. Quân đội Philippines nổi tiếng là thiếu nguồn kinh phí đầu tư trong suốt một thời gian dài; và thảm kịch tàu ngầm KRI Nanggala cũ kỹ bị chìm ngoài khơi đảo Bali hồi năm ngoái cho thấy, dù có bị gây hấn hay không, Indonesia cũng vẫn cần phải nâng cấp hạm đội tàu ngầm của mình. Những gì chúng ta thấy sau đó có lẽ là sự kết hợp của một số thứ, khi các quốc gia như Indonesia và Philippines dù sao cũng cần phải hiện đại hóa lực lượng vũ trang của họ nhưng đồng thời cũng nhận thấy họ có thêm động lực để làm như vậy trong bối cảnh hiện nay.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.