Dự luật cải cách lương hưu: “Bài kiểm tra” dành cho Tổng thống Pháp
Thượng viện Pháp hôm thứ bảy (11/3) đã thông qua dự luật cải cách lương hưu đầy tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron. Đây có thể xem là thử thách lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông chủ Điện Elysee.
Bước tiến quan trọng
Theo Reuters, với 195 phiếu thuận và 112 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó nội dung đáng chú ý nhất là nâng tuổi nghỉ hưu hợp pháp ở nước này từ 62 lên 64 tuổi. Ngoài ra còn một số cải cách khác, như bỏ đặc quyền đặc lợi của một số ngành nghề...
Kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu chính là điểm gây tranh cãi nhất của dự luật, khiến công chúng Pháp nổi giận. Các công đoàn lao động ở Pháp đã tiến hành một loạt cuộc tuần hành và đình công trên toàn quốc trong vòng 2 tháng qua nhằm phản đối dự luật. Một số cuộc biểu tình đã quy tụ hơn một triệu người, làm gián đoạn giao thông công cộng (đặc biệt là đường sắt và hàng không) cũng như ảnh hưởng lớn tới hệ thống cung cấp năng lượng trên khắp nước Pháp.
Những cuộc biểu tình và đình công này có thể xem như một phép thử lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron, sau khi ông tái đắc cử vào năm ngoái.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Macron đã cam kết cải cách hệ thống lương hưu của Pháp, nhằm trở nên phù hợp với các nước láng giềng châu Âu như Tây Ban Nha và Đức, nơi có độ tuổi nghỉ hưu từ 65 đến 67 tuổi. Theo ông Macron, hệ thống lương hưu của Pháp cần đặt trên một nền tảng tài chính vững chắc hơn khi tuổi thọ người dân tăng lên và khi tỷ lệ người lao động trên số người về hưu giảm xuống.
Những người phản đối, bao gồm cả Mặt trận thống nhất của các liên đoàn lao động, cho rằng ông Macron đang tấn công quyền nghỉ hưu và tạo gánh nặng bất công cho những người lao động “cổ xanh”, vì ông từ chối tăng thuế đối với những người giàu có.
Cho đến nay, chưa bên nào có dấu hiệu “lùi bước”. Các công đoàn và các đảng cánh tả vẫn kêu gọi người lao động “đưa nước Pháp vào tình trạng bế tắc”. Chính phủ Pháp đã có những nhượng bộ nhỏ để củng cố sự ủng hộ chính trị từ các nhà lập pháp cánh hữu, nhưng nay đã và đang chuyển sang quan điểm ứng phó cứng rắn hơn (đối với công đoàn và các tổ chức xã hội đã khởi xướng các cuộc biểu tình, đình công).
Rất hiếm khi đương kim Tổng thống Pháp công khai lên tiếng về cuộc đại tu lương hưu. Thay vào đó, ông để chính phủ của mình ở tuyến đầu bảo vệ dự luật. Nhưng, trong một bức thư gửi cho các tổ chức công đoàn được Văn phòng Tổng thống cung cấp, ông Macron vẫn thể hiện sự kiên định.
“Các bạn mạnh mẽ bày tỏ sự bất đồng của mình”, ông Macron viết, “Tôi không đánh giá thấp sự bất mãn... cũng như sự lo lắng của nhiều người Pháp về việc không bao giờ nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào”. Nhưng, Tổng thống Pháp vẫn lựa chọn “để người dân Pháp làm việc lâu hơn một chút", bởi vì các lựa chọn khác mà ông bác bỏ liên quan đến “giảm lương hưu, tăng thuế hoặc để con cháu chúng ta gánh vác gánh nặng tài chính”.
Tổng thống Macron cũng nhắc lại: Dự luật này là một lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông vào năm ngoái, đồng thời nói thêm rằng ông đã nhượng bộ bằng cách đồng ý đặt giới hạn độ tuổi nghỉ hưu ở mức 64, tức là giảm hơn so với mốc 65 tuổi như kế hoạch ban đầu.
Nan đề dai dẳng
Triển vọng về một cuộc “đại tu” lương hưu từ lâu đã trở thành đề tài gây tranh cãi trên chính trường Pháp, gây ra các cuộc biểu tình lớn vào năm 1995 và 2010, rất lâu trước khi ông Macron nhậm chức. Đây là lần thứ hai kế hoạch lương hưu của ông Macron vấp phải sự phản kháng quyết liệt.
Năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nỗ lực của ông Macron nhằm cải cách hệ thống lương hưu đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn trên đường phố và các cuộc đình công gay gắt, bao gồm một trong những cuộc đình công dài nhất trong lịch sử nước này. Nhưng, đại dịch COVID-19 ập đến vào cuối năm 2019 khiến các phong trào biểu tình lắng xuống, trong khi chính phủ cũng buộc phải gác lại những kế hoạch cải cách hưu trí. Bây giờ, dự luật mới không chỉ nhắm đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, mà thậm chí còn hướng tới sự thay đổi toàn diện cấu trúc phức tạp của hệ thống lương hưu tại Pháp.
Nước Pháp hiện có đến 42 quỹ hưu trí khác nhau, được gộp trong 3 chế độ chính: Chế độ cơ bản (hầu hết là lĩnh vực tư nhân), chế độ công chức (giáo viên, bệnh viện...) và chế độ đặc biệt (khoảng 300.000 người thuộc ngành đường sắt, điện lực, dầu khí và ngân hàng trung ương và một số cơ quan đặc thù khác...).
Cũng như nhiều chính phủ tiền nhiệm, chính phủ của ông Macron nhận thấy chỉ nên có một quỹ phổ quát chung cho mọi ngành nghề, đồng thời phải xóa bỏ bất công giữa các chế độ hưu trí và tái cân đối quỹ lương hưu. Đó là lý do dự luật của ông Macron hướng đến việc hợp nhất 42 quỹ hưu trí khác nhau thành một hệ thống thống nhất, công bằng hơn, sử dụng số điểm mà người lao động sẽ tích lũy và nhận được khi nghỉ hưu.
Ngoài ra, ông Macron còn hướng đến việc đảm bảo an toàn tài chính cho quỹ lương hưu. Năm 2021, ngân sách hưu trí chiếm 13,8% GDP của Pháp, một mức khá cao trong Liên minh châu Âu (EU) và cao hơn nhiều so với mức 11,67% GDP năm 2002. Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Pháp là một trong những nước có tỷ lệ thay thế lương hưu ròng - thước đo mức độ hiệu quả của thu nhập hưu trí thay thế thu nhập trước đó - là 74%, cao hơn mức trung bình của OECD và Liên minh châu Âu (EU).
Nhưng, Chính phủ Pháp lập luận rằng tuổi thọ trung bình ngày càng tăng khiến hệ thống hưu trí rơi vào nguy cơ mất an toàn tài chính. Năm 2000, cứ một người về hưu thì có 2,1 người lao động đóng tiền vào quỹ lương; vào năm 2020, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 1,7 và vào năm 2070, tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,2 - theo các dự báo chính thức.
Để giữ cho quỹ hưu trí ổn định mà không phải đổ thêm tiền của người nộp thuế vào đó - điều mà Chính phủ Pháp đã làm - ông Macron muốn tăng dần tuổi nghỉ hưu hợp pháp thêm 3 tháng mỗi năm, cho đến khi đạt 64 tuổi vào năm 2030. Ông cũng muốn đẩy nhanh tiến trình làm tăng số năm mà người lao động phải đóng vào quỹ hưu trí để được hưởng lương hưu đầy đủ.
Tất nhiên, theo dự luật của ông Macron, những người lao động công ích làm những công việc được coi là gian khổ về thể chất hoặc tinh thần (cảnh sát, nhân viên vệ sinh môi trường, quản giáo, kiểm soát viên không lưu...) sẽ vẫn có quyền nghỉ hưu sớm, mặc dù tuổi nghỉ hưu của họ sẽ tăng thêm một số năm tương ứng với lực lượng lao động nói chung.
Nhưng, các kế hoạch cải cách hưu trí vẫn khiến nhiều người bối rối và lo lắng, rằng lương hưu của họ sẽ giảm. Những người phản đối cho rằng ông Macron đang phóng đại mối đe dọa thâm hụt dự kiến và cũng từ chối xem xét các cách khác để cân bằng hệ thống (như tăng thuế trả lương cho công nhân, tách rời lương hưu khỏi lạm phát hoặc tăng thuế đối với các hộ gia đình hoặc công ty giàu có...).
Những người phản đối lập luận: Bắt mọi người làm việc lâu hơn sẽ ảnh hưởng không công bằng đến những người lao động “cổ cồn xanh”, những người thường bắt đầu sự nghiệp sớm hơn và có tuổi thọ trung bình ngắn hơn so với những người lao động “cổ cồn trắng”.
Thách thức cũng là cơ hội
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Macron có lẽ đang “tự dồn mình vào chân tường”, bằng cách đặt mạo hiểm vận mệnh chính trị quá nhiều vào một sự thay đổi mà ít người muốn (hoặc coi là cấp bách). Nếu dự luật không được thông qua, ông Macron có thể trở thành một tổng thống thất bại chỉ một năm sau nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của mình.
Nhưng, Jean Garrigues, nhà sử học hàng đầu về văn hóa chính trị của Pháp, nhận xét: “Khi đặt vấn để cải cách lương hưu là nền tảng cho nhiệm kỳ thứ hai, ông Macron cũng đã biến dự luật này thành một cuộc trưng cầu dân ý về di sản của mình. Nếu thành công, ông sẽ có một thắng lợi vô cùng kịch tính và đi vào lịch sử”.
Sau khi Thượng viện thông qua dự luật, một ủy ban hỗn hợp gồm các nhà lập pháp từ cả Thượng và Hạ viện sẽ làm việc, để điều chỉnh các phiên bản dự luật của họ. Nếu ủy ban đồng thuận về một văn bản, một cuộc bỏ phiếu cuối cùng ở cả hai viện có thể sẽ diễn ra. Có điều, kết quả dường như vẫn chưa chắc chắn ở Hạ viện, nơi đảng của ông Macron cần phiếu bầu của các đồng minh để chiếm đa số.
Vấn đề là, nếu Chính phủ Pháp không có đủ phiếu ủng hộ ở Hạ viện, họ vẫn có thể thông qua văn bản mà không cần bỏ phiếu ở Quốc hội, thông qua cái gọi là “thủ tục 49:3” (tức là dựa vào mục 3, Điều 49 của Hiến pháp Pháp, cho phép chính phủ thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu, trừ phi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm để phủ quyết "cam kết chịu trách nhiệm" của chính phủ). Như vậy là về lý thuyết, dự luật của ông Macron vẫn có thể trở thành luật, bất chấp sự phản đối của hạ viện.
Năm 2017, ông Macron lên nắm quyền vào nhờ vào một lời hứa kép: Chấn hưng nước Pháp và khuyến khích EU hành động như một cực siêu cường mạnh mẽ hơn. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã có những thăng trầm, nhưng nước Pháp dưới thời của ông cũng sôi động hơn, “dám nghĩ dám làm” hơn, tạo nhiều việc làm hơn và chào đón nhiều nhà đầu tư hơn, qua đó tạo ảnh hưởng đến EU.
Bây giờ, ở nhiệm kỳ thứ hai, quyền lực của ông đang bị thử thách ở cả Quốc hội lẫn trên các đường phố, trong khi khả năng lãnh đạo châu Âu của nước Pháp cũng bị tác động bởi những diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp.
Cách ông Macron phản ứng trước những thách thức, bởi vậy, sẽ cho thấy liệu nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai EU có thể tiếp tục hiện đại hóa nước Pháp và định hình châu Âu hay không.