Đức: Hãy để quá khứ phát xít ngủ yên!
Hơn một triệu người đã xuống đường ở Berlin, Cologne, Munich và hàng chục thành phố khác ở Đức để phản đối đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), trong những ngày gần đây. Các cuộc biểu tình phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của công chúng Đức đối với nền chính trị cánh hữu trong nước.
Làn sóng phản đối lớn chưa từng có
Từ thứ Sáu đến Chủ nhật, các cuộc biểu tình đã được kêu gọi ở khoảng 100 địa điểm trên khắp nước Đức. Vào Chủ nhật, các cuộc biểu tình đã được tổ chức tại các thành phố lớn như Cologne, Munich và Berlin cũng như những đô thị nhỏ như Kassel, Wuppertal hay Koblenz.
Theo số liệu của cảnh sát, tại thủ đô Berlin, khoảng 100.000 người đã tụ tập bên ngoài Bundestag - tòa nhà Quốc hội, bất chấp thời tiết lạnh giá với nhiệt độ xuống tới 0 độ C và nhiều người trong số đó thậm chí nán lại tới lúc sẩm tối.
Những người biểu tình giơ cao các áp-phích nhấn mạnh trách nhiệm đặc biệt của Đức trong việc đứng lên chống lại những kẻ cực hữu khi xét đến lịch sử đen tối của đất nước dưới sự cai trị của phát xít Đức, dẫn đến Holocaust. “Không bao giờ tái diễn nữa”, “Bây giờ chúng ta có thể thấy những gì chúng ta sẽ làm ở vị trí của ông bà mình” và “Cảm giác như năm 1933, lệnh cấm AfD ngay bây giờ!”, một số biểu ngữ viết.
Tại Frankfurt, khoảng 35.000 người đã tham gia cuộc kêu gọi dưới khẩu hiệu “Bảo vệ nền dân chủ - Frankfurt chống lại AfD”, tuần hành tại trung tâm tài chính của Đức vào thứ Bảy. Thị trưởng Frankfurt, Mike Josef, phát biểu trước đám đông trên quảng trường Roemer, nơi ông nhắc nhở những người biểu tình cũng chính là nơi chế độ Đức Quốc xã đã đốt sách.
Một cuộc tuần hành tương tự, với khoảng 30.000 người mang theo những tấm áp-phích như “Phát xít biến đi”, xuất hiện ở thành phố Hanover, phía Bắc nước Đức. Trong khi đó, cảnh sát ở Munich cho biết, khoảng 80.000 người đã tham gia tuần hành tại thành phố này vào Chủ nhật, còn ban tổ chức thậm chí đưa ra con số 200.000 người. Cuộc tuần hành đã phải tạm dừng do quá đông và những người tham dự được nhà chức trách yêu cầu giải tán.
Dù nhiều cuộc tuần hành khác, chẳng hạn như ở Hamburg, cũng được yêu cầu kết thúc trước khi nhiều người có thể đến được, phong trào phản đối đảng cực hữu AfD vẫn chưa lắng xuống. Một số thành phố khác của Đức, bao gồm Cottbus, Dresden và Chemnitz, cũng lên kế hoạch tổ chức biểu tình trong tuần này. Bên cạnh đó, các chính trị gia, đại diện nhiều nhà thờ và những cầu thủ, huấn luyện viên bóng đá đang thi đấu ở giải Vô địch quốc gia Đức (Bundesliga) cũng kêu gọi người dân lên tiếng phản đối AfD.
Vì sao người Đức xuống đường?
Theo Báo DW, làn sóng biểu tình chống lại các đảng cực hữu được châm ngòi bởi một báo cáo ngày 10/1 từ tổ chức điều tra độc lập phi lợi nhuận Correctiv, tiết lộ rằng các thành viên AfD đã gặp những kẻ cực đoan ở Potsdam vào tháng 11 năm ngoái để thảo luận về việc trục xuất hàng loạt - không chỉ những người di cư bất hợp pháp mà ngay cả những công dân Đức đã nhập cư vào đất nước này, những người mà họ cho là không hòa nhập hoàn toàn. Các thành viên của Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo bảo thủ (CDU), đảng đối lập chính, được cho là cũng có mặt.
Mặc dù việc các chính trị gia Đức cảnh báo sự nguy hiểm của phe cực hữu không phải là hiếm, nhưng những cảnh báo đã trở nên cấp bách hơn kể từ khi có thông tin về cuộc họp mà Correctiv cung cấp. Matthias Quent, một nhà xã hội học đã dành nhiều năm nghiên cứu về phe cực hữu ở Đức, nói với Báo DW: “Những gì chúng ta thấy là giọt nước đã làm tràn ly. Nguyên nhân dẫn đến những cuộc biểu tình này không chỉ đến từ cuộc họp mà còn đến từ việc củng cố AfD, khiến nhiều người lo sợ”.
Nỗi lo sợ ấy ngày càng gia tăng và gần như trở thành hoảng loạn với báo cáo của Correctiv về cuộc họp kín của các chính trị gia, doanh nhân theo chủ nghĩa phát xít mới. Được tổ chức bởi một nha sĩ cánh hữu và một doanh nhân sở hữu chuỗi tiệm bánh tự phục vụ đang ăn nên làm ra, cuộc họp đã quy tụ khoảng hai chục người tham gia, được yêu cầu quyên góp 5.000 euro.
Cuộc tụ tập diễn ra tại một khách sạn nông thôn trang nhã gần Potsdam, (Đức) không xa biệt thự, nơi mà hơn 8 thập kỷ trước, các sĩ quan Đức Quốc xã đã lên kế hoạch cho “giải pháp cuối cùng”, kế hoạch khủng khiếp của chúng nhằm diệt chủng đối với người Do Thái ở châu Âu.
Diễn giả chính tại sự kiện là Martin Sellner, một nhân vật cực hữu người Áo, người sử dụng thuật ngữ “di cư”, một từ thông dụng trong bối cảnh cực đoan biểu thị các chiến lược trục xuất dài hạn. Sellner xác nhận rằng, ông ta có tham gia cuộc họp, nhưng phủ nhận đã nói đến việc trục xuất công dân Đức - dù những bằng chứng từ Correctiv cho thấy diễn giả này đã công khai kêu gọi chính xác điều đó.
Để có được những chứng cứ xác thực này, Correctiv đã ghi lại cuộc họp bằng cách sử dụng camera ẩn, lời kể của nhân chứng và một phóng viên bí mật, người đã đăng ký vào khách sạn nơi cuộc họp diễn ra dưới một cái tên giả. Những phát hiện của Correctiv sau đó được minh họa lại trên một sân khấu tại Berlin vào thứ Tư vừa qua và được phát sóng rộng rãi tới công chúng Đức.
Trước những gì Correctiv đưa ra, AfD buộc phải xác nhận sự hiện diện của các thành viên tại cuộc họp nhưng khẳng định rằng các đề xuất “di cư” của họ, nằm trong tuyên ngôn bầu cử lần trước, không bao gồm các công dân Đức nhập tịch. Những bình luận này tại cuộc họp được đưa ra bởi Martin Sellner, nhưng người này không phải là thành viên của AfD.
AfD mất điểm trước thềm 3 cuộc bầu cử lớn
Những lời giải thích vụng về ấy của AfD chẳng những không làm yên lòng công chúng, mà còn tiếp tục phá hỏng những thành công chính trị mà đảng cực hữu này gặt hái được trong thời gian qua, nhất là trong cuộc bầu cử địa phương tại Đức hồi tháng 9. Tại hai bang Bavaria và Hesse, AfD khi đó đã giành thắng lợi kỷ lục với 14,6% số phiếu bầu ở Bavaria và 18,4% ở Hesse, kết quả tốt nhất từ trước đến nay ở một bang phía Tây nước Đức.
Từ lâu đã có sự hiện diện đáng kể ở miền Đông, giờ đây AfD đang trở thành một lực lượng quốc gia thực sự khi bắt đầu tạo dựng ảnh hưởng ở miền Tây. Theo Báo New York Times, AfD những tháng trước đã nhận được sự ủng hộ lớn trong các cuộc thăm dò toàn quốc, khi sự bất mãn ngày càng tăng đối với chính phủ 3 đảng cồng kềnh của Đức, cùng với nỗi lo ngại về tình trạng nhập cư không được kiểm soát.
Trong khi chỉ có 10% người Đức bỏ phiếu cho AfD ở cuộc bầu cử toàn quốc lần cuối vào năm 2020 thì đến năm 2023, đảng này đã nhận được sự ủng hộ ở mức kỷ lục - khoảng 25% trên toàn quốc và trên 30% ở các bang miền Đông, nơi sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.
Nhưng, các cuộc biểu tình cho thấy, những lợi thế mà AfD vừa giành được có nguy cơ bị phá hỏng. Trước thông tin về cuộc họp kín của AfD và các nhà hoạt động cực hữu có tư tưởng phát xít, các học giả tư pháp tại Đức đang thảo luận xem liệu đảng này có thể bị cấm hay không. Và, hiện đã có hơn 700.000 người ký một bản kiến nghị trực tuyến để xem xét lệnh cấm đối với AfD.
Các nhà lãnh đạo chính trị của Đức đang cảnh báo về AfD như một mối đe dọa cơ bản đối với xã hội. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã tham gia một cuộc biểu tình vào cuối tuần trước, cho biết bất kỳ kế hoạch trục xuất người nhập cư hoặc công dân nào cũng giống như “một cuộc tấn công chống lại nền dân chủ của chúng ta”.
Trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội Đức hôm thứ Năm, bà Nancy Faeser, Bộ trưởng Nội vụ, người chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, cũng bày tỏ ý kiến tương tự. Bà Faeser nói với các nhà lập pháp: “Mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự dân chủ cơ bản của chúng ta là chủ nghĩa cực đoan cánh hữu”.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thì coi các cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu là dấu hiệu của sức mạnh. Trong một thông điệp video được phát vào Chủ nhật, ông Steinmeier nói: “Các bạn đang đứng lên chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu và chủ nghĩa sai lầm, các bạn đang khuyến khích tất cả cùng lên tiếng”.
Báo Boersen-Zeitung hôm thứ Bảy đã công bố một loạt tuyên bố từ các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán DAX của Đức, trong đó nhiều công ty cũng lên tiếng chống lại chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa cực đoan chính trị ở phe cánh hữu.
Tất cả những tín hiệu như vậy đều dẫn tới một nhận định, rằng AfD khó có cơ hội lặp lại chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử địa phương như hồi tháng 9 năm ngoái. Bất chấp các cuộc bầu cử sắp tới diễn ra ở “căn cứ địa” miền Đông của AfD, những gì công chúng Đức thể hiện cho thấy, họ có thể quay lưng lại, một cách dứt khoát, với những đảng chính trị mang nặng tư tưởng phục hồi quá khứ phát xít.
AfD đang trong diện theo dõi đặc biệt
Đảng AfD đang bị Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp quốc gia Đức giám sát với tư cách là một nhóm bị nghi ngờ là cực đoan, một chỉ định giúp các cơ quan tình báo có nhiều lựa chọn giám sát đảng này hơn. Văn phòng nhận thấy rằng, đảng này đang tiến xa hơn về phía cánh hữu, đến mức đe dọa các quyền được quy định trong Hiến pháp. Một số chi hội cấp bang đã được coi là các nhóm cực đoan.