Đừng hãi COVID-19 theo đám đông

Chủ Nhật, 06/03/2022, 22:36

Giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số lượng F0 tăng nhanh chóng mặt thì các thiết bị y tế, vật tư, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 cũng theo đó bị đẩy giá lên cao. Một phần do người bán tạo khan hiếm giả nhưng phần nhiều lại là nguyên nhân từ chính người mua.

Mang tâm lý quá lo lắng, thậm chí hoảng loạn, người mua tích trữ nhiều, thậm chí uống dự phòng khi chưa nhiễm COVID-19. Giá vật tư y tế, thiết bị đẩy lên cao, mang lại nguồn lợi lớn cho người buôn bán, trong khi người bệnh lại dễ trở nặng nếu không điều trị đúng cách.

Nhà nhà trữ thuốc

F0 gia tăng chóng mặt, các trạm y tế phường quá tải khiến việc tiếp cận các tổ tư vấn y tế của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Với tâm lý hoang mang, lo sợ bệnh chuyển nặng, nhiều người tự tìm các phương pháp, phương thức, thuốc chữa bệnh khác nhau từ trên mạng, từ các nhà thuốc khiến bệnh tình đang nhẹ bỗng trở thành nặng. Chưa kể đẩy giá các mặt hàng thiết bị, vật tư y tế chữa COVID-19 gia tăng chóng mặt. Thậm chí, người bệnh có thể trở thành miếng mồi béo bở của các nhà thuốc thiếu thiện tâm.

Đừng hãi COVID-19 theo đám đông -0
Người dân xếp hàng mua thuốc và thiết bị y tế

Để đề phòng COVID-19 vì cơ quan, bạn bè, anh em rất nhiều người đã bị và lây cho cả nhà, chị Nguyễn Thị Thư ở Đông Anh, Hà Nội cũng tích trữ đầy đủ các loại thuốc phòng COVID-19 theo tư vấn của những người từng là F0. Nhưng, đến mấy hiệu thuốc gần nhà hỏi mua những loại thông thường như sát khuẩn, nước súc miệng, muối Natri 0,9%, Strepsil ngậm họng... chị đều nhận được câu trả lời là hết hàng. Hỏi máy SpO2, đi tới 4 hiệu thuốc, chị Thư mới mua được 1 máy mà người bán cũng thông báo là chiếc duy nhất còn, giá 450.000 đồng. “Họ nói giá bao nhiêu thì tôi biết bấy nhiêu, cũng đành mua thôi vì làm gì có cơ hội được lựa chọn. Tôi hỏi mua nước biển sâu Xisat cho người lớn thì họ bán cho loại của trẻ con và nói dùng cái này cũng được vì hết hàng cho người lớn”, chị Thư than thở.

Còn chị Ngô Thị Yến ở Mễ Trì, Hà Nội bị F0 cũng lây virus cho chồng, hai đứa con nhỏ và cả bà giúp việc. Vì lo sợ hai bé chưa tiêm vaccine, đứa bé mới hơn tuổi nên chị ra hiệu thuốc gần nhà xin tư vấn và hỏi mua thuốc. Hiệu thuốc tư vấn thuốc gì, chữa trị như nào, phục hồi sau khỏi bệnh COVID-19 ra sao, chị đều nghe theo và xách về một túi thuốc. “Ngày nào cả nhà cũng lôi nhau ra test nhanh. Người lớn thì dùng loại test mũi, trẻ nhỏ dùng loại test nước bọt. Chưa kể các loại thuốc Đông y, các phương pháp chữa dân gian, cứ ai mách gì là chị làm theo đó. Kết quả là sau hơn chục ngày cả nhà vẫn dương tính, còn số tiền chi phí cho kit test nhanh vẫn tăng lên hằng ngày”, chị Yến cho biết.

Đừng hãi COVID-19 theo đám đông -0
Kit test, máy đo oxy được lùng mua nhiều nhất

Cách đây hơn tháng, khi công ty chị Nguyễn Phương Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục “nổ” F0, mọi người phải làm giãn cách vì sợ tập trung đông người, chị Phương Anh đã mua đầy đủ các loạt thuốc, kit test nhanh, máy đo oxy, máy xông hơi đề phòng nhà có người mắc. Nhà có trẻ con nên chị bảo thừa còn hơn thiếu. Ai mách gì chị mua đấy. Thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc cảm cúm, các loại vitamin dành cho vợ chồng, con cái, cồn để sát khuẩn và xịt khắp nhà, thậm chí cả thuốc phục hồi sau COVID-19... Không chỉ mua cho gia đình mình, chị mua cho ông bà nội, ngoại hai bên đầy đủ. Chưa kể gừng, tỏi, xả, lá chanh, lúc nào chị cũng dự trữ đầy đủ trong nhà. Chi phí cho việc mua thuốc dự phòng cũng phải lên đến vài chục triệu đồng.

Thế nhưng, cách đây hơn tuần, cô con gái mới 4 tuổi của chị bị nhiễm COVID-19 từ ông nội. Lúc đầu chị lo lắng lắm vì con còn quá nhỏ, chưa tiêm vaccine nên ngày nào cũng lôi con bé ra test nhanh và đo nồng độ oxy. Đồng thời, hai vợ chồng ngày nào cũng test. Nhưng, kết quả, cô bé không có triệu chứng gì, ngày nào cũng ăn khỏe, ngủ khỏe, chỉ sau 5 ngày test âm tính. Mọi loại thuốc chị mua về dự phòng đều không dùng đến nhưng số kit để test hằng ngày cho cả nhà thì đi bay cả một hộp 25 kit nhập Hàn Quốc với giá 2,5 triệu đồng, chưa kể cháu sưng cả mũi vì bị chọc lấy mẫu quá nhiều.

Không chủ quan nhưng phải bình tĩnh!

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và cũng là người trực tiếp tham gia nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị tại nhà cho biết: “Hiện nay, số lượng F0 nhiều, mỗi người mua thuốc, thiết bị, vật tư điều trị tuy ít nhưng tích lại sẽ thành nhiều thì tạo nên khan hiếm. Ngoài ra, có thể nguồn cung ứng không khan hiếm nhưng người bán tạo nên tâm lý khan hiếm giả, người mua muốn mua nhiều nhưng người bán không bán nhiều, mà họ chỉ bán ra nhỏ giọt giống như chưa có hàng hoặc hàng chưa kịp về nhưng thực tế số lượng họ bán ra vẫn đủ với thị trường.

Ví dụ, thay vì bán ra 100 kit với giá 50.000 đồng thì họ chỉ bán 90 kit với giá 150.000 tạo khan hiếm. Thực tế là đang có cả hai vấn đề đó. Tôi nhận thấy các mặt hàng y tế tuy khan hiếm nhưng bệnh nhân vẫn có thể mua được thì số lượng cung và cầu vẫn xấp xỉ với nhau. Còn nếu khan hiếm thực sự thì tuy giá cao nhưng người dân vẫn không thể mua được, không thể tìm được nguồn mua. Phần do tâm lý người dân, khi chưa bị nhiễm, họ vẫn mua đủ dự phòng cho cả nhà nên tại thời điểm giá cao, họ vẫn chấp nhận mua và mang về tích trong nhà nhưng không sử dụng đến nên rất lãng phí”.

Khi chồng phát hiện nhiễm F0, mặc dù đã cách ly mỗi người một phòng và test nhanh ngay sau đó âm tính nhưng tâm lý lo sợ lây từ chồng nên ngày nào chị Đặng Thị Gấm (Dịch Vọng, Hà Nội) cũng lấy kit ra test nhanh. May mắn là bọn trẻ con theo bà ngoại về quê nên nhà chỉ còn hai vợ chồng cũng dễ cách ly, điều trị. Có hôm cảm giác đau họng, người mệt mỏi, chị lại nghi mình bị nhiễm COVID-19 nên dù mới test nhanh buổi  sáng, buổi tối chị lại lôi ra test, đồng thời uống luôn kháng sinh, kháng viêm chữa viêm họng. Cho đến khi chồng âm tính trở lại thì chị cũng tốn gần hết một hộp kit test mà chị đặt mua trong nhóm cư dân tòa nhà mình với giá 85 nghìn đồng/kit. Sau một tuần cách ly, đi làm lại, cơ quan liên tục có F0, chị lại là người tiếp xúc trực tiếp với F0, dù thường xuyên mang khẩu trang, sát khuẩn nhưng do tâm lý, ngày nào chị cũng test.

Đừng hãi COVID-19 theo đám đông -0
Những loại thuốc được người dân truyền nhau mua tích trữ trong nhà

Sau 1 tuần vẫn âm tính, chị quyết định dừng test nếu chẳng may có tiếp xúc với F0. “Tôi tự động viên, càng test càng thêm lo lắng mình sẽ bị nhiễm bệnh, mà giờ thì F0 nhiều lắm, cứ test liên tục như thế mỗi khi mình lỡ tiếp xúc với F0 thì không biết bao nhiêu kit cho đủ”, chị Gấm chia sẻ.

Giống như chị Gấm, ban đầu anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Đông, Hà Nội) cũng liên tục test nhanh vì thường xuyên tiếp xúc với F0. Sau nhiều lần tốn tiền cho việc test nhanh, anh quyết định không test nữa trừ khi có triệu chứng, biểu hiện rõ ràng. “Mẹ tôi hơn 80 tuổi bị nhiễm COVID-19 nhưng bà cũng không có biểu hiện gì dù tuổi bà đã cao. Vợ tôi cũng bị nhiễm COVID-19 nhưng cả tôi và các con đều không lây từ mẹ và vợ. Trước đây, cứ mỗi lần lo sợ cho sức khỏe của bà và cả nhà là tôi lại test nhanh, vừa tốn tiền, vừa không hiệu quả. Sau lần mẹ và vợ tôi dương tính, tôi nhận thấy việc test nhanh gây lãng phí rất lớn. Nhất là với những người không có biểu hiện, không có triệu chứng gì. Vì thế, tôi quyết định dừng việc test nhanh, trừ khi có biểu hiện rõ ràng, còn lại mình cứ thực hiện nghiêm 5K, tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ tăng sức đề kháng là được”, anh Tuấn Anh cho biết.

Còn anh Nguyễn Văn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vì hoang mang, lo lắng khi nhiễm COVID-19 mà tham khảo các phương pháp chữa bệnh từ nhiều nguồn khác nhau khiến anh từ người không triệu chứng ban đầu trở nên nặng hơn sau khi dùng thuốc. Hai ngày đầu, dù không triệu chứng nhưng vì lo sợ COVID-19, anh vẫn xin tư vấn thuốc của người bạn làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn. Kết quả, sau tư vấn của người này, anh mất vài triệu đồng mua hai loại thuốc mà không rõ tác dụng nó là gì. Sau 3 ngày dùng thuốc, sức khỏe anh yếu đi trông thấy. Mắt đỏ, hắt hơi sổ mũi liên tục. Lúc này anh lại xin tư vấn của một người bạn khác và lại được kê hai loại thuốc nhỏ mắt giá đắt đỏ nhưng vẫn không đỡ. Đồng thời, nghe lời bạn bè, anh dặn vợ đun nước lá xông 3 lần một ngày vì theo lời tư vấn, càng xông nhiều càng nhanh khỏi. Cùng lúc này, đường dây nóng tư vấn F0 ở phường nơi anh cư trú liên lạc thường xuyên đồng thời cấp thuốc cho anh nhưng dặn chi tiết khi nào cần dùng đến. Sau khi thăm khám sức khỏe qua điện thoại, họ yêu cầu anh tạm dừng mọi loại thuốc đang điều trị và cho biết, loại thuốc anh đang uống chỉ dùng cho trường hợp nặng, khi khó thở phải vào viện cấp cứu, còn nếu anh không có triệu chứng gì thì chỉ ăn uống, tập thể dục, nhỏ mắt nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý thì bệnh sẽ tự khỏi và khỏi nhanh.

Tâm lý sợ nhiễm COVID-19 và cả sợ bệnh trở nặng khi đã nhiễm COVID-19 khiến người dân tích trữ rất nhiều thuốc men, thiết bị y tế chữa bệnh với quan điểm “thừa hơn thiếu” khiến nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm trong khi thực tế lại không sử dụng hết vì phụ thuộc vào cơ địa của từng người, gây lãng phí cả về tiền và thuốc cho người dân. Quan trọng nhất với người dân lúc này vẫn là thực hiện tốt 5K, ăn uống đầy đủ để cơ thể có đủ sức đề kháng chống chọi với bệnh tật.

“Triệu chứng đến đâu thì chữa đến đó”

Bệnh nhân thường hay hỏi tôi là có cần test lại không, bao nhiêu ngày thì test lại. Tôi thường tư vấn như thế này, trong gia đình có 1 người phát hiện nhiễm COVID-19 bằng PCR hoặc test nhanh, những người tiếp xúc trực tiếp như vợ chồng, con cái, có triệu chứng thì xác định là mình đã bị nhiễm rồi chứ không nên ngày nào cũng test để biết mình bị nhiễm hay không hoặc test liên tục xem mình đã khỏi bệnh hay chưa.

Đừng hãi COVID-19 theo đám đông -0

Quan trọng là thấy các triệu chứng lâm sàng đã thoái lui, đỡ bệnh là được. Còn việc khỏi 5 hay 7 ngày, thậm chí 10 ngày cũng không cần để ý, chỉ cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Bởi sau khi âm tính thì vẫn phải cách ly vài ngày nữa trước khi ra ngoài tiếp xúc với mọi người.

Đối với việc điều trị F0 với những người cao tuổi, có bệnh lý nền, chưa tiêm vaccine có chỉ định dùng thuốc kháng virus thì không nói, còn những trường hợp trẻ, khỏe, triệu chứng nhẹ, đã tiêm đầy đủ vaccine, không có bệnh lý nền thì không cần dùng thuốc kháng virus bởi sẽ có nhiều tác dụng phụ, cần cân nhắc đến những nguy cơ. Chúng ta vẫn nên bình tĩnh, có triệu chứng đến đâu thì chữa đến đó. Hiện nay các bài thuốc chữa trên mạng có rất nhiều, ai cũng có thể trở thành người tư vấn, tuy nhiên một người mắc F0 có thể tự khỏi sau 5-7 ngày nên không thể lấy phương pháp của người này áp dụng cho người kia.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Mai Ngọc
.
.