EU chật vật tìm nguồn cung đạn cho Ukraine
Các nước thuộc Liên minh châu Âu hôm 8/3 đã nhất trí tăng cường cung cấp đạn pháo và mua thêm đạn để giúp Ukraine, nhưng việc này vẫn còn nhiều khó khăn phải tìm cách thực hiện.
Theo kế hoạch do Ủy viên Đối ngoại EU Josep Borrell vạch ra, các quốc gia EU sẽ nhận được ưu đãi tài chính trị giá 1 tỷ euro để mua thêm đạn pháo gửi tới Kiev trong khi 1 tỷ euro khác sẽ tài trợ cho việc mua chung đạn pháo mới.
“Đã có một thỏa thuận chung về thủ tục này nhưng vẫn còn những câu hỏi đang chờ xử lý. Mọi thứ phải được thảo luận chi tiết”, ông Borrell nói sau cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU tại Stockholm với sự tham dự của người đồng cấp Ukraine Oleksii Reznikov. Ông Borrell cho biết ông hy vọng kế hoạch này sẽ được hoàn thiện tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU vào ngày 20/3.
Ông Reznikov kêu gọi các bộ trưởng ở Stockholm ủng hộ kế hoạch của Estonia về việc các nước EU liên kết với nhau để mua 1 triệu quả đạn pháo 155 mm trong năm nay với chi phí 4 tỷ euro để giúp Ukraine chống lại quân đội Nga và tiến hành một cuộc phản công.
So với yêu cầu của Ukraine thì kế hoạch của ông Borrell có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn sẽ là một bước đi mang tính bước ngoặt của EU, vì hoạt động mua sắm quốc phòng phần lớn chỉ dành cho các chính phủ thành viên của khối. Các quan chức EU cho biết nếu khối thay mặt các chính phủ thành viên đặt một đơn hàng lớn, họ sẽ nhận được mức giá tốt hơn và tạo động lực mạnh mẽ cho các công ty vũ khí đầu tư vào việc nâng cao năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa ra các chi tiết như việc triển khai gói tài trợ như thế nào và ai sẽ đi đầu trong việc ký kết hợp đồng với các công ty vũ khí. Các quan chức Ukraine cho biết Ukraine đang tiêu thụ đạn nhanh hơn tốc độ mà các đồng minh có thể tạo ra, thúc đẩy một cuộc tìm kiếm mới về đạn dược và các cách để tăng cường sản xuất.
Ông Reznikov cho biết Ukraine muốn có 90.000 đến 100.000 viên đạn mỗi tháng. Ông nói với các phóng viên trước cuộc họp: “Chúng tôi cần tiến lên càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, các bộ trưởng và quan chức EU không thể khẳng định năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu để cung cấp các loại đạn mà Ukraine cần. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết bà đã đề xuất các nhà lãnh đạo ngành tham gia cuộc họp ngày 20/3. “Chúng ta đang nói rất nhiều về ngành công nghiệp. Tôi đề nghị chúng ta cũng nên nói chuyện với ngành công nghiệp”, bà này nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius cho biết các cuộc thảo luận hôm 8/3 về việc mua sắm chung là “đúng đắn và cần thiết” nhưng cũng đừng quên rằng ngành công nghiệp sẽ cần thời gian để tăng cường năng lực sản xuất. “Chúng ta phải đối mặt với sự thật. Chỉ vì tất cả chúng ta đặt hàng nhiều hơn không có nghĩa là có nhiều đạn dược hơn. Nó phải được sản xuất trước khi có thể được giao”, ông nói.
Kinh phí cũng sẽ là một chủ đề tranh luận thêm. Trong khi Estonia cho biết các nước EU nên cung cấp thêm nguồn kinh phí để mua sắm chung, ông Borrell đề xuất sử dụng tiền mặt đã được phân bổ cho một quỹ do EU điều hành, Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF).
Theo một quan chức EU và một số nhà ngoại giao, EU đang tìm kiếm các quốc gia bên ngoài khối tham gia nỗ lực mua chung đạn dược, với ít nhất là Na Uy đã bày tỏ sự quan tâm.
Việc thúc đẩy này là một phần trong kế hoạch của EU nhằm giúp cung cấp số lượng lớn đạn dược với chi phí thấp hơn cho Ukraine, đồng thời tăng cường khả năng sản xuất và tiếp tế của châu Âu đối với các kho dự trữ đang cạn kiệt của chính họ. Về lý thuyết, càng nhiều quốc gia tham gia, dù họ ở trong hay ngoài EU, thì càng dễ tìm được tiền và đàm phán các hợp đồng lớn hơn. Kusti Salm, Thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng Estonia cho biết: “Điều đó rất có ý nghĩa. Chúng tôi thấy rằng các quốc gia này rất mong muốn hỗ trợ Ukraine và tham gia tất cả các loại sáng kiến này”. Estonia đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng kế hoạch mua sắm chung trong những tuần gần đây.
Kế hoạch này là một cách sử dụng mới của quỹ. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, quỹ đã được sử dụng để hoàn trả cho các quốc gia về khoản tài trợ vũ khí của họ cho Ukraine. Cho đến nay, EU đã trả cho các nước 3,6 tỷ euro để trang trải một phần chi phí viện trợ quân sự của họ cho Kiev.
Một quan chức của EU cho biết: “Những gì chúng tôi cũng sẽ cố gắng và làm là khuyến khích một số nước thứ ba đóng góp. Vì vậy, chúng tôi đang thảo luận với người Na Uy, đồng thời cũng đang muốn mời người Canada”.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao EU bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tham gia của Canada, lưu ý rằng điều này có thể được coi là mở đường cho Mỹ cũng tham gia - một lựa chọn không phải ai cũng hoan nghênh, đặc biệt là Pháp.
Nhìn rộng hơn, Pháp có thể là một nhân tố phức tạp trong việc có nên đưa các nước ngoài EU vào hay không. Paris dự kiến sẽ hỗ trợ sử dụng số tiền chung cho đạn dược do EU sản xuất. Bao gồm cả Na Uy và Canada, cả hai đều có nhà sản xuất đạn dược trong nước, có thể rút một số tiền đó ra bên ngoài biên giới EU.
Tuy nhiên, Na Uy có liên kết chặt chẽ với EU. Mặc dù quốc gia này không phải là thành viên EU, nhưng quốc gia này có thể đóng góp vào quỹ phòng vệ tập thể của khối với tư cách là thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu. Một nhà ngoại giao Pháp đã nhấn mạnh mối liên hệ này, ám chỉ rằng nó có thể làm giảm bớt những lo ngại về việc đưa Oslo vào. Các nhà ngoại giao khác cũng cho biết họ không mong đợi Pháp ngăn chặn sự tham gia của Na Uy.