EU - GCC đẩy mạnh hợp tác an ninh

Thứ Hai, 10/10/2022, 08:45

Thế giới đang trải qua những biến động lớn. Trên toàn cầu và khu vực có sự công nhận rõ ràng rằng trật tự thế giới đang thay đổi: Trong khi Mỹ và phương Tây mất dần ảnh hưởng tương đối, châu Á và phần còn lại đang trỗi dậy và giành quyền lực tương đối. Thách thức an ninh cùng sự xoay trục của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương đã thôi thúc Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GCC) đẩy mạnh hợp tác trên mặt trận an ninh.

Vùng Vịnh đang trải qua những thay đổi lớn và nhanh chóng về an ninh, kinh tế và xã hội. Các quốc gia Vùng Vịnh năng động như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đang từng bước tái cân bằng và đa dạng hóa các mối quan hệ chiến lược của họ, vượt ra ngoài thương mại năng lượng, bao gồm an ninh, khám phá không gian, công nghệ và khoa học. Những thay đổi diễn ra trong hệ thống toàn cầu mang lại nhiều cơ hội và rủi ro cho khu vực Vùng Vịnh. Giờ là lúc để đẩy nhanh các kế hoạch hội nhập nhằm củng cố GCC, đặc biệt là trongcác lĩnh vực an ninh, tiền tệ và kinh tế.

Các nước Vùng Vịnh đang cố gắng chủ động đối phó với các thách thức trong khu vực, với sự hỗ trợ của các cường quốc ngoài khu vực từ phương Tây và EU. Các giải pháp cho cuộc xung đột ở Yemen, Syria và Libya đang được thúc đẩy và nhiều người Arab tin tưởng chúng sẽ sớm được giải quyết, chủ yếu thông qua các nỗ lực đối thoại trong khu vực.

EU - GCC đẩy mạnh hợp tác an ninh -0
Với vị trí địa lý chiến lược ở trung tâm thương mai toàn cầu, vùng vịnh có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh thế giới.

Các quốc gia Vùng Vịnh cố gắng xác định lại cách thế giới nhìn nhận về an ninh của họ. Đã qua rồi cái thời mà quan hệ của các quốc gia Vùng Vịnh được định nghĩa bằng quan điểm “đổi dầu lấy an ninh”. Họ thấy khu vực đang phát triển thịnh vượng và không có xung đột, tập trung vào hội nhập kinh tế khu vực và phát triển xã hội.

Tuy nhiên, cuộc chiến không ngừng leo thang ở Ukraine cũng như ảnh hưởng của Mỹ đang giảm dần ở khu vực đã phần nào ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa GCC và phương Tây liên quan đến khía cạnh an ninh. Tháng 5/2022, EU đã thông qua “Quan hệ đối tác chiến lược với Vùng Vịnh”, nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức khu vực quan trọng này, với trọng tâm rõ ràng là các mối quan hệ kinh tế, năng lượng, an ninh và thể chế.

Chiến lược “Quan hệ đối tác chiến lược Vùng Vịnh” của EU được coi là một tuyên bố tự chủ, nhằm mục đích thiết lập một cơ sở hợp tác mới trước một loạt thách thức an ninh lớn có tính hệ thống. EU cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với GCC về đối phó với các mối đe dọa an ninh toàn cầu, cũng như đóng một vai trò chính trị và an ninh lớn hơn ở Vùng Vịnh.

Mới đây, bên lề Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã gặp ngoại trưởng các nước GCC, thông báo Brussels dự kiến bổ nhiệm đặc phái viên đầu tiên của EU về Vùng Vịnh vào cuối năm nay, với mục tiêu tăng cường quan hệ giữa hai bên trên các lĩnh vực. Các quan chức và chuyên gia của hai bên đã có các cuộc thảo luận chuyên sâu về phạm vi an ninh trong quan hệ EU[1]GCC. Những diễn biến này đã củng cố triển vọng cho mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn giữa hai khối.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm bộc lộ một thực tế tồi tệ là EU đã sao lãng an ninh của chính họ trong một thời gian dài. Việc quá trông cậy vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của khối. Trong khi đó, cách thức Mỹ rút khỏi Afghanistan cũng buộc các nhà lãnh đạo GCC một lần nữa đặt câu hỏi về các cam kết của Washington tại Vùng Vịnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các quốc gia Vùng Vịnh có thể thay thế “chiếc ô an ninh” của Mỹ bằng bất kỳ tác nhân nào khác. Mặc dù sự can dự của Mỹ đã suy giảm trong vài năm qua, Washington vẫn có hơn 13.000 binh sĩ và các căn cứ quân sự lớn ở Vùng Vịnh.

Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện của số binh sĩ và các căn cứ quân sự này, sự xoay trục của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương đang thúc đẩy EU và GCC thực hiện một số nhiệm vụ, qua đó hai khối có cơ hội thúc đẩy hợp tác hơn nữa trên mặt trận an ninh.

Lâu nay, dư luận quốc tế đã tranh luận về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu. Theo đó, châu Âu đặt mục tiêu xây dựng năng lực quốc phòng riêng. Đây là một cuộc tranh luận phân cực, trong khi đối với những người khác, nó là phi thực tế. Chủ đề này đã được đưa ra nhiều lần trong các cuộc thảo luận giữa EU và GCC, nhưng các nước Vùng Vịnh vẫn chưa nhận biết rõ “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu là gì và nó phục vụ cho những mục đích nào. Chẳng hạn, một trong những câu hỏi là về triển vọng EU phát triển lực lượng quân sự riêng. Liệu việc đó có làm thay đổi hình ảnh “tác nhân hòa bình” của EU ở Vùng Vịnh và khu vực Trung Đông mở rộng hay không. Trong nhiều thập kỷ qua, EU đã hoạt động như một “lực lượng quyền lực mềm”, tập trung chủ yếu vào hoạt động gìn giữ hòa bình, hòa giải và ngoại giao.

Trong khi đó, giống như các quốc gia EU, các nước Vùng Vịnh nhận ra rằng cuối cùng họ cũng sẽ cần tăng cường “quyền tự chủ chiến lược”.

EU - GCC đẩy mạnh hợp tác an ninh -0
Tổng thư ký GCC Falah Al-Hajraf và đại diện cấp cao của EU Josep Borrell.

Để đạt được quyền tự chủ này, họ phải tập trung phát triển năng lực quân sự của riêng họ và đa dạng hóa các liên minh với một số bên, đặc biệt là Anh, Pháp, Hy Lạp, Đức và thậm chí cả Nga. Việc đạt được “quyền tự chủ chiến lược” sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực đáng kể, nhưng đó là điều cần thiết trước những thách thức an ninh ngày càng tăng.

An ninh của khu vực Vùng Vịnh là một vấn đề quan trọng đối với thế giới vì đây là một trong những khu vực xuất khẩu dầu khí lớn nhất. Khu vực này có vị trí địa lý, chiến lược ở trung tâm thương mại toàn cầu và mặt khác, nhìn ra các tuyến đường thủy hàng hải quan trọng như eo biển Hormuz.

Để hiểu được tầm quan trọng ngày càng tăng của an ninh Vùng Vịnh đòi hỏi phải có cái nhìn bao quát về bức tranh toàn cảnh về trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng và trọng tâm kinh tế đang chuyển dịch từ Tây sang Đông. Trong bối cảnh đó, hợp tác an ninh giữa EU và GCC được thúc đẩy là điều dễ hiểu.

Trần Ánh
.
.