EU nhất trí gói viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine
Một bước đột phá đã được thực hiện trong cuộc đàm phán giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về gói viện trợ trị giá hơn 50 tỉ USD cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh hôm 1/2/2024. Gói viện trợ được thông qua đúng thời điểm then chốt của cuộc chiến, khi Ukraine đang rơi vào tình thế thiếu nguồn cung vũ khí để tiếp tục cuộc chiến.
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel viết trên X: “Chúng tôi có một thỏa thuận. Tất cả 27 nhà lãnh đạo trong khối đã đồng ý về gói hỗ trợ bổ sung 50 tỉ euro cho Ukraine trong ngân sách EU. Điều này đảm bảo nguồn tài trợ ổn định, dài hạn cho Ukraine”. Lời thông báo của ông Michel như tiếng reo nhẹ nhõm sau những khó khăn trong thời gian qua xung quanh việc đàm phán gói viện trợ này.
Trước khi đi đến thống nhất về gói viện trợ, EU luôn trong tình trạng chia rẽ nội bộ nghiêm trọng vì sự phản đối của Hungary, thành viên duy nhất ở Đông Âu không đồng ý việc viện trợ vô điều kiện cho Ukraine. Gói viện trợ đã bị phong tỏa kể từ tháng 12/2023 sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban phủ quyết thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh khối.
Việc không đạt được thỏa thuận sẽ là một đòn giáng mạnh đối với Ukraine, vào thời điểm các lực lượng chiến đấu của nước này thiếu vũ khí và đang vật lộn trên chiến trường trong bối cảnh một cuộc tấn công mới của Nga. Trong khi đó, viện trợ quân sự từ Mỹ đã cạn kiệt trong bối cảnh một cuộc “nội chiến” đang diễn ra ở Washington về nguồn tài trợ trong tương lai cho Kyiv.
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp được triệu tập ngay trước Giáng sinh, sau khi Hungary chặn gói này với lập luận rằng việc cấp thêm tiền sẽ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine. Một quan chức cấp cao cho biết: “Chúng tôi thực sự đang bế tắc. Chúng ta sẽ không biết ông ấy nghĩ gì cho đến khi vào phòng họp”. Các quan chức đã vạch ra kế hoạch B, trong đó có sự tham gia của 26 quốc gia thành viên đồng ý về số tiền ngoài ngân sách EU. Việc huy động tiền, sự kết hợp giữa các khoản vay và đóng góp của nhà nước, theo cách đó phức tạp hơn, cần có sự chấp thuận của quốc hội trong một số trường hợp.
EU tiếp tục kiên trì vận động Thủ tướng Hungary Orban bằng nhiều cách, nhiều giải pháp cũng được đưa ra nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp chấp nhận được cho các bên. Chuyển biến đã xuất hiện sau những vận động hậu trường lẫn chính thức. Trong những ngày gần đây, Hungary cho biết nước này sẽ dỡ bỏ phủ quyết nhưng với một điều kiện là ngân sách được xem xét lại hằng năm trong thời gian tài trợ 4 năm. Sáng 31/1, đại sứ của các nước thành viên EU đã đề xuất một cuộc tranh luận thường niên thay vì bỏ phiếu về quỹ Ukraine. Văn bản dự thảo mới của thỏa thuận chính thức được yêu cầu cam kết sẽ xem xét hằng năm của Ủy ban châu Âu (EC) về việc thực hiện cơ sở quỹ.
Trên cơ sở đó, “Hội đồng châu Âu sẽ tổ chức một cuộc tranh luận hằng năm về việc triển khai cơ sở này nhằm đưa ra hướng dẫn về cách tiếp cận của EU”, văn bản dự thảo cho biết. Điều đè nặng trong tâm trí các nhà lãnh đạo là viễn cảnh Ukraine sẽ hết tiền vào mùa xuân để trả lương cho công chức, giáo viên, bác sĩ và duy trì quỹ hưu trí. Một số quốc gia thành viên cũng ngày càng lo ngại rằng Nga, vốn đã tăng cường sản xuất đạn dược, có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến. Ông Josep Borrell, Ủy viên phụ trách đối ngoại của EU cho biết hôm 31/1 rằng EU dự kiến chỉ đạt được 52% mục tiêu gửi 1 triệu quả đạn pháo tới Ukraine vào tháng 3/2024 này, theo dữ liệu sản xuất mới nhất do EC tổng hợp.
Dữ liệu được thu thập sau khi Đức gây áp lực lên Cơ quan Hành động đối ngoại của EU để cố gắng thu thập dữ liệu đáng tin cậy về đóng góp của mỗi quốc gia thành viên. Một số người nói rằng, đó là do cảm giác thất vọng ở Đức, quốc gia cho đến nay đã đóng góp 17 tỷ euro cùng 7,4 tỷ euro khác được cam kết cho năm 2024, mà các quốc gia thành viên khác, đặc biệt là các nền kinh tế lớn của Pháp, Italy và Tây Ban Nha, đã đóng góp chưa đủ. Các nhà ngoại giao xác nhận cuộc khảo sát đã hoàn thành nhưng “một số quốc gia thành viên không cung cấp dữ liệu”.
Hôm 31/1, thủ tướng của 5 nước trong EU, trong đó có ông Scholz, đã đưa ra cảnh báo thẳng thừng trong một bức thư ngỏ rằng EU đã không thực hiện được những lời hứa về đạn dược của mình. Hai ông Scholz, Rutte cùng các nhà lãnh đạo Đan Mạch, Estonia và Cộng hòa Séc cho biết: “Nga không chờ đợi ai và chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ. Nếu Ukraine thua, hậu quả lâu dài và cái giá phải trả sẽ cao hơn nhiều đối với tất cả chúng ta”.
Một nhà ngoại giao cho biết bức thư có “thông điệp kép” nhằm gây áp lực lên các nước thành viên để tăng cường hỗ trợ quân sự nhưng cũng gửi thông điệp tới Nga rằng EU sẽ không dao động trong việc hỗ trợ Ukraine.
Hôm 31/1, các thành viên EU lại nỗ lực đàm phán nhằm thuyết phục Hungary nhưng không thành công. Một nguồn tin cho biết, đại diện Hungary, người phát biểu đầu tiên, nói với các đối tác rằng Hungary đang “làm việc tích cực và mang tính xây dựng để hướng tới một giải pháp có thể chấp nhận được đối với tất cả mọi người trong MFF (khuôn khổ tài chính nhiều năm)”.
Nhưng, người đại diện sau đó tiếp tục yêu cầu đánh giá hằng năm kèm theo “bỏ phiếu nhất trí về nguồn tài trợ” mà một nhà ngoại giao cho biết sẽ “nói cách khác là thiết lập cơ chế phủ quyết hằng năm”. Một nguồn tin cho biết, đây là “lằn ranh đỏ được hầu hết các phái đoàn đề cập”. Họ nhấn mạnh với Hungary rằng, việc đánh giá hằng năm là một thỏa hiệp khả thi. Các quan chức đã bày tỏ sự bối rối với quan điểm cứng rắn của Hungary.
Vượt qua trở ngại cuối cùng về gói viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine, EU đang hướng tới nhiều hoạt động hỗ trợ khác cho nước này. Phát biểu sau cuộc họp của các bộ trưởng EU tại Brussels, ông Borrell cũng cho biết các nước EU có kế hoạch đào tạo thêm 20.000 binh sĩ Ukraine, bên cạnh 40.000 người đã được đào tạo. Tất cả những điều này có nghĩa là EU đang “gánh vác” cuộc chiến Ukraine do Mỹ bàn giao.