EU rạn vỡ: Hiệp ước Schengen trước bờ vực sụp đổ?

Thứ Tư, 16/07/2025, 12:04

Những dòng xe tải dài hàng cây số và khuôn mặt mệt mỏi của người làm việc xuyên biên giới bị dừng lại đợi kiểm tra là khung cảnh thường xuyên xuất hiện dọc biên giới Ba Lan - Đức sau quyết định kiểm soát lại biên giới giữa hai bên kể từ ngày 7/7 vừa qua.

Hành động này không chỉ làm đình trệ giao thương mà còn giáng một đòn mạnh vào Hiệp ước Schengen, một trong những biểu tượng đáng tự hào nhất của Liên minh châu Âu (EU), cho phép tự do đi lại giữa 29 quốc gia. Phải chăng, giấc mơ về một EU không biên giới đã thực sự đến hồi kết?

Khi những đường biên đóng lại

Trong cuộc họp báo diễn ra sau phiên họp nội các ngày 1/7/2025, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk chính thức thông báo sẽ “tiến hành tái kiểm soát biên giới tạm thời với Đức và Litva”. Theo ông thì quyết định này nhằm “đối phó với làn sóng di cư bất hợp pháp tăng từ Đức và Litva theo Luật Schengen”.

Từ rạng sáng ngày 7/7, 52 trạm kiểm soát biên giới giáp Đức và 13 trạm giáp Litva đã được thiết lập. Các biện pháp kiểm tra được tiến hành tập trung vào xe buýt, xe chở khách và xe có cửa sổ tối màu, nhắm vào "những người tham gia hoạt động buôn người, di cư bất hợp pháp" theo lệnh của Chính phủ Ba Lan.

Để đảm bảo an ninh trong quá trình kiểm soát, 5.000 binh sĩ (gồm Lực lượng Phòng vệ lãnh thổ, Cảnh sát Quân sự và Không quân) đã được điều động tới hỗ trợ cảnh sát biên phòng. Máy bay không người lái cũng được sử dụng để giám sát từ trên cao. Đây là hiện tượng quân sự hóa đường biên hiếm hoi xảy ra ở khu vực biên giới giữa các nước EU trong hành chục năm qua.

EU rạn vỡ: Hiệp ước Schengen trước bờ vực sụp đổ? -0
Hiệp ước Schengen được ký 40 năm trước đã mở ra viễn cảnh tươi đẹp về một châu Âu thống nhất rộng mở.

Theo ông Tomasz Siemoniak, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan thì chính sách này được áp dụng trong vòng 30 ngày, dự kiến kéo dài tới 5/8/2025, với khả năng gia hạn nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định “sẽ dỡ bỏ nếu Đức làm điều tương tự”. Tuyên bố này cho thấy Chính phủ Ba Lan đang muốn “trả đũa” lại việc Đức ra chính sách kiểm soát thắt chặt ở biên giới từ tháng 5/2025, trong đó từ chối nhiều người xin tị nạn và dồn họ lại Ba Lan. Ngay lập tức, cả Đức và EU đều lên tiếng phản đối quyết định này của Ba Lan. Bà Katarina Barley, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, gọi đây là "hiệu ứng domino đẩy toàn bộ hệ thống Schengen đến giới hạn của nó".

Nhận định về quyết định này, các nhà quan sát cho rằng Chính phủ Ba Lan cũng đang bị áp lực từ người di cư và sức ép từ trong nước. Đây là hệ quả của một chuỗi khủng hoảng kéo dài. Kể từ cuộc khủng hoảng người tị nạn 2015, dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Belarus, Ukraine, Trung Đông và Bắc Phi đã gia tăng áp lực lên các nước "tiền đồn" như Ba Lan. Các đảng cực hữu tại Ba Lan, dẫn đầu là đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã khai thác chủ đề này trong thời gian gần đây khi Đức tăng cường ngăn chặn người di cư từ Ba Lan, cáo buộc chính phủ "thụ động". Áp lực chính trị nội bộ buộc ông Tusk phải hành động.

EU rạn vỡ: Hiệp ước Schengen trước bờ vực sụp đổ? -0
Chính phủ Ba Lan đã tái tổ chức lực lượng kiểm soát biên giới với Đức và Litva.

Chính trị nội bộ Ba Lan cũng như nhiều nước EU cũng đang có nhiều biến động. Cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan gần đây cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa lực lượng ủng hộ EU và phe hoài nghi theo chủ nghĩa dân tộc. Áp lực từ cử tri và đối thủ chính trị buộc các chính phủ phải thể hiện "sự cứng rắn" về các vấn đề chủ quyền, biên giới, ngay cả khi đó chỉ là hành động biểu tượng.

Thêm vào đó, việc siết chặt biên giới đang trở thành một hiện tượng phổ biến hơn trong những năm gần đây. Ba Lan và Đức chỉ là 2 mắt xích mới nhất trong chuỗi các nước EU vi phạm tinh thần Schengen. Pháp đã duy trì kiểm soát biên giới từ sau các vụ khủng bố 2015. Áo liên tục gia hạn kiểm soát với Slovenia và Hungary từ năm 2015 cũng với lý do "áp lực di cư và an ninh".

Theo Tiến sĩ Davide Colombi, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS), đây là "sự xói mòn dần dần của thời đại không biên giới". Ông nhấn mạnh: "Các cuộc kiểm soát biên giới này đang trở nên thường trực, cho dù đó chưa bao giờ là mục đích của thỏa thuận Schengen".

EU rạn vỡ: Hiệp ước Schengen trước bờ vực sụp đổ? -0
Khu vực Schengen bao gồm 29 nước.

Cái giá của “sự hoài nghi”

Schengen không chỉ là biểu tượng của một EU tự do, thống nhất mà nó còn đem đến những giá trị to lớn về mặt kinh tế. Hậu quả từ việc đóng cửa biên giới đã hiển hiện ngay tức khắc. Một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu ước tính việc khôi phục kiểm soát biên giới nội bộ gây thiệt hại khoảng 320 triệu euro riêng cho ngành vận tải do thời gian chờ đợi lâu. Cùng với đó, các cộng đồng biên giới sẽ chịu cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy, giá cả tăng và doanh nghiệp xuyên biên giới gặp khó khăn về nhân sự do người lao động không còn tự do di chuyển như trước nữa. Schengen là nền tảng cho sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người, 4 trụ cột của Thị trường chung châu Âu. Sự đình trệ tại biên giới sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự vận hành của khối thị trường chung lớn nhất thế giới này.

Trong khi đó, giới chức an ninh lại đưa ra những nghi vấn trái ngược với cách mà các chính phủ đang tiến hành. Giáo sư Birte Nienaber đến từ Đại học Luxembourg nhận định: "Những kẻ buôn lậu biết chính xác cách tránh các trạm kiểm soát hoạt động. Các biện pháp kiểm soát không ngăn cản được họ. Chúng chỉ tạo ra ảo tưởng về sự kiểm soát". Theo đó, hành động kiểm soát hay quân sự hóa các đường biên như Chính phủ Ba Lan đang tiến hành chỉ mang tính “biểu tượng chính trị” chứ không đem lại kết quả thực chất. Cảnh sát Đức cũng cho biết, họ chỉ từ chối 160 người xin tị nạn và chỉ trả về Ba Lan khoảng 1.000 người di cư từ tháng 5 đến giữa tháng 6/2025, con số không khác biệt nhiều so với trước.

EU rạn vỡ: Hiệp ước Schengen trước bờ vực sụp đổ? -0
Người dân phản đối việc kiểm soát biên giới.

Nguy hại hơn, việc tái kiểm soát làm mất lòng tin giữa các quốc gia với nhau. Schengen không chỉ là vấn đề kinh tế, nó là biểu tượng của tự do và đoàn kết trong EU. Hành động đơn phương của Ba Lan và Đức làm trầm trọng thêm sự nghi ngờ giữa các quốc gia thành viên. Nó củng cố quan điểm cho rằng khi khủng hoảng ập đến, các nước sẽ ưu tiên lợi ích của mình hơn đoàn kết chung. Điều này làm suy yếu tinh thần hợp tác cốt lõi của dự án châu Âu mà các nhà lãnh đạo của EU đang hướng tới.

Làm sao để giải cứu Schengen?

Với vai trò và ý nghĩa biểu tượng của Schengen, EU sẽ không đứng ngoài cuộc, nhưng các nỗ lực ngăn chặn sự xói mòn hiệp ước này cũng đang vấp phải thực tế phức tạp. Hiệp ước Schengen có quy định cho phép kiểm soát biên giới nội bộ tạm thời “trong trường hợp đe dọa nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia”. Do đó các nước như Pháp, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và giờ là Đức, Ba Lan, đã lợi dụng kẽ hở này bằng cách liên tục gia hạn các biện pháp "tạm thời" hằng năm, thậm chí gần một thập kỷ như trường hợp Pháp. Điều này biến ngoại lệ thành quy tắc và khiến cho Hiệp ước mất đi tính pháp lý. Trong khi đó, EU thiếu công cụ mạnh để buộc các quốc gia thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tính tạm thời và sự cần thiết của các biện pháp kiểm soát. Các cảnh báo từ Ủy ban châu Âu hay Nghị viện châu Âu thường không đủ sức nặng trước áp lực chính trị trong nước của các chính phủ.

Sâu xa hơn, các thành viên EU đang có những bất đồng sâu sắc. Các đề xuất cải cách chính sách tị nạn chung (như cơ chế phân bổ người tị nạn công bằng hơn) liên tục bị đình trệ do bất đồng giữa các nước. Các nước "cửa ngõ" như Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và nay là Ba Lan, cảm thấy gánh nặng không cân xứng, trong khi các nước phía Bắc và Tây Âu không muốn chia sẻ trách nhiệm đủ lớn. Sự thiếu đoàn kết này khiến các giải pháp chung của EU khó hình thành. EU muốn “cứu” Schengen nhưng họ đang rơi vào bế tắc luẩn quẩn của chính mình. Chính Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng phải thừa nhận: "Hệ thống Schengen chỉ có thể tồn tại nếu nó không bị lạm dụng bởi những người thúc đẩy di cư bất hợp pháp".

EU rạn vỡ: Hiệp ước Schengen trước bờ vực sụp đổ? -0
Sự xuất hiện của lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới đã đem đến cảm giác căng thẳng cho các bên.

Những trạm kiểm soát mọc lên dọc biên giới Ba Lan - Đức không chỉ là rào chắn vật lý, chúng là vết nứt sâu trên nền tảng của EU, phản ánh sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự thiếu tin tưởng giữa các quốc gia thành viên và sự bất lực của EU trong việc giải quyết thách thức di cư. Hệ thống Schengen đang "hấp hối", nhưng sự sụp đổ của nó không phải là điều không thể tránh khỏi. EU từng được tạo lập dựa trên sự can đảm chính trị, tinh thần nhượng bộ vì lợi ích chung và tầm nhìn dài hạn. Đây cũng chính là những điều các nhà lãnh đạo EU hiện nay cần để cứu lấy không chỉ Schengen mà còn chính sự tồn tại của mình.

Tiểu Phong
.
.