EU trừng phạt tài chính Hungary - Lợi bất cập hại?
Chính phủ Hungary của Thủ tướng Viktor Orban đang khẩn trương thực hiện nhiều việc để đáp ứng các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thuyết phục khối “rã băng” các khoản tiền viện trợ khác nhau. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nếu mạnh tay trừng phạt, EU có khả năng sẽ mất Hungary về tay các đối thủ ở phía Đông.
Đòn trừng phạt
Ban lãnh đạo EU hôm 18-9 đã khuyến nghị sẽ đình chỉ việc cung cấp khoản viện trợ trị giá 7,5 tỷ euro do EU cho rằng Hungary đã thất bại trong việc chống tham nhũng và duy trì pháp quyền. Trong nhiều tháng qua, Brussels nghi ngờ rằng chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đang vi phạm pháp quyền và sử dụng tiền của EU để làm giàu cho các đồng minh của mình. Đây là trường hợp đầu tiên EU áp đặt theo một lệnh trừng phạt mới nhằm bảo vệ pháp quyền và chống tham nhũng tốt hơn trong khối. Để được tiếp tục nhận nguồn viện trợ này, EU yêu cầu Hungary phải ban hành luật mới.
Budapest cho biết sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của EU. Phát ngôn viên Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs đã đăng trên Twitter vào tối 18-9 rằng Chính phủ Hungary sẽ đệ trình các dự án luật lên nghị viện vào ngày 19 và 23-9. Các biện pháp dự kiến sẽ bao gồm cả việc thiết lập các cơ quan giám sát chống tham nhũng độc lập để giám sát việc sử dụng các quỹ của EU cũng như các bước để làm cho quy trình lập pháp minh bạch hơn.
Bộ trưởng Phát triển Tibor Navracsics, phụ trách các cuộc đàm phán với EU, cho biết hôm 18-9 rằng Hungary sẽ đáp ứng tất cả 17 cam kết đã đưa ra với Ủy ban châu Âu để ngăn chặn việc mất bất kỳ khoản tài trợ nào của EU. Tuyên bố của ông Navracsics được đưa ra sau khi Ủy viên ngân sách của EU Johannes Hahn chỉ ra cách thoát khỏi tình trạng bị “treo” viện trợ cho Hungary. Ông Johannes cho rằng, các bước do Budapest đề xuất “về nguyên tắc có thể khắc phục được” các chỉ trích của Ủy ban châu Âu “nếu chúng được chỉ định chính xác và thực hiện phù hợp”.
Giống như hầu hết các nước trong khối EU, năm ngoái Hungary đã đệ trình kế hoạch chi tiết về cách sử dụng các khoản tài trợ của EU để làm cho nền kinh tế thân thiện hơn với môi trường và công nghệ cao hơn sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa nhận được sự chấp thuận đối với kế hoạch này cũng vì những lo ngại của EU về tham nhũng và pháp quyền.
Việc Hungary buộc phải đáp ứng các yêu cầu của EU được xem là bước đi vạn bất đắc dĩ Budapest phải thực hiện, được cho là xuất phát từ tình thế khó khăn của Hungary. Trong nước, Thủ tướng Orban đang phải vật lộn với một loạt các vấn đề chính trị và kinh tế do “tác động kép” của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá năng lượng tăng cao, vì vậy ông có thể sẽ đi xa hơn để đáp ứng nhu cầu của Brussels. Tuy nhiên, Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành châu Âu tại tổ chức nghiên cứu Eurasia Group cho biết Budapest có thể sẽ đạt được thỏa thuận với EU, nhưng điều đó cũng sẽ không giải quyết được tất cả những bất đồng còn tồn đọng về các khoản tiền khác của EU.
Vấn đề lớn hơn đối với ông Orban là số tiền bị ràng buộc trong Quỹ Phục hồi, bởi Ủy ban châu Âu có quyền quyết định về việc có bật đèn xanh cho việc xuất quỹ đó hay không. Nếu Budapest không nhận được tiền của EU, theo tính toán của các nhà nghiên cứu châu Âu, đồng forint của Hungary - vốn đã mất giá 8% trong năm nay - gần như chắc chắn sẽ mất giá hơn nữa, làm phức tạp thêm nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Hungary hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Brussels về các khoản tiền bị phong tỏa của EU vào cuối năm nay, khi nước này chạy đua để giải phóng hàng tỷ USD đã bị đóng băng. Nếu không đạt được thỏa thuận với Ủy ban châu Âu vào cuối năm 2022, Budapest sẽ mất 4,64 tỷ euro trong quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Cả hai thỏa thuận đều vướng vào một quy trình kỷ luật chưa từng có được EU đưa ra chống lại Hungary vào tháng 4-2022 có thể dẫn đến việc đình chỉ các quỹ của EU vì vi phạm quy định của pháp luật. Ông Navracsics nói: “Việc giải quyết thủ tục theo quy tắc luật có thể là điều kiện tiên quyết để có một thỏa thuận về quỹ liên kết, hoặc quỹ RRF (quỹ phục hồi COVID-19). EU đã ra thời hạn cuối cùng cho Chính phủ Hungary là ngày 22-8 để trả lời một bức thư dài từ Ủy ban châu Âu cảnh báo về “các biện pháp khắc phục hậu quả” nếu Budapest không giải quyết được những lo ngại lâu nay về pháp quyền.
Trưởng đoàn đàm phán của Hungary Tibor Navracsics nói với tờ The Guardian rằng ông lạc quan về một thỏa thuận về kế hoạch phục hồi COVID-19 trị giá 15 tỷ euro tiềm năng vào cuối năm nay. Ông cũng hy vọng Hungary có thể đạt được một “thỏa thuận đối tác” để đảm bảo 24,3 tỷ euro quỹ liên kết, chủ yếu từ EU.
Trong một nỗ lực quyết liệt cuối cùng, Chính phủ Hungary đã cử ông Navracsics, một cựu ủy viên EU người Hungary, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phát triển khu vực vào tháng 5 vừa qua, đến Brussels để thuyết phục các quan chức EU gỡ phong tỏa các khoản tiền viện trợ. Ông Navracsics cho biết Hungary đã cam kết sẽ thông báo đầy đủ cho Ủy ban châu Âu về việc thực hiện các biện pháp để giải quyết các mối quan ngại của họ trước ngày 19-11.
Cái gai của EU
Về cơ bản, việc EU tiến hành động thái “treo” khoản viện trợ 7,5 tỉ euro cho Hungary không chỉ là vì vấn đề tham nhũng. Kèm theo đó là vấn đề “bảo vệ pháp quyền” theo tiêu chuẩn châu Âu. Nhưng, từ khi lên nắm quyền, ông Orban đã cho thấy quan điểm của ông về pháp quyền khác hẳn với Brussels.
Điều quan trọng nhất, đó là Thủ tướng Hungary Orban được xem là cái gai khó nhổ ngay bên mạn sườn của EU. Quan hệ giữa EU và Hungary đã trở nên căng thẳng kể từ khi ông Orban lên nắm quyền. Ông đã bộc lộ tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ khi liên tục chỉ trích các chính sách của EU về vấn đề người nhập cư, về vấn đề tự do đi lại trong khối và những chính sách về kinh tế, tiền tệ chung của khối mà ông cho rằng đã xâm phạm chủ quyền của các quốc gia thành viên khi sử dụng đồng tiền chung của khối.
Ngược lại, EU bắt đầu chỉ trích Chính phủ Hungary và Thủ tướng Orban gay gắt do các chính sách theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và phong cách điều hành của ông Orban. Cách đây 2 năm, EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt tài chính mới đối với Ba Lan và Hungary do khối này cho rằng hai nước cộng hòa Đông Âu đã có những động thái làm “xói mòn dân chủ” theo tiêu chuẩn EU. EU cáo buộc ông Orban đã có những hành động đi ngược lại tiến trình dân chủ của châu lục khi ông liên tiếp đưa ra các quyết định nhằm nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đối với hệ thống tư pháp của Hungary - một hệ thống mà ông cho rằng là nguyên nhân dân đến các vấn đề bất ổn trong xã hội Hungary trước khi ông lên nắm quyền. Trong cuộc khủng hoảng di dân vào năm 2015, EU cũng cáo buộc ông Orban, với tinh thần dân tộc chủ nghĩa đến mức cực đoan đã không chia sẻ gánh nặng với khối trong việc tiếp nhận người nhập cư mà đẩy toàn bộ trách nhiệm cho các quốc gia khác trong khối như Đức, Pháp,...
Tuy chấp nhận đáp ứng các yêu cầu của EU, song Thủ tướng Orban cũng không hoàn toàn chịu khuất phục khối ngay trong vấn đề tham nhũng. Ông từng nêu quan điểm chống lại cái mà ông gọi là “thế giới quan tự do kiểu phương Tây” và khẳng định đất nước Hungary của ông còn ít tham nhũng hơn nhiều quốc gia khác trong EU. Tháng 4-2022, ngay sau khi ông Orban giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để tiếp tục làm Thủ tướng Hungary thêm một nhiệm kỳ nữa, EU đã triển khai biện pháp trừng phạt tạm “treo” các khoản viện trợ cho Hungary như một động thái phủ đầu đối với ông Orban và cũng nhằm kiềm chế Hungary. Ông Orban ngay lập tức có những phản ứng gay gắt, chỉ trích EU khi áp dụng chính sách trừng phạt tài chính bằng cách phong tỏa các khoản viện trợ trong bối cảnh tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu do cuộc chiến Ukraine để gây áp lực buộc Hungary phải tuân theo các yêu cầu của Brussels. Tháng 7-2022, ông đưa ra tuyên bố về cái gọi là “chủng tộc hỗn tạp” (mixed race) để ám chỉ xã hội châu Âu khiến cho cả khối dậy sóng phản ứng.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng đầy thách thức sau cuộc bầu cử hồi tháng 4-2022, Thủ tướng Orban đã điểm lại những người mà ông coi là đối thủ, trong đó bao gồm cả “cánh tả ở nhà” - cụm từ ông dành cho các đối thủ chính trị trên toàn thế giới - sau đó là “cánh tả quốc tế, các quan chức ở Brussels”, đế chế của tỉ phú gốc Hungary George Soros, các phương tiện truyền thông quốc tế - và cuối cùng là Tổng thống Ukraine Zelenskiy. Ông Orban lên án cuộc chiến ở Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU, nhưng từ chối gửi vũ khí cho Ukraine hoặc cho phép viện trợ quân sự đi qua đất nước mình. Ông tuyên bố những hành động như vậy sẽ kéo Hungary vào cuộc chiến.
Ngay cả trong giai đoạn hiện nay, khi Hungary đang khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để gỡ phong tỏa các khoản viện trợ của EU, Thủ tướng Orban vẫn thường xuyên thể hiện quan điểm và thái độ chống EU nói riêng và phương Tây nói chung, kể cả Mỹ - một cách gay gắt.
Việc EU duy trì lệnh phong tỏa các khoản viện trợ cho Hungary có thể tạm thời gây khó khăn cho Hungary về mặt kinh tế. Nhưng, nếu bị ép vào đường cùng, Hungary có thể sẽ kích hoạt tiến trình rời khỏi khối. Hungary được phép rời EU một cách hợp pháp theo Điều 50 của hiệp ước về Liên minh châu Âu. Do đó, nước này có thể rời liên minh sau khi tổ chức trưng cầu dân ý. Đồng thời, nước này cũng cần phải thay đổi hiến pháp với sự ủng hộ của 2/3 quốc hội.