EU và Anh tung đòn trừng phạt mới đối với Nga
Liệu vòng trừng phạt mới từ châu Âu có đủ tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine? Khi Washington chưa cam kết biện pháp trừng phạt bổ sung, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã lựa chọn hành động đơn phương, áp đặt gói cấm vận mới nhằm vào các tàu vận chuyển dầu và tổ chức tài chính liên quan đến Moscow.
Động thái này không chỉ gia tăng áp lực kinh tế lên Nga mà còn cho thấy sự chênh lệch nhịp độ trong ứng xử chiến lược giữa các đồng minh phương Tây trước một cuộc chiến chưa có điểm dừng.
Siết chặt vòng trừng phạt
Ngày 20/5/2025, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đồng loạt công bố gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Liên bang Nga, với trọng tâm là mạng lưới tàu dầu được mệnh danh là “hạm đội bóng tối” và các tổ chức tài chính bị cáo buộc giúp Moscow né tránh các lệnh cấm vận hiện hành. Đây là động thái cứng rắn nhất từ Brussels và London kể từ đầu năm 2025, được giới quan sát đánh giá là phản ứng chiến lược mang tính chủ động, trong bối cảnh chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết rõ ràng nào về việc mở rộng trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Theo thông cáo chính thức của Hội đồng châu Âu và Bộ Ngoại giao Anh, các biện pháp lần này nhắm trực diện vào hệ thống tàu treo cờ nước ngoài, vận hành thông qua công ty bình phong để vận chuyển dầu thô Nga ra thị trường toàn cầu - một mạng lưới ngày càng tinh vi được cho là đã giúp Moscow duy trì dòng thu ngoại tệ giữa bối cảnh xung đột Ukraine chưa hạ nhiệt.
Đồng thời, loạt thực thể tài chính và trung gian tín dụng có vai trò tiếp tay cho các hoạt động né tránh trừng phạt cũng bị đưa vào danh sách đen, trong nỗ lực bịt kín những “lỗ hổng pháp lý” mà Điện Kremlin từng khai thác để duy trì năng lực tài chính phục vụ chiến dịch quân sự.
Phát biểu tại Brussels sau cuộc họp với các ngoại trưởng EU, Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul tuyên bố: “Điều chúng tôi mong đợi từ Nga rất đơn giản, một lệnh ngừng bắn toàn diện, ngay lập tức và không kèm điều kiện. Khi Moscow từ chối đáp lại, chúng tôi không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn”.
Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết: “Chúng tôi không thể để Nga tiếp tục né tránh trách nhiệm thông qua những lỗ hổng tài chính toàn cầu. Lệnh trừng phạt lần này nhằm vá những kẽ hở đó và chúng tôi sẵn sàng làm điều đó kể cả khi một số đối tác chưa sẵn sàng”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong thông điệp đăng tải trên Telegram, đã hoan nghênh hành động của châu Âu, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào vai trò đồng hành của Mỹ: “Tác động của các biện pháp trừng phạt là có thật. Tôi biết ơn tất cả những ai đã góp phần khiến chúng trở nên cụ thể và hiệu quả hơn. Điều quan trọng là nước Mỹ tiếp tục đóng vai trò trong tiến trình đưa hòa bình đến gần hơn”.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump hôm 20/5 xác nhận chính quyền của ông đang “xem xét nhiều phương án liên quan đến tình hình Ukraine” nhưng chưa công bố chi tiết cụ thể. “Chúng tôi đang cân nhắc các lựa chọn, nhưng hãy chờ xem”, ông Trump phát biểu ngắn gọn, từ chối cam kết về thời điểm hoặc phạm vi của bất kỳ biện pháp mới nào.
Việc EU và Anh chủ động hành động trong khi Washington vẫn duy trì khoảng cách chiến lược cho thấy một thực tế: liên minh xuyên Đại Tây Dương đang vận hành theo nhịp độ không đồng đều trước một cuộc xung đột kéo dài và phức tạp. Điều này đặt ra những câu hỏi lớn về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ cũng như về khả năng phối hợp hành động trong khuôn khổ NATO và G7 - các thể chế từng được xem là trụ cột trong phản ứng chung trước khủng hoảng Ukraine từ năm 2022.
Khe cửa hẹp giữa bão trừng phạt
Cuộc điện đàm kéo dài hai giờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, diễn ra ngày 19/5/2025 được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt cho tiến trình hòa đàm giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi khi không có thỏa thuận ngừng bắn nào được đưa ra.
Theo giới quan sát, ông Trump đã từ bỏ yêu cầu trước đây về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày - đề xuất từng được xem là nền tảng khởi đầu cho đàm phán. Thay vào đó, Nhà Trắng thông báo rằng Mỹ ủng hộ hai bên khởi động một chuỗi đàm phán trực tiếp để “xác lập điều kiện” cho một thỏa thuận ngừng bắn, điều mà phía Nga cho rằng “không thể thực hiện trong thời gian ngắn”.
Vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức vào cuối tuần qua là cuộc gặp mặt trực tiếp hiếm hoi giữa đại diện Nga và Ukraine kể từ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả không như kỳ vọng: Phía Kiev mô tả rằng Moscow đã đưa ra những điều kiện “không thể chấp nhận”, bao gồm việc Ukraine từ bỏ yêu sách lãnh thổ và chấp nhận nguyên trạng hiện tại tại miền Đông và Crimea.
Trước những chỉ trích về việc không tăng cường sức ép với Moscow, Tổng thống Trump khẳng định việc vội vàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt có thể “khiến tình hình leo thang” và ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng đàm phán. Ông cũng để ngỏ khả năng sử dụng “các biện pháp mạnh mẽ hơn” nếu không có tiến triển cụ thể trong thời gian tới.
Trong khi châu Âu chủ động tăng cường trừng phạt, thì sự thận trọng của Mỹ thể hiện qua cách tiếp cận “không làm đổ vỡ đối thoại” đang tạo ra khoảng cách nhất định trong nỗ lực chung của phương Tây. Điều này khiến tiến trình hòa bình giữa Nga và Ukraine thêm phần phức tạp, đặc biệt khi chưa có cơ chế giám sát hoặc trung gian độc lập đủ mạnh để thúc đẩy hai bên đạt được thỏa thuận thực chất.
Giới phân tích cho rằng, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và châu Âu, các nỗ lực đơn lẻ rất khó tạo thành bước ngoặt chiến lược. Trong bối cảnh đó, vai trò của các tổ chức trung gian như Liên hợp quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), hay thậm chí là Tòa thánh Vatican có thể trở thành nhân tố then chốt trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình và đảm bảo an ninh khu vực.