EU với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thứ Hai, 04/03/2024, 17:30

Từ năm 2021, EU đã thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được thiết kế để thúc đẩy cấu trúc an ninh khu vực cởi mở và dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong chiến lược, EU cũng vạch ra những nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện ở đó. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược phần lớn phụ thuộc vào các quốc gia thành viên.

Pháp, Đức, Hà Lan, Công hòa Czech và Litva từng công bố chiến lược hoặc hướng dẫn về Ấn Độ Dương -  Thái Bình Dương. Mặc dù các quốc gia thành viên hiểu rằng an ninh của châu Âu bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra trong khu vực này, nhưng họ lại có những ý tưởng khác nhau về cách góp phần vào sự ổn định của khu vực và những việc cần làm nếu khủng hoảng nổ ra.

Lợi ích kinh tế

Mối quan tâm chính trước mắt của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là kinh tế. Trao đổi thương mại song phương giữa hai khu vực đạt mức cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Năm 2021, xuất khẩu từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sang EU là 844 tỷ euro và xuất khẩu từ EU sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là 583 tỷ euro. Gần 90% thương mại hàng hóa bên ngoài EU là qua đường biển. Phần lớn hoạt động thương mại này đi qua các điểm nghẽn hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Biển Đông hay eo biển Malacca. Riêng Biển Đông, ước tính có khoảng 40% thương mại nước ngoài của EU đi qua. Do đó, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với nền kinh tế của châu Âu.

1.jpg -0
Chiến hạm Prairial của Hải quân Pháp tham gia tập trận cùng các tàu chiến Mỹ và Nhật Bản.

Một mối quan tâm lớn khác của EU trong khu vực là việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ở trong nước, hoạt động hiệu quả của EU phụ thuộc vào việc các quốc gia thành viên của khối hành động theo quy tắc. Liên minh cần một hệ thống quốc tế hoạt động theo cách tương tự, vì không được xây dựng để cạnh tranh trong một thế giới mà “quyền lực tạo nên lẽ phải”. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên đất Ukraine đặt ra mối đe dọa cho EU vì việc này liên quan đến một quốc gia láng giềng, nhưng cũng thách thức các nguyên tắc cơ bản về toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế. Dù Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cách xa châu Âu hơn về mặt địa lý, những diễn biến trong khu vực thách thức luật pháp quốc tế hoặc hạn chế quyền tự do hàng hải cũng có tác động tiêu cực tương đối đối với lợi ích của EU.

Và, những diễn biến trong khu vực có thể ảnh hưởng đến an ninh châu Âu theo nhiều cách. La bàn chiến lược của EU, vốn cung cấp khuôn khổ hướng dẫn cho an ninh và quốc phòng của EU đến năm 2030, tuyên bố rằng EU “có lợi ích địa chính trị và kinh tế quan trọng đối với sự ổn định và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Rủi ro chính ở đây không phải là mối đe dọa trực tiếp từ sự xuất hiện của các tàu quân sự ở Địa Trung Hải hay Biển Baltic, hay thậm chí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc các cuộc tấn công mạng tiềm tàng, mà rủi ro an ninh lớn nhất đối với EU là gián tiếp. An ninh và quốc phòng của châu Âu phần lớn phụ thuộc vào Mỹ và vai trò của nước này trong NATO. Khả năng của Mỹ với vai trò nhà cung cấp an ninh cho châu Âu có thể bị suy yếu nếu Washington phải phản ứng trước một cuộc xung đột ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sự hiện diện và khả năng can dự

Có một số cách mà EU đã can dự theo tư cách là một chủ thể an ninh với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hợp tác an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác EU - ASEAN. Quan hệ đối tác chiến lược này cam kết cả hai khu vực sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường xuyên và hợp tác cùng nhau trong một số lĩnh vực. EU tham gia diễn đàn khu vực ASEAN thường niên và gần đây đã được tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á. Bộ trưởng Quốc phòng của một số nước EU và Đại diện cấp cao Josep Borell tham gia Đối thoại Shangri-La, hội nghị an ninh thường niên ở Singapore. An ninh cũng là khía cạnh quan trọng trong quan hệ giữa EU và các đối tác riêng lẻ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chẳng hạn như Nhật Bản. Trong những năm gần đây, một số nước EU đã cử tàu tới khu vực để tham gia các cuộc tập trận tự do hàng hải.

Có điều, các quốc gia thành viên EU lại có quan điểm khá khác nhau về nhiều vấn đề quan trọng trong cách tiếp cận chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự khác biệt chủ yếu xuất phát từ quan điểm khác nhau về Trung Quốc. Đối với một số quốc gia, bao gồm cả Đức, lợi ích thương mại và kinh tế theo truyền thống chiếm ưu thế. Đối với những nước khác, bao gồm nhiều nước Trung Âu, vấn đề nhân quyền và dân chủ đặc biệt quan trọng.

Đối với nhiều nước, bao gồm cả các quốc gia Trung Âu và vùng Baltic, việc hỗ trợ Mỹ trên toàn cầu nhằm đảm bảo cam kết liên tục của Mỹ đối với an ninh của châu Âu có tầm quan trọng hàng đầu. Theo nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), các quốc gia thành viên EU khác nhau có cách hiểu rất khác nhau về mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU. Một số coi đây là cách thể hiện quyền tự chủ chiến lược của châu Âu bằng cách theo đuổi cách tiếp cận riêng của châu Âu đối với khu vực, một số khác tiếp cận theo cách để chống lại Trung Quốc. Những cách tiếp cận khác như vậy là phương tiện để quản lý mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và ít nhiều liên kết rõ ràng với Mỹ.

Sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên có thể gây tổn hại đến khả năng của EU trong việc ứng phó thách thức phát sinh từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khả năng bảo vệ lợi ích của chính mình. Hiện tại, có thể quản lý được sự không mạch lạc này giữa các quốc gia thành viên EU, nhưng EU cần phải bắt đầu giải quyết vấn đề này từ bây giờ. Nếu một cuộc khủng hoảng an ninh xuất hiện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn và sẽ không còn khả năng vượt qua như trước đây nữa.

Ngọc Lan
.
.