FED tiếp tục tăng lãi suất?

Thứ Bảy, 19/08/2023, 08:40

Biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), công bố ngày 16/8, cho thấy đã có sự chia rẽ trong quan điểm của các quan chức FED liên quan tới quyết định nên hay không nên tăng lãi suất.

Bất đồng quan điểm

Theo biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 7 của FED, trong khi một số ý kiến cho rằng đẩy lãi suất lên quá cao sẽ tạo ra rủi ro đối với nền kinh tế, nhiều nhà hoạch định chính sách tiếp tục đi theo chiều hướng “diều hâu”, coi cuộc chiến chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Biên bản cuộc họp nêu rõ rằng “những người tham gia (cuộc họp) vẫn kiên định cam kết đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%” và kết quả là các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí tăng lãi suất lên ngưỡng 5,25-5,5%. Biên bản lưu ý: “hầu hết những người tham gia (cuộc họp) tiếp tục nhận thấy rủi ro gia tăng đáng kể đối với lạm phát, điều này có thể đòi hỏi phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ". Diễn biến này đã giáng một đòn mạnh vào các nhà đầu tư, những người đã hy vọng lãi suất hiện đã đạt đỉnh sau một chuỗi dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm và thị trường việc làm đang suy yếu.

FED tiếp tục tăng lãi suất? -0
Thông tin cuộc họp mới của FED khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng chính sách lãi suất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những ý kiến cảnh báo cần thận trọng với hành động tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ đã đóng một vai trò nổi bật trong cuộc tranh luận tại phiên họp tháng 7. Đây là dấu hiệu cho thấy ý kiến này đang dần trở nên phổ biến trong FED khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá các bằng chứng về việc lạm phát đang giảm và những tác động hủy hoại tiềm tàng đối với việc làm và tăng trưởng kinh tế nếu lãi suất tiếp tục được nâng lên cao hơn mức cần thiết.

Biên bản cuộc họp cũng cho biết FOMC "đã thảo luận về một số cân nhắc đối với hoạt động quản trị rủi ro, có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách trong tương lai". Mặc dù, đa số người tham dự coi lạm phát là rủi ro lớn nhất, nhưng một vài người trong số đó nhận xét rằng tuy nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi và thị trường lao động vẫn rất mạnh mẽ, nhưng tiếp tục có những rủi ro tiêu cực đối với hoạt động kinh tế và rủi ro tăng lên đối với tỷ lệ thất nghiệp.

Nhìn chung, biên bản cho biết các nhà hoạch định chính sách của FED đã đồng ý rằng mức độ không chắc chắn vẫn còn cao và các quyết định về lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào "tổng thể" dữ liệu đến trong "những tháng tới", để "giúp làm rõ hơn mức độ của quá trình giảm phát sẽ diễn ra". Đây là một dấu hiệu cho thấy các quan chức FED đang có cách tiếp cận kiên nhẫn hơn đối với bất kỳ sự gia tăng lãi suất nào tiếp theo trong tương lai.

Hơn nữa, biên bản cuộc họp cũng chỉ ra rằng quan điểm của các nhà hoạt định chính sách đang hội tụ về một kịch bản “hạ cánh mềm” tiềm năng cho nền kinh tế Mỹ, trong đó việc làm và tăng trưởng kinh tế tiếp tục đi lên và lạm phát đi xuống.

Phản ứng của các thị trường

Khả năng FED giữ lãi suất cao hơn lâu hơn phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 16/8, sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của FED được công bố. Giá dầu thô có thêm một phiên giảm mạnh vì mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc lấn át sự hỗ trợ từ tình trạng thắt chặt nguồn cung. Phó Chủ tịch Mike Reynolds của Công ty Glenmede nhận định với hãng tin Reuters: “Thị trường đã có một đợt tăng điểm khó tin từ đầu năm đến nay. Điều đó đi ngược lại tất cả các dự đoán rằng thị trường sẽ phản đối tiêu cực đối với khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm nay. Nhưng, bây giờ, đà tăng của thị trường đang đuối đi. Các nhà đầu tư đang bắt đầu có cái nhìn kém lạc quan hơn về bức tranh kinh tế”.

Khả năng FED tiếp tục duy trì lãi suất cao cũng khiến thị trường chứng khoán châu á trong phiên 17/8 giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Chiều 17/8, chỉ số MSCI khu vực châu á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,49%, xuống 500,43 điểm, sau khi có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2022 là 495,03 điểm. Chỉ số này đã giảm khoảng 8% kể từ đầu tháng 8 và đang hướng tới tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Theo biên bản, các quan chức FED không còn dự báo về một cuộc suy thoái xảy ra trong năm nay. Các thành viên cấp cao hồi tháng 3 cho rằng việc một số ngân hàng sụp đổ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng. Tuy nhiên, đến tháng 7, họ kết luận rằng hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ đã làm giảm rủi ro suy thoái. Dù vậy, các quan chức FED vẫn giữ nguyên dự báo cho rằng lạm phát sẽ giảm chậm từ nay đến cuối năm 2023 và dần quay trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ quý II của năm 2024 và sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm/quý từ sau đó. Theo 2 nhà kinh tế Jan hatzius và David Mericle của Goldman Sachs, FED sẽ cắt giảm lãi suất khi lạm phát tiến gần hơn đến mức mục tiêu đặt ra là 2%. hiện nay, Goldman Sachs đang chuẩn bị cho kịch bản lãi suất sẽ được cắt giảm vào quý II năm 2024. FOMC có thể sẽ không đưa ra quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp tháng tới và tại cuộc họp tháng 11 có thể sẽ kết luận rằng lạm phát cốt lõi đã "hạ nhiệt" đủ để không cần tăng lãi suất.

Tuy nhiên, ngay cả khi FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong tháng tới, một số chuyên gia tin rằng triển vọng của nền kinh tế Mỹ hiện vẫn tích cực. Bà Liz Miller, Chủ tịch Công ty Summit Place Financial Advisors, nhận định: "Ngay cả khi FED quyết định cần tăng lãi suất cao hơn để đưa lạm phát về đúng quỹ đạo, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn sẽ đi đúng hướng, tiếp tục chi tiêu và đầu tư để giúp nền kinh tế tránh được nguy cơ suy thoái".

Khánh An (Tổng hợp)
.
.