G20 trước nguy cơ chia rẽ
Ngoại trưởng các nước G20 nhóm họp vào ngày 7 và 8 tháng 7 tại Bali, Indonesia trong bối cảnh thế giới lao đao vì các cơn sốt dầu mỏ, khí đốt; vì khủng hoảng lương thực và vì đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành. Nhưng không chắc nhóm này đồng lòng giải quyết những hồ sơ nóng bỏng đó.
Lý do là chiến tranh Ukraine đang chia rẽ sâu rộng giữa một bên là Nga với điểm tựa là Trung Quốc và bên kia là Mỹ và các đồng minh phương Tây. Phần còn lại của G20 rơi vào thế kẹt.
Trên cương vị chủ tịch G20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cuối tháng 6-2022 khi lên đường sang Đức dự thượng đỉnh G7 đã tuyên bố hội nghị G20 ở Bali 2022 “là một cột mốc quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển bởi các bên sẽ cùng nhau tìm kiếm lối thoát, tránh để các nước nghèo bị đẩy vào cảnh bần cùng và cái bẫy của nạn đói”. Không chắc Jakarta được toại nguyện, vì nhiều lý do. Các nước phương Tây đã cáo buộc Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nam Phi hoặc Brazil đã không tuân theo các quyết định chính trị và thương mại này. Do đó, cuộc họp G20 có thể dẫn đến sự chia rẽ rộng rãi hơn về cuộc xung đột ở Ukraine.
G20 là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU). G20 được thành lập vào năm 1999 với mục đích nhằm thảo luận về những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu. G20 đã mở rộng chương trình nghị sự của mình từ năm 2008, hiện nay, không chỉ có các nguyên thủ quốc gia mà các bộ trưởng tài chính, bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên cũng đã gặp gỡ định kỳ, trao đổi và tham gia thảo luận tại hội nghị kể từ đó đến nay. Toàn bộ nhóm này chiếm 80% GDP của thế giới, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới. Các nước thành viên G20 tin rằng thịnh vượng toàn cầu và những thách thức kinh tế là một phần của mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau, đòi hỏi sự hợp tác liên tục và phát triển. Vì vậy, G20 họp thường xuyên trong năm với các cuộc họp cấp bộ trưởng, các cuộc họp của các nhóm công tác và các nhóm tham gia và các sự kiện đặc biệt để thảo luận về hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế.
Năm nay, G20 quy tụ các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước không có chung tầm nhìn với phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine. Theo tạp chí Continental Observer, trong cuộc họp năm nay tại Bali, các ngoại trưởng từ các quốc gia lớn nhất thế giới tìm cách giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine và tác động của nó đối với năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, thay vì mang lại sự thống nhất, các cuộc đàm phán có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ hiện có về cuộc xung đột ở Ukraine.
Ở Bali, đây sẽ là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở cùng hội trường từ tháng 1-2022. Không có dấu hiệu cho thấy cả hai sẽ gặp riêng nhưng ngay cả khi không có cuộc gặp trực tiếp với Ngoại trưởng Nga, người đồng cấp Mỹ của ông có thể gặp khó khăn trong các cuộc thảo luận. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 5-7 thông báo rằng ông Antony Blinken sẽ tổ chức các cuộc hội đàm riêng biệt với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào thời điểm mà mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng lại trở nên trầm trọng hơn do quan hệ thân thiện giữa Bắc Kinh với Moscow. 2 ngày trước cuộc họp, Trung Quốc vẫn mạnh mẽ lên án Washington chỉ đòi “tôn trọng luật pháp quốc tế, khi nào điều đó có lợi cho Mỹ”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên hôm 6-7 thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố cái mà Mỹ gọi là “luật quốc tế” chính là do “Mỹ và một vài nước tay sai phục vụ lợi ích của Mỹ hoạch định ra” rồi bắt thiên hạ phải nghe theo. Đó là chưa kể, về chiến tranh Ukraine, Trung Quốc tới nay vẫn quan niệm Liên minh Bắc Đại Tây Dương, mà đứng đầu là Mỹ, phải chịu trách nhiệm trong xung đột Ukraine hiện nay. Theo hãng tin Mỹ AP khó hy vọng cuộc gặp Vương Nghị - Antony Blinken cho phép cải thiện tình hình trên thị trường nông phẩm toàn cầu, làm hạ nhiệt giá cả lương thực, thực phẩm, từ ngũ cốc đến đường, dầu ăn...
Matthew Lee - nhà phân tích của AP cho rằng “không giống như các cuộc họp cấp lãnh đạo gần đây với các đối tác NATO và các đối tác cùng chí hướng khác, ông Antony Blinken sẽ gặp các nhà ngoại giao từ các quốc gia nghi ngờ cách tiếp cận của Mỹ với Ukraine và lo ngại về tác động của nó đối với họ. Các quan chức Mỹ nói rằng, ngoài Ngoại trưởng Vương Nghị, ông Antony Blinken sẽ có các cuộc đàm phán song phương ở Bali với những người đồng cấp đến từ các nước bất đồng với phương Tây về cuộc chiến của Nga, bao gồm cả Ấn Độ, quốc gia đã tăng mua dầu của Nga ngay cả khi Mỹ và châu Âu đã đã cố gắng kìm hãm dòng doanh thu này cho Moscow.
Khi thông báo rằng ông Antony Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Vương Nghị tại Bali, Bộ Ngoại giao Mỹ không nói gì về khả năng có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga. Ông Antony Blinken đã tránh gặp người đồng cấp Nga kể từ khi Moscow mở cuộc chiến tại Ukraine vào tháng 2. Theo AP, Mỹ cáo buộc người đứng đầu ngành ngoại giao Nga thiếu nghiêm túc, tìm lý do để tránh một cuộc thảo luận với các nhà ngoại giao. Chính quyền Tổng thống Biden lập luận rằng không thể có “hoạt động kinh doanh như bình thường” với Moscow chừng nào xung đột vẫn tiếp diễn.
Không giống như hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO do phương Tây thống trị được tổ chức ở châu Âu vào tuần trước, G20 sẽ có một hương vị khác. Trung Quốc và nhiều bên tham gia khác, bao gồm Ấn Độ, Nam Phi và Brazil, đã từ chối ký vào bản phản đối mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Một số quốc gia đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của phương Tây tham gia lên án cuộc xung đột, mà Mỹ và các đồng minh coi là một cuộc tấn công vào trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc đã có từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Do đó, có thể khó đạt được sự đồng thuận của G20 về các nỗ lực giảm thiểu tác động về lương thực và năng lượng liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, đặc biệt là với Trung Quốc và Nga. Nhưng, theo AP, Mỹ muốn G20 ủng hộ sáng kiến do Liên Hợp quốc hậu thuẫn nhằm giải phóng khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc Ukraine để xuất khẩu chủ yếu sang Trung Đông, châu Phi và châu Á, đồng thời muốn G20 quy trách nhiệm cho Nga. Với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, khả năng hành động của Mỹ hẳn sẽ bị hạn chế.