G20 và khát vọng mang tên Ấn Độ

Chủ Nhật, 10/09/2023, 08:36

Chuỗi sự kiện của Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong ngày 9 và 10/9 là sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần này. Chuỗi sự kiện đó được tổ chức tại thủ đô New Delhi đang trở thành một trong những sự kiện lớn của đất nước Ấn Độ trong hơn một tháng qua, thể hiện khát vọng vươn lên thành cường quốc thế giới của Ấn Độ.

Không khí chuẩn bị để chào đón các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có những nhà lãnh đạo đầy quyền lực, như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, đến thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào cuối tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G20).

Những hình ảnh làm đẹp bộ mặt thành phố, như những bức tượng sư tử cao 1,8 mét và đài phun nước được dựng trên các nút giao thông với những luống hoa ngập tràn đã được hoàn tất sẵn sàng chào đón khách quý. Hàng ngàn cảnh sát đã đóng quân dọc các con đường, được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên các đường phố New Delhi.

Truyền thông quốc tế cho rằng, hiếm có quốc gia nào gây ấn tượng như Ấn Độ khi đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 trong một năm qua. Nhiệm kỳ chủ tịch của Ấn Độ bắt đầu vào đầu năm 2023 đã được đánh dấu bằng một chiến dịch tuyên truyền, quảng bá rầm rộ.

G20 và khát vọng mang tên Ấn Độ -0
Hình ảnh quảng bá cho G20 ở New Delhi.

Tại các thành phố, thị trấn, sân bay, nhà ga và đường cao tốc trên khắp đất nước, những tấm biển quảng bá G20 có hình Thủ tướng Narendra Modi với thông điệp khẳng định rằng “Bây giờ là thời điểm cho một G20 đầy tham vọng và quyết đoán”. Hơn 200 cuộc họp liên quan đến việc tổ chức G20, nhiều hơn bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào trước đây, đã được tổ chức tại các thành phố trên khắp đất nước.

Thông điệp của chiến dịch rất rõ ràng: Dưới thời ông Modi, Ấn Độ đã trở thành một đối tác toàn cầu đáng được coi trọng và uy tín của G20 cũng như các vị khách nước ngoài quan trọng sẽ là thời điểm Ấn Độ thể hiện điều này với thế giới. Mohan Kumar, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Pháp và Bahrain, nói rằng “có lẽ chúng tôi đã hơi quá đáng một chút”, nhưng nhấn mạnh rằng vì Ấn Độ vẫn bị từ chối một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên “đây là diễn đàn địa chính trị lớn duy nhất trong đó Ấn Độ được đại diện đầy đủ, vì vậy có thể mong đợi một cú hích lớn”.

Tuy nhiên, với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác nhận ông sẽ không tham dự và sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một số người đã đặt câu hỏi liệu G20 năm nay có thể mang lại kết quả thực chất nào không, đặc biệt là nếu các nước không thống nhất được một thông cáo chung lần đầu tiên kể từ khi hội nghị này bắt đầu vào năm 1999. Mặc dù thường xuyên xảy ra tranh chấp gay gắt nhưng thông cáo chung là tài liệu đồng thuận quan trọng giữa các nước G20.

Trong tất cả các cuộc họp từ đầu năm đến nay, nước chủ nhà Hội nghị G20 đã không thể thuyết phục Trung Quốc và Nga đồng ý về ngôn ngữ không chỉ liên quan đến cuộc chiến Ukraine mà còn cả năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và khoáng sản.

Trung Quốc là quốc gia đang có xung đột biên giới căng thẳng với Ấn Độ, thậm chí còn phản đối việc Ấn Độ đưa cụm từ tiếng Phạn Vasudhaiva Kutumbakam - nghĩa là “thế giới là một gia đình” - vào các tài liệu, cho rằng tiếng Phạn không phải là một trong các ngôn ngữ chính thức được Liên hợp quốc công nhận.

Ông Alok Sheel, cựu chuyên gia đàm phán của Ấn Độ tại một số Hội nghị thượng đỉnh G20 và là thành viên trong Hội đồng Cố vấn kinh tế của Thủ tướng Modi, cho biết hội nghị năm nay diễn ra trong một giai đoạn khó khăn đối với Ấn Độ trong các mối quan hệ của nhóm G20. Ông Sheel nói: “G20 thiên về các kết quả đa phương hơn và tôi đã hy vọng sẽ có sự tập trung nhiều hơn vào vấn đề đó. Vấn đề hiện đang được đặt ra là đây có thể là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên không đạt được thỏa thuận”.

Các nhà phân tích cho rằng chiến dịch tuyên truyền, quảng bá G20 nhằm giới thiệu Ấn Độ của Thủ tướng Modi như một cường quốc đang phát triển toàn cầu. Ông Modi cũng đã nói: “Trong một thời gian dài, Ấn Độ được coi là quốc gia có 1 tỷ người với cái bụng đói. Bây giờ là 1 tỷ cái đầu đầy khát vọng và 2 tỷ bàn tay lành nghề”.

Nhiều người suy đoán rằng quyết định trì hoãn chức Chủ tịch G20 của Ấn Độ đến năm 2023 được thực hiện để đảm bảo nó trùng với thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024, trong đó ông Modi và chính phủ do đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông lãnh đạo sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba trong đó chính sách đối ngoại được ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử.

Giáo sư chính sách đối ngoại Happymon Jacob tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi cho biết: “Trong cuộc bầu cử năm 2024, ông Modi muốn thể hiện mình là một chính khách toàn cầu, là nhà lãnh đạo của một quốc gia được cộng đồng quốc tế tôn trọng và coi trọng”.

Điều đó được minh chứng bằng thực tế các chính phủ phương Tây đang “xếp hàng” để tiếp đón ông Modi, khi ảnh hưởng của Ấn Độ đã tăng lên. Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ 5 và tăng trưởng nhanh nhất, là đối trọng quan trọng với Trung Quốc. Ở Pháp, ông Modi gần đây là khách mời danh dự tại Ngày Bastille (14/7); rồi ông được Tổng thống Mỹ Biden thăm cấp nhà nước; và trong chuyến thăm Australia gần đây, Thủ tướng Anthony Albanese đã gọi ông là “ông chủ” trước đám đông 20.000 người ở Sydney.

Có người nói rằng, dưới thời ông Modi, Ấn Độ đã có được sự tôn trọng quốc tế và vị thế địa chính trị. Như Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nói: “Ấn Độ đã đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào thời điểm Ấn Độ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với thế giới”. Và, mới đây, trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, Ấn Độ đã đáp thành công tàu thăm dò trên Mặt trăng, là một thành tựu rất quan trọng đưa Ấn Độ lên một “tầm cao mới”.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.