G20 với áp lực thay đổi
Thế kỷ trước, 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cùng nhau ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm 1990. Mặc dù nhóm này bao gồm nhiều quốc gia đến từ Nam bán cầu, nhưng các thành viên phương Tây giàu có thường có ảnh hưởng lớn nhất và gạt bỏ ưu tiên của các nước đang phát triển ra khỏi bàn đàm phán khiến G20 trở thành một trong nhiều ví dụ của việc phương Tây chi phối các vấn đề toàn cầu tới mức gây tổn hại cho phần còn lại của thế giới.
Mất cân bằng
Nhưng khi các nhà lãnh đạo nhóm họp tại Ấn Độ lần này, ngay sau nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia và trước thềm nhiệm kỳ chủ tịch của Brazil, G20 đã sẵn sàng mở ra một kỷ nguyên chưa từng có không chỉ về ảnh hưởng mà còn về công bằng kinh tế cho khu vực Nam bán cầu.
Sự lãnh đạo quốc tế mất cân bằng, trong và ngoài G20, đã tạo ra một hệ thống không phù hợp với tất cả các nước: Hệ thống này khiến các quốc gia bị bỏ qua gặp khó khăn về tài chính. Các quốc gia đang phát triển nhận thấy họ đang phải chịu gánh nặng nợ nần, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và không thể cân nhắc các vấn đề mà họ quan tâm nhất, trong khi phương Tây tương đối giàu có hơn lại quyết định số phận của họ. Nhiều nước chỉ có một phần nhỏ tiếng nói trong Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức tài chính khác trong việc đặt ra các điều kiện cho sự phát triển kinh tế của mình. Và mặc dù họ cũng phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và vật lộn với các công nghệ mới nổi giống như phần còn lại của thế giới, nhưng rõ ràng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không đồng đều và tác động của đại dịch COVID-19 cho thấy họ không có cùng cách tiếp cận các giải pháp.
Nợ công đã trở thành nguyên nhân cũng như hậu quả của tình trạng bất bình đẳng toàn cầu. Khoảng 60% số quốc gia có thu nhập thấp và ¼ số quốc gia có thu nhập trung bình đang trong cảnh nợ nần chồng chất và buộc phải trả lãi suất - số tiền lẽ ra họ sẽ chi cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng cho người dân. Nigieria dành hơn 95% doanh thu để trả nợ, trong khi các nước giàu có hơn trả lãi suất thấp hơn nhiều và chỉ chi một phần nhỏ tài sản để trả nợ. Năm 2022, Mỹ chỉ chi 2% GDP để trả nợ quốc gia. Việc tìm kiếm một khuôn khổ công bằng hơn cho tài chính quốc tế không chỉ là nhu cầu kinh tế, mà còn là vấn đề đạo đức.
Việc chứng kiến Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, tận dụng chức chủ tịch G20 để tập trung vào các vấn đề tác động đến phần lớn các nước trên toàn cầu, nhất là những vấn đề liên quan đến công bằng kinh tế, là điều đáng khích lệ. Khi mới bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ đã triệu tập các nước đi vay lẫn các nước cho vay tại Hội nghị bàn tròn về nợ công toàn cầu lần đầu tiên đầy hứa hẹn, do Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cũng như đại diện của WB và IMF đồng chủ trì. Sức ép từ G20 có thể đẩy nhanh việc giảm nợ cho các nước đang gặp khó khăn và tập hợp thêm nhiều nước cho vay ngoài nhóm truyền thống gồm các quốc gia phát triển được gọi là Câu lạc bộ Paris. Sức ép này cũng có thể giúp huy động nguồn tài chính ưu đãi lớn hơn, bao gồm cả vốn vay lãi suất thấp, viện trợ không hoàn lại và đầu tư tư nhân.
Mục tiêu giảm nợ công
Bản thân nhiều quốc gia G20 cũng là chủ nợ, và điều này mang lại cho họ cơ hội cải thiện Khuôn khổ chung của G20 về giảm nợ. Họ cũng có thể điều tiết vốn tư nhân trong phạm vi biên giới của mình và khuyến khích sự tham gia công bằng hơn vào các thỏa thuận cho vay. Với một chương trình nghị sự bao gồm nhiều kế hoạch hành động - từ cơ cấu lại khoản vay đến xóa nợ, hội nghị bàn tròn có khả năng thực hiện các bước quan trọng hướng tới cải cách cách thức cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển.
Cải cách tài chính phát triển là vấn đề nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2023, dựa trên nỗ lực của Indonesia trong việc xem xét lại giới hạn cho vay của các ngân hàng phát triển đa phương trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của nước này. Năm 2023, G20 kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và tổ chức đối tác mở rộng nguồn đầu tư, có thể dự đoán và bền vững hơn cho các nền kinh tế mới nổi.
Một nguồn tài trợ bổ sung tiềm năng có thể đến từ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - một dạng tài sản do IMF phát hành để bổ sung vào nguồn dự trữ tiền tệ. Không được sử dụng đúng mức bởi các quốc gia giàu có hơn và không được phân bổ đúng mức cho những nước có nhu cầu cao nhất, SDR có thể làm tăng tính thanh khoản của các nước đang phát triển trong những giai đoạn phục hồi kinh tế quan trọng. Sức ép tại G20 buộc các nước giàu có hơn phải phân phối lại tài sản cho các nước nghèo hơn nhằm đảm bảo các nguồn lực được phân bổ công bằng hơn, dựa trên nhu cầu chứ không phải dựa trên quy mô của nền kinh tế quốc gia, ngày càng tăng.
Ngoài cải cách tài chính phát triển, G20 có thể dẫn đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn bằng cách vận động các nước khác và khu vực tư nhân chấp nhận mức thuế doanh nghiệp quốc tế cao hơn và đầu tư nhiều hơn vào hàng hóa công toàn cầu, như trong lĩnh vực bảo tồn môi trường và phát triển công nghệ. Khi làm vậy, G20 có thể hỗ trợ đầu tư vào các nước đang phát triển mang lại lợi tức cho tất cả các nước.
Khuếch đại tiếng nói từ Nam bán cầu
Ấn Độ cũng đã tận dụng vai trò Chủ tịch G20 để khuếch đại tiếng nói từ Nam bán cầu, vốn đã bị từ chối một ghế tại hội nghị. Đáng chú ý nhất là việc Ấn Độ bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất trao cho Liên minh châu Phi (AU) tư cách thành viên thường trực chính thức trong G20, mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu. Đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ của Brazil, Nhật Bản, Nam Phi, Mỹ và nhiều thành viên khác. Sự vắng mặt của AU, nhất là khi Liên minh châu Âu (EU) là thành viên lâu năm của nhóm này, đã làm suy yếu tính hợp pháp của một diễn đàn được cho là mang tính đại diện. Việc bao gồm cả AU sẽ bổ sung khía cạnh có giá trị và bị loại trừ từ lâu của một trong những khu vực năng động và phát triển nhanh nhất thế giới.
Việc ra quyết định trong nhóm mở rộng này sẽ trở nên khó khăn hơn, tuy nhiên, điều này sẽ chỉ phản ánh tình trạng quản trị toàn cầu, vốn đã phát triển quá mức cần thiết, vượt ra ngoài hiện trạng mang tính tập trung, loại trừ của thế kỷ 20. G21 có thể bừa bộn, nhưng sẽ đáng tin cậy hơn G20, vì nó thu hút sự quan tâm của cả G7 do phương Tây chi phối và các cường quốc BRICS mới nổi và đang mở rộng (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và một số thành viên mới). Chỉ bằng cách phản ánh lợi ích tập thể thì một nhóm năng động như vậy mới có thể tạo ra các chiến lược có ý nghĩa.
Các quốc gia thành viên rất hào hứng với việc mở rộng nhóm và sự hào hứng này sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu G20 muốn duy trì vai trò của mình với tư cách một tổ chức, thì họ phải tiếp tục chuyển đổi theo hướng mở rộng. Dựa trên mô hình của 2 nhiệm kỳ chủ tịch G20 trước đây, các nhà lãnh đạo trên trường quốc tế phải tạo điều kiện để những bên phải đối mặt với thách thức có thể tham gia xây dựng các giải pháp đổi mới, như việc Indonesia tập trung vào cải cách ngân hàng phát triển đa phương và Ấn Độ tiếp tục ủng hộ đề xuất trao tư cách thành viên chính thức cho AU.
Các quốc gia Nam bán cầu đã xây dựng được nhiều công cụ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi của riêng họ. Ở Indonesia, những nỗ lực do người bản địa dẫn đầu nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành mô hình bảo tồn thông minh và toàn diện. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã đầu tư vào giáo dục để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua Viện Khoa học, công nghệ và quản lý Ấn Độ, cũng như các tổ chức nghiên cứu hàng đầu - một vài trong số đó được Quỹ Ford hỗ trợ khi mới thành lập. Các nước đang phát triển có các thể chế và chuyên môn để làm gương dẫn dắt các cuộc đối thoại về cải cách toàn cầu. Giờ đây, nhiệm vụ của G20 và các cơ quan quản lý toàn cầu khác là đi theo sự dẫn dắt của họ và góp phần thúc đẩy sự phát triển của các chiến lược đó trên quy mô lớn.
Phát huy động lực
Với nhiệm kỳ Chủ tịch G20 sắp tới, Brazil và Nam Phi có cơ hội phát huy động lực mà các nước tiền nhiệm đã tạo ra. Giống như việc các quốc gia đã cùng nhau hợp tác hơn 3 thập kỷ trước để thừa nhận “trách nhiệm chung như có sự khác biệt” trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Hội nghị thượng đỉnh New Delhi và những hội nghị kế tiếp phải điều chỉnh các ưu tiên chung của G20 hướng tới một nền kinh tế toàn cầu công bằng hơn.
Trong 4 năm qua, việc thiết lập tiêu chuẩn mới - chứ không phải việc vị trí chủ tịch G20 thuộc về các nước đang phát triển - mới là điều bất thường. Đó có thể là sự khởi đầu của một G20 tập trung vào trí tuệ của những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hành động của nhóm, hiểu được rằng nợ là cơ chế cần thiết cho sự tăng trưởng, chứ không phải là công cụ trừng phạt cản trở tăng trưởng; coi quyền tham gia hoạt động kinh tế là điều kiện tiên quyết cần thiết cho hành động hợp tác, và tập hợp các đối tác thuộc khu vực tư nhân, các tổ chức từ thiện và các tổ chức khác xây dựng các hệ thống và giải pháp phù hợp cho tất cả các nước.