G7 công bố “kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài” cho Ukraine

Thứ Bảy, 15/07/2023, 08:10

Kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva hôm 12/7, tuy Ukraine vẫn đứng ngoài Liên minh Bắc Đại Tây Dương nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky hài lòng ra về sau khi được khối G7 và các đồng minh mạnh mẽ cam kết “hỗ trợ về an ninh một cách lâu dài”. Mục tiêu là tăng cường “khả năng phòng thủ” của Ukraine, ngăn cản mọi kế hoạch quân sự của Nga.

Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào lúc mà các nước đồng minh đang đúc kết bản tuyên bố chung đã không thay đổi được gì. Tổng thống Ukraine không thuyết phục được các lãnh đạo NATO đồng ý về một bản tuyên bố chung cùng với lịch trình cụ thể kết nạp Kiev vào liên minh.

Chung cuộc, lập trường thận trọng nhất đã chiếm thế áp đảo. Đó là quan điểm của Mỹ và Đức, muốn tránh leo thang xung đột với Nga. Như vậy là Ukraine sẽ được mời gia nhập NATO trừ khi các nước đồng minh chấp thuận và hội đủ các điều kiện. Nhượng bộ duy nhất là Ukraine sẽ đốt ngắn được một giai đoạn, tức là sẽ không phải trải qua giai đoạn thực hiện các nghĩa vụ chính trị, kinh tế và quân sự được ấn định trong kế hoạch hành động để gia nhập Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương.

G7 công bố “kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài” cho Ukraine -0
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và Tổng Thư ký NATO Jens Stoitenberg tại thượng đỉnh NATO ở Litva, ngày 12/7.

Trong khi chờ đợi Kiev, NATO sẽ đẩy mạnh thêm quan hệ nhằm chuẩn bị cho các cuộc thương lượng trong tương lai trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Ukraine. Hội đồng này đã có cuộc họp đầu tiên vào hôm 12/7. Đây là cơ hội để các bên bàn thảo trở lại về những biện pháp bảo đảm an ninh, hỗ trợ quân sự, tài chính, về vật chất cho một quốc gia đang phải đối mặt với chiến tranh. Đây là một định dạng mới nhằm tăng cường hợp tác giữa Kiev và liên minh NATO gồm 31 quốc gia.

Ông Stoltenberg giải thích rằng, Hội đồng NATO-Ukraine sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên ở cấp nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, tổng tham mưu trưởng và đại sứ. Ngoài ra, các nhóm công tác chuyên đề đặc biệt sẽ được thành lập. Điều đó có nghĩa rằng, cơ quan này sẽ chính xác như Hội đồng Nga-NATO, được thành lập vào năm 2002.

NATO, một liên minh dựa trên sự đảm bảo an ninh chung - khái niệm tấn công vào một bên là tấn công vào tất cả - đã cẩn thận tránh mở rộng bất kỳ sự can dự quân sự vững chắc nào tới Ukraine, vì lo sợ nó có thể tiến gần hơn đến một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga. Tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg khẳng định “tương lai của Ukraine là ở trong NATO” nhưng khối này không nói rõ là khi nào. Và, để đưa ra “một tín hiệu mạnh” gửi tới Moscow, phương Tây hôm 12/7 công bố một “kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài” cho Ukraine. Trong khi đó, khối G7 và một số quốc gia khác cam kết hỗ trợ Ukraine “xây dựng lại một lực lượng quân đội đủ sức tự vệ và tránh mọi cuộc tấn công trong tương lai”.

Thông cáo chung của G7 nhấn mạnh, đây sẽ là một chương trình “đầu tư lâu dài”. Lãnh đạo 7 cường quốc công nghiệp thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Canada) có một cuộc họp với Tổng thống Ukraine và các bên chính thức công bố “kế hoạch hỗ trợ an ninh lâu dài” đó. Khối G7 cam kết tiếp tục yểm trợ Ukraine đặc biệt là giúp quốc gia này nâng cao khả năng phòng không, pháo binh, tình báo, huấn luyện. Trên thực tế, điều này sẽ chuyển thành các thỏa thuận song phương với Kiev về viện trợ tài chính và quân sự dài hạn để duy trì hoạt động kinh tế và quân sự của Ukraine.

G7 công bố “kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài” cho Ukraine -0
G7 cam kết cung cấp thiết bị quân sự hiện đại trên bộ, trên biển và trên không cho Ukraine.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ "sớm" bắt đầu các cuộc đàm phán như vậy với Kiev. "Chúng tôi hy vọng các đồng minh và đối tác khác ngoài G7 sẽ muốn tham gia sau đó và thực hiện các thỏa thuận song phương của riêng họ", quan chức này nói. Một số quốc gia khác sẽ tham gia vào sáng kiến này, trong đó có Ba Lan và Rumania cũng như một số quốc gia trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương như Australia, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Ngoài ra, G7 tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực kinh tế, chính trị đối với Nga liên quan đến chiến dịch đặc biệt của nước này ở Ukraine. "Chúng tôi sẽ làm việc để đảm bảo rằng các biện pháp gây áp lực cho Nga tiếp tục tăng lên, bao gồm thông qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, cũng như hỗ trợ các nỗ lực buộc tội những người chịu trách nhiệm bao gồm cả những người liên quan đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng", thông báo của G7 nói. Các nước G7 tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục hỗ trợ "nỗ lực của các cơ chế quốc tế, chẳng hạn như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã viết trong bài báo "Thời đại đối đầu", đăng trên Rossiyskaya Gazeta, rằng phương Tây sẽ cần cải tổ một số tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc, trong nỗ lực để đạt được một thỏa hiệp với Liên bang Nga. Trả lời phỏng vấn nhật báo Lenta.ru, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga duy trì lập trường của mình về các vấn đề cần thiết để giải quyết tình hình ở Ukraine. "Lập trường của chúng tôi không thay đổi đáng kể. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, nhưng chúng tôi sẽ tuân theo các lợi ích hợp pháp của mình và sẽ cân bằng các cách tiếp cận để đạt được một giải pháp khả thi với tình hình thực địa", ông Lavrov cho biết.

Ngày 12/7, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng các kế hoạch của G7 nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine là nguy hiểm vì chúng xâm phạm an ninh của Nga. "Chúng tôi có quan điểm tiêu cực về việc Ukraine đòi gia nhập NATO và tuyên bố gần đây của các quốc gia G7 rằng họ sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh và đưa ra thông báo liên quan đến Ukraine. Chúng tôi tin rằng đó là một sai lầm và nó có thể rất nguy hiểm", Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.

Ông Peskov lưu ý rằng "bằng cách cung cấp bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, trên thực tế, các quốc gia này cho thấy sự coi thường nguyên tắc quốc tế về an ninh không thể chia cắt. Điều này có nghĩa là bằng cách cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, họ đang xâm phạm an ninh của Nga", ông nhấn mạnh. Người phát ngôn của Tổng thống Nga chỉ ra rằng quyết định như vậy của G7 có thể gây ra những hậu quả tiêu cực trong dài hạn, trung hạn và thậm chí là ngắn hạn. "Chúng tôi hy vọng rằng những ý kiến này bằng cách nào đó sẽ được lắng nghe và sự khôn ngoan sẽ được thể hiện bởi nếu không, bằng cách đưa ra những quyết định như vậy, các quốc gia này đang biến châu Âu thành một nơi nguy hiểm hơn nhiều trong nhiều năm tới", ông Peskov cảnh báo.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.