Gian nan Sudan

Thứ Hai, 21/04/2025, 07:30

Nước Anh vừa làm chủ nhà một hội nghị quốc tế về hòa bình cho Sudan. Đáng tiếc là hội nghị không ra được thông cáo chung như bao hội nghị quốc tế đa phương, mà chỉ có một “thông báo kết luận” do 3 nước Anh, Pháp và Đức phối hợp ban hành nhằm thể hiện “quyết tâm theo đuổi hòa bình cho Sudan” của các cường quốc châu Âu.

Hội nghị là nỗ lực chung do nước Anh đề xuất và phối hợp cùng Đức và Pháp tổ chức nhằm thành lập một nhóm liên lạc để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Sudan. Hội nghị diễn ra tại Lancaster House ở London, ngày 15/4, đúng dịp kỷ niệm 2 năm ngày nổ ra cuộc nội chiến dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới nhưng vẫn liên tục bị lãng quên trong nghị sự ngoại giao toàn cầu. 

Bộ Ngoại giao Anh đã không mời các nhân vật chính của cuộc chiến hoặc thành viên nào của xã hội dân sự. Mục tiêu của hội nghị được đặt ra một cách khiêm tốn là tìm kiếm sự đồng thuận về một nhóm liên lạc quốc tế do Liên minh châu Phi lãnh đạo và các cam kết mới nhằm chấm dứt các hạn chế về viện trợ.

Hội nghị coi như đã đổ vỡ khi các quốc gia Arab từ chối ký vào bản thông cáo chung. Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ rất buồn khi không đạt được thỏa thuận về một giải pháp chính trị tiến triển, nhưng khẳng định đã có những tiến bộ khác. 

Gian nan Sudan -0
Tướng Abdul Fattah al-Burhan (giữa).

Do không có thông cáo chung, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy và những người đồng cấp từ Pháp, Đức, Liên minh châu Phi và EU đã đưa ra tuyên bố đồng chủ tịch chung cam kết ủng hộ “những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và bác bỏ mọi hoạt động, bao gồm cả sự can thiệp từ bên ngoài, làm gia tăng căng thẳng kéo dài hoặc tạo điều kiện cho giao tranh”. Tuyên bố cũng kêu gọi một giải pháp không dẫn đến việc phân chia Sudan.

Ông Lammy đã mở đầu hội nghị với nhiều hy vọng lớn. “Nhiều người đã từ bỏ Sudan. Điều đó là sai”, ông nói. “Thật sai trái về mặt đạo đức khi chúng ta chứng kiến quá nhiều thường dân bị giết, trẻ sơ sinh chỉ mới 1 tuổi đã phải chịu bạo hành, nhiều người phải đối mặt với nạn đói hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chúng ta không thể làm ngơ. Và, khi tôi nói, thường dân và nhân viên cứu trợ tại trại tị nạn El Fasher và Zamzam đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực không thể tưởng tượng nổi. Rào cản lớn nhất không phải là thiếu kinh phí hoặc văn bản tại Liên hợp quốc, mà là thiếu ý chí chính trị. Rất đơn giản, chúng ta phải thuyết phục các bên tham chiến bảo vệ thường dân, cho phép viện trợ vào và trên khắp đất nước và đặt hòa bình lên hàng đầu”.

Tuy nhiên, nỗ lực thuyết phục các quốc gia Arab đồng ý về một bộ nguyên tắc ngoại giao cho một nhóm liên lạc trong tương lai của ông đã không mang lại kết quả. Các quan chức đã nói rằng hội nghị không phải là nỗ lực hòa giải hoặc cam kết viện trợ, mà thay vào đó nhằm mục đích xây dựng sự gắn kết chính trị lớn hơn về tương lai của Sudan giữa nhiều quốc gia đã tuyên bố có lợi ích tại quốc gia này. 

Mục đích của việc thành lập nhóm liên lạc là thuyết phục các quốc gia Trung Đông tập trung vào ngoại giao thay vì củng cố các phe phái đang giao tranh. Nhưng, ngay từ đầu, các quan chức đã phải vật lộn để tìm ra cách diễn đạt trung lập mà Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất có thể chấp nhận về tương lai của Sudan. 

Cuộc tranh cãi kéo dài cả ngày giữa Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất về thông cáo chung đại diện phản ánh một thất bại ngoại giao lớn đối với các quốc gia đồng chủ trì những nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến ở Sudan. Sudan và các nước khác từ lâu đã cáo buộc UAE cung cấp vũ khí cho RSF - còn UAE thì cực lực phủ nhận - trong khi Ai Cập vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Sudan. Điều đó phản ánh việc bàn bạc, thảo luận về cái gọi là “hòa bình” hay “ngừng bắn” thực chất chỉ là những lời nói suông, không có hành động cụ thể nào để thuyết phục các bên tham chiến tin tưởng. Chính phủ Sudan đã chỉ trích những người tổ chức hội nghị vì đã không mời họ tham gia trong khi vẫn mời UAE.

Hy vọng về đàm phán để kết thúc cuộc xung đột càng trở nên mờ nhạt hơn vào tối 15/4 khi người đứng đầu tổ chức Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) Mohamed Hamdan Dagalo, còn gọi là Hemedti, tuyên bố thành lập một “chính phủ” cạnh tranh với chính quyền hiện tại được quân đội hậu thuẫn.

Cuộc nội chiến ở Sudan nổ ra vào tháng 4/2023, bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa RSF của ông Dagalo và quân đội do tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy. Nguồn gốc của cuộc chiến có thể bắt nguồn từ cuối năm 2018, khi nổ ra các cuộc biểu tình của người dân phản đối Tổng thống Bashir. Lãnh đạo quân đội Sudan, tướng Abdel Fattah al-Burhan, đã liên minh với thủ lĩnh RSF Dagalo để lật đổ ông Bashir trong một cuộc đảo chính vào tháng 4/2019.

Sau đó, họ lại liên minh với nhau vào năm 2021 để lật đổ chính phủ dân sự. Tuy nhiên, Hemedti từ lâu đã thèm muốn quyền lực tối cao cho riêng mình và mâu thuẫn giữa hai bên đã leo thang thành chiến tranh toàn diện chưa đầy 2 năm sau đó (4/2023).

Tại Darfur, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong năm đầu tiên của cuộc chiến, trong các cuộc tấn công được ghi chép rõ ràng của RSF và các lực lượng dân quân đồng minh vào nhóm người Masalit không phải người Arab và các nhóm dân tộc khác. 

Từ 2 tuần qua, RSF đã tiến hành các cuộc tấn công trên bộ và trên không vào các trại tị nạn El Fasher, Zamzam và Abu Shouk. Một phát ngôn viên của Liên hợp quốc cho biết Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc đã xác minh 148 vụ giết người và nhận được báo cáo từ "các nguồn đáng tin cậy" rằng tổng số người chết đã vượt quá 400. Hãng tin Reuters đưa tin dữ liệu từ Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc cho thấy có tới 400.000 người đã phải di dời khỏi trại Zamzam.

Vào tháng 1/2025, Mỹ chính thức tuyên bố rằng RSF đã phạm tội diệt chủng, đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy 30 năm, tội diệt chủng đã xảy ra ở Sudan.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.