Hamas đang giữ bao nhiêu con tin và số phận của họ sẽ ra sao?
Hôm 10/12, Qatar cho biết họ đang nỗ lực vận động để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza. Theo các nhà phân tích, một trong những điều kiện đáng chú ý nhất vẫn là việc Hamas có thể trả tự do cho bao nhiêu con tin Israel?
Hamas còn giữ bao nhiêu con tin?
Như đã biết, trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 7/10, Hamas đã bắt theo hơn 240 thường dân và binh lính Israel khi rút về Dải Gaza. Số lượng này đã được Israel điều chỉnh ước tính trong suốt cuộc xung đột, khi các con tin được giải thoát và các nhà điều tra xác định rõ danh tính các nạn nhân của cuộc tấn công hôm 7/10 cũng như thu được thông tin mới.
Sau khi Israel đáp trả bằng một chiến dịch quân sự dữ dội chưa từng có nhằm tiêu diệt Hamas và giải cứu các con tin, cộng đồng quốc tế - trong đó nổi bật là Qatar và Mỹ - đã thuyết phục đôi bên đồng ý về một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hôm 22/11. Theo đó, Hamas đã thả hàng chục con tin để đổi lấy việc Israel trả tự do cho hàng trăm tù nhân Palestine (cùng với việc mở ra hành lang nhân đạo để cứu trợ cho người dân Gaza).
Trong giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn, Hamas đã thả 50 con tin dân sự để đổi lấy 150 tù nhân Palestine trong thời gian 4 ngày, bên cạnh các con tin được thả theo các thỏa thuận riêng biệt. Israel và Hamas đã gia hạn thỏa thuận tổng cộng 3 ngày, tiếp tục mô hình 3 tù nhân Palestine đổi lấy 1 con tin Israel. Nhưng, sự trao đổi này chỉ gồm phụ nữ và trẻ vị thành niên ở cả hai bên, mặc dù Hamas đã thả những người đàn ông đến từ Thái Lan và một con tin người Nga theo các thỏa thuận riêng của họ với các nước khác.
Lệnh ngừng bắn kết thúc vào ngày 1/12 vì Israel cho biết Hamas không thể đưa ra danh sách con tin mới, khiến họ phải nối lại chiến dịch quân sự. Cho đến khi ấy, Hamas đã thả 109 con tin. Trong số đó, 105 người đã được trao trả trong thời gian giao tranh tạm dừng bắt đầu vào ngày 24/11, bao gồm 81 công dân Israel hoặc “Israel kiều” có hai quốc tịch, 23 công dân Thái Lan và 1 công dân Philippines.
Có nhiều ước tính khác nhau, nhưng truyền thông nhà nước Israel cho biết vẫn còn 138 con tin chưa được đưa về nhà. Trong đó có 127 người Israel hoặc “Israel kiều” mang hai quốc tịch. Con số kể trên cũng bao gồm cả thi thể của 19 con tin, binh lính và dân thường, những người mà Israel xác định là không còn sống, dựa trên thông tin tình báo (chẳng hạn cảnh quay của camera an ninh) và lời kể của các nhân chứng.
Các con tin là ai và bị giam giữ ở đâu?
Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ chính quyền Israel cho biết, những con tin đang bị giam giữ ở Gaza đến từ 29 quốc gia. Nhiều người có hai quốc tịch. Hàng chục người là lao động đến từ châu Á hoặc châu Phi, trong đó có một nhóm lớn nông dân Thái Lan. Một số con tin đang tham dự lễ hội âm nhạc ở miền Nam Israel gần Dải Gaza; một số là cư dân hoặc du khách tại các kibbutzim, tức những cộng đồng nông nghiệp kiểu “hợp tác xã” của Israel.
Hãng tin Reuter dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan cho biết, khoảng hơn 20 người Mỹ vẫn đang mất tích ở Gaza song không rõ có bao nhiêu người trong số đó bị bắt làm con tin. Thái Lan thì đã sửa đổi số lượng công dân của họ còn bị giam giữ tại Gaza lên 17. Theo truyền thông địa phương, có 8 người Đức nằm trong số các con tin, khoảng một nửa trong số họ bị bắt giữ tại một kibbutzim.
Cựu Tổng thống Argentina Alberto Fernandez nói trong một cuộc gọi video rằng 16 đồng hương của ông đang bị giam giữ tại Gaza. Người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak cho biết ít nhất 9 công dân Anh đã thiệt mạng và 7 người mất tích. Trong chuyến đi tới Israel mới đây, ông Sunak đã gặp gia đình của hai trong số những người mất tích được cho là đã bị bắt làm con tin và bị giam giữ ở Gaza.
Pháp chưa công bố chính xác có bao nhiêu công dân nước này bị giữ ở Gaza, dù có 7 người Pháp mất tích sau các vụ tấn công. Còn theo Chính phủ Hà Lan, một thanh niên nước này có tên Ofir Engel, 18 tuổi, đã bị các chiến binh Hamas bắt góc từ kibbutz và đưa đến Gaza.
Về phần mình, Hamas cho biết các con tin bị giữ tại nhiều địa điểm trên khắp Gaza, một động thái sẽ giúp họ cản trở các hoạt động quân sự của Israel. Yocheved Lifshitz, một trong những con tin Israel được thả, cũng xác nhận điều này khi mô tả bà đã bị giam giữ trong một “mạng nhện” gồm những đường hầm sâu và ẩm ướt dưới lòng đất.
Các chuyên gia y tế cho biết các con tin đã phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt - đặc biệt đối với trẻ em. Và, việc này sẽ để lại tác động lâu dài về mặt tâm lý, nếu không muốn nói là cả về thể chất. Theo lời kể của gia đình và bạn bè những con tin đã được thả, họ không được cung cấp đủ thức ăn, nước uống và thuốc chữa bệnh. Nhưng, điều này thực ra chẳng có gì khó hiểu, bởi ngay cả người Palestine cũng đang thiếu thốn những điều kiện cơ bản ấy trong bối cảnh Dải Gaza bị bao vây, cô lập và liên tiếp hứng chịu bom đạn.
Áp lực giải cứu đè nặng lên Israel
Tình cảnh của các con tin và số phận mong manh của họ giữa bom đạn vô tình là áp lực cực lớn đối với chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Thời gian qua, người dân Israel đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, kêu gọi ông Netanyahu phải sớm có giải pháp đưa những công dân bị Hamas bắt giữ trở về. Người đứng đầu nhà nước Do Thái vì thế cũng cho biết, việc giải cứu con tin vẫn là một trong 3 mục tiêu chính của Israel trong chiến dịch tấn công Dải Gaza.
Mục tiêu rất rõ ràng. Nhưng, hoàn thành nó lại là bài toán khó. Hamas hiện không giam giữ tất cả các con tin còn lại. Nhóm Hồi giáo thánh chiến Palestine (Jihad Palestine), một đồng minh của Hamas mà Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, hồi tháng 10 cho biết họ cũng đang giam giữ hơn 30 con tin. Theo các nhà phân tích về Trung Đông, sở dĩ Hamas đã chuyển giao một số con tin của mình cho các phe phái khác là muốn làm phức tạp thêm các nỗ lực giải cứu của Israel và lôi kéo tất cả các nhóm vũ trang Palestine khác vào cuộc chiến này.
Hôm 3/12, các quan chức Israel trích dẫn thông tin tình báo mới nhất cho biết, 3 phụ nữ nước này và 2 trẻ em đang bị giam giữ bởi các nhóm chiến binh Palestine khác bắt giữ. Các con tin kể trên gồm cả nữ công dân Israel gốc Argentina, Shiri Bibas cùng 2 con trai của cô (Ariel, 4 tuổi và Kfir, 10 tháng tuổi). Ba mẹ con Bibas đã bị Hamas bắt trong cuộc tấn công hôm 7/10 và sau đó giao cho một phe phái khác. Trong thông báo mới đây, đại diện Hamas nói rằng Bibas và các con trai của cô đã chết, nhưng điều này phía Israel chưa xác nhận.
Báo Wall Street Journal hôm 10/12 cho hay, có hai con tin đã chết được quân đội Israel tìm thấy hồi tháng 11, gần khu phức hợp Bệnh viện Al-Shifa ở Gaza, nơi mà quân đội Israel cho rằng Hamas đã xây dựng một mạng lưới đường hầm phức tạp. Gần đây, Israel cũng công bố đoạn video ghi lại cảnh các chiến binh Hamas đưa hai con tin tới bệnh viện kể trên. Hai người này được xác định là một sinh viên Nepal vẫn đang bị giam giữ và một nông dân Thái Lan được thả vào ngày 26/11.
Hamas nói rằng, họ đưa con tin tới để điều trị vết thương ở tay. Nhưng, số phận của những người này ra sao thì chẳng ai biết được, nhất là khi Hamas mới đây còn đe dọa sẽ “không có con tin nào còn sống” trừ phi Israel đáp ứng các yêu cầu trao đổi của họ. Vì thế, song song với việc mở lại các đợt tấn công toàn diện để truy lùng và loại bỏ các thủ lĩnh Hamas, quân đội Israel cũng đang tích cực thả truyền đơn ở Gaza đề nghị bảo vệ và bồi thường tài chính cho những người Palestine có thể cung cấp thông tin về các con tin đang bị giam giữ trong khu vực.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Israel cho biết họ sẽ không kết thúc chiến dịch tấn công Gaza cho đến khi tiêu diệt được Hamas, nhưng bên cạnh áp lực quốc tế, còn có áp lực kinh tế trong nước và những lời kêu gọi thả con tin đang đặt ra những hạn chế về thời gian cho họ. Do đó, việc đàm phán về một lệnh ngừng bắn mới, điều mà Qatar đang làm trung gian xúc tiến, cũng được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Phát biểu khi tham dự một diễn đàn tại Doha (Qatar), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông đề nghị Hội đồng Bảo an gây áp lực để có một lệnh ngừng bắn mới tại Gaza, thậm chí người đứng đầu Liên hợp quốc còn tuyên bố “sẽ không từ bỏ lời kêu gọi ngừng bắn” cho đến khi nó trở thành hiện thực.
Trao đổi tù nhân, ván cờ không mới
Trao đổi tù nhân là vấn đề nổi bật trong cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine. Năm 2011, các chiến binh ở Gaza đã thả người lính Israel Gilad Shalit sau hơn 5 năm giam cầm anh này để đổi lấy 1.027 người Palestine - trong đó có thủ lĩnh cấp cao của Hamas là Yahya Sinwar.
Sau khi được tự do, ông Sinwar hoạt động rất tích cực và trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Hamas tại Gaza. Tel Aviv cũng cho rằng, ông Sinwar chịu trách nhiệm cao nhất cho cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 và một trong những mục tiêu chính của chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza là lùng bắt và loại bỏ nhà lãnh đạo 61 tuổi này.