Hamas “đặt tất tay” vào tháng Ramadan?
Yahya Sinwar, lãnh đạo Hamas ở Gaza, trông chờ tháng thánh lễ Ramadan của người Hồi giáo sẽ tạo ra những áp lực ngoại giao lên Israel nhằm chấm dứt chiến tranh.
Không có ngừng bắn
Hy vọng của cộng đồng quốc tế về việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza trước tháng Ramadan đã tiêu tan vào Chủ nhật (10/3), vài giờ trước khi người Palestine và những người Hồi giáo khác bắt đầu tháng ăn chay vào ban ngày. Lý do bởi Hamas lặp lại yêu cầu ngừng bắn toàn diện trong khi đây là điều Israel kiên quyết bác bỏ.
Ai Cập, Qatar và Mỹ đã tìm cách môi giới một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas trước khi bắt đầu tháng Ramadan năm nay, đã có sự lạc quan về một thỏa thuận vào phút cuối nhằm thả một số con tin Israel bị giữ ở Gaza và thả một số tù nhân Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Nhưng, nhiều tuần đàm phán gián tiếp đã bị đình trệ và lãnh đạo chính trị hàng đầu của Hamas Ismail Haniyeh cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm Chủ nhật rằng Hamas muốn có một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, đảm bảo lực lượng Israel rút khỏi Gaza, hồi hương những người Palestine bị di dời, đồng thời cung cấp nhu cầu nhân đạo cho người dân Gaza.
Ông Haniyeh cho biết nếu các nhà hòa giải thông báo cho Hamas rằng Israel cam kết chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Gaza và cho phép người dân di tản trở về phía Bắc thì nhóm Hồi giáo này sẽ sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt trong vấn đề trao đổi tù nhân Palestine lấy con tin.
“Kẻ thù phải hiểu rằng họ sẽ phải trả giá trong vấn đề trao đổi, nhưng ưu tiên hàng đầu là bảo vệ người dân của chúng tôi, chấm dứt xâm lược và thảm sát, đưa những người phải di dời về nhà của họ và mở ra một chân trời chính trị cho vấn đề của chúng tôi”, ông Haniyeh nói. “Nhưng, Israel chỉ muốn lấy lại tù nhân và sau đó tiếp tục cuộc chiến với người dân của chúng tôi”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với Tạp chí Politico hôm Chủ nhật, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng lệnh ngừng bắn chưa thể đạt được, đồng thời nói rằng ông “muốn thấy một lần thả con tin khác” nhưng chưa có bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán. “Nếu không có sự phóng thích con tin, cuộc chiến sẽ không thể tạm dừng”, ông Netanyahu nói, đồng thời cho biết vẫn để ngỏ khả năng tấn công vào Rafah, nơi được coi là thành trì cuối cùng của Hamas và đang có hơn 1 triệu người Palestine trú ngụ.
“Chúng tôi sẽ đến đó (Rafah). Chúng tôi sẽ không rời đi. Chúng tôi có một ranh giới đỏ, đó là sự kiện ngày 7/10 không được lặp lại nữa. Nó không bao giờ được phép xảy ra nữa”, Thủ tướng Israel nói.
“Canh bạc” của Hamas
Thái độ cứng rắn của đôi bên khiến nỗ lực vận động về một lệnh ngừng bắn đi vào ngõ cụt, song cả hai bên đều có cái lý và toan tính của mình.
Với Hamas, nhóm vũ trang Palestine này không vội vàng đồng ý với các điều kiện của Israel là bởi họ đánh cược rằng tháng chay Ramadan có thể biến động lực của cuộc chiến ở Gaza theo hướng có lợi cho họ, gây áp lực ngoại giao lên Israel để ngăn chặn cuộc tấn công nhằm vào thành trì cuối cùng Rafah.
Theo các nhà phân tích chính trị, người đứng đầu Hamas ở Gaza Yahya Sinwar tính toán rằng tháng Ramadan có thể gây ra bạo lực gần các địa điểm tôn giáo ở Jerusalem, mở rộng xung đột ra ngoài Gaza và kéo Iran và Hezbollah can dự sâu sắc hơn, trực tiếp hơn vào cuộc chiến chống lại Israel.
Mkhaimar Abusada, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Al-Azhar (Ai Cập), nhận định: “Hamas nghĩ rằng tháng Ramadan sẽ phục vụ lợi ích của họ”. Ông cho biết, việc các nhà lãnh đạo Hamas tin rằng tháng thánh lễ sẽ làm tăng áp lực quốc tế lên Israel để chấm dứt chiến tranh là “lý do tại sao Hamas luôn nói rằng họ không vội vàng” đồng ý với một lệnh ngừng bắn.
Đó là một chiến lược mạo hiểm đối với Hamas. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza đang trở nên tồi tệ hơn khi ngày càng có nhiều người dân phải vật lộn để tìm kiếm thức ăn. Sự bất mãn đang gia tăng trước việc Hamas từ chối đồng ý ngừng giao tranh.
Trong những năm gần đây, tháng Ramadan thường là tháng bạo lực gia tăng giữa người Israel và người Palestine. Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo thường nhịn ăn vào ban ngày, cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo, trang trí nhà cửa và tụ tập cùng gia đình, bạn bè vào buổi tối để ăn uống. Việc thiếu lương thực ở Gaza có nghĩa là năm nay nhiều người Palestine sẽ bị đói vì bị Israel phong tỏa chứ không phải vì hành lễ.
Rất ít người Palestine cũng có tâm trạng ăn mừng tháng thánh lễ. Theo các cơ quan y tế Palestine, hơn 30.000 cư dân Gaza đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào vùng đất này. Một cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah có thể khiến con số thương vong tăng cao hơn nữa vì thành phố này được bao phủ bởi các lều trại của người tị nạn từ phần còn lại của dải đất.
Trong khi đó, theo quan điểm của Israel, tiến vào Rafah là cách duy nhất để hoàn thành mục tiêu chiến tranh nhằm tiêu diệt Hamas với tư cách là một tổ chức quân sự. Các quan chức Israel cho biết, 5 tháng giao tranh ở Gaza sẽ vô ích nếu họ không chiếm được thành trì cuối cùng của Hamas.
Quân đội Israel ước tính họ đã gây thiệt hại cho 18 trong số 24 tiểu đoàn của Hamas, mỗi tiểu đoàn có khoảng 1.000 binh sĩ và 4 trong số các tiểu đoàn còn lại đang bám trụ ở Rafah. Thành phố này cũng được coi là trạm trung chuyển chính của Hamas để buôn lậu vũ khí từ Bán đảo Sinai của Ai Cập vào Dải Gaza.
Trừ khi các lực lượng và tuyến đường buôn lậu của Hamas bị giải tán, các quan chức Israel cho biết nhóm này sẽ có thể tổ chức một cuộc nổi dậy nhằm mục đích ngăn chặn bất kỳ ai khác quản lý Dải Gaza sau chiến tranh. Và, kịch bản như vậy sẽ không chỉ làm thất bại các mục tiêu của Israel mà còn làm mất đi hy vọng của Mỹ, châu Âu cũng như các quốc gia Arab về một ban lãnh đạo Palestine ôn hòa hơn để tiếp quản Gaza.
Ngòi nổ nằm ở Al-Aqsa
Dù những tuần gần đây, Israel đã rút hàng chục nghìn quân dự bị đang chiến đấu ở Gaza về nước, song các nhà phân tích quân sự ước tính, Tel Aviv có thể nhanh chóng triển khai lại lực lượng này để tiến hành một cuộc tấn công mặt đất ở Rafah.
Israel cho biết, họ sẽ tấn công Hamas ở Rafah chỉ sau khi các nỗ lực di dời dân thường ra khỏi nơi nguy hiểm được hoàn tất. Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel, đã kêu gọi Tel Aviv không tiến hành chiến dịch trên bộ ở Rafah cho đến khi có kế hoạch “đáng tin cậy” để bảo vệ dân thường đông đúc ở đó.
Trao đổi với Báo Wall Street Journal, Udi Dekel - một tướng Israel đã nghỉ hưu và là chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia ở Tel Aviv, nhận định rằng việc phát động một cuộc tấn công trên bộ ở Rafah trong tháng lễ Ramadan nhạy cảm sẽ rất rủi ro, nhưng Israel có thể mất đà trong cuộc chiến nếu chờ đợi.
Theo tướng Dekel, Israel đã trì hoãn các hoạt động quân sự lớn trên bộ ở Rafah cho đến nay để có thời gian đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời và giải phóng con tin. “Nhưng, nếu những cuộc đàm phán đó không đạt được kết quả thì Israel không còn lý do gì để chần chừ nữa”, vị tướng về hưu nói.
Liệu bạo lực có lan ra ngoài Gaza trong tháng Ramadan hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp rõ ràng. Nhưng, theo các quan chức Israel, Hamas đang tìm cách gia nhiệt cho căng thẳng khi vận động người Palestine và người Hồi giáo trên khắp thế giới tập trung về nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi.
Trong tháng Ramadan, nhiều tín đồ Hồi giáo theo truyền thống tập trung tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nằm trong một khu phức hợp được người Do Thái gọi là Núi Đền, nơi linh thiêng nhất của đạo Do Thái. Cảnh sát Israel thường xuyên đụng độ với người Palestine ở khu vực này trong những năm gần đây. Các cuộc đột kích của cảnh sát Isreael vào nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa vào năm 2022 và 2023 được Hamas viện dẫn là nguyên nhân dẫn đến vụ tấn công ngày 7/10 mà họ đặt tên là “chiến dịch lũ lụt Al-Aqsa”.
Trong một tuyên bố bằng video đăng trên kênh Telegram hôm 8/3, Abu Obeida - người phát ngôn của cánh quân sự Hamas, đã gọi tháng Ramadan là “tháng chiến thắng, tháng thánh chiến” và khẳng định thông qua cuộc chiến ở với Palestine, Hamas đang bảo vệ danh dự của người Hồi giáo trên toàn thế giới.
“Chúng tôi kêu gọi người dân của mình tuần hành về Jerusalem... cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo... và ngăn chặn sự chiếm đóng. Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa thuộc về chúng ta”, Abu Obeida tuyên bố.
Trong một động thái nhằm hạ nhiệt, các quan chức Israel cho biết nước này sẽ không hạn chế việc tiếp cận nhà thờ Al-Aqsa đối với công dân Arab của Israel. Nhưng, Chính phủ Israel vẫn chưa cho biết họ sẽ quản lý việc tiếp cận của người Palestine từ Bờ Tây đối với thánh địa như thế nào.
Ở những giai đoạn căng thẳng gia tăng trước đây, Israel đã ngăn chặn những người đàn ông trong độ tuổi chiến đấu từ Bờ Tây vào Jerusalem để giảm nguy cơ đụng độ. Đáp lại, người Palestine cáo buộc Israel đang lạm dụng quyền kiểm soát an ninh đối với thánh địa thiêng liêng của người Hồi giáo.