Hamas trước ngã ba đường
Các cuộc tấn công dữ dội của Israel nhằm vào lực lượng Hezbollah, thỏa thuận ngừng bắn ở Lebanon cũng như việc Iran đang yếu thế khiến Hamas ngày càng đơn độc. Trong bối cảnh cô đơn giữa ngã ba đường, phong trào của người Palestine này phải sớm đưa ra lựa chọn sống còn.
Hamas ngày càng trở nên đơn độc
Hamas từ lâu đã tin rằng một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông sẽ giúp họ giành chiến thắng trước Israel. Nhưng, theo các quan chức Mỹ, thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được vừa qua, nhằm chấm dứt giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah của Lebanon đã khiến chiến lược đó bị phá vỡ. Bởi, thỏa thuận đó nhiều khả năng sẽ loại bỏ đồng minh quan trọng nhất của Hamas khỏi cuộc chiến.
Thỏa thuận này là một bước tiến của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn đã cố gắng kiềm chế cuộc chiến tranh đang lan rộng, đồng thời tăng áp lực buộc Hamas phải đạt được thỏa thuận với Israel và thả các con tin mà lực lượng này đang giam giữ ở Gaza.
Sau khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023, thủ lĩnh Yahya Sinwar đã tập trung vào việc cố gắng đánh bại đối thủ bằng cách đưa Israel vào một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah và Iran. Các quan chức Mỹ cho biết miễn là chiến lược đó có vẻ có cơ hội, ông Sinwar sẽ chặn bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.
Nhưng, cuộc tấn công của Israel vào Hezbollah, tiêu diệt ban lãnh đạo và kho vũ khí tầm xa của lực lượng này và giờ đây là đạt thỏa thuận ngừng bắn đã khiến Hamas ngày càng bị cô lập. “Hamas hiện đang đơn độc”, giáo sư Tamer Qarmout, chuyên gia về chính sách công tại Viện nghiên cứu sau đại học Doha (Qatar), cho biết. “Vị thế của họ đã bị suy yếu nghiêm trọng”.
Iran, quốc gia ủng hộ Hamas và Hezbollah, dường như muốn tránh một cuộc chiến trực tiếp với Israel, ít nhất là vào lúc này. Hệ thống phòng không của Iran đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công của Israel vào tháng 10 và sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, Iran dường như đã hủy bỏ một cuộc tấn công trả đũa.
Hơn một năm sau vụ tấn công ngày 7/10 vào Israel, Hamas đã đi đến ngã ba đường đau đớn. Cuộc chiến trả đũa của Israel ở Gaza đã giết chết hàng chục nghìn người Palestine và khiến phần lớn vùng đất này trở thành đống đổ nát. Hàng chục chỉ huy Hamas và hàng ngàn chiến binh của họ đã bị giết. Một số người Palestine đổ lỗi rằng cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã gây ra chiến dịch tàn phá ở Gaza. Và, dù Hamas có thể không bao giờ bị xóa sổ hoàn toàn, nhưng lực lượng này cũng không còn kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ mà họ đã quản lý kể từ năm 2007.
Hamas đã xuống thang nhưng Israel không vội vàng
Trước khi Israel đạt thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Hezbollah ở Lebanon vào ngày 27/11 vừa qua, các quan chức Mỹ cho biết hội đồng chính trị Hamas dường như sẵn sàng hướng tới lệnh ngừng bắn của riêng mình nếu Israel sẵn sàng thỏa hiệp, đặc biệt là về việc rút lực lượng chiếm đóng khỏi Gaza. Một số quan chức Mỹ thậm chí tin rằng Hamas có thể từ bỏ các yêu cầu của mình và tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn được Chính phủ Israel chấp nhận.
Nhưng, hầu hết các quan chức phương Tây khi được tờ Wall Street Journal phỏng vấn đều cho biết Israel dường như không quan tâm đến việc nhượng bộ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu dường như đang chờ ông Donald Trump nhậm chức trước khi thay đổi lập trường của mình về các cuộc đàm phán với Hamas. Hiện tại, dù ông Trump đã thúc giục Israel "kết thúc" cuộc chiến ở Gaza nhưng ông không có khả năng gây áp lực đáng kể lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoặc quân đội Israel bằng cách đe dọa cắt viện trợ quân sự.
Một số quan chức phương Tây cho biết thêm, Israel vẫn còn hoài nghi đối với ý tưởng của Mỹ và các nước Arab về việc quản lý Dải Gaza sau chiến tranh. Theo đó, Thủ tướng Netanyahu tin rằng các kế hoạch đưa chính quyền Palestine (PA) vào quản lý Dải Gaza chắc chắn sẽ thất bại và rồi Hamas sẽ nhanh chóng tận dụng tình hình đó để giành lại quyền kiểm soát.
Theo Báo Wall Street Journal, nhiều quan chức Mỹ am hiểu về Trung Đông cũng tin rằng Hamas sẽ tìm cách tiếp tục nắm quyền tại Gaza sau thỏa thuận ngừng bắn. Do vậy, những tín hiệu xuống thang của lực lượng Palestine này có thể chỉ là “động tác kỹ thuật” cho mục tiêu xa hơn.
Sự thất vọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Hamas đã tăng lên kể từ cuối tháng 8 khi các chiến binh của lực lượng này hành quyết một nhóm con tin, bao gồm một người Mỹ có tên Hersh Goldberg-Polin. Gần đây hơn, các quan chức Mỹ đã gây sức ép buộc Qatar trục xuất hội đồng chính trị của Hamas khỏi Doha. Một số thành viên của giới lãnh đạo chính trị Hamas vì thế hiện đã rời Qatar và tạm thời chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước khi bị giết vào cuối tháng 10, thủ lĩnh Sinwar đã giao nhiệm vụ cho hội đồng gồm 5 thành viên của các quan chức tại Qatar điều hành công việc của Hamas. Điều này được một quan chức cấp cao của Hamas - Mousa Abu Marzouk tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Nga. Yahya Sinwar đã chỉ đạo Hamas kể từ khi hình thành cuộc tấn công ngày 7/10 và giám sát quá trình ra quyết định chiến lược của tổ chức này trong suốt cuộc chiến.
Nhưng, ông Abu Marzouk cho biết thủ lĩnh Yahya Sinwar ủy quyền cho hội đồng vì "ông ấy đang ở tiền tuyến chiến đấu" và gặp khó khăn trong việc liên lạc với các nhà lãnh đạo Hamas bên ngoài Gaza. Theo Osama Hamdan, một quan chức cấp cao của Hamas, 2 tuần trước khi qua đời, ông Sinwar đã gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo Hamas, yêu cầu họ chuẩn bị cho một cuộc chiến dài lâu. “Càng kéo dài, chúng ta càng tiến gần đến giải phóng”, ông Hamdan nhớ lại lời thủ lĩnh Sinwar nói. “Hãy chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao lâu dài chống lại sự chiếm đóng này”.
Nguy cơ chia rẽ nội bộ
Sau cái chết của thủ lĩnh Yahya Sinwar, thực tế phũ phàng bắt đầu trở nên rõ ràng hơn với Hamas, khi Iran miễn cưỡng tiến hành một cuộc chiến tranh dữ dội hơn với Israel và Hezbollah phải chịu sự tàn phá trong cuộc tấn công của Israel.
Hamas từ lâu đã nghĩ rằng ông Netanyahu yêu cầu họ đầu hàng hoàn toàn, điều mà lực lượng này kiên quyết không chấp nhận. Nhưng, một số nhà lãnh đạo Hamas gần đây đã thảo luận về những nhượng bộ tiềm năng mà họ có thể thực hiện nếu Israel thể hiện sự quan tâm thực sự trong việc chấm dứt chiến tranh và rút khỏi Gaza.
Một đề xuất đang được các nhà lãnh đạo Hamas xem xét sẽ cho phép Israel duy trì sự hiện diện - ít nhất là tạm thời - ở khu vực biên giới giữa Ai Cập và Gaza, nơi được gọi là Hành lang Philadelphi. Các quan chức Hamas từng nhiều lần công khai phản đối bất kỳ sự kiểm soát lâu dài nào của Israel đối với khu vực này.
Trong một tuyên bố cuối tuần qua, Hamas ca ngợi Hezbollah và cho biết họ cam kết nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza dựa trên các chi tiết mà lực lượng này đã nêu ra trước đó. Hamas cho biết các chi tiết đó bao gồm lệnh ngừng bắn, việc rút quân của Israel, việc hồi hương những người di tản về phía Bắc Gaza và trao đổi tù nhân Palestine lấy con tin.
Thế nhưng, cơ quan tình báo của 3 quốc gia Trung Đông, bao gồm cả Israel, lại chỉ ra rằng Hamas dường như đang sẵn sàng nhượng bộ hơn. Áp lực từ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với phong trào Palestine, có thể đã góp phần vào sự thay đổi đó. Các quan chức Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi thường xuyên với Khalil al-Hayya, nhà đàm phán hàng đầu của Hamas, trong tháng qua và đều có ấn tượng rằng lực lượng này sẵn sàng đưa ra những quyết sách linh hoạt hơn.
Hiện tại, Hamas còn chia rẽ về các vấn đề quan trọng khác, bao gồm vai trò mà lực lượng này nên nắm giữ ở Dải Gaza sau chiến tranh và những thỏa hiệp nào mà họ nên thực hiện với Israel. Và, thật khó để dự đoán sự chia rẽ đó sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận nội bộ của Hamas diễn ra như thế nào.
“Giải pháp cho những tổn thất quân sự của Hamas đơn giản hơn khi có một kim tự tháp về mô hình chỉ huy và mỗi chỉ huy hoặc chiến binh phía dưới đều có thể được thay thế”, ông Salah al-Din al-Awawdeh, một nhà phân tích thân cận với giới lãnh đạo Hamas cho biết với Báo Wall Street Journal. “Nhưng, ở cấp độ chính trị, mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Cuối cùng, sẽ cần phải có các cuộc bầu cử. Cũng có nhiều phe phái và cán cân quyền lực khác nhau. Tất cả những điều này khiến việc dự đoán tương lai của Hamas trở nên khó khăn”.