Hàn Quốc trước sức ép cung cấp vũ khí cho Ukraine
Hiện tại, khi Ukraine cạn kiệt đạn dược và đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng trong cuộc chiến với Nga, các đồng minh phương Tây của Kiev đang tăng cường kêu gọi Hàn Quốc đóng góp trực tiếp, bất chấp chính sách của Seoul cấm hỗ trợ quân sự cho các quốc gia có chiến tranh.
Trong nhiều thập kỷ sau khi ký hiệp định đình chiến vào năm 1953 trong Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã sản xuất và dự trữ một lượng lớn đạn pháo phòng trường hợp nổ ra chiến tranh một lần nữa. Seoul nhiều lần tuyên bố sẽ tuân thủ chính sách kiểm soát xuất khẩu vũ khí của mình trong khi tìm cách khác để hỗ trợ Ukraine, đồng thời cũng quan tâm cảnh giác với tác động thương mại với Nga và khả năng Moscow sẽ trả đũa bằng cách giúp CHDCND Triều Tiên thúc đẩy chương trình hạt nhân và vũ khí.
Các tài liệu mật bị rò rỉ của Mỹ cho thấy Hàn Quốc đang đấu tranh với yêu cầu của Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và Washington đã gia tăng áp lực lên chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong vấn đề này. Các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến Ukraine cũng tham gia gây áp lực với Hàn Quốc. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 11/4 đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden làm trung gian cho một thỏa thuận cho phép Hàn Quốc chuyển đạn pháo 155 ly mà ông cho rằng Ukraine đang rất cần. Các đồng minh phương Tây đang làm việc để sản xuất hoặc mua cho Ukraine nhiều đạn pháo hơn để sử dụng trong chiến trường, kể cả lựu pháo.
Tiết lộ được đưa ra vào thời điểm bấp bênh trong quan hệ Mỹ-Hàn, khi Tổng thống Biden chuẩn bị tiếp đón ông Yoon trong một bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước ở Washington vào cuối tháng 4. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ củng cố liên minh Mỹ-Hàn, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập vào năm nay. Kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái, ông Yoon, một người bảo thủ, đã lôi kéo Hàn Quốc xích lại gần hơn với Mỹ. Chính quyền của ông đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của vụ rò rỉ, gọi nội dung của nó là “đã thay đổi” và “không đúng sự thật”, ngay cả khi phe đối lập kêu gọi chính quyền ông Biden đưa ra câu trả lời.
Kwon Ki-chang, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Ukraine cho biết có một giới hạn đối với những gì một đồng minh có thể làm cho Seoul khi nước này phải hứng chịu sự trả đũa về kinh tế và ngoại giao từ Nga. Ông Kwon cho biết chính quyền ông Yoon nên cung cấp cho Kiev vũ khí sát thương để chống lại Nga, nhưng cho biết Seoul phải đối mặt với các mối đe dọa trả đũa thực sự. Ông nói Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn về việc quyết định hy sinh lợi ích nào. “Ngoại giao dựa trên giá trị gây thiệt hại lớn cho Hàn Quốc, nhưng chúng ta cần đẩy mạnh tham gia các nỗ lực của đồng minh cho Ukraine”. Đạo luật Ngoại thương của Hàn Quốc cấm xuất khẩu vũ khí trừ mục đích hòa bình và cấm tái xuất sang các nước bên thứ ba mà không có sự cho phép của Seoul. Cơ quan quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc cũng quy định những mặt hàng nào được phép xuất khẩu theo luật.
Tuy nhiên, trước sức ép ngày càng tăng của Mỹ và các đồng minh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng chính phủ của ông đang tìm cách giúp bảo vệ và tái thiết Ukraine, giống như Hàn Quốc đã nhận được hỗ trợ quốc tế trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
“Tôi tin rằng sẽ không có giới hạn nào đối với mức độ hỗ trợ để bảo vệ và khôi phục một quốc gia”, ông Yoon nói với hãng Reuters. “Tuy nhiên, xem xét mối quan hệ của chúng tôi với các bên tham chiến và những diễn biến trên chiến trường, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp nhất”. Đây là lần đầu tiên Seoul ám chỉ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Chuyên gia Go Myong-hyun, một nhà nghiên cứu và chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, cho biết có thể dỡ bỏ một số yêu cầu cấp phép tái xuất khẩu thông qua hành động hành chính hoặc quy định, nhưng những thay đổi thực chất hơn sẽ đòi hỏi những thay đổi về mặt pháp lý. Việc xuất khẩu vũ khí sát thương sẽ cần có sự cho phép của Chính phủ Hàn Quốc.
Thay vào đó, Seoul đã gửi các hỗ trợ khác tới Ukraine, bao gồm cam kết viện trợ nhân đạo 100 triệu USD. Năm ngoái, các công ty quốc phòng Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu vũ khí lớn nhất từ trước đến nay với Ba Lan, bao gồm xe tăng chiến đấu K2 và pháo tự hành K9, cho phép Ba Lan gửi thiết bị của mình tới Ukraine và Hàn Quốc để khẳng định không xuất khẩu vũ khí cho các nước đang trong tình trạng chiến sự.
Lee Ho-ryoung, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc, cho biết: Ngoài ra, Bình Nhưỡng đã nhiều lần nhấn mạnh về một “Chiến tranh Lạnh mới” nhằm sử dụng cuộc chiến ở Ukraine và cạnh tranh Mỹ-Trung để tạo lợi thế cho mình. Bình Nhưỡng đang xích lại gần hơn với Bắc Kinh và Moscow, cũng chính các mối quan hệ đó đã giúp bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt bổ sung của Liên hợp quốc nhằm đáp trả các vụ thử tên lửa đạn đạo của nước này.
Nga hôm 19/4 đã lên tiếng phản bác ý định của Tổng thống Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine và khẳng định rõ ràng rằng Moscow sẽ đáp trả bằng sự hỗ trợ quân sự mới cho CHDCND Triều Tiên nếu Seoul triển khai thực hiện những gì như ông Yoon đã nói.
“Hàn Quốc nhận thức rõ về những tác động tiêu cực sắp xảy ra do quyết định cuối cùng của họ tham gia nhóm “các nhà tài trợ quân sự” cho Kiev và cung cấp vũ khí sát thương cho nước này”, Đại sứ quán Nga tại Hàn Quốc viết trên Telegram trong một bài viết về sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Kyiv. “Những hành động như vậy chắc chắn sẽ hủy hoại mối quan hệ Nga-Hàn vốn đã phát triển mang tính xây dựng vì lợi ích của cả hai quốc gia trong 3 thập kỷ qua”.